Hôm nay mình mới có ý kiến về vụ này, phải chăng là quá muộn với một kiến trúc sư yêu lịch sử? Không phải, chính vì yêu lịch sử nên mình mới lên tiếng muộn, do thấy chưa đủ thông tin.
Hôm nay đọc được ý kiến của người Pháp trực tiếp làm công tác bảo tồn công trình này trên tạp chí Kiến trúc, mình mới thấy có đủ thông tin để nêu quan điểm.
Đầu tiên là mình thấy dân mạng hơi manh động khi phản đối gay gắt màu sơn công trình này. Ai cũng có quyền phát biểu cảm tưởng nhưng không nên căng thẳng quá khi chưa đủ thông tin.
Mọi người hay dẫn ra cái ảnh "có màu" gần giống để lý giải đó là màu gốc, nó có vẻ nhã hơn màu đang dùng. Nhưng đa số không hiểu bức ảnh đó là công trình khác, và ảnh có màu ở thời kỳ đó là dạng màu tô vào sau, chứ không phải là ảnh màu. Thế nên màu thường không chính xác và chỉ có một số màu hạn chế, không được tươi. Nhà mình vẫn còn một số bức ảnh dạng đó. Nên đừng coi màu sắc ở các bức ảnh dạng đó là màu gốc của vật thể trong ảnh.
Ông người Pháp cũng nói rằng họ không hề có bức ảnh màu nào chụp ngôi nhà này, họ chỉ có thể dự đoán màu sắc bằng cách cạo các lớp vôi (ve) cũ để thấy màu đỏ (nâu) ở lớp dưới. Thế nên có thể chấp nhận rằng màu cũ ở các chỗ tường lõm là màu nâu (đỏ). Nhưng màu người ta khảo sát thấy cũng không chắc là màu gốc, vì nó đã xuống màu theo thời gian. Vì vậy người ta phải sơn thử như bây giờ để đánh giá. Cả chủ đầu tư và bên thiết kế đầu khẳng định đây là màu thử mà thôi. Nên mọi người chửi màu sắc ngôi nhà là hơi sớm!
Chuyên gia Pháp nêu quan điểm bảo tồn của họ là phục chế đúng nguyên bản của ngôi nhà khi nó được xây mới. Ông ấy chê cách bảo tồn Nhà thờ lớn Hà Nội, khi làm nó cũ đi ngay khi bảo tồn xong. Đây là quan điểm của ông ấy, mà quan điểm thì không có đúng hay sai.
Quan điểm của mình thì bảo tồn như Nhà thờ lớn hợp lý hơn, dù có vẻ giả cổ, nó phù hợp với ký ức đô thị của đa số cư dân. Còn bảo tồn mà làm lại y như mới thì mình cho là dễ hơn và nhìn rất xa lạ. Điển hình là cái cổng thành cổ ở Tuyên Quang, làm xong nhìn mới tinh, như cái lò gạch. Mà làm kiểu này thì có thể chơi bài vẽ ghi, scan lại bản cũ rồi đập đi, clone một cái mới đúng vị trí cũ là được! Đỡ tốn tiền. Mà với công nghệ và vật liệu xây dựng hiện tại làm sao mà phục chế y như lúc công trình được xây mới được. Điển hình là thời đó không dùng sơn nước bả matiz mà cũng chưa phổ biến vữa xi măng.
Status của GS Châu có mấy chi tiết đáng bàn. Thứ nhất là mình thấy về kiến trúc thì công trình này không xấu và kệch cỡm, thậm chí khá ổn về hình khối và chi tiết. Vấn đề chủ yếu là các ô màu đỏ nó hơi bị gắt, nhìn vằn vện. Nhưng nếu quan điểm bảo tồn là trung thành với bản gốc thì không nên chửi cái đó. Biết đâu quan niệm thẩm mỹ thời đó thế mới là đẹp thì sao? Quan niệm thẩm mỹ thay đổi theo thời gian mà.
Nhìn ảnh các bà phi tần nhà Nguyễn đa số là xấu mù, có mỗi bà Nam Phương là có nét đẹp hiện đại hợp với thẩm mỹ bây giờ. Nhìn ảnh phi tần nhà Thanh mới kinh dị cơ, so với Phạm Băng Băng hay Chương Tử Di thì không khác gì so khỉ với người!
Mùi thực dân thì không rõ là mùi gì? Mùi này mình nghĩ không nên là một tiêu chí để chê. Vẻ đẹp tã tượi mình cũng không rõ là gì! Chắc kiểu gái quá date chăng? Mình không nghĩ tã tượi là đẹp. Thế nên việc trùng tu các mẹ đang là nghề hốt bạc. GS có vẻ dị ứng với di sản thực dân?
Về lịch sử, nhà này không phải là nhà bà Mộng Điệp - cựu hoàng Bảo Đại, mà là cái bên cạnh, số 51 Trần Hưng Đạo. Chi tiết bị hiểu sai này có thể khiến nhiều người mất cảm tình với ngôi nhà, muốn đập nó đi, vì ghét chủ nhân!
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 15.04.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.