dimanche 12 avril 2020

Thuc Tran - Trump không muốn « Chết dưới tay Trung Cộng »



(Bài viết từ năm 2019, tác giả đăng lại và được chia sẻ rất nhiều trên Facebook và mail).

Nó có hơn một tỉ dân, nếu đánh nhau chết hết một nửa thì dân số nó vẫn còn gần gấp hai dân số Mỹ, và gần gấp sáu lần dân số Việt.

Nếu nó nổi máu điên đem giết sạch hết dân Hồng Kông thì chỉ cần một tuần lễ, thậm chí một ngày nó có thể đưa đủ dân qua để lấp đầy thành phố này.

Con đông thì chạy cho nó đủ ăn cũng mệt, nhưng nó cũng có cái lợi của con đông. Cần làm gì ra lịnh một tiếng chúng ào ào xông ra. Biểu chúng bắt chim sẻ chúng hè nhau rượt riết tới mức chim bay hết nổi phải tự rớt xuống. Biểu chúng qua nhà hàng xóm cướp cá thì chúng kéo cả đoàn tàu kín cả mặt biển khiến hàng xóm nhìn thấy cũng phải hãi hùng.

Mấy mươi năm làm ăn với Mỹ, nó đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ ngành xuất khẩu lên hàng bậc nhất thế giới. Cộng với một lực lượng lao động hùng hậu như nói ở trên, thiệt khó để một nước nào có thể thay thế nó trong vòng một sớm một chiều.

Mấy mươi năm làm ăn với Mỹ giờ 1/3 trong số hơn một tỉ đó đã leo lên được hàng trung lưu. Số người thuộc giai cấp trung lưu trong nước nó giờ đã bằng với tổng dân số Mỹ cộng lại.

Cách nhìn thay đổi thì vật/việc được nhìn cũng đổi thay theo. “If you change the way you look at things, the things you look at change” - Wayne Dyer.

Người ghét khi đánh giá nó như người Việt mình, sẽ đem 2/3 số dân nghèo khổ còn lại của nó ra mà cười cợt. Nhưng với dân làm ăn chuyên ngửi mùi tiền, thì cái thị trường khổng lồ giành cho giới trung lưu kia luôn là tô phở bò bốc khói ngạt ngào.

Một tỉ dân là một tỉ cái miệng ăn, tức nó có một thị trường khổng lồ có thể ăn ráo trọi bất cứ thứ gì. Đến dầu ăn đã chảy xuống cống rồi mà vớt lên vẫn còn chế lại để bán được thì còn thứ gì mà không thể bán cho dân nó?

KFC hiện tại bán nhiều gà rán ở xứ nó hơn ở Mỹ, năm ngoái General Motors của Mỹ bán 3.6 triệu chiếc xe ở Trung Quốc, Boeing thì hiện tại cứ làm 4 chiếc máy bay thì một chiếc được bán qua Tàu. Và kể từ cuộc thương chiến Cao bồi-Thiếu Lâm nổ ra thì ngành xuất khẩu tôm hùm xứ Main giảm gần 84% so với mọi năm, ngành xuất khẩu các sản phẩm về sữa của Mỹ như pho mát này nọ giảm gần 54%.

Danh sách dĩ nhiên là còn dài, tỉ phú Hoàng Kiều người Mỹ gốc Mít cũng nhờ cái thị trường của nó mà nổi đình nổi đám. Giới ăn nên làm ra nhờ thị trường của nó ,hay nhờ sử dụng nhân công rẻ của nó - làm ra các sản phẩm chỉ tốn 1 đem về bán một trăm ở Mỹ - hẳn sẽ chống lại bất cứ điều gì có thể lật đổ nồi cơm của họ. Họ sẽ khư khư ôm lấy cái lý lẽ mơ hồ bấy lâu nay đó là cứ giao lưu làm ăn với nó rồi từ từ thay đổi chính trị của nó. Xa hơn nữa, có những kẻ thích mộng mơ nghĩ rằng càng giao lưu làm ăn với nó sẽ càng hướng nó đi theo khuôn phép của các xứ Âu Mỹ, mà hành xử một cách văn minh và tôn trọng luật pháp hơn.

Thực tế mấy mươi năm qua đã chứng minh ngược lại.

Thực ra giới con buôn qua đó kiếm tiền là chính chứ ba cái chuyện nhân quyền, dân chủ với luật pháp này nọ chỉ là chuyện ruồi. Bởi hám tiền và lóa mắt trước cái thị trường khổng lồ, nên sẵn sàng cúi đầu nhịn nhục trước những đòi hỏi phi lý của nó - như bị buộc phải liên doanh với các công ty của nó mới được làm ăn, phải chuyển giao công nghệ, phải hợp tác với chính quyền khi bị yêu cầu...vv.

Càng lún càng vướng, có bao nhiêu trứng dồn hết vào một rổ nhà nó, đến nỗi trong nhà trong cửa bất cứ thứ gì lật đít lên đều thấy hàng chữ xuất xứ từ nó. Càng ngày các công ty Mỹ càng lệ thuộc nặng vào hệ thống cung cấp hàng hóa của nó. Công ăn việc làm của dân Mỹ mỗi ngày mỗi mất dần về tay dân nó, đến độ dòng chữ Made in USA đã từng một thời vang danh thiên hạ thì giờ tìm mỏi mắt trong các siêu thị cứ như tìm lá mùa thu.

Các công ty của nó mới ngày nào tập tễnh làm từ đôi dép tới những thứ linh tinh khác, thì ngày nay rất nhiều góp mặt trong danh sách các đại công ty kỹ thuật lớn trên thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các công ty Mỹ khiến không ít kẻ giật mình. Nó copy tất cả những gì Mỹ có để làm ra cái của riêng nó, và chỉ cần cái thị trường khổng lồ của nó là các công ty của nó có thể sống khoẻ. Hễ Mỹ có Amazon, Ebay, Google thì nó làm Alibaba copy ý tưởng của cả ba công ty trên. Mỹ có FaceBbok, WhatsApp, Instagram, Skype, Uber, Tinder thì nó có Tencent, cái hãng cho ra đời WeChat copy ý tưởng của hầu hết các hãng Mỹ kể trên.

Các vùng lãnh địa truyền thống của Mỹ cũng dần bị nó lấn. Nó cố ý thông đường từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương theo cách Quân Phiệt Nhật xưa từng làm. Hàng chục năm trời nó cơi nới mấy cái bãi ngầm thành những tiền đồn quân sự khổng lồ ngay giữa đường đi qua đi lại hàng ngày của Mỹ, mà Mỹ cũng chỉ quan ngại miệng chiếu lệ rồi thôi. Vũ khí của nó thì dần đuổi kịp Mỹ, tàu chiến của nó đóng liên tục cái sau to và hiện đại hơn cái trước, tên lửa nó chế cái sau bay xa hơn cái trước, và máy bay Mỹ có gì nó cũng cố tìm cách copy chế ra cho bằng được.

Người Mỹ khi qua xứ nó làm ăn đã phải hy sinh mọi giá trị cốt lõi của mình, chỉ để được chia phần cái thị trường lẫn lực lượng lao động của nó. Suốt mấy mươi năm giúp nó trở nên thịnh vượng về kinh tế, nhưng ngược lại về chính trị nó chẳng những không thay đổi mà còn dùng chính sức của Mỹ để quật ngược lại Mỹ. Người Mỹ giật mình than "Chết dưới tay Trung Cộng" rồi tiếp tục lúng túng trước những đòn chiêu của nó mà không biết phải đối phó cách nào.

Cho đến lúc Trump lên.

Rằng dù bạn có cuồng yêu Trump hay cuồng ghét Trump thì cũng phải công tâm một điều, là từ ngày ông ấy lên khác với các vị tiền nhiệm, mối nguy từ Trung Cộng được ông ta đưa lên hàng ưu tiên. Từ đưa vào nội các của mình những nhân vật cứng rắn với Trung Cộng, cho đến khơi mào cuộc thương chiến như chúng ta đã thấy lâu nay, thiết nghĩ không cần nhắc lại.

Trump đã nhìn thấy cái chết của Mỹ dưới tay Trung Cộng từ rất lâu trước khi ông ấy ra tranh cử tổng thống, ai đọc các sách ông ấy viết hẳn biết điều này. Ông hẳn đã thấy Mỹ sẽ chết dưới tay nó, nếu cứ tiếp tục cái đà này. Cái đà bao nhiêu trứng dồn hết vào rổ nhà nó, cái đà cạnh tranh không công bằng, ăn cắp kỹ thuật, dùng luật rừng địa phương để ép buộc các công ty Mỹ. Phá giá đồng tiền để tạo lợi thế xuất khẩu, rồi dùng chính nguồn tiền có được từ làm ăn với Mỹ để dồn sức vào các đại công ty nhà nước, và tung chúng ra để đấu với các công ty tư nhân của Mỹ.

Từ lúc nhậm chức đến nay ông Trump chưa lúc nào ngưng nói về hiểm họa Trung Cộng cũng như đưa ra các giải pháp: "Đem các công ty về Mỹ, đa dạng hóa nguồn cung, đánh thuế hàng của nó, cấm cửa các công ty kỹ thuật của nó cũng như bắt người...". Những chuyện mà các đời tổng thống trước chưa bao giờ làm. Cái cách ông Trump đấu với nó cho thấy cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là cuộc thương chiến mà là một cuộc chiến trên tất cả các mặt, một cuộc chiến giữa "giữ ngôi vs soán ngôi". 

Đấu với Trung Cộng ngày nay khác rất xa với việc đấu với Liên Xô thuở trước, bởi Trung Cộng là một đối thủ khó chơi hơn nhiều. Nó giờ có rất nhiều tiền, nó có một nền kinh tế lớn ngấp nghé ngôi vị số 1, nó có một thị trường nội địa khổng lồ mà tương lai sẽ vượt cả thị trường nội địa Mỹ khiến bao bọn tư bản nước ngoài thèm thuồng. Và hơn hết cả nó có một thể chế độc tài toàn trị, nơi mà thằng lãnh đạo nói gì thằng dân đen cũng phải nghe theo răm rắp nếu không muốn bể đầu.

Trump cũng ồn ào tranh cãi thương mại với các nước đồng minh của Mỹ, nhưng các khác biệt đó đều được giải quyết một cách êm xuôi và nhanh chóng như các ký kết giữa Mỹ-Canada-Mễ, giữa Mỹ -Nhật cũng như Mỹ-Âu Châu. Chỉ riêng đối với Trung Cộng thì nhiêu khê hơn nhiều bởi nó vướng thể chế chính trị. Nó vướng ý thức hệ, nó vướng giấc mộng bành trướng lúc nào cũng cuồn cuộn chảy trong lòng cái đám quan dân tự xưng mình là Đại Hán nơi cái xứ có 5 ngàn năm lịch sử chém giết này.

Mà suy cho cùng, trên đời này có thằng nào có đủ sức lực lại không ôm mộng bá chủ thiên hạ bao giờ?

Muốn đánh nó gục chỉ có cách đổ súng đổ tiền qua xúi giục dân các vùng bị nó chiếm đóng nổi dậy mà quậy để mong nó tan ra từng mảnh nhỏ, nhưng không có chỉ dấu nào cho thấy Trump đang làm điều đó. Cũng như không có chỉ dấu nào cho thấy Mỹ có thể làm với Trung Cộng như cách Mỹ đã từng làm với Liên Xô trước đây. Trump thực ra chỉ đang tìm kiếm một cái good deal.

Trump vốn là một tay chơi và hiện đang phải đấu với một tay không phải dạng vừa. Cuộc chơi còn dài, và những cái tweet được tung ra cũng như những lời âu yếm hay dằn mặt đối thủ chỉ là những chiêu nhất thời trong một cuộc chơi, chứ không phải kết quả cuối cùng. Khi được hỏi sao hôm trước thì nói yêu Tập hôm sau lại gọi Tập là kẻ thù thì Trump bảo đó là cách Trump thương lượng, và trước giờ Trump dùng cách đó đều cho kết quả tốt. 

Người Việt mình nếu có yêu hay ghét Trump cũng nên bớt bớt dựa vào các chiêu nhất thời này của Trump để mà quánh giá hay xáp lá cà lẫn nhau. Bởi kết quả cuối cùng mà Trump đang tìm kiếm là một thỏa thuận thương mại tốt cho nước Mỹ chứ không phải một Trung Cộng đại loạn, một thỏa thuận có thể khép Trung Cộng vào khuôn phép để cuộc cạnh tranh được công bằng hơn cho các công ty Mỹ cũng như hàng hóa Mỹ trên đất Trung Cộng. Và một khi được chơi công bằng thì các công ty Mỹ chắc chắn sẽ không ngán thằng nào.

(…) Rằng dù bạn có yêu hay ghét thì Trump vẫn rất đáng được ủng hộ với những gì ông ấy đang làm, để ngăn chặn cái chết của Mỹ dưới tay Trung Cộng, bởi nếu không cứ để cái đà này tiếp diễn thì Mỹ chết chắc. Có câu cách an toàn nhất là đừng làm gì cả bởi hễ có động tay động chân là có sai sót, nên tôi mới bảo Trump đáng được ủng hộ trong cuộc chiến với Trung Cộng. Thế nhưng sức Mỹ cũng có hạn và ông ấy cũng có điểm yếu của ông ấy. 

Ngoài những chuyện lặt vặt về tính cách không đáng nhắc tới, thì có một điểm cần phải nhắc tới là mặt trái của một nền dân chủ. Hai bên đấu nhau, trong lúc đối thủ có toàn quyền muốn làm gì làm, thì Trump phải vừa đấu với đối thủ, vừa phải đấu với người nhà. Và trong lúc Tập có thể yên tâm suốt đời trên ngai và thoải mái kêu gọi trường kỳ kháng chiến, thì Trump đang phải đối mặt với cuộc bầu cử tới. Kinh tế còn mạnh thì Trump còn đạn để bắn, chứ kinh tế mà xuống thì Trump hết chip để đẩy ra bàn.

Trump mà thất cử mùa tới thì coi như xong game.

THUC TRAN (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.