Đăng ngày:
Giới thiệu của Causeur : Việt Nam quản lý một
cách tuyệt vời cuộc khủng hoảng virus corona. Đất nước này đã phát hiện
ca nhiễm đầu tiên hôm 23/01/2020, và biên giới với Trung Quốc bị đóng
vào ngày 01/02/2020. Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp tử vong
nào.
Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Hoa Kỳ. Phương Tây vốn cho
rằng mang những giá trị nhân văn, nay lại mang trong người virus. Một
con virus rõ ràng mang tính toàn cầu hơn cả những giá trị ấy. Rõ ràng là
các quốc gia châu Á, cụ thể là các nước theo văn hóa Nho giáo cho đến
nay đã thành công trong việc ngăn chận làn sóng dịch bệnh đang thô bạo
tấn công chúng ta.
Không có trường hợp tử vong nào
Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc
thường được nêu ra làm ví dụ. Người ta quên mất đất nước Nho giáo cuối
cùng trong nhóm này, tuy rất gần gũi về tình cảm và lịch sử với chúng
ta : đó là Việt Nam. Trong khi thành công của Việt Nam trước nạn dịch
corona thuyết phục hơn cả Hàn Quốc – nay đã là nước công nghiệp lớn.
Tăng
trưởng rất nhanh từ 20 năm qua (GDP 2.700 đô la/người, tỉ lệ 7% vào năm
2019) nhưng thua xa Hàn Quốc hay Đài Loan về kinh tế hay cơ sở hạ tầng,
Việt Nam đã đạt được các kết quả tuyệt vời. Vào giữa tháng Tư 2020, số
người dương tính với Covid-19 vẫn chưa đạt con số 300 và số tử vong vẫn
nằm yên ở con số zero.
Việt Nam không để mất nhiều thời giờ. Hết
sức thận trọng, các trường học đã đóng cửa từ hôm 18/1 để nghỉ Tết, từ
đó đến nay vẫn chưa mở cửa lại. Dân chúng vốn quen đeo khẩu trang để
chống nắng hay chống ô nhiễm, đã không ngần ngại sử dụng. Những chai
nước kháng khuẩn được lắp đặt tại tất cả những địa điểm công cộng (quán
cà phê, lối vào các tòa nhà, thang máy…) ngay từ cuối tháng Giêng.
Biên
giới với các nước đang bị dịch được sớm đóng cửa, bắt đầu là với Trung
Quốc ngay từ ngày 01/02, chưa đầy một tuần sau khi xuất hiện ca dương
tính đầu tiên (một người từ Vũ Hán về, được xác nhận bị nhiễm ngày
23/01/2020).
Cuối cùng, Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên đã áp dụng
phương pháp rất nghiêm ngặt : nhận diện những người và những nhóm có
nguy cơ, phong tỏa, cho xét nghiệm và cách ly những trường hợp dương
tính. Một phương pháp không quá xa khuyến cáo của tổng giám đốc Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO) : « xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và cách ly ». Cũng không có gì là phép mầu, nhưng cần phải quyết định làm ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Việt Nam đã làm rất tốt.
Tôi viết từ bệnh viện ở Hà Nội
« Chế độ cộng sản thì không thể tin vào con số được. Chắc chắn là họ đã giấu diếm sự thật ! ». Than ôi, chả phải như thành kiến.
Đã
hẳn là thế nào cũng có những « kẻ vô hình » - những người lành mang mầm
bệnh mà không biết, như tại tất cả những nước khác, và không được tính
vào thống kê chính thức. Nhưng họ không nhiều cũng chẳng ít hơn ở châu
Âu, và có thể là ít hơn, với chính sách xét nghiệm đại trà và phong tỏa ở
Việt Nam. Số lượng ca dương tính biết được là hợp lý, và ở mức thấp một
cách tuyệt vời đối với một đất nước chỉ cách Vũ Hán có ba giờ bay.
Các
bệnh viện không bị quá tải, lượng bệnh nhân nhập viện và ra viện nằm
trong vòng kiểm soát. Bạn có thể tin tôi. Tôi đang viết cho bạn từ phòng
số 541 của Bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội, nơi tập trung tất cả các ca được
phát hiện. Xét nghiệm dương tính với con virus sau hai tuần ở Paris,
tôi nhập viện vào 2 giờ sáng hôm 25/03.
Tôi không có triệu chứng
nào, không bị bệnh, nhưng phải ở lại bệnh viện cho đến chừng nào trở nên
âm tính. Nếu tôi ở riết trong bệnh viện, không phải vì tôi, mà để khỏi
lây nhiễm cho cộng đồng. Một bệnh nhân dương tính bị cho về nhà mà không
có khẩu trang là điều không thể tưởng tượng được tại đây. Ở Việt Nam,
việc bảo vệ tập thể được đặt cao hơn mọi thứ khác. Tự do cá nhân của
tôi, tính sau.
Cá nhân không là gì, tập thể là tất cả
Chiến
lược của Việt Nam trước con virus rất đơn giản, có hơi xâm phạm cuộc
sống riêng tư. Tất cả những ai bị nhiễm virus (gọi là F0) đều phải khai
danh tính những người mình đã tiếp xúc (F1) trong những ngày trước đó,
và ghi rõ những nơi đã đến.
Bản thân tôi vào tối 24 rạng 25/03
cũng phải khai trước khi nhập viện. Và tốt nhất là đừng có gian dối. Hệ
thống quản lý cư dân cố hữu của chế độ cộng sản từ năm 1954 ở miền bắc
và từ 1975 ở miền nam, biết cách truy ra những bí mật và cực lực phê
phán bạn, nhân danh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những người tiếp
xúc với F0 được gọi là F1, sẽ được gởi ngay đến một trung tâm cách ly
hoặc cho tự cách ly ở nhà, và được xét nghiệm. Mỗi F1 có nhiệm vụ phải
báo tin cho những người mà mình có tiếp xúc, đó là các F2. Cái giá cho
F2 : giãn cách xã hội và nếu có thể, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Đến ngày 04/04, đã có trên 73.000 người bị cách ly, hơn 40% trong số đó
trong một trung tâm khép kín được quân đội quản lý, hoặc tại nhà, hoặc ở
bệnh viện.
Nếu một F1 bị phát hiện dương tính, thôi xong : tất cả
các F2 sẽ trở thành F1, lại bị đưa đi cách ly và xét nghiệm. Công việc
theo dõi những người bị nhiễm và người có nguy cơ theo kiểu kim tự tháp
là một công việc tốn rất nhiều công sức và tỉ mỉ.
Việc này có thể
thực hiện được không chỉ vì Việt Nam là một quốc gia cộng sản có hệ
thống quản lý chặt chẽ. Hàn Quốc, Nhật Bản là các nền dân chủ đa đảng,
cũng trên tinh thần này. Nếu chính sách của Việt Nam có kết quả với dân
số gần 100 triệu người, đơn giản là vì toàn dân chấp nhận thực hiện.
Tại
Việt Nam cũng như Nhật, Hàn hay các nước đa số người Hoa (Trung Quốc,
Đài Loan, Hồng Kông, Singapore), bảo vệ lợi ích của tập thể được đặt lên
trên các quyền cá nhân. Mỗi người đều chấp nhận đi cách ly hai tuần
trong một doanh trại quân đội cách nhà mình 30 km, vì sự hy sinh này
được tất cả mọi người con là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng
đồng. Không thể nào từ chối được.
Bài học từ các quốc gia Nho giáo
Phương
pháp của Việt Nam sử dụng sẽ không thể nào được người dân Pháp chấp
nhận, cho rằng hoàn toàn không phù hợp với các giá trị của chúng ta.
Nhưng những giá trị này đã tạo điều kiện cho con virus lan tràn khắp
châu Âu.
Tương lai sẽ trả lời rằng biện pháp mà Việt Nam và các
nước láng giềng sử dụng có hiệu quả hơn những biện pháp chắp vá được áp
đặt ở châu Âu hay không. Hiện nay, chắc chắn rằng các quốc gia Nho giáo
nhắc nhở chúng ta một bài học xưa như trái đất, mà không cần khua chuông
gióng trống (ngoại trừ chủ tịch Tập Cận Bình).
Rõ ràng là một bài
học. Trước địch thủ, một nhóm người gắn bó, kỷ luật – và nếu có thể,
được lãnh đạo tốt – luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai
nấy làm, không nghe lời người chỉ huy. Một bài học vĩnh cửu.
Cách
đây hai ngàn năm, Jules César và đội quân kỷ luật của ông đã đánh bại
đội ngũ man di đông đảo. Cách đây mười năm, nước Pháp bị hụt mất một hợp
đồng khổng lồ – xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở Các tiểu vương
quốc Ả Rập thống nhất – bị rơi vào tay người Hàn Quốc, cũng cùng một lý
do. Phía Pháp cạnh tranh, đối địch lẫn nhau, còn tất cả các bên Hàn Quốc
đều đoàn kết.
Nằm trong đội ngũ quản lý tập đoàn Areva vào thời
đó, tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về thất bại cay đắng này. Không phải
với một mớ hỗn tạp các nhóm có cùng lợi ích hay nhóm thiểu số với các ưu
tư khác nhau mà chúng ta có thể đối mặt với một đạo binh đang tiến lên
theo quân lệnh. Nhất là tại một sân chơi bình đẳng « level playing
field », không có một rào cản nào.
Một nhận xét thực tế trong hầu
như mọi lãnh vực : mệnh lệnh và kỷ luật tập thể của các nước Nho giáo,
khi được huy động bằng một chính sách rõ ràng, chứ không phải một chế độ
cộng sản lạc hậu và đẫm máu, sẽ chiến thắng trước chủ nghĩa cá nhân
phương Tây. Từ kỹ nghệ, giáo dục đến an ninh công cộng và nay là sức
khỏe cộng đồng, không một lãnh vực nào mà chúng ta không bị vượt qua hay
ít nhất bị bắt kịp.
Sự trỗi dậy thần kỳ của Hàn Quốc trong 30 năm
qua đủ để thuyết phục kẻ cận thị nhất trong chúng ta. Ta có thể tự trấn
an rằng chủ nghĩa cá nhân giúp chúng ta sáng tạo hơn, nhưng có thật vậy
chăng ? Bộ phim « Parasite » được Oscar phim hay nhất khiến các tác
phẩm bậc thầy của chúng ta phải ganh tị.
Ừ thì tự do cá nhân của
chúng ta là vô giá, và với mô hình Nho giáo thì lợi ích tập thể được đặt
lên trên. Nhưng hãy nhớ lại đi, lợi ích tập thể và tự do cá nhân đã
từng sống chung hài hòa tại Pháp. Điều mà hồi xưa ta gọi là « ý thức
công dân », chỉ đơn giản là tôn trọng tất cả các quy định tập thể, vì
quyền lợi của toàn dân. Đó không phải là Nho giáo, nhưng cũng gần như
thế.
Ý thức công dân này đã biến mất, được thay thế bằng yêu sách
của vô số nhóm thiểu số. Nếu không tìm lại được thỏa hiệp tế nhị giữa
tinh thần tập thể và không gian cá nhân, đã làm nên sức mạnh của chúng
ta cho đến đầu thập niên 80, tôi lo rằng chúng ta không còn chọn lựa nào
khác là phải ngồi nhìn tính kỷ luật của các quốc gia Nho giáo đánh bại
ta trên mọi lãnh vực.
Năm 1870, hoàng đế Nhật gởi một phái bộ đến
châu Âu để nghiên cứu xem các cường quốc ở châu lục làm thế nào trở nên
hùng cường như vậy về chính trị, quân sự và khoa học. Đó là vào đầu kỷ
nguyên Minh Trị Thiên Hoàng. Gần nửa thế kỷ sau, phải chăng châu Âu nên
khiêm tốn gởi các phái bộ đến châu Á Nho giáo để tái khám phá vài quy
luật đơn giản của thành công tập thể ?
Phần kết
Sau
17 ngày cách ly trong phòng với năm bệnh nhân khác, và ba lần xét
nghiệm âm tính liên tiếp, tôi đã có thể xuất viện về nhà. Để lập tức bắt
đầu một cuộc cách ly mới nghiêm ngặt, bị cấm ra khỏi căn hộ. Cơ quan y
tế phát hiện vài ca hiếm hoi bị dương tính nhẹ trở lại sau nhiều lần âm
tính, tất cả các bệnh nhân đã khỏi đều phải cách ly tiếp. Chính quyền
không muốn có bất cứ rủi ro nào.
Một lần nữa, việc bảo vệ cộng
đồng lại được đặt lên trên tự do cá nhân. Đó là sự chọn lựa tập thể được
toàn xã hội Việt Nam chấp nhận. Một chọn lựa xã hội không thể tưởng
tượng được ở nước Pháp.
*Bài viết của ông Jean-Noël Poirier kết
thúc vào ngày 13/04/2020, Việt Nam có 262 ca dương tính và zero tử vong.
Theo báo chí trong nước, tính đến ngày 20/04/2020, tổng số ca
bị nhiễm virus corona là 268 nhưng chỉ còn 66 người đang phải điều trị,
202 người đã ra viện. Bốn ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh
mới nào, và cũng vẫn không có bệnh nhân nào tử vong.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.