mercredi 16 août 2023

Lưu Trọng Văn - Bi kịch San Francisco ?

 

San Francisco vỉa hè vắng bóng người đi bộ. Tàu điện, xe bus lác đác vài bóng qua ô cửa. Giờ đi làm xe không còn cảnh chen chúc.

Nguyễn Triết, kỹ sư công nghệ của tập đoàn Inter lái xe đưa gã đi thăm thú thành phố nói: “Covid đã tràn qua thành phố công nghệ này, buộc người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thay vì đến hãng, văn phòng thì làm việc tại nhà. Các ông chủ nhận ra hiệu quả công việc tốt hơn, hãng tiết kiệm được nhiều hơn, lợi nhuận tăng hơn.”

Hết dịch. Các chủ hãng hân hoan: “Mô hình “làm việc tại nhà” quá tốt, cứ thế mà phát huy nhé các bạn!”

Vỉa hè không còn cảnh những dòng người hối hả. Xe công cộng thôi rồi cảnh chen chúc. Những con đường thôi rồi cảnh kẹt xe dằng dặc.

Chính quyền thành phố thở phào vì bớt ô nhiễm. Nhưng các ngành dịch vụ thì… méo mặt vì thua lỗ.

Nguyễn Triết dành cả tuổi 15, 16 chỉ để 10 lần vượt biển tìm chốn học tử tế. Đến Mỹ, vừa lao đầu kiếm sống vừa học rồi trở thành sinh viên Berkeley danh giá, dừng xe bên đồi nhìn ra cây cầu Golden Gate - cầu Cổng Vàng - một nửa chìm trong mây mù cùng các tòa cao ốc chót vót, nói:

“Năm 1936 khi cây cầu lịch sử này hoàn thành, giá đất, giá thuê văn phòng của San Francisco chỉ có vọt tiến mà chưa một lần chững lại. Vậy mà với mô hình làm việc tại nhà hiện nay đẩy giá thuê nhà, giá mua nhà rớt thê thảm.”

Gã được biết chỉ có ngành nghề công nghệ thông tin, San Francisco là một trung tâm, mới dính tình trạng đảo lộn môi trường làm việc này. Nhưng trớ trêu thay công nghệ thông tin càng ngày càng là ngành kinh tế mũi nhọn, cốt lõi của Mỹ với số nhân công tinh hoa lên đến hàng chục triệu người.

Vậy thì, bài toán của Mỹ đang nan giải hiện nay, làm thế nào có sự ổn định, cân bằng các ngành nghề, cuộc sống, lối sống đô thị cũng như quy hoạch để thích ứng với thực tiễn hàng chục triệu người lao động suốt ngày ở nhà.

Và, còn điều khủng khiếp trước mắt nữa, đó là ngành công nghệ thông tin không thể chối bỏ được cuộc cạnh tranh của AI - trí tuệ nhân tạo với nguồn nhân lực. Ở nhà làm việc chưa là hồi kết, thì hàng triệu người trong số đó sẽ hứng chịu nguy cơ thất nghiệp vì AI - bộ óc máy chiếm chỗ.

Trên cây cầu Golden Gate khổng lồ người ta làm nhiều lưới chắn để ngăn chặn các chàng trai, cô gái chán đời hoặc thất tình tự tử. Liệu từ nay sẽ có thêm những người được học hành tử tế, vì cảnh tù túng suốt ngày dài tới đêm thâu phải ở trong nhà dán mắt vào vi tính hoặc vào các quảng cáo tìm việc làm mới, bổ sung vào đội quân nhảy cầu này?

Một chuyên gia xã hội dự đoán: Với làn sóng làm việc tại nhà, sẽ có nhiều cuộc ly hôn hơn vì các cặp vợ chồng dễ chán nhau hơn, do 24/24 giờ phải đụng chạm nhau.

Ôi, không gì là không thể, nhưng chả biết là vui hay buồn thay - các đô thị Việt Nam chưa dính dáng đến hiện thực này. Cầu Long Biên và cầu Sài Gòn chắc còn rất lâu nữa mới phải mất công làm rào chắn những chàng, nàng tốt nghiệp công nghệ thông tin nhẩy cầu.

LƯU TRỌNG VĂN 16.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.