Hôm qua, một bài viết được đăng trên phần News của tạp chí Nature với nội dung thể hiện lo ngại về sự kém hiệu quả của hai loại vaccin Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm.
Theo thống kê trên toàn thế giới, thì trong 8 loại vaccin có số lượng người sử dụng nhiều nhất hiện nay là thì 2 loại vaccin của Trung Quốc đang chiếm hơn phân nửa. Dẫn đầu là CoronaVac (tên vaccin của hãng Sinovac) với số lượng gần 2 tỉ liều, và đứng thứ ba là vaccin của Sinopharm với trên 1,5 tỉ liều.
Hai vaccin Covid-19 đứng hàng thứ hai và thứ tư lần lượt là của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, với số lượng mỗi loại ngang ngửa Sinopharm, 1,5 tỉ liều.
Tuy chiếm về số lượng lớn vaccin Covid trên thế giới, nhưng các kết quả nghiên cứu khoa học ở các nước cho thấy hiệu quả miễn dịch của hai vaccin Trung Quốc này ở người được chích đủ 2 liều giảm mạnh (wanes rapidly), và đặc biệt là hiệu quả ở người lớn tuổi rất hạn chế.
Có thể đây là lý do chính mà trong cuộc họp tuần trước của nhóm cố vấn chiến lược gồm các chuyên gia về tiêm chủng (gọi tắt là SAGE, Strategic Advisory Group of Experts on Immunization) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời khuyên rằng, trong 7 loại vaccin mà WHO đang công nhận cho phép sử dụng khẩn cấp, thì 2 vaccin Trung Quốc của Sinovac và Sinopharm cần được tiêm liều thứ 3 cho người trên 60 tuổi.
Liều bổ sung thứ 3 này có thể là vaccin cùng loại, hoặc nếu khác loại thì cần được xem xét dựa vào khả năng hiện có và nguồn cung cấp vaccin. Khi thực hiện khuyến cáo này thì địa phương cần ưu tiên việc phủ đủ 2 liều cho tất cả mọi người trước.
Ngoài ra, WHO đưa ra khuyến cáo chung cho các vaccin khác là liều bổ sung thứ 3 chỉ nên thực hiện đối với người bị “suy giảm miễn dịch ở cấp độ nghiêm trọng’’ (severely) hoặc vừa phải (moderately) vì chính những người này đã không có đáp ứng miễn dịch tốt dù đã chích 2 liều. WHO không đưa ra khuyến cáo sử dụng mũi thứ 3 cho người bình thường.
Trong số liều vaccin Trung Quốc kể trên thì có khoảng 2.4 tỉ liều vaccin được sử dụng nội địa, và khoảng 1 tỉ liều được dùng ở 110 nước. Nhiều nước trên thế giới đã đặt ra các nghi vấn về khả năng bảo vệ của các vaccin này trong thời gian qua, và một số nghiên cứu khoa học ở các nước đó đã làm sáng tỏ phần nào!
Các điểm lo ngại trong các nghiên cứu đó thường là lượng kháng thể trung hòa virus thấp và giảm nhanh chóng, dẫn đến hiệu quả bảo vệ của vaccin Trung Quốc kém hơn các nhóm chích vaccin khác. Sự khác biệt này càng lớn ở nhóm người cao tuổi!
Các chuyên gia cho rằng tuy hiệu quả vaccin Sinovac, Sinopharm của Trung Quốc không phải là con số không, nhưng rõ ràng nó kém hơn các vaccin khác khá nhiều. Do vậy câu hỏi đang được đặt ra ở các nước đó là, hiện nay với nguồn vaccin tốt ngày càng nhiều thì liệu có cần sử dụng vaccin Trung Quốc nữa hay không?
Chính phủ Brazil đã ra thông báo dừng mua vaccin từ Trung Quốc, vì lo ngại hiệu quả kém. Peru cũng đang giảm các liều tiêm vaccin Trung Quốc của họ để chuyển dần sang vaccin của Pfizer/BioNTech. Nhiều nước khác cũng lên kế hoạch chích liều thứ 3 bằng vaccin khác, hoặc trộn liều 2 với vaccin phương Tây như trong nghiên cứu ở Thái Lan với Sinovac liều 1 và AstraZeneca liều 2.
Với các thông tin khoa học, những bài học thực tế của các nước đã sử dụng vaccin Trung Quốc trong thời gian qua và khuyến cáo của các chuyên gia, thì Việt Nam nên làm thế nào tốt nhất khi ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào vaccin Trung Quốc? Đây là câu hỏi mà mình nghĩ Bộ Y tế nên cẩn trọng suy nghĩ và quyết đoán!
Mình hy vọng sau khi phủ đủ vaccin, họ sẽ sớm lên kế hoạch để chích mũi thứ 3 cho những người đã chích vaccin Trung Quốc như WHO khuyến cáo. Và ưu tiên tối đa người già, người có bệnh nền chích những vaccin phương Tây như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, “khi vaccin Trung Quốc không phải là sự lựa chọn cuối cùng cho họ”!
TSNGUYỄN HỒNG VŨ 16.10.2021
Thông tin tham khảo:
China’s COVID vaccines have been crucial — now immunity iswaning
Highlights from the Meeting of the Strategic Advisory Groupof Experts (SAGE) on Immunization
Brazil Moves Away From Chinese Covid-19 Vaccine
Cácvaccin Covid-19 hiện nay đang được WHO cho phép sử dụng khẩn cấp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.