lundi 21 août 2023

Nguyễn Tuấn Khoa - Thăm nhạc sĩ Văn Cao

 

(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao)

Hồi trẻ tôi mong có ngày ra Hà Nội để đi thăm hai tượng đài của tôi: nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Hoàng Dương. Cái ngày đó rồi cũng đã đến.

Năm 1992, tôi đường đột ghé thăm nhà nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu. Ông mở cổng hỏi:

- Cậu tìm ai? 

- Cháu muốn gặp bác Văn Cao.

- Nhưng tôi không biết cậu?

- Cháu là người ái mộ bác nên ghé thăm bác.

- Vậy mời cậu vào chơi.

Từ sau khi ông Nguyễn Văn Linh lên, tuy chính sách cởi mở văn hóa đã bắt đầu nhưng cũng chưa có nhiều người mạnh dạn ghé thăm bác Văn, người đã từng chịu án Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi may mắn được ông và hiền thê, bác Thúy Băng, tiếp rất chân tình và cởi mở gần 2 tiếng với rất nhiều mẩu chuyện mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.

Ông hỏi tôi ở miền Nam xa xôi về địa lý và chính trị biết những gì về ông?

Tôi kể rằng nơi miền Nam tự do, nhạc của ông được phổ biến không hạn chế. Nhạc của ông là gu nhạc của người Bắc di cư nhớ quê và của người trí thức của miền Nam. Nhạc của ông lúc đó chưa phải là gu nhạc của giới bình dân. Kiếp nạn của ông về vụ Nhân Văn Giai Phẩm được các văn nghệ sĩ cùng thời khi di cư vào Nam kể lại với nhiều xót xa, thương cảm.

Sau 1954, Bắc Việt đóng kín như “hộp đen Bắc Hàn” nhưng cuộc sống của ông khi đó vẫn được sách báo ở Sài Gòn kể lại khá rõ và chi tiết. Thông tin rò rỉ này là do các nghệ sĩ miền Bắc, gọi là văn công, theo chân bộ đội vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam rồi bỏ trốn sang thế giới tự do. Hai Việt-Cộng hồi-chánh thời đó là ca sĩ Bùi Thiện và ca sĩ Đoàn Chính (con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) là người cung cấp nhiều thông tin của bác Văn về những năm tháng tù đày, cuộc sống cơ cực và bế tắc sau đó.  Ông khen tôi còn trẻ sao lại biết nhiều về chuyện xưa.

Kể từ lúc này ông bắt đầu cởi mở hơn nên kể nhiều chuyện và trả lời tất cả các câu hỏi của tôi để rồi hôm nay nhân sinh nhật 100 tuổi của ông, tôi mạo muội chọn ra vài mẩu chuyện để hầu chuyện bạn Facebook :

- Chuyện về quốc ca : Bác Văn tâm sự rằng điều tồi tệ nhất trong cuộc đời ông là việc người ta muốn thay quốc ca chứ không phải kiếp nạn Nhân Văn Giai Phẩm mà ông đã mang. Ông Tố Hữu là người chủ trương việc này và đã cho tổ chức một cuộc thi chọn quốc ca ầm ĩ và tốn kém kéo dài...Cho đến ngày một sử gia Việt kiều Pháp đã xin yết kiến thủ tướng Phạm Văn Đồng để trình bày quan điểm.

Theo ông, không nên thay đổi Quốc Ca với lý do lời bài hát không còn hợp với thời hậu chiến: “Thề phanh thay uống máu quân thù”. Ông sử gia nói tiếp, quốc ca Pháp, bài La Marseillaise cũng có lời tương tự như thế: “Máu quân thù ô uế. Sẽ tưới đẫm ruộng ta!”. Sau buổi đó ông Đồng đã bàn kín, rồi Quốc hội họp và quyết định giữ lại bài Tiến Quân Ca để làm quốc ca.

- Chuyện ông Tố Hữu : một buổi chiều nhiều bạn trẻ ghé chơi với bác Văn, ngồi kín nhà. Ông Tố Hữu ghé thăm như muốn nối lại giao hảo theo chính sách đổi mới. Không ai bảo ai, tất cả đều quay lưng về phía Tố Hữu. Thấy bị tẩy chay và coi thường, Tố Hữu lặng lẽ bỏ về.

Tôi hỏi bác Văn về một cuộc đối thoại, tôi được nghe kể, giữa Văn Cao và Tố Hữu xảy ra trong Đại hội Văn nghệ sĩ. Chuyện kể rằng Tố Hữu muốn làm hòa nên đến bắt tay Văn Cao và hỏi: “Sao lâu quá không thấy tác phẩm của Văn Cao trên văn đàn”. Văn Cao trả lời: “Thời này là của “Văn Thấp” chứ nào phải của Văn Cao!”.  Nghe xong bác Văn cười và nói: “Chuyện thật hóm hỉnh. Người ta thương tôi nên nói vậy cho vui thôi”.

- Bài Đàn Chim Việt : Nhiều thế hệ học sinh Võ Trường Toản được học bài hát Đàn Chim Việt của Văn Cao trong giờ học của môn Âm Nhạc. Sau đó lại xuất hiện bài Bến Xuân của Văn Cao và Phạm Duy viết chung. Bác Văn giải thích rằng bài Đàn Chim Việt được bác Văn sáng tác một mình, trên bản nhạc này bác Văn có đề tặng Phạm Duy. Bác nói rằng việc đề tặng trong giới văn nghệ được hiểu rằng tặng vì cái tình văn nghệ, khác với việc tặng quà ngoài đời. Sau năm 1975 bác Văn mới biết bài hát này đã được sửa và thêm lời rồi để tên chung.

Khi nói về nhạc sĩ Văn Cao tôi luôn nhớ tới người bạn thân của ông là nhạc sĩ Phạm Duy. Cả hai ông  đều là những tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Họ đều dành những sự kính trọng cho nhau.

Phạm Duy đã chọn sự nghiệp nơi miền Nam tự do, nắng ấm vì vậy đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ. Trong khi đó Văn Cao ở lại miền Bắc lạnh lẽo với sự hà khắc về tư tưởng đối với giới văn nghệ sĩ, để rồi ông phải chịu sự đày đọa với kiếp nạn Nhân Văn Giai Phẩm và một gia tài âm nhạc thật khiêm tốn về số lượng. Cũng may bài Tiến Quân Ca vẫn còn được sử dụng làm Quốc Ca. Chừng đó cũng đủ đưa tên tuổi Ông lên vị trí cao nhất của giới nhạc sĩ Việt Nam.ni

NGUYỄN TUẤN KHOA 21.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.