Phan Thúy Hà nữ nhà văn (tạm coi là cây bút trẻ dù tuổi đã ngoại “tứ thập bất hoặc”), tác giả của những cuốn sách dậy sóng văn đàn và xã hội hơn 6 năm qua như “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Những trích đoạn của các anh”, và nhất là cuốn “Gia đình” (ghi chép từ những nhân chứng sống về cải cách ruộng đất) vừa cho ra mắt “đứa con” mới của chị.
Cuốn “Đoạn đời niên thiếu”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, tháng 7.2023. Cũng xin mở ngoặc chút để ghi nhận: Vị giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản này là nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ông Thiều râu kẽm đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Những cuốn sách của Hà luôn chứa rất nhiều điều để trao đổi, về các mặt. Những cái ấy, sẽ nói sau. Tôi chỉ te tái khoe sớm điều này: Cuốn mới toanh “Đoạn đời niên thiếu” có thể coi như tập 2, hoặc phần 2, của cuốn “Gia đình” lừng danh. Một thứ vĩ thanh nặng trình trịch 250 trang, chứa đầy xót xa, đau buồn về thân phận con người; dựng lại pho lịch sử từ người trong cuộc mắt thấy tai nghe. Một thời kỳ lịch sử u ám, đen tối, được tái hiện bởi lối văn phi hư cấu.
“Gia đình” và “Đoạn đời niên thiếu” đều chép về cuộc cải cách ruộng đất, một trang sử bi thương đẫm nước mắt của dân tộc.
Như đã nhắc ở trên, đó là một quá khứ không dễ bị chôn vùi. Nhất là khi nó bị người ta cố ý lãng quên, lờ đi, xóa nhòa dấu tích. Người ta (nhà cai trị) bằng quyền hành của mình sử dụng “công cụ thời gian” để nó (vết nhơ cải cách ruộng đất) dần dần lặng lẽ trôi qua và biến mất. Những nhân chứng “cải cách ruộng đất” nay đều đã ngoài 75 - 80, nói phỉ phui cái miệng, chả mấy nữa sẽ đem tất tật điều tai nghe mắt thấy xuống mồ.
Khi lịch sử chính thống được vo nặn bởi nhà cầm quyền thì nhiều thứ trong dòng lịch sử chỉ mờ mờ ảo ảo, hư hư thực thực, không mấy ai thế hệ về sau biết nó đã diễn ra như thế nào. Cuộc cải cách ruộng đất là mảnh lịch sử dữ dội, kinh hoàng, dù nó chỉ tồn tại trong gần 4 năm trời (1953-1956) cách nay hơn nửa thế kỷ, cũng chỉ trên nửa đất nước, từ vĩ tuyến 17 trở ra.
Nói gì thì nói, người miền Nam từ sông Bến Hải trở vào thật may mắn khi không phải chịu kiếp nạn này. Giờ cả bắc lẫn nam chẳng mấy ai còn nhớ. Nhà cầm quyền lúc đắc thế gọi nó là “cuộc cách mạng vĩ đại long trời lở đất”, còn cái tên gọi bình dân của nó là “cải cách ruộng đất”.
Viết về cải cách ruộng đất - thứ đề tài nhạy cảm, khó chịu, khó được bộ máy quyền lực chấp nhận, cũng đã lẻ tẻ có trong hơn nửa thế kỷ nay. Nói lẻ tẻ bởi tác phẩm về nó chỉ trên đầu ngón một bàn tay, cả dạng công khai lẫn “bất hợp pháp”. Những ghi chép của “đám nhân văn” Trần Dần, Phùng Quán, báo cáo của luật sư Nguyễn Mạnh Tường… ngay sau sự kiện “long trời lở đất” người ta ngấm ngầm chuyền cho nhau đọc, chả mấy ai biết.
Đáng kể hơn là ba cuốn “Ba người khác” của Tô Hoài, “Cuồng phong” của Nguyễn Phan Hách, “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập công khai vượt trên sự che giấu cấm đoán để phơi bày sự thực. Chỉ có điều chúng dạng tiểu thuyết nên không tránh khỏi sự hư cấu, giảm độ tin cậy, văn chương nghệ thuật át cả lịch sử. Còn dạng biên chép về cải cách của nhà sử học Hoàng Văn Chí ở miền Nam thì dân ngoài vĩ tuyến 17 gần như mù tịt (xin nhớ rằng ông Hoàng Văn Chí người Mường xứ Thanh là anh em cọc chèo với nhà văn Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn, đều là những đấng bậc của một thời).
Điểm lại như thế để thấy cô gái hậu sinh Phan Thúy Hà đã làm được điều mà người đi trước không làm được, không dám làm. Tất nhiên cũng phải kể tới sự may mắn khi thời cuộc đã ít nhiều thay đổi, sự cấm đoán không còn tác oai tác quái như trước.
Đọc “Gia đình” và “Đoạn đời niên thiếu”, cũng như mấy cuốn tôi kể ở trên của Phan Thúy Hà, không thể nào coi một mạch. Mở sách trong sự háo hức biết thêm sự thật, nhưng cũng trong tâm trạng buồn bã, đau đớn, ngậm ngùi, căm giận. Thậm chí cứ mươi trang, hoặc đôi phần, lại phải dừng. Có gì đó cứ ứ lên cổ, bốc lên óc, không thể tiếp được. Và khóc. Khóc thương cho dân mình, đất nước mình chịu kiếp nạn quá kinh khủng. Mỗi chữ mỗi dòng như xé lòng, dựng trước mắt ta thứ lịch sử chân thật như nó vốn có.
Hà không làm văn chương. Cô ấy đã viết sử, làm cái điều mà những nhà sử học quốc doanh vì lý do gì đó đã cúi đầu không dám làm.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 07.08.2023
Ảnh: Sách mới của chị Phan Thúy Hà
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.