samedi 26 août 2023

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (4)

 

Như đã kể ở bài trước, sau tháng 4.1975, hàng hóa lũ lượt từ miền Nam trẩy ra Bắc, tinh những thứ của bọn tư bản giãy chết. Nào tivi, tủ lạnh, xe máy, cát xét, xe đạp, radio, vải vóc, quần áo, thậm chí cả cục xà phòng, hộp kem đánh răng…, tất nhiên trong đó có đủ loại đồng hồ.

Chỉ có nhà cửa, biệt thự không đào đi được, chứ nếu được cũng đem tuốt. Lại nhớ người ta nhại câu hát của Lưu Hữu Phước, “Tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền; tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật to”.

Trước 30 tháng 4, ngay cả những nhà giàu nhất Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, rồi cả những gia đình ông to bà nhớn cốp sộp, cũng chỉ dùng hàng phe xã hội chủ nghĩa. Hàng có xuất xứ giãy chết, chỉ những anh Vosco, từ thuyền trưởng tới anh nấu bếp trên tuyến đi Nhật, đi Hồng Kông may ra mới sắm được. Đám Vosco là thứ đẳng cấp kinh tế cao nhất thời bấy giờ, ai cũng phải nể vì, ao ước, và… ghen ghét. Giờ thì Nam Bắc thống nhất, nguồn hàng vừa gần vừa phong phú, khiến miền Bắc thay đổi nhanh, choáng ngợp. Nhiều món đồ, trước kia người ta chưa từng biết, chưa từng ao ước, nay được sờ tận tay.

Mấy năm trời, “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, con buôn từ Bắc vào Nam như đi chợ, dường như khuân hết của sự giàu có phồn vinh của miền Nam ra Bắc. Cứ khoảng nửa tháng, con tàu biển chở khách và hàng hóa mang tên Thống Nhất lại lặc lè cái bụng khổng lồ lèn chặt sự phồn vinh giả tạo của miền Nam, ngược Bắc vốn nghèo đói đích thực. Hàng nghìn chiếc xe máy, hàng vạn tivi, tủ lạnh, quạt máy, xe đạp mỗi chuyến, cứ hành quân Bắc tiến hết năm này năm khác. Rồi xe lửa, xe tải cũng vậy, “qua núi qua khe, mạnh hơn thác trùng trùng vô tận”.

Một cuộc giành (bằng xin-cho, mua bán) chiến lợi phẩm vĩ đại chưa từng có trong lịch sử xứ này. Tôi nhớ dạo đó người ta truyền tai nhau, “5 năm đi tây không bằng một ngày Sài Gòn Chợ Lớn”. Tôi thầy giáo quèn, mỗi dịp nghỉ hè cũng bị cuốn vào cuộc vét hàng, nhưng chỉ vét cau khô, xà phòng cây, bật lửa ga, mì chính, bán ngay tại ga Hàng Cỏ. Những thứ ấy miền Nam ê hề, nhưng bên kia vĩ tuyến vẫn là hàng hiếm.

Đầu năm 1977 tôi vào nhận việc ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng rỗi rãi lại mượn chiếc xe đạp của Nguyễn Duy Khăng bộ đội đi học dạo vài vòng cho biết. Ngó cảnh sôi động người và hàng ở bến tàu khách Nhà Rồng, ga xe lửa Hòa Hưng, các bến xe đò, chợ Bến Thành…, bất giác nhớ tới cái đoạn chót, về dòng người kéo nhau đi phá kho thóc Nhật trong truyện “Vợ nhặt” của cụ Kim Lân mà mình đang dạy. Chỗ này nói thêm, truyện đang hay, nhân văn như thế, tự dưng cụ chen đoạn ấy vào, hình như miễn cưỡng, cho có tính thời đại, chất cách mạng, chả khác gì đang ăn món ngon nhai phải cục sạn.

Giờ thì, ngay cả những nhà bình dân, nhất là vùng nông thôn, lâu nay chưa sắm được đồng hồ, đã có thể mua được chiếc đồng hồ để bàn hoặc đồng hồ treo tường cũ “made in” Nhật, Mỹ đàng hoàng. Nhà giàu thì mua loại Odo quả lắc chuông ngân thánh thót để làm sang phòng khách. Người ta có thể thịt con gà trống mà không cần nghĩ ngợi lăn tăn gì, bởi đã có đồng hồ thay tiếng gáy của nó. Đám thanh niên, những tay chơi áo đại cán, áo bay, mũ cối, dép nhựa Tiền Phong trắng, giờ đây thêm tiêu chuẩn cạnh tranh mới là phải có đồng hồ đeo tay.

Đồng hồ miền Nam tràn ra Bắc đủ loại đủ kiểu. Nhiều loại cao cấp, giá mỗi chiếc ngang cả tấn gạo, như Omega, Longines, Titoni, còn mềm hơn một chút là đồng hồ Nhật như Orient, Seiko. Hai loại đồng hồ đeo tay phổ biến và được ưa chuộng nhất những năm cuối thập niên 70 là Seiko và Orient. Con buôn từ miền Bắc vào Sài Gòn chủ yếu lùng sục hai nhãn hiệu danh giá này, đem về bán cứ một vốn bốn lời.

(Còn tiếp)

NGUYỄN THÔNG 26.08.2023

Ảnh : Hai đứa trẻ bán hàng rong ở bến phà Bính (Hải Phòng) năm 1991 (Nguồn internet)

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (3)

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (2)

Nguyễn Thông - Chuyện đồng hồ (1)

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.