1. Tin chiến sự ngày 05/08
Hôm nay tui quyết định lấy tin tổng kết từ CSD (Foundation for support of reforms in Ukraine) cho nó… đa chiều không lại có bác bảo là pro-Ukraine quá.
• Tình hình chung:
- Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục các chiến dịch tấn công trên các hướng Bakhmut, Melitopol, Tokmak và Berdyansk. Địch tập trung lực lượng chính vào các hướng Kupyansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka.
- Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục cuộc tấn công của họ vào ít nhất ba khu vực của chiến tuyến và đang phát triển tiến bộ ở tỉnh Zaporizhzhia.
- Các lực lượng Nga đã tiến hành các chiến dịch tấn công dọc theo tuyến Kupyansk – Svatove – Kreminna gần Bakhmut, khu vực biên giới giữa tỉnh Zaporizhzhia với tỉnh Donetsk. Ngoài ra, đã có những bước tiến ở phía tây của tỉnh Zaporizhzhia và ở một số khu vực của mặt trận.
- Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện một loạt cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái trên không và trên biển nhằm vào cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật và cảng của Nga ở Crimea bị chiếm đóng và Krasnodar Krai (vùng).
- Hỏa lực pháo binh và MRLS của Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục làm “phức tạp hóa” hệ thống hậu cần của quân Nga theo hướng Zaporizhzhia;
- Tốc độ của các hoạt động tấn công do nhóm tác chiến “Tavriya” tiến hành theo hướng Orikhiv đã giảm liên tục trong ba ngày qua.
• Đến cuối ngày 05/08 đã có hơn 36 trận giao tranh đã diễn ra theo các hướng khác nhau của mặt trận
- Trên hướng Kupyansk, quân đội Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Ukraine gần Novoselivske, Novovodyanе, Karmazynivka. Chúng tăng cường các hành động tấn công trên các hướng Kupyansk, Lyman và Svatove, tiến gần Novoselivske dọc theo tuyến đường H-26 và chọc thủng các vị trí của Lực lượng Phòng vệ Ukraine ở phía bắc khu định cư. Cuộc tiến công của họ tiếp tục về phía bắc Kupyansk và tới sông Oskil phía tây Svatove.
- Trên hướng Lyman, lực lượng Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine gần rừng Serebryanskyy, Bilohorivka, Spine và Vesele.
- Nhóm tác chiến “Tsentr” (Trung tâm) của kẻ thù đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ gần Kreminna. Cuộc phản công của chúng đạt được thành công về mặt chiến thuật và tiến lên, tiến đến vùng ngoại ô phía đông của Bilohorivka. Họ cũng mở các cuộc tấn công vào phía nam và đông nam của Dibrova.
- Trên hướng Bakhmut, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang kìm chân kẻ thù ở các khu vực Klishchiivka, Kurdyumivka, hồ chứa Berkhiv và phía nam và đông nam Ivanivske.
- Các lực lượng Nga duy trì quyền kiểm soát Andriivka. Trên hướng Avdiivka, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của quân đội Nga tại khu vực Avdiivka, đồng thời tiếp tục ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga tại các khu vực Maryinka, Staromykhailivka và Krasnohorivka.
• Hướng Zaporizhia:
- Hướng Tokmak (Robotyne): Lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc tấn công không thành công gần Novopokrovka, đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine gần Robotyne.
- Hướng Berdyansk (Velyka Novosilka): Các lực lượng Nga đã cố gắng khôi phục vị trí đã mất ở khu vực Blahodatne, phía tây Staromayorske và phía đông Urozhaine nhưng không thành công.
- Nhóm tác chiến “Tavriya” đã thực hiện một số cuộc tấn công gần Urozhaine nhưng không tiến lên được. Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công các vị trí của Nga gần Mykilske nhưng các lực lượng Nga đã giữ vững phòng tuyến đã chiếm đóng.
- Tại khu vực tác chiến hải quân Biển Đen – Azov có 7 tàu Nga, trong đó có 1 tàu mang tên lửa hành trình làm nhiệm vụ trực chiến ở Biển Đen, 3 chiếc ở Biển Azov, 8 chiếc ở Địa Trung Hải, trong đó có 2 tàu mang tên lửa hành trình. Tổng số đạn là 28 tên lửa hành trình Kalibr.
- Drone mặt nước “Magura V5” đã tấn công tàu chở dầu “Sig” của Nga, trước đó đã vận chuyển dầu máy bay cho nhóm Không quân Nga ở Syria.
• Thay đổi trong bố trí lực lượng của kẻ thù:
- Sư đoàn bộ binh cơ giới số 150 của Quân đoàn 8 thuộc Quân khu phía Nam của Nga được chuyển từ Maryinka sang hướng Bakhmut.
• Các chỉ số leo thang chiến sự:
- Ukraine đã tuyên bố mối đe dọa quân sự đối với hoạt động đi lại trong vùng biển của các cảng Anapa, Novorossiysk, Gelendzhik, Tuapse, Sochi và Taman.
- Vào ngày 4 tháng 8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga S.Shoigu đã đến thăm sở chỉ huy tiền phương của cụm quân “Trung tâm” của Nga bố trí trên hướng Lyman.
• Diễn biến tình hình hoạt động có thể xảy ra:
- Để ngăn chặn bước đột phá của đội tiên phong của Cụm tác chiến “Tavriya” đối với tuyến phòng thủ chính của chúng, bộ chỉ huy của kẻ thù có thể chọn tập hợp một nhóm chiến thuật bao gồm các đơn vị từ Lữ đoàn Biệt kích 100, Biệt đội 14 “BARS” và 249 Tiểu đoàn cơ giới đặc biệt riêng biệt “Akhmat-Yug” (Dịch vụ Liên bang của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga). Sau đó, họ có thể cố gắng phản công trong khu vực phòng thủ của Trung đoàn bộ binh cơ giới số 70 của Nga (Sư đoàn bộ binh cơ giới số 42) về phía Novodanylivka dọc theo đường H-08.
- Ở phía bắc Klishchiivka, địch đang chuẩn bị phản công bằng lực lượng của trung đoàn bộ binh cơ giới 102 (sư đoàn bộ binh cơ giới 150). Giữa Klishchiivka và Andriivka, kẻ thù đang chuẩn bị một loạt các cuộc phản công với lực lượng của lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập thứ 72, được hỗ trợ bởi trung đoàn xe tăng 68 (sư đoàn bộ binh cơ giới thứ 150). Bộ chỉ huy của kẻ thù có kế hoạch triển khai trung đoàn bộ binh 105 dự bị động viên ở khu vực Khromove.
Bình loạn : Mọi khi tui sử dụng tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine hoặc Đại bản doanh các lực lượng vũ trang Ukraine, thường nó khô khan hơn và cũng rất cô đọng. Các bản tin khác mọi người có thể tìm được rất nhiều trên mạng, của phía Ukraine hẳn hoi và rõ ràng là họ viết không có chuyện tô hồng. Tui cố tình đưa gần như trọn vẹn cả bản tin vào đây để các bác cùng đọc và cùng suy nghĩ.
Vậy thì điều quan trọng ở đây, “thông tin” thì đã đành nhưng thu nạp thông tin như thế nào để có nhận thức đúng đắn lại là một chuyện khác.
2. Có một tin chắc các bác ít để ý: Cứ cách khoảng 5 ngày truyền thông Nga lại đưa tin dùng tên lửa bắn vào căn cứ không quân Ukraine ở tỉnh Khmelnisky, chính xác là ở thị trấn Starokostyantyniv cách tỉnh lỵ đâu vài chục ki-lô-mét về phía bắc.
Chẳng hạn như hôm qua, một số kênh blogger quân sự Nga đưa tin: ba loạt các cuộc tấn công tên lửa đã được thực hiện tại căn cứ không quân Starokonstantinov (Starokostyantyniv tiếng Ukraine). Vào buổi tối (hôm qua) lực lượng hàng không vũ trụ Nga bằng tên lửa hành trình Kinzhal, và vào ban đêm bằng các tên lửa “Geraniums” và “Kalibr”, được biết có thể bổ sung tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101. Đây là cuộc tấn công bằng tên lửa lớn nhất vào một căn cứ không quân trong toàn bộ cuộc chiến từ 2/2022 đến nay.
Phải nói rằng chính những blogger Nga này cũng là những tay phân tích tin tình báo hạng khá – giỏi. Trước thời điểm cuộc tấn công diễn ra vài tiếng, chúng viết: “Kẻ thù (người Ukraine) báo cáo rằng 7 máy bay Tu-95MS mang tên lửa chiến lược đang hướng tới các vị trí phóng ở Biển Caspian.” Chúng than vãn nhờ có hệ thống vệ tinh quân sự của ai đó mà người Ukraine nắm tường tận thời gian và lộ trình cất cánh của máy bay Nga trên lãnh thổ Nga và dự đoán được thời điểm phóng tên lửa khá chính xác.
Các ảnh kèm theo: bản đồ Google chỉ căn cứ không quân Starokostyantyniv, cách thành phố Kherson khoảng 540 ki-lô-mét về phía tây bắc, và không ảnh của Nga chụp các máy bay trên sân bay.
Bình loạn : Bọn Nga biết rõ sân bay Starokostyantyniv là nơi xuất phát của các máy bay cường kích Su-24 đến chiến trường để phóng Storm Shadow. Vì vậy cú tập kích tên lửa này nếu được xác minh là thật, thì nó cũng cho thấy Nga quá sốt ruột với Storm Shadow và muốn xử lý tận gốc, nghĩa là tiêu diệt số Su-24 của Ukraine.
Trong các bản không ảnh thấy chụp rõ mồn một máy bay, trông… thích thế, ai chẳng muốn bấm nút tên lửa. Còn người Ukraine thì cứ như là “gớm chờ mãi, bây giờ mới bắn à.” Theo tui biết thì căn cứ này bị bắn tên lửa ít nhất 2 lần vào năm nay và 1 lần và năm ngoái. Chúng ta lại nhớ đến cái sân bay Kherson, mà ở đó Nga bố trí kho đạn, nó bị pháo kích nổ tung trời đến lần thứ 18 hay 19 gì đó mà sau đó quân Nga vẫn khôi phục lại để chứa đạn tiếp. Tưởng ai cũng suy nghĩ giản đơn như mình à?
Có bác hỏi tui những câu hỏi liên quan đến… tên lửa, nhìn chung là chuyện khó vì tui khá mù mờ về vũ khí. Chẳng hạn câu hỏi như thế này: tại sao tên lửa Nga thì hay thích làm siêu âm siêu thanh gì đó, bay rõ nhanh để báo chí và bọn dư luận viên Việt cứ háo hức hết cả lên, suốt ngày tung hô nổ vang trời. Trong khi tên lửa của tây xem các thông số kỹ thuật thì thường tốc độ cận âm, nghĩa là bay chậm hơn nhiều?
Một chuyên gia quân sự phương Tây nào đó tui quên rồi, có giải thích điều này như sau: phương tây tập trung vào phương án tàng hình cho tên lửa và tăng khả năng thâm nhập của khoa học điều khiển vào hệ thống tên lửa. Trong đó việc một tên lửa có thể được lập trình theo nhiều mục tiêu từ khi phóng, rồi trong quá trình bay nó tính toán lại để chọn mục tiêu ưu tiên, cứ thế giảm dần số mục tiêu theo dõi đến chỉ còn có 1… Làm như vậy đòi hỏi không phải chỉ quả tên lửa, mà còn là cả hệ thống điều khiển tác chiến trong đó có hệ thống thông tin tình báo.
Về quả tên lửa, ngoài những thứ bên trong là rất quan trọng thì có một cái không ai dám coi thường là lớp sơn tàng hình. Lớp này rất đắt tiền và đòi hỏi phải được sơn lại thường xuyên, do đó duy trì số tên lửa đó nhiều khi vượt quá ngân sách quốc phòng của một quân đội cỡ nhỏ. Vì vậy tên lửa của phương Tây không cần bay quá nhanh, như Tomahawk cũng chỉ có tốc độ cận âm Mach 0,74 (913,8 km/h).
Trong khi đó Nga hay Liên Xô trước đây, tìm cách vượt qua lưới phòng không của đối phương bằng cách… tăng tốc độ, nguyên nhân chính là do yếu về công nghệ tàng hình, mà nói thẳng ra là không chế tạo được sơn tàng hình. Vì lý do này đến giữa năm 2022 tin tình báo vỉa hè chợ Đồng Xuân đã đưa tin: các tổ hợp quốc phòng Nga thành công trong việc pha loãng 2 hộp sơn thành 3 hộp, he he, theo motiv “đấu 3 quả tên lửa SAM-2 thành 2 quả, nâng trần bắn để hạ gục B-52” của xứ nào đó.
Nếu năm ngoái đã không có sơn thì chẳng lý gì năm nay họ lại chế tạo được sơn cả – và đương nhiên thứ này là hàng quản lý Tây họ không bán.
Patriot có cổ lỗ nhưng nó chỉ là cái tên lửa, khả năng đánh chặn còn phụ thuộc cả vào hệ thống ở dưới đất nữa, chứ không chỉ quả tên lửa. Mà hệ thống dưới đất thì nó phụ thuộc vào… định luật Moore, nghĩa là “cứ vài tháng thì khả năng xử lý của hệ thống tăng gấp đôi trong khi giá giảm một nửa.” Nga thì vẫn không sản xuất được chip, à có Elbrus đem ra mà dùng.
Chuyện này tui viết rồi: Chiến lược chống tập kích đường không bằng tên lửa hành trình, không phải dựa trên đánh chặn, cái đó chỉ làm nức lòng những người hâm mộ thôi. Quan trọng là chiến thuật nghi binh, di chuyển, ngụy trang… để sao cho phần lớn tên lửa của đối phương bắn vào các mục tiêu giả.
Cho đến nay cuộc chiến tranh chống tên lửa Nga cho thấy, chủ yếu bọn Nga bắn vào các mục tiêu cố định (làm sao mà bắn được mục tiêu di động với công nghệ Nga chứ) và là các mục tiêu thực sự giá trị, kể cả chúng là các mục tiêu dân sự vì thế chúng tiêu tốn một số lượng lớn đạn phòng không để bắn hạ. Chúng ta lại nhớ lời ông Tư lệnh phòng không Ukraine: các hệ thống của phương Tây có tỉ lệ bắn hạ tên lửa Nga là 100 %. Như vậy với các tỉ lệ cho thấy vẫn có tên lửa không hạ được thì hoặc là do không đủ hệ thống, hoặc là kết quả của thế trận nghi binh.
• Thông tin thêm. Một kênh blogger quân sự Nga vừa đăng tin: “Phóng viên tờ Times Maxim Tucker, dẫn lời của một trung tá thuộc Bộ chỉ huy phòng không Ukraine, cho biết rằng vào tháng Mười hai năm ngoái Kiev “đã trên bờ vực sơ tán” do cường độ các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Tuy nhiên theo ông này, việc phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không đã ổn định tình hình. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp tên lửa cho họ đang cạn kiệt.
Tucker cũng tiết lộ số lượng tên lửa được sử dụng bởi (các hệ thống) Patriot: 160 tên lửa mỗi tháng, và có rất nhiều (đạn tên lửa) được sản xuất tại Hoa Kỳ trong một năm. Trong trường hợp (Nga) lặp lại một chiến dịch tấn công nhằm vào ngành năng lượng của Ukraine thì mùa đông này sẽ khó khăn hơn nhiều.
Người được phỏng vấn, một đại tá của Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, toàn bộ các hệ thống phòng không hiện có và được cung cấp cho Ukraine hiện được giao cho lực lượng phòng thủ của Kiev: Patriot, NASAMS, S-300, IRIS-T, Crotale.”
Bình loạn : Không có căn cứ để tin hay bác bỏ các thông tin trên, nhưng chính bọn Nga cũng thừa nhận tính hiệu quả của các hệ thống phòng không Ukraine nhận được. Đồng thời, có một tư duy hợp lý rằng những hệ thống cũ có nguồn gốc Xô-viết, được dùng để bảo vệ các khu vực khác ngoài Kyiv còn các hệ thống tiên tiến sẽ bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Đến đây thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể cho rằng cái sân bay kia có nhiệm vụ hút tên lửa Nga, cũng có lý.
Mấu chốt của vấn đề là Nga có nhiều thứ nguy hiểm, nhưng tên lửa hành trình là thứ nguy hiểm nhất và thể hiện rõ ràng nhất chiến lược chiến tranh của Putox: phá hoại sâu cuộc sống bình thường của dân Ukraine. Nhưng mặt khác thì luôn sợ bị tấn công vào lãnh thổ của mình và thường xuyên bắc loa dọa nạt về khoản đó, đặc biệt là cái loa Medvedev rất hay lôi vũ khí hạt nhân ra dọa. Vì thế chống tập kích đường không bằng tên lửa cũng là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang Ukraine.
Ngày hôm qua thì phong trào công nhân yêu nước Nga đã hút thuốc trong phân xưởng dây chuyền lắp ráp Iskander, và cháy nổ tưng bừng tan cả xưởng.
3. Chúng ta luôn nghe về tổn thất quân sự của Nga trên các phương tiện truyền thông trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng tại sao chúng ta không bao giờ nghe thấy nhiều tin tức về tổn thất quân sự của Ukraine trên các phương tiện truyền thông?
Thương vong của quân đội Ukraine thực sự không được báo cáo đầy đủ trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Điều này có một số lý do:
Mọi nhà báo tới tác nghiệp tại Ukraine phải được chính quyền Ukraine – Bộ Quốc phòng xác nhận, và điều này có nghĩa là họ phải tuân thủ một số quy tắc. Báo cáo về thương vong của quân đội Ukraine chỉ được phép thực hiện trong các trường hợp có tính cá nhân, chẳng hạn như khi một người đáng chú ý (giáo sư đại học đã nhập ngũ, những sĩ quan cấp cao) qua đời. Họ không thể công bố số thương vong của người Ukraine ngoài những con số được công bố chính thức, nếu không, xác nhận cho phép tác nghiệp sẽ bị tước.
Việc quay phim hoặc chụp ảnh các thiết bị quân sự của Ukraine dù còn nguyên hay đã bị phá hủy đều cần có sự cho phép đặc biệt. Ví dụ, quay phim chụp ảnh xác xe tăng Ukraine bị bắn cháy, hầu như không có chuyện quân đội Ukraine cấp cho phóng viên nước ngoài sự cho phép.
Hầu hết các nhà báo làm việc ở xa tiền tuyến và không thể kiểm soát hình ảnh và các thông tin nói chung từ các khu vực chiến sự, những cái đó chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tất cả mọi thứ có thể làm suy giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ và nhân dân đều cần phải bị loại bỏ.
Đồng thời, hầu hết các nhà báo nước ngoài cũng thực hiện một số hình thức “tự kiểm duyệt.” Họ đồng cảm với chính nghĩa và tự nguyện không báo cáo bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho nỗ lực kháng chiến của người Ukraine.
Vậy trong bài hôm trước, tại sao tui lại nhận xét rằng có một ông tây nào đó tên là Franz-Stefan Gady đến Ukraine và về viết bài “với những nhận xét tiêu cực”?. Đáng chú ý đây không phải là trường hợp cá biệt mà một số người khác cũng có thái độ tương tự, và Gady đã cung cấp cho họ một chất liệu quý để củng cố thái độ của mình?
Nếu như các bác đã có bác nào đã đọc đủ cả “Nhớ lại và suy nghĩ” của Zhukov, “Sự nghiệp cả cuộc đời” của A.M. Vasilevsky, “Bộ tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh” của Shtemenko thì sẽ thấy, ngay cả Zhukov cũng chỉ có thể viết được về chiến lược ở một giai đoạn nào đó.
Ví dụ trong các chiến dịch bao vây và giải phóng Stalingrad và sau đó là Kursk. Ông này và Vasilevsky là hai người vạch kế hoạch; trong khi Rokossovsky chỉ nắm được những vấn đề liên quan đến Phương diện quân mà ông ta làm tư lệnh chứ không biết được tình hình các khu vực khác. Trong khi đó khi Vasilevsky làm tổng tham mưu trưởng Hồng quân, và sau này là Shtemenko thì cả hai đều nắm được các vấn đề chiến lược chung liên quan đến chiến tranh, nhưng chưa nắm được các vấn đề chiến lược liên quan đến quốc gia và tình thế quốc tế, mà bây giờ hay được gọi là “địa chính trị.”
Tầm cỡ từ tập đoàn quân trở xuống, đã bắt đầu có những mù mờ nhất định. Ví dụ trường hợp của Chuikov trong trận Stalingrad là tư lệnh Tập đoàn quân xung kích số 62, khi viết hồi ký đã có những nhận xét về chiến dịch chê trách cấp trên. Và những nhận xét này vướng phải sự phản đối của những người lập kế hoạch trực tiếp, cụ thể là Zhukov, vì Chuikov không thể nắm được những vấn đề của tập đoàn quân khác, phương diện quân khác.
Còn đọc hồi ký Đất nhỏ của Brezhnev thì còn mù tịt nữa. Năm 1943 ông này mới là đại tá, chủ nhiệm chính trị của Tập đoàn quân 18 thuộc Phương diện quân Ukraine thứ nhất. Về sau trong hồi ký của mình Zhukov cũng buộc phải nhắc đến Brezhnev lấy một câu và… chấm hết, không có gì thêm. Vì phó tổng Tư lệnh tối cao biết làm sao được anh đại tá quèn; nhưng khi anh đại tá đã là tổng bí thư thì nguyên soái cũng phải cố cho lấy một câu vào hồi ký chứ.
Câu chuyện ở đây là, ngay cả khi bạn đến tận chiến hào thì bạn chỉ có thể thấy được sự khó khăn khốc liệt, hỏi lính thì lính chắc chắn bảo như thế, chẳng nhẽ người ta nói là đánh nhau dễ như chơi à? Điều này có diễn ra hồi năm ngoái một lần – tháng 3/2022, quân Ukraine bảo “không ngờ đánh Nga dễ như thế” – thực ra là do quân Nga yếu kém, và đến nay vẫn thế nhưng cũng đã có quá nhiều thay đổi. Trận đánh năm ngoái không còn là trận đánh năm nay nữa.
Vì thế, người lính không biết rất nhiều thứ chỉ huy cấp úy của mình biết, chỉ huy cấp úy không biết cái cấp tá biết và cấp tá không biết cái cấp tướng biết. Gady cũng chỉ lò mò đến cách chiến hào mấy cây số gì đó thôi mà.
4. Bây giờ là vấn đề mìn
Cụ KOL thân yêu của chúng ta lại hành hạ bà con bằng câu chuyện xe phóng mìn tự động của Nga.
Vào tháng 12/2022, Nga đã triển khai hệ thống đặt mìn bằng tên lửa phóng loạt mới nhất của mình. Tháng Ba 2023, chúng đã mất nó. Đạn cối được thả từ một máy bay không người lái đã phá hủy một hệ đặt mìn hiếm hoi của Nga. Hệ thống này được biết đến với cái tên ISDM Zemledeliye. Và đây không phải là lần triển khai ISDM Zemledeliye đầu tiên. Vào cuối tháng Ba năm ngoái, gần như ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, trên mạng xã hội đã lan truyền các đoạn video về việc triển khai hệ thống này ở Ukraine.
Nhìn chung, số lượng bao nhiêu giàn xe đặt mìn tự động loại này của Nga là tuyệt mật, không có nguồn tin nào xác nhận cụ thể.
Không chỉ Nga, mà phía Ukraine cũng có những thứ tương tự, ví dụ những loại mìn rải bằng đạn pháo. Trường hợp của ISDM Zemledeliye khá đặc biệt vì nó được tuyên truyền rùm beng, đình đám và được cho là thứ thiết bị hiếm hoi trên thế giới, chủ yếu ở khả năng rải được lượng mìn lớn trong thời gian ngắn.
Các đặc điểm của nó trên mạng đều có, với từ khóa “ISDM Zemledeliye” hoặc thêm bệ phóng rải mìn bằng tiếng Việt thì cũng có đầy bài về nó. Tuy nhiên nó được thiết kế để rải cái gì, thì chẳng ai nói cả. Loại xe này được thiết kết dùng hỏa tiễn phóng loạt để rải hai loại mìn chính: POM-3 “Medallion” (ПOM-3, tiếng Nga: Противопехотная Осколочная Мина, “mìn phân mảnh chống bộ binh”) và PTM-3 (tiếng Nga: ПТМ-3: ПротивоТанковая Мина-3) là một loại mìn lõm chống tăng của Liên Xô. Cả hai đều không thể được rải thủ công mà đều dùng đạn pháo để đưa nó đi. POM-3 nặng 1,8 kg, PTM-3 khi lắp ráp đầy đủ nặng 8,5 kg.
Như vậy, bản thân cái xe không phải là một ý tưởng gì mới mẻ, chẳng qua là… sản xuất bổ sung sau một thời gian bỏ bẵng từ khi quân đội Nga thay thế quân đội Xô-viết mà thôi.
Cụ thể hơn, nó dùng đạn 122 mm và giả định là đạn pháo phản lực nào đó như Grad BM-21 có đầu đạn nặng 20 kg, thì nhiều khả năng người ta phải giảm liều phóng, giảm tầm bắn của đạn và như vậy một hỏa tiễn có thể mang được ít nhất 4 quả mìn chống tăng đi xa nhất 15 km.
Bây giờ cần quay lại với quả mìn PTM-3 – nó được thiết kế để chống xe tăng NATO từ thế kỷ trước, và do vậy xe tăng NATO cũng phải thích ứng với nó. Bản thân các nghiên cứu thực tiễn cho thấy không có xe tăng nào chịu được quả mìn chống tăng cỡ lớn – thường có khối lượng thuốc nổ 10 kg và cả vỏ thì nặng 15 kg, một khối lượng không khả thi cho rải bằng pháo binh. Những thử nghiệm khả năng sống sót của xe tăng NATO với những loại mìn hạng nhẹ của Liên Xô loại rải tự động, cho thấy chúng không đủ để phá xe tăng, hầu hết là không gây thương vong cho tổ lái. Ngay cả mìn chống tăng hạng nặng được chôn thủ công cũng có thể chỉ gây hư hại (tất nhiên là khá nặng, nặng hơn mìn rải tự động) nhưng vẫn không đủ phá hỏng tan hoang xe tăng.
Tất nhiên ở đây còn có câu chuyện của vị trí kho đạn trong xe và cả khả năng chống kích nổ của đạn nữa. Đạn của Nga thì rất dễ cháy nổ nên nhiều khi dính đạn, dính mìn không chết vì đạn và mìn mà chết vì ngồi trên đống thuốc nổ của chính mình.
Hai loại mìn được kể trên đây có cơ chế kích nổ như sau. POM-3, bằng rung động và âm thanh, khi lính đối phương tiến đến gần nó sẽ “nghe” và nổ, gây sát thương trong một vòng tròn bán kính 16 m. PTM-3 có cơ chế kích nổ bằng từ trường cảm ứng từ xe chiến đấu của đối phương.
Vai trò của bãi mìn hiện nay, không phải là để tiêu diệt xe tăng ngay lập tức mà chủ yếu làm cho nó không chạy tiếp được, sau đó nó bị tiêu diệt bằng các phương tiện khác: từ vũ khí chống tăng của tiểu đội – trung đội bộ binh đến pháo chống tăng cấp đại đội (Nga vẫn duy trì một số lượng pháo chống tăng bắn thẳng đáng kể) và cao hơn, là các loại pháo bắn gián tiếp (cầu vồng) cấp tiểu đoàn trở lên.
Do cơ chế kích nổ của các loại mìn Nga trên đây, chắc chắn người Ukraine đã nghiên cứu phương án cho kích nổ hàng loạt, như trong một bài báo của Pháp cho biết người Ukraine có thể dùng đạn pháo chùm để kích nổ bãi mìn, còn phá mìn từ trường thì Việt Nam nhà mình cũng có thiết bị. Tất nhiên xe phá mìn bắn dây thuốc nổ thì tốt quá, nhưng nếu không có thì cũng có phương pháp khác.
Với người Nga, cái xe rải mìn tự động không phải chỉ để rải mìn ban đầu, mà nó rất quý để rải mìn bổ sung – chẳng hạn rải thêm mìn ở những chỗ phòng tuyến đã bị chọc thủng. Còn với người Ukraine thì không phải vấn đề của những quả mìn được rải tự động, mà là mìn chôn tay: khó phát hiện, và là mìn cỡ lớn có thể phá hủy xe tăng.
Như vậy cách đặt vấn đề của hai bên hiện nay, là với quân Nga làm sao giữ được hệ thống pháo binh để tiêu diệt xe tăng, bọc thép Ukraine trước khi nó tiến đến tuyến công sự phòng ngự, tức là khi nó sa bãi mìn. Còn với người Ukraine thì làm sao xử lý được pháo binh Nga cho đến khi nó gần bằng Zero, lúc đó mới tấn công được. Hiện nay họ đã có đạn chùm nên việc đẩy bộ binh Nga ở các tuyến chiến hào đầu tiên về phía sau không còn là vấn đề quá khó.
Nhìn lại lịch sử, trong trận Kursk quân phát-xít Đức coi thường bãi mìn của Liên Xô nên đã phải trả giá đắt, họ hy sinh lượng lớn xe tăng trước khi đột phá được đến tuyến chiến hào của Liên Xô. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là bãi mìn ngăn được xe tăng Đức, bằng chứng là ở bất cứ hướng nào của chiến dịch tấn công họ đều có thể đột phá được tối thiểu là qua tuyến phòng thủ thứ nhất.
Riêng ở khu vực Phương diện quân Voronezh của Vatutin, quân Đức tiến được cả chục ki-lô-mét trong ngày tấn công đầu tiên. Trong trận đánh này, điều quan trọng nhất là Hồng quân giữ được ưu thế về pháo binh, nhất là khi đánh đòn phản chuẩn bị vào lúc 3 giờ sáng ngày 05/07 sau khi bắn vào tuyến xuất phát (giả định và đúng ở nhiều nơi) của quân Đức, pháo Xô-viết chuyển làn bắn vào các vị trí của pháo binh Đức sau khi các khẩu đội pháo Đức hồi tỉnh và phản pháo. Sau đó là vai trò của không quân cường kích với IL-2 “Sturmovik” cũng diệt rất nhiều xe tăng Đức trước khi chúng tiến đến bãi mìn và cả trên tuyến phòng ngự.
Vì vậy theo nhìn nhận cá nhân của tui, người Ukraine không cần phải vội phá mìn làm gì – còn những nhiệm vụ phá mìn hiện nay là chỉ ở những nơi đã an toàn. Việc của họ bây giờ là xử lý pháo binh, hậu cần Nga và bào mòn sức chiến đấu của quân Nga kia. Một khi đã không còn sức mạnh pháo binh thì Nga không thể trụ được, thì có cố rải mìn bổ sung từ xa, cũng chẳng thể bịt được lỗ thủng vỡ phòng tuyến.
Còn việc chúng ta là vững tin, kiên nhẫn chờ đợi và kiên quyết không để các tư tưởng lung lay tiêm nhiễm. Chúng ta cần hình dung rằng, với người Ukraine hiện nay không có ai sai lính ra phá mìn dưới làn đạn cả, mà sẽ tiêu diệt tan hoang cả một đoạn phòng tuyến, và hiện nay đang giai đoạn đầu là xử lý kho đạn và pháo binh ở phía sau kia. À nhân tiện các đơn vị nào ở phía sau nấp trong đống rơm không ngụy trang kỹ cũng chiếu cố luôn.
P/S. Có nguồn tin mạng xã hội (không chắc chắn) cho biết nhiều mìn của Nga rải bị quá hạn không nổ được.
5. Nhận xét và đoán mò
Thay vì đọc tin của CSD trên đây, ta đến một tin khác. Trên đây CSD viết: “Tốc độ của các hoạt động tấn công do nhóm tác chiến “Tavriya” tiến hành theo hướng Orikhiv đã giảm liên tục trong ba ngày qua.” Vậy trong ba ngày đó (2-3-4/8), diễn biến ở khu vực này như thế nào?
Nhóm tác chiến – chiến lược “Tavriya” là một đội hình tổ chức tác chiến của Lực lượng Lục quân Ukraine, hiện do chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi chỉ huy. Một đại tá dưới quyền ông, Seriy Kuzmin phó chỉ huy của “Tavriya” đã cho biết trong cuộc điện đàm với United News.
“Cuộc tấn công phản công của Ukraine tiếp tục đạt được tiến bộ trên các hướng quan trọng khác nhau và phòng tuyến của Nga. Ở Berdyansk, hướng Melitopol… cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine đang diễn ra. Ở các hướng Avdiyivka và Maryinka, quân đội Ukraine giữ thế phòng thủ. Quân chiếm đóng mất hai đến ba đại đội mỗi ngày, và sáu kho đạn của địch cũng bị phá hủy trong ngày qua (04/08).
“Trong khu vực chúng tôi chịu trách nhiệm, một chiến dịch phòng thủ hiện đang được tiến hành ở các hướng Avdiyivka và Maryinka. Một chiến dịch tấn công cũng đang diễn ra ở các hướng Berdyansk và Melitopol. Các trận chiến ác liệt vẫn tiếp diễn, kẻ thù không ngừng cố gắng tấn công theo hướng Avdiyivka, 14 cuộc tấn công đã được thực hiện trong ngày qua. Chúng tôi đã có những bước tiến nhất định theo hướng tấn công, lực lượng phòng thủ của chúng tôi đang tự tin tiến về phía trước.” Ông cũng xác nhận rằng các lực lượng phòng thủ Ukraine vẫn đang tiến lên trên khu vực Avdiyivka.
Trả lời câu hỏi về việc phá hủy các kho đạn dược ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của người Nga, Kuzmin nói: “Sáu kho dã chiến như vậy đã bị phá hủy ngày hôm nay… Đương nhiên điều này làm gián đoạn các hoạt động hậu cần của họ, họ sẽ khó khăn hơn trong việc cung cấp cho các đơn vị của mình vũ khí và thiết bị quân sự, vì vậy đây là một động lực tích cực và chúng tôi đang làm công việc này một cách có mục đích.”
Ông nói thêm rằng người Nga đang thiếu đạn dược, vì vậy kẻ thù đang cố gắng triển khai lại nguồn lực của mình từ các hướng khác, bao gồm cả Crimea, sang khu vực này. Đồng thời, việc phá hủy cây cầu đường sắt (Chongar) và đường bộ bị hư hỏng nhiều làm phức tạp đáng kể nhiệm vụ của kẻ thù.
Kuzmin cũng lưu ý rằng quân đội Ukraine không ngừng nỗ lực rà phá bom mìn trên các vùng lãnh thổ nhưng cũng rất thiếu thiết bị phù hợp để thực hiện các công việc này.
Ông nói thêm rằng quân chiếm đóng liên tục bổ sung lực lượng dự trữ của họ theo hướng Tavriya. “Họ tiếp tục cố gắng bổ sung lượng dự trữ đã mất, những người chiếm đóng rút các đơn vị từ các hướng khác. Có khoảng 150.000 người Nga ở hướng của chúng tôi, có một số tập đoàn quân – các tập đoàn quân hợp thành số 35, 36, 5, 58. Bọn họn còn rất đông.” Kuzmin nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng lực lượng phòng thủ Ukraine thiếu không quân, các hệ thống phòng không và thiết bị rà phá bom mìn để tiến công tích cực hơn. Tuy nhiên, theo Kuzmin, kẻ thù tổn rất lớn. “Theo hướng của chúng tôi trong ngày qua, nếu chúng tôi tính thương vong của quân chiếm đóng là 178 người, chúng tôi đã bắt ba binh sĩ và tổn thất không thể khắc phục của họ là khoảng 129 người. Tổn thất của họ như thế là đáng kể và trên thực tế, kẻ thù đã mất từ hai đến ba đại đội mỗi ngày trên hướng của chúng tôi,” ông nói.
Bình loạn : Câu chuyện trên đây đã tạm khép lại những vấn đề xung quanh chiến sự, nhanh hay không nhanh, mìn hay răng rồng… Chuyện bên đó nó như thế, đất nước của người ta, Tổ Quốc của người ta và hòa bình của tất cả chúng ta, người ta sẽ đánh đến cùng, đừng bàn ra bàn vào. Bây giờ, chúng ta bàn sang… chuyện khác.
Hôm qua thêm cái tàu nữa của Nga bị quại, và lần này là tàu chở dầu nhưng nó thuộc diện “trốn truy nã,” bị ăn cái lệnh trừng phạt của Mỹ từ 2019 và nó đang làm nhiệm vụ chở dầu máy bay cho căn cứ không quân Nga ở Syria. Vậy thì “ăn” một cái USV là đúng rồi. Đồng thời Ukraine tuyên bố danh sách 6 hải cảng của Nga nằm trong diện “xem xét.” Rõ ràng là thời nhũn như con chi chi đã qua.
Nhớ ngày nào Putox nói có người nghe, đe có người sợ và bây giờ thì các loại lằn ranh đỏ cũng chẳng tác dụng gì. Và đúng là cú đánh cầu Kerch lần hai ngày 17/07 là sự mở đầu, sau đó Putox nhanh nhảu rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, và gần như hai bên tuyên chiến cho một trận chiến trên biển.
Điều thú vị là vở kịch hiện nay bên dám làm căng, với những hành động liên tục lại là người Ukraine. Như kiểu: mày bắn tên lửa vào đất nước của tao thì tao tấn công các cảng và tàu bè của mày. Cũng xứng đáng thôi. Điều này còn nói lên một ý nữa cũng thú vị không kém: tàu bè của hạm đội Hắc Hải bây giờ, như lũ mèo ướt cả. Đã trốn ở tận Novorossiysk cách eo Kerch đến 120 ki-lô-mét đường biển mà còn “bùm” cho một phát.
Theo ý kiến cá nhân của tui, các hành động liên tục này có tác động chính trị lên tâm lý xã hội Nga là lớn. Quen với việc đi bắt nạt người khác rồi, cứ vác bom đạn đi đánh người ta nhưng nhà mình thì không sao, bây giờ chiến tranh đã đến tận chân giường, đúng là không có cái ngu nào giống cái ngu nào. Với cá nhân con người như Putox, hắn sẽ bị tác động tâm lý cũng không ít, chắc chắn là cực kỳ tức tối và sẽ ra những quyết định còn ngu ngốc hơn nữa. Đúng ý đồ rồi.
Như vậy về tương quan ở khu vực Nga tưởng mạnh mà lại yếu, các nguồn lực càng ngày càng cạn kiệt và không còn khả năng bổ sung cho hạm đội. Phía Ukraine tưởng yếu mà lại mạnh và có vẻ như người muốn cuộc chiến leo thang ở đây, là Ukraine. Nếu bè lũ Putox manh động mà đụng vào tàu hàng của bất cứ nước nào ra vào cảng Ukraine, là một bước leo thang và hậu quả chỉ có Nga là hứng lấy phần bất lợi.
Đúng là càng ngày càng nhiều diễn biến bất ngờ.
PHÚC LAI 06.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.