Nếu đương kim Tể tướng Lý Cường không tìm ra một biện pháp giải quyết nạn giảm phát như Tần Cối thì Trung Cộng có thể sẽ bước lên trên con đường “giảm phát không ngừng” mà Nhật Bản đã trải qua từ cuối thập niên 1990.
Cả thế giới đang lo lạm phát, Trung Quốc ngược lại. Giá tiêu thụ ở Mỹ đã tăng 8 % hồi đầu năm; trong tháng Sáu vẫn còn cao 3 % hơn năm ngoái. Lạm phát trong Liên hiệp Âu châu (EU) cũng ở mức 6,4 %. Riêng tại Trung Quốc, tỉ lệ lạm phát trong tháng Sáu là số không, zero. Và đang lo sẽ “giảm phát!”
Giảm phát là hiện tượng giá cả đi xuống, ngược chiều với lạm phát. Đối với cả nền kinh tế, giảm phát nguy hiểm hơn và khó chữa trị hơn lạm phát.
Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm phát. Theo nhật báo The Wall Street Journal, nhiều công ty đã hạ thấp giá bán trong mấy tháng nay, từ các nhà máy thép, xi măng, đến biến chế hóa chất. Giá bán sỉ, từ cửa nhà sản xuất ra, đã giảm 5,4 % so với năm ngoái. Trong tháng Sáu, đến lượt giá hàng tiêu dùng ngưng không lên. Các phóng viên báo The Wall Street Journal ở Trung Quốc đã ghi nhận giá đường, trứng, quần áo và máy móc dùng trong nhà, đã xuống trong mấy tháng liền.
Trong kinh tế, lạm phát là hiện tượng bình thường, nếu không lên cao quá. Ngân Hàng Trung Ương các nước thường giữ mức lạm phát trung bình khoảng 2 phần trăm một năm.
Nhưng khi giảm phát, giá cả trên đà đi xuống, người tiêu thụ sẽ trì hoãn không mua sắm; vì nghĩ rằng có thể chờ, khi nào giá xuống thấp hơn sẽ mua. Số cầu giảm bớt, gây ảnh hưởng dây chuyền. Số hàng bán ít hơn thì lợi nhuận của các nhà sản xuất sẽ giảm. Họ sẽ bớt hoạt động sản xuất, cắt bớt số công nhân. Những người mất việc cũng bớt tiêu tiền, hàng hóa bán chậm hơn, mức lời các xí nghiệp càng xuống sâu hơn.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng giảm phát ở Trung Quốc là người tiêu thụ không tiêu xài như hồi trước Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ đã giảm trong thời gian bệnh dịch. Năm 2021, số tiêu thụ chiếm hơn 59 % Tổng Sản Lượng Nội Địa; qua năm 2022 chỉ còn chiếm gần 33 %.
Ở nước Mỹ, ngay sau khi bãi bỏ các lệnh cấm vì bệnh dịch, dân chúng hớn hở đem tiêu số tiền họ để dành suốt thời gian bệnh dịch, tích lũy lên hàng ngàn tỉ mỹ kim, vì không có cơ hội chi tiêu. Nhờ thế, kinh tế Mỹ hồi phục nhanh rồi còn gây ra lạm phát vì dây chuyền cung cấp vẫn bị gián đoạn.
Khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh đóng cửa Covid-19, dân tiêu thụ không hăng hái mua sắm như dân Mỹ. Họ dè dặt, giữ tiền, vì lo tương lai. Thứ nhất, phải tiết kiệm để phòng nếu bệnh dịch tái phát, không được làm việc mình vẫn có tiền sống, không thể nương tựa vào ai. Trong thời gian bệnh dịch vừa qua, đảng Cộng sản không cấp tiền cho dân, như chính phủ Mỹ đã phát cho mỗi người $1.200, rồi $1.400 đô la. Thứ hai, dân Trung Hoa phải tự lo lấy vì trong nước chưa thiết lập một mạng lưới an toàn, gồm các hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hưu liễm, vân vân, như ở các nước Âu Mỹ.
Vì thế, sau khi hết lệnh cấm Covid-19 rồi, dân Trung Quốc vẫn chưa chịu tiêu xài. Hàng hóa còn ứ đọng, các xí nghiệp ngần ngại không tuyển công nhân, không đầu tư thêm. Tỉ lệ thất nghiệp trong lớp tuổi từ 24 trở lên cao tới 21 %. Dân khó kiếm việc làm thì nhu cầu tiêu thụ càng thấp hơn, các nhà sản xuất phải giảm giá bán. Tất cả là một cái vòng luẩn quẩn gây nên tình trạng giảm phát.
Cả nước đang mang nợ chồng chất khiến nạn giảm phát nan giải hơn. Khi còn lo trả nợ thì dân chúng bớt tiêu thụ và các xí nghiệp không muốn đầu tư thêm. Cuối tháng Sáu, tổng số nợ, công và tư, trong nước Trung Quốc lên tới 380 ngàn tỉ đồng nguyên, bằng 283,9 % GDP, cao hơn 40 % so với tỉ số 27,.1 % vào sáu tháng trước. Báo The Wall Street Journal cho biết tính toán của Jens Presthus, công ty tư vấn Global Counsel, số nợ của tư nhân trong nước Trung Quốc đang cao gấp rưỡi tổng số lợi tức của họ, một tỉ lệ cao hơn tất cả các nước đã phát triển, kể cả nước Mỹ là nơi người ta rất ham vay nợ.
Trong quý thứ nhì, tổng số nợ của các gia đình Trung Hoa lớn bằng 63,5 % Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), năm ngoái chỉ lớn gần bằng 62 %, và cao gấp ba lần so với tỉ lệ 18 % vào năm 2008. Có thể so sánh, tỉ lệ nợ ở Đức chỉ bằng 55 % GDP, ở Ấn Độ bằng 36,4 %. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) một tỉ lệ lên đến 65 % là đáng báo động.
Phần lớn các món nợ của tư nhân Trung Hoa là do vay để mua nhà; vào cuối tháng Sáu đã lên tới 38,6 ngàn tỉ đồng nguyên, tương đương với $5,38 ngàn tỉ mỹ kim, sau khi giảm bớt gần 1 % trong quý thứ nhì năm nay vì thị trường địa ốc ngưng đọng. Số nhà bán giảm liên tục khiến nhiều công ty xây cất đang trên đà phá sản. Nhưng một hậu quả khác nghiêm trọng hơn, là khi người ta bớt mua nhà thì cũng không ai mua thêm các dụng cụ trong nhà, như máy giặt, tủ lạnh, đồ trang hoàng, và cả xe hơi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc biết rằng muốn kinh tế hồi phục thì phải kích thích cho dân tiêu thụ nhiều hơn, thuật ngữ kinh tế học gọi là kích cầu. Nhưng từ xưa đến nay họ không quen sử dụng những phương pháp kích cầu nhắm thẳng vào túi tiền người tiêu thụ.
Trong tuần lễ cuối tháng Bảy, Bắc Kinh đã đưa ra 20 biện pháp, như cho phép mua xe hơi và mua nhà dễ dàng hơn, chưa biết hiệu lực sẽ tới đâu. Ở nước Mỹ, các chính phủ Trump và Biden đã chuyển tiền vào thẳng trương mục ngân hàng của những người đóng thuế. Những người lợi tức thấp dùng ngay những món tiền đó đi chợ! Trung Cộng kích thích bằng cách giúp dân mua xe và mua nhà dễ hơn; nhưng người ta khó quyết định nhanh chóng trên những món chi tiêu lớn như vậy.
Trong lịch sử Trung Quốc đã có nhiều lần kinh tế lâm vào cảnh giảm phát, khi người có tiền không đem ra chi tiêu. Tập Cận Bình không ham đọc sử như Mao Trạch Đông, không biết ông đã đọc chuyện Tần Cối chống giảm phát hay chưa.
Thời Nam Tống (1127–1279), quân Kim chiếm đóng nửa phía Bắc nước Trung Quốc, vua quan chạy xuống Hàng Châu. Tần Cối, cũng gọi là Tần Khoái, làm Tể tướng từ năm 1131. Đời sau này thường biết đến Tần Cối về xung đột với Nhạc Phi, bên chủ hòa, bên chủ chiến. Nhạc Phi bị giết, Tần Cối bị lịch sử kết tội, mang tiếng mãi mãi; dù sau này vua Nam Tống là Triệu Cấu khẳng định chính ông ta là người chủ trương hòa hoãn, Cối chỉ thừa hành.
Khi Tần Cối làm tể tướng, có lúc quan phủ doãn Hàng Châu là Tào Vinh báo cáo lên rằng các cửa hàng trong kinh đô đang ế ẩm, phải giảm giá hàng hóa nhưng vẫn không bán được. Cối nói, “Dễ lắm!” rồi gọi viên quan Văn Tư Viện đến, bảo: “Hoàng đế sai đúc tiền. Hãy pha trộn vàng với thiếc làm thử một xâu chuỗi 1000 đồng tiền, ngày mai trình lên để chuẩn bị đổi tiền.” Viên quan lo việc tài chánh bèn sai thợ làm việc đúc tiền suốt đêm.
Tin đổi tiền tiết lộ ra ngoài. Các nhà quyền quý và giàu có nghe tin, lo đồng tiền sẽ mất giá. Họ bèn lấy hết tiền bạc trong nhà đi mua hàng. Giá cả không xuống nữa mà bắt đầu lên. Ngày hôm sau, quan Văn Tư Viện đem chuỗi tiền mới đến trình, Tần Cối khen ngợi nhưng không nói gì đến việc đổi tiền nữa.
Nếu đương kim Tể tướng Lý Cường không tìm ra một biện pháp giải quyết nạn giảm phát như Tần Cối thì Trung Cộng có thể sẽ bước lên trên con đường “giảm phát không ngừng” mà Nhật Bản đã trải qua từ cuối thập niên 1990.
Sau khi thị trường địa ốc ở Nhật sập đổ vào năm 1989, người tiêu thụ và các công ty lo trả nợ hơn là mua sắm hoặc đầu tư. Giá sinh hoạt tụt xuống, Ngân Hàng Trung Ương ở Tokyo giảm lãi suất đến số không nhưng vẫn không kích thích được số cầu; vì mọi người chỉ lo trả nợ. Tình trạng Trung Quốc còn giống Nhật Bản trước đây 20 năm, là số người trong tuổi làm việc giảm bớt, số người già lên cao không ngừng. Kinh tế Nhật trì trệ cho đến bây giờ, Trung Cộng có thể cũng lâm vào cảnh như vậy.
Khi giá sinh hoạt trong nước giảm xuống thì áp lực lạm phát ở nơi khác có thể nhẹ bớt, vì các nước mua hàng hóa từ Trung Quốc. Điều đáng lo cho cả thế giới là Trung Cộng có thể “xuất cảng” nạn giảm phát. Hiện nay, giá thép và các hóa chất do Trung Cộng bán ra đã giảm một phần ba, so với 12 tháng trước. Các nước cạnh tranh bán cùng một món hàng như Trung Cộng sẽ phải giảm giá theo.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 05.08.2023)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.