Theo dõi Quốc hội thảo luận về giáo dục, tôi thấy các phát biểu gần như giống nhau với ý chung là: Nhà nước phải in sách giáo khoa, bởi vì sách giáo khoa là mức triển khai chính sách giáo dục!
Thôi thì tạm đồng ý với cách sắp xếp rằng sách giáo khoa là ở cấp độ triển khai. Nhưng mà, tại sao ở cấp độ đó thì Nhà nước phải in sách?
Đa số các quốc gia giàu mạnh, văn minh không nhúng tay vào việc soạn và in sách giáo khoa của tư nhân. Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy. Lý do rất đơn giản: việc này những nhà giáo có thể lo được.
Việc gì xã hội dân sự lo được thì nhà nước không nên tranh lo với họ. Bớt đi cái gánh nặng lo tranh với tư nhân (tư nhân thiệt sự chứ không phải tư nhân sân sau), nhà nước tập trung vào mức độ quản trị cao cấp, đây mới là trách nhiệm của nhà nước.
Thí dụ quản trị giá trị đạo đức học đường mà nhiều quan sát cảm nhận bị bỏ bê. Quản trị tham nhũng trong ngành giáo dục, quản trị nhân sự giáo dục mà nhiều quan sát cảm nhận thiếu cả năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Quản trị các chính sách giáo dục miễn phí thực sự, quản trị các dự án giáo dục sao cho chi phí thấp nhất mà lợi ích cao nhất…
Tôi nghĩ rằng nhà nước quản trị thành công các khía cạnh trên thì sẽ xuất hiện một thế hệ những nhà giáo và học sinh, sinh viên có đạo đức và năng lực, họ thẩm định sách giáo khoa có ích cho việc dạy và học của họ. Sẽ xuất hiện những tư nhân làm sách giáo khoa chất lượng cao, muôn hình muôn vẻ, đáp ứng nhu cầu dân chúng. Theo quy luật thị trường, nhà nước không thể làm tốt bằng tư nhân.
Lúc đó nhà nước không phải loay hoay với cái lưới bùng nhùng sách giáo khoa, quan chức giáo dục ít cơ hội tham nhũng. Vậy chẳng phải tốt hơn cho dân, cho nước hơn sao?
LÊ HỌC LÃNH VÂN 16.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.