Vừa buông tay ôm chặt gã ra, khi gã từ Sài Gòn qua California tới thăm vợ chồng luật sư Cù Huy Hà Vũ- Nguyễn Thị Dương Hà tại căn nhà tràn hoa gần Little Sài Gòn, Cù Huy Hà Vũ ào ào chuyện với gã.
Vũ say sưa kể lại chuyện Huy Cận và Xuân Diệu kể cho Vũ nghe cái đận trước 1945, Huy Cận, Xuân Diệu trọ cùng nhà 40 Hàng Than, Hà Nội với cha gã.
Huy Cận thỏ thẻ với Xuân Diệu rằng mình có làm bài thơ này, Diệu gửi cho Nhất Linh để in trên báo của Tự Lực Văn Đoàn nhé! Xuân Diệu đọc xong im lặng một lúc lắc lắc cái đầu bềnh bồng tóc xoăn bảo Huy Cận: Cận cứ gửi qua bưu điện đi.
Bài thơ qua đường bưu điện đến tay Nhất Linh. Nhất Linh sửng sốt reo lên vui sướng như phát hiện ra tinh cầu mới. Và thế là bài thơ lập tức được in trang trọng nhất. Cả toà báo Nhất Linh, Thạch Lam, Tú Mỡ, Ngô Tất Tố, Hoàng Đạo cùng say sưa đọc:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Khi biết Xuân Diệu ở cùng nhà và là bạn thân với Huy Cận, Nhất Linh trách Xuân Diệu sao không đưa trực tiếp bài thơ cho toà soạn, Xuân Diệu bảo, muốn Huy Cận gửi qua bưu điện để mọi người không biết Huy Cận là ai, cho khách quan.
Vũ say sưa nói tiếp. Bố em kể là bố anh lên gõ cửa phòng bố em trọ, bảo: Cận ơi, cụ Ngô Tất Tố hỏi mình có biết Cận không, mình bảo, Cận trọ cùng Hàng Than với mình. Cụ Tố khen bài Tràng Giang của Cận lắm. Còn mình cũng thích bài đó lắm. Mình mời Cận đi ăn phở nhé.
Bố em kể, nghe bố anh, bậc đàn anh khen và mời đi chiêu đãi phở, bố em sướng run người. Nhưng bố em kể, ăn phở xong thì bố anh lục tung các túi chẳng có xu mốc nào. Bố anh vốn nổi tiếng đãng trí mà. Thế là bố em trả tiền chiêu đãi… bố em.
Hơ hơ hơ, Vũ cười rất hồn nhiên, các cụ ngày xưa trân trọng tài năng của nhau lắm, không hề đố kỵ, ganh nhau.
Thế rồi chuyện bỗng ngoặt qua thế sự nước non…
Vũ không còn cười nữa. Ánh mắt kẻ yêu quê hương găm thể xác và hồn vía cùng “Ngậm ngùi” một kiếp nối kiếp:
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
Chín năm rồi sống kiếp ly hương.
Vũ thẫn thờ: Anh ạ, tính từ ngày em đi dép nhựa tái chế cứng đơ với một bộ đồ từ trại giam ra thẳng sân bay đi Mỹ, đến nay là đúng 9 năm. Chín năm rồi đó anh.
Vũ hiện quốc tịch nào? Gã hỏi.
Việt Nam. Chỉ Việt Nam. Mãi mãi Việt Nam.
Vũ đáp.
LƯU TRỌNG VĂN 22.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.