vendredi 8 octobre 2021

Lê Học Lãnh Vân - Trước trận túc cầu Việt Nam – Trung Quốc


Khuya đêm nay rạng sáng ngày mai, đội tuyển Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau. Các trận đội Việt Nam gặp đội Trung Quốc luôn dấy lên những nỗi niềm.

Là người chịu ảnh hưởng văn hoá cổ Trung Quốc và xem người dân Trung Quốc như những người bạn gần gũi, nhưng mỗi lần được tin đội tuyển túc cầu Việt Nam sắp vào trận đấu với đội tuyển Trung Quốc, lòng tôi bỗng chùng xuống.

Từ năm 1974 tới nay, cả nước Việt Nam cũng đang vào trận đấu lâu dài và khó khăn với quốc gia Trung Quốc, hiện là Trung Cộng, đối thủ mà kinh nghiệm lịch sử cho biết luôn muốn nô dịch Việt Nam. Đối thủ đang hùng mạnh, đã thắng Việt Nam vài hiệp và đang tấn tới. Đây cũng là trận đấu của màu cờ sắc áo. Những dòng này muốn nói tới trận đấu kéo dài đã hơn 40 năm trên Biển Đông.

Trung Cộng đã tấn công, giết chiến sĩ Việt và đang chiếm giữ nhiều hòn đảo cha ông người Việt đã dày công giữ gìn suốt mấy trăm năm! Họ cũng đẩy ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống. Người Việt có thể xem ngày 19/1/1974, khi Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa, là ngày bắt đầu trận đấu. Trận đấu đang tiếp diễn, đối thủ chơi xấu và lấn át trên nhiều hướng khiến nhiều người Việt lo lắng. Lo lắng không chỉ vì Việt Nam đang dưới cơ đối thủ, mà còn vì lo sợ trong đội nhà có thể có người bán độ!

Trận dịch mấy tháng qua đã bào mòn sức lực và ảnh hưởng tâm lý nặng nề tới Việt Nam. Các dây chuyền cung ứng bị đứt gãy khiến những công ty lớn rút khỏi Việt Nam cùng hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam tháo chạy khỏi thành phố đầu tháng 10/2021 là vết thương quá lớn và đau lòng! Hình ảnh Việt Nam đã xấu đi rất nhiều trong mắt nhà đầu tư ngước ngoài. Người Việt càng lo hơn cho trận đấu trên Biển Đông.

Khác với trên sân bóng đá, nơi mà chiến thắng chỉ khiến màu cờ được phấn khởi tung lên và thất bại chỉ khiến người ủng hộ buổn bã. Sự thất bại trong trận đấu trên Biển Đông có thể khiến những vùng lãnh thổ quan trọng bị mất thêm, ảnh hưởng nặng nề trên sự phát triển trong tương lai, và thậm chí trên sự tồn vong của Tổ Quốc. Lúc đó có màu cờ nào, dù là màu vàng hay đỏ, còn được kiêu hãnh tung bay?

Trận đấu này quan trọng tới sự tồn vong như vậy mà hình như vẫn chưa đoàn kết được người Việt như trận bóng đá? Cho tới lúc này, đọc trên báo chí chính thống, thấy từ “thế lực thù địch” còn xuất hiện khá thường xuyên, phải chăng trong lòng đất nước vẫn còn quá nhiều thế lực thù địch nhau thay vì cộng tác nhau?

Trong khi đại đa số người Việt ủng hộ tổ quốc Việt Nam, có không những người Việt ủng hộ đối thủ, cặp kè đàn ca múa hát với đối thủ, gắn vận mệnh mình vào vận mệnh đối thủ hơn là vào vận mệnh Tổ Quốc?

Ngày 19/1/1974, Trung Cộng tiến công một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa do Miền Nam quản lý. Ngay sau khi thất trận hải chiến, Miền Nam chuẩn bị lập phi đội tái chiếm Hoàng Sa! Lúc đó không quân Miền Nam làm chủ không phận Hoàng Sa, kẻ xâm lược không có lực lượng không quân ra tới đó. Quả thực lúc đó Miền Nam có thể thiếu đạn cho cuộc chiến trường kỳ, nhưng để chiếm lại Hoàng Sa thì đủ sức. Nếu lúc đó chiếm lại được, chưa chắc Việt Nam phải mất thêm biển đảo về sau.

Tiếc thay, việc tái chiếm không tiến hành được vì dân tộc không đoàn kết! Việt Nam lúc đó bị chia hai và đang chiến tranh khốc liệt với nhau! Nếu đứng từ góc độ bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc trước Trung Cộng, có phải đây là nỗi tiếc trăm năm?

Chừng nào nỗi tiếc mới biến thành quyết tâm học bài học lịch sử? Phải chăng nếu người Việt cộng tác với nhau thay vì là thế lực thù địch của nhau, không đối thủ nào có thể lấn át được Việt Nam?

Mà, chúng ta còn thì giờ để đoàn kết không?

LÊHỌC LÃNH VÂN 07.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.