vendredi 22 juin 2012

Giới blogger đối lập Cuba tổ chức Festival Clic

Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 
 
Các blogger đối lập ở Cuba, trong đó có nhà ly khai nổi tiếng Yoani Sanchez, hôm qua 21/06/2012 đã khai mạc Festival Clic tại La Habana. Sự kiện này kéo dài ba ngày, nhằm xúc tiến internet và tranh luận về các vấn đề của đất nước, được tổ chức ngay trước mắt của chính quyền.

Khoảng năm mươi người đã hiện diện trong lễ khai mạc Festival Clic, sự kiện được một nhóm blogger Tây Ban Nha hỗ trợ. Tại Festival này sẽ diễn ra các cuộc hội thảo về các kỹ thuật thông tin mới và việc sử dụng các mạng xã hội. Nhà ly khai Yoani Sanchez giải thích, đây là một dịp để đề cập đến tất cả các kỹ thuật khác nhau, những thủ thuật huyền diệu giúp con người trở thành những công dân tích cực hơn.

Một trong số các khách mời, ông José Luis Antunez, thuộc nhóm Evenement blog d’Espagne (EBE), cho biết rất ngạc nhiên trước hạn chế về kỹ thuật của đảo quốc này. Ông nói với AFP : « Tôi cũng ý thức được về thực tế tại đây, nhưng về kỹ thuật thì tôi không nghĩ lại tệ đến thế. Đó là một đất nước không có internet trong nhà ». 

Rất ít gia đình Cuba có internet. Chính quyền cộng sản nước này đã giới hạn tối đa việc nối mạng, và tình hình lại càng nặng nề hơn trước những khó khăn về kinh tế và kỹ thuật do các biện pháp cấm vận của Mỹ từ năm 1962.

Chỉ có một số ít người vào được mạng internet tại các khách sạn, với giá 6 đô la/giờ, trong khi đó lương bình quân chính thức là dưới 20 đô la một tháng. Còn các nhà đối lập thì sử dụng mạng của các cơ sở kinh tế Mỹ, hay các đại sứ quán châu Âu ở La Habana. Một đường cáp quang đặt ngầm dưới biển trị giá 70 triệu đô la đã được thiết lập giữa Cuba và Venezuela vào năm 2010 – 2011, nhằm cải thiện đường truyền internet tốc độ cao, nhưng đến nay không mang lại kết quả gì đáng kể.

Festival Clic diễn ra dưới sự chỉ trích của các trang web và các blogger chính thức của Nhà nước. Trang web Cubadebate, trong bài xã luận mang tựa đề “La inocenCIA imposible del Festival Clic” (có nghĩa là “Festival Clic không thể vô hại”, cố tình chơi chữ khi in hoa chữ CIA), đả kích: “Những người đã từng hưởng lợi nhiều triệu bạc do các cơ quan chính phủ Mỹ cung cấp nhằm thay đổi chế độ ở Cuba, nay lại muốn xuất hiện như những nhà xúc tiến cho việc triển khai sử dụng internet”.

tags: Châu Mỹ - Chính trị - Cuba - Internet 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120622-gioi-blogger-doi-lap-cuba-hop-ba-ngay
 

Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí Bắc Triều Tiên


Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Sáu 2012 
Thụy My / Tú Anh 
 
Một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc tố cáo Trung Quốc thường xuyên vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí và hàng xa xí phẩm nhập vào Bắc Triều Tiên. Tin này do nhật báo cánh tả Nhật, Asahi, tiết lộ hôm nay 22/06/2012.

Theo báo Nhật, thì một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc rất có thể sẽ được công bố vào tuần tới khẳng định trong hai năm rưỡi qua, Bắc Kinh đã 21 lần « làm ngơ » nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bình Nhưỡng. Tổng cộng từ 2006 đến 2009, Bắc Kinh đã có 38 vụ vi phạm. Trong đa số trường hợp, các hải cảng của Trung Quốc được sử dụng làm trạm trung chuyển, hay các công ty Trung Quốc đều đóng vai trò trung gian.

Trong số 21 vụ vi phạm được ghi nhận, có hai vụ liên quan đến việc xuất nhập khẩu các vật liệu liên quan đến việc sản xuất hay sử dụng các loại vũ khí sát hại hàng loạt hay hỏa tiễn đạn đạo. Báo cáo cũng đề cập đến 6 vụ xuất nhập khẩu vũ khí và 13 vụ nhập hàng xa xí phẩm phục vụ chế độ.

Ít nhất có một lần, cảng Đại Liên được sử dụng để chuyển linh kiện điện tử và bảng kim loại để chế tạo hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên sang Syria. Lần thứ hai là vào năm 2010, nhiều máy công cụ có thể sử dụng vào mục đích quân sự từ Đài Loan đã được chuyển qua Trung Quốc rồi từ Trung Quốc chuyển đi sang Bình Nhưỡng.

Tờ Asahi Shimbun từ đầu tháng Sáu đã tiết lộ việc Bắc Kinh giao cho Bắc Triều Tiên bốn chiếc xe phóng tên lửa vào năm 2011, loại WS-51200 có 16 bánh, nhập khẩu từ một công ty con của tập đoàn quốc doanh Trung Quốc China Aerospace Science and Technology Corp., chuyên sản xuất các hỏa tiễn không gian và các xe phóng tên lửa. Nhưng Trung Quốc đã chối cãi các cáo buộc này.

Liên Hiệp Quốc đã hai lần thông qua các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vào năm 2006 và 2009, sau khi chế độ Bình Nhưỡng cho thử nghiệm nguyên tử. Các nghị quyết 1718 và 1874 cấm mọi việc chuyển giao sang Bình Nhưỡng các vũ khí hạng nặng, các kỹ thuật có thể sử dụng vào việc sản xuất vũ khí nguyên tử, và các vật liệu liên quan.

Các biện pháp trừng phạt này đã được củng cố và có sự tán thành của Bắc Kinh, sau thất bại của Bắc Triều Tiên trong việc phóng một vệ tinh vào quỹ đạo hôm 13/4. Washington và các đồng minh nghi ngờ hỏa tiễn dùng để phóng vệ tinh là một loại hỏa tiễn đạn đạo trá hình. Tên lửa này đã bị rơi xuống Hoàng Hải, cách bờ biển Hàn Quốc 165 km.

Tháng Tư vừa qua, trước những sự nghi ngờ của quốc tế, Trung Quốc cam kết với Mỹ là « bảo đảm » tuân thủ cấm vận.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Liên Hiệp Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120622-trung-quoc-vi-pham-lenh-cam-van-vu-khi-bac-trieu-tien
 

Ngày hội âm nhạc Pháp bị thời tiết xấu cản trở

Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 
 
Hôm nay 21/06/2012, ngày hội âm nhạc (Fête de la Musique) lần thứ 31 của nước Pháp, với điểm nhấn là kỷ niệm 50 năm nhạc pop,  đã phải đối mặt với nhiều cơn giông mạnh, khiến nhiều sự kiện bị hủy.

Cơ quan khí tượng Pháp đã đặt 32 vùng ở miền đông bắc, trong đó có Paris và vùng phụ cận, ở mức độ cảnh báo màu cam từ 14 giờ chiều nay cho đến sáng mai, do nguy cơ các cơn giông rất mạnh kèm theo mưa đá và gió lớn.

Cảnh sát vùng Bas-Rhin và Haut-Rhin khuyến cáo Tòa Thị chính hủy bỏ tất cả các lễ hội ngoài trời. Strasbourg và Mulhouse loan báo hủy các buổi lễ chính thức, còn Nord-Pas-de-Calais và Picardie cũng quyết định tương tự. Abbeville ngưng toàn bộ các buổi ca nhạc, và tại Lille thì các lễ hội ngoài trời được dời vào trong nhà.

Còn tại thủ đô Paris, hiện thời các chương trình ca nhạc quan trọng vẫn được duy trì. Cảnh sát cho biết các nhà tổ chức có thể tùy nghi quyết định cho phù hợp. Phần còn lại của nước Pháp, tuy không bị thời tiết làm ảnh hưởng, nhưng lại nhằm vào thời điểm thi tú tài nên nhiều thanh niên không thể tham dự lễ hội.

Ngày hội âm nhạc được tổ chức vào ngày 21/6 hàng năm do sáng kiến của cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang từ năm 1982, nay đã được một số nước noi theo. Riêng năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập các nhóm nhạc nổi tiếng như Beatles, Stones hay Beach Boys, nhạc pop được chọn làm chủ đề chính. Tất nhiên các dòng nhạc khác như jazz, électro, hard-rock, cổ điển và nhạc mang màu sắc của nhiều nước cũng được trình diễn.

Từ khuya hôm qua, Bộ trưởng Văn hóa Aurélie Filipetti đã chính thức khai mạc lễ hội, với một buổi diễn của nhóm Revolver, nhưng thực ra từ chiều hôm nay các buổi trình diễn nhân Ngày hội âm nhạc mới nở rộ khắp nơi. Theo dự kiến, có nhiều nghệ sĩ danh tiếng tham gia trình diễn tại các địa điểm công cộng, bên cạnh đó tại các góc đường, trước các bar… đều có những nhóm nhạc nghiệp dư biểu diễn. Với tấm vé 3 euro dành cho tất cả mọi phương tiện giao thông công cộng, người dân Paris và ngoại ô có thể di chuyển thỏa thích cho đến sáng mai để tham gia lễ hội.

Trung bình mỗi năm trong dịp Ngày hội âm nhạc, tại Pháp có 18.000 buổi trình diễn với sự tham gia của 5 triệu ca sĩ và nhạc sĩ không chuyên, thu hút 10 triệu khán giả. Riêng năm nay có lẽ sẽ kém tưng bừng hơn vì thời tiết, chẳng hạn thành phố Strasbourg lần đầu tiên trong lịch sử phải hủy lễ hội này, tuy đã chi ra 100.000 euro để tổ chức.

tags: Âm nhạc - Nghệ thuật - Pháp - Văn hóa 
 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120621-ngay-hoi-am-nhac-phap-bi-thoi-tiet-xau-can-tro
 

Ai Cập hoãn công bố kết quả bầu cử tổng thống

Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 
 
Kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập, dự kiến sẽ được công bố hôm nay 21/06/2012, đã bị hoãn lại vô thời hạn. Ủy ban bầu cử giải thích là cần có thời gian để xem xét khiếu nại của cả hai phe. Ứng cử viên Mohamed Morsi của Huynh đệ Hồi giáo và Ahmed Chafik, cựu Thủ tướng trong chính phủ ông Hosni Mubarak, đều cho rằng mình thắng cử.

Thông tín viên RFI tại Cairo, Alexandre Buccianti tường trình :

« Đối với những người ủng hộ ông Mohamed Morsi, việc hoãn công bố kết quả khiến họ nghĩ rằng quân đội chuẩn bị một âm mưu mới. Có nghĩa là sau việc giải tán Quốc hội và giảm bớt quyền hành của Tổng thống tương lai, quân đội sắp sửa dùng vũ lực để giúp tướng Chafik lên nắm quyền.

Còn về phía tướng Chafik, thì cho rằng phe Huynh đệ Hồi giáo muốn chận lại chiến thắng của ông bằng mọi cách. Ông Morsi đã bắt đầu loan báo chiến thắng của mình trong khi chưa kiểm được đến phân nửa số phiếu, và phe Hồi giáo định tấn công đẫm máu, nếu ứng cử viên của họ thất cử.

Tin đồn được lan truyền trong cả hai phe. Hôm qua, các tin nhắn SMS, Facebook và Twitter đều thông báo việc ngưng bắn vào lúc 20 giờ hôm nay. Người dân được khuyến cáo nên đổ đầy xăng, dự trữ thực phẩm và nhất là nước uống. Cho dù dân Ai Cập vẫn chưa hoảng sợ, nhưng họ cũng bắt đầu lo lắng thực sự. Trước hết là, việc thiếu thốn lương thực và xăng dầu đã là chuyện thường ngày, rồi đến nguy cơ bùng nổ bạo động giữa hai phe ».

Trong khi đó, cựu Tổng thống Hosni Mubarak đang hấp hối sau khi bị xuất huyết não, đã được chuyển từ nhà tù sang một bệnh viện quân sự, trong sự thờ ơ hoàn toàn của dân chúng. Họ chờ đợi biết được tân Tổng thống để lật sang một trang mới hậu Mubarak.

tags: Ai Cập - Chính trị - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120621-ai-cap-hoan-cong-bo-ket-qua-bau-cu-tong-thong
 

Khu vực đồng euro họp bàn hỗ trợ các ngân hàng Tây Ban Nha

Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 
 
Hôm nay 21/06/2012 Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc khu vực đồng euro họp tại Luxembourg để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào cuối tháng Sáu. Các chủ đề trọng tâm là hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng Tây Ban Nha, cấp vốn cho các ngân hàng Chypre và điều chỉnh các yêu cầu cải cách đối với Hy Lạp, trong đó vấn đề ngân hàng Tây Ban Nha là khẩn cấp nhất.

Đang trong tâm bão khủng hoảng tài chính, Tây Ban Nha chuẩn bị chính thức đưa ra yêu cầu châu Âu hỗ trợ các ngân hàng nước mình, thay vì một kế hoạch trợ giúp cho toàn bộ nền kinh tế Tây Ban Nha. Các nước khu vực đồng euro hôm 9/6 đã thỏa thuận sẽ hỗ trợ số tiền lên đến 100 tỉ euro, nhưng Madrid cần phải xác định con số cụ thể, với sự giúp đỡ của hai cơ quan kiểm toán là Roland Berger của Đức, và Oliver Wyman của Mỹ.

Nhưng thị trường tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong khi chờ đợi biết số tiền cụ thể mà Tây Ban Nha được vay, nhằm củng cố lại lãnh vực ngân hàng đã bị suy yếu, từ khi bong bóng bất động sản bị vỡ năm 2008. Hôm nay trên thị trường trái phiếu, Madrid phải trả lãi suất rất cao để vay được 2 tỉ euro. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng gấp đôi, từ 2,069% lên 4,706%. Còn lãi suất kỳ hạn 5 năm, thì lần đầu tiên đã vượt qua ngưỡng 6%.

Món tiền mà châu Âu cho vay sẽ được rót vào quỹ hỗ trợ ngân hàng của Tây Ban Nha, và như vậy sẽ làm tăng gánh nặng nợ công của nước này. Do đó, thị trường lo sợ việc phải cứu vãn toàn bộ nền kinh tế Tây Ban Nha, như trường hợp Ai Len, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp.

Một số chuyên gia cho rằng việc cứu trợ các ngân hàng Tây Ban Nha không giải quyết được cốt lõi của vấn đề, mà cần phải sớm cứu vãn cả nền kinh tế. Nhưng Tây Ban Nha chiếm đến 12% tổng sản phẩm nội địa khu vực đồng euro, nên kịch bản này có thể cần đến 500 tỉ euro. Sự hỗ trợ đi kèm với yêu cầu khắc khổ, trong khi đó Tây Ban Nha đang bị suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 24,44%, đang phải cố giảm nợ công từ 8,9% tổng sản phẩm nội địa xuống còn 5,3% trong năm nay.

Hôm qua hàng chục ngàn người dân Tây Ban Nha đã xuống đường theo lời kêu gọi của công đoàn tại 60 thành phố, chống thắt lưng buộc bụng, đòi bảo vệ khu vực công và chống lại việc hỗ trợ các ngân hàng. Đó là vì, tuy Madrid đảm bảo là sẽ không có biện pháp khắc khổ bổ sung nào, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã yêu cầu phải tăng thuế trị giá gia tăng và giảm lương công chức.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Ngân hàng - Quốc tế - Tây Ban Nha 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120621-khu-vuc-dong-euro-hop-ban-ho-tro-cac-ngan-hang-tay-ban-nha
 

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị bị cấm rời khỏi Trung Quốc


Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 
 
Hôm nay 21/06/2012 nghệ sĩ Ngải Vị Vị loan báo ông vẫn bị cấm rời khỏi Trung Quốc, cho dù thời hạn được tự do có điều kiện một năm của ông đã chấm dứt. Luật sư của Ngải Vị Vị là Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) cũng bị cấm ra khỏi Bắc Kinh, còn nhà đấu tranh cho nhân quyền Hồ Giai bị các nhân viên an ninh đánh đập.

Nói chuyện với hãng tin Pháp AFP qua điện thoại, Ngải Vị Vị cho biết, sáng nay ông đến đồn công an, thì được trao cho văn bản chính thức thông báo thời hạn tự do có điều kiện đã chấm dứt trên lý thuyết. Tuy nhiên, họ không trả lại hộ chiếu cho ông, và ông vẫn bị hạn chế di chuyển.

Công an khẳng định, Ngải Vị Vị đang là đối tượng bị điều tra về các tội danh khác, nhưng ông đòi hỏi họ cần phải hành động theo thủ tục tư pháp, chứ không thể nói miệng.

Cố vấn luật pháp chính của ông là luật sư Lưu Hiểu Nguyên hôm nay cũng cho biết đã bị chính quyền cấm ra khỏi Bắc Kinh, sau khi ngăn trở ông tham gia phiên tòa xử Ngải Vị Vị hôm qua vì tội « trốn thuế ».

Những người thân của Ngải Vị Vị nói rằng, hôm thứ Ba 19/6 luật sư Lưu Hiểu Nguyên được chính quyền mời lên gặp, nhưng sau đó đột ngột mất liên lạc. Luật sư Lưu Hiểu Nguyên cũng như bản thân ông Ngải Vị Vị đều không được tham dự phiên tòa dầy đặc công an mặc sắc phục và thường phục, phòng xử án chỉ có năm ghế ngồi, và báo chí không được cho vào. Hôm nay luật sư viết trên Twitter là ông đã bị buộc phải trở về Giang Tây. Ông đang lên máy bay, nhưng hứa hẹn sẽ sớm quay lại.

Còn nhà đấu tranh cho nhân quyền Hồ Giai thông báo, tối qua ông đã bị một nhóm người hành hung khi ông vừa rời khỏi nhà ở ngoại ô Bắc Kinh. Sáng nay ông vẫn còn rất đau ở cổ, ngực và hai xương sườn ; với bệnh xơ gan cố hữu, việc bị đánh đập càng làm tổn hại cho sức khỏe của ông.

Hồ Giai cho AFP biết, công an đã nói rõ với ông là : « Nếu ông muốn đến tòa án, thì ông sẽ không bao giờ đến đó được đâu ! ». Nhà ly khai vừa được trả tự do hồi tháng 6/2011 sau ba năm ngồi tù vì tội « âm mưu lật đổ chính quyền » giải thích, sau khi biết tin Ngải Vị Vị không được tham gia phiên tòa, ông đã quyết định không đến tòa án mà chỉ ra ngoài để mua thức ăn. Theo ông Hồ Giai, việc ông bị đánh đập có thể do phiên tòa xử Ngải Vị Vị, hoặc do việc ông vừa đến làng Đông Thạch Cổ để thăm gia đình luật sư khiếm thị Trần Quang Thành.

tags: Châu Á - Nhân quyền - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120621-nghe-si-ngai-vi-vi-bi-cam-roi-khoi-trung-quoc
 

Tòa án Tối cao Pakistan cách chức Thủ tướng Gilani

Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 

Hôm nay 19/06/2012 Tòa án Tối cao Pakistan đã ra lệnh cách chức Thủ tướng Yousuf Raza Gilani vì từ chối tiến hành truy tố việc Tổng thống nước này tham nhũng, và yêu cầu Tổng thống phải bổ nhiệm người khác thay thế. Tuy nhiên vẫn chưa thể biết được bản án này có làm ông Gilani phải từ chức hay không.  

Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã nhiều lần tuyên bố chỉ có Quốc hội mới cách chức được ông, chứ không phải ngành tư pháp. Tuy nhiên những người có trách nhiệm của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đang cầm quyền đã nêu ra khả năng thay thế ông Gilani bằng một nhân vật khác của đảng, để tránh đối đầu với tư pháp và làm tê liệt hành pháp.


Bản án này làm tăng thêm bất ổn về chính trị tại Pakistan, với một chính phủ đang phải đối phó với các cuộc bạo động của phe nổi dậy Hồi giáo, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội. Tình hình này có thể Pakistan phải tiến hành bầu cử Quốc hội trước thời hạn, thay vì vào đầu năm tới. Đảng PPP đã triệu tập hội nghị khẩn cấp ngay sau khi phán quyết trên được công bố.

Ông Gilani là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên bị kết án trong lịch sử Pakistan, kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập vào năm 1947. Theo Hiến pháp Pakistan, một người bị nhìn nhận là đã làm ảnh hưởng đến ngành tư pháp có thể bị ngăn trở bước vào Quốc hội, vốn là điều kiện tiên quyết để trở thành Thủ tướng.

Tòa án Tối cao đòi hỏi phải tiếp tục truy tố Tổng thống Zardari, bị cho là đã biển thủ 12 triệu đô la của công quỹ cùng với vợ là bà Benazir Bhutto lúc bà còn là Thủ tướng (1988-1990, và 1993-1996), khi đó ông là một bộ trưởng trong chính phủ của bà.

tags: Pakistan - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Tư pháp 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120619-toa-an-toi-cao-pakistan-cach-chuc-thu-tuong-gilani

Cam Bốt bắt giữ kiến trúc sư Pháp có quan hệ với Bạc Hy Lai

Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 
 
Kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers, 52 tuổi, là nhân vật thân cận với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, đã bị bắt giữ tại Cam Bốt cách đây hai tuần và đang bị Bắc Kinh đòi dẫn độ. Phát ngôn viên đại sứ quán Pháp tại Phnom Penh hôm nay 19/06/2012 đã khẳng định tin này với AFP.
 
Đại sứ quán Pháp đã « yêu cầu chính quyền Cam Bốt làm sáng tỏ lý do của vụ bắt giữ này ». Được biết vai trò của kiến trúc sư Pháp Devillers trong vụ Bạc Hy Lai vẫn chưa được biết rõ, nhưng dường như ông vừa là người làm ăn chung vừa là bạn bè của vợ chồng ông Bạc Hy Lai.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình :

Theo tin từ tòa Đại sứ Pháp tại Phnom Penh cho báo chí biết, cảnh sát Cam Bốt đã bắt được vị kiến trúc sư người Pháp tên Patrick Devillers, nhân vật này vừa có mối quan hệ bạn bè vừa có mối quan hệ làm ăn với hai vợ chồng viên Bí thư thành ủy Trùng Khánh là Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai. Tòa Đại sứ Pháp nhận được tin này là qua thông báo của cơ quan cảnh sát Cam Bốt.

Nữ phát ngôn của Sứ quán Pháp cho biết họ đang tìm cách xác định việc bắt giữ cũng như nguyên nhân. Trong khi đó ông Touch Naruth, người chỉ huy cảnh sát tại thủ đô Phnom Penh đã xác nhận việc bắt giữ, và sự kiện bắt giữ đã diễn ra cách đây khoảng 2 tuần nhưng hôm nay họ mới thông báo cho báo chí biết.

Viên tư lệnh cảnh sát Phnom Penh nói hiện chưa biết sẽ giải giao viên kiến trúc sư người Pháp về lại Pháp hay là dẫn độ đi Bắc Kinh. Trung Quốc đòi phải dẫn độ kiến trúc sư Patrick Devillers về Trung Quốc để họ xét xử theo luật của họ. Phía cảnh sát Cam Bốt cho biết việc bắt giữ được viên kiến trúc sư là do có sự hợp tác của Bắc Kinh.

Kiến trúc sư Patrick Devillers 52 tuổi đã rời Bắc Kinh từ năm 2005. Bạc Hy Lai cùng vợ đã bị tạm giam vì tội tham nhũng và có dính líu vào cái chết của một doanh gia người Anh tên là Neil Heywood hồi năm ngoái. Vụ án Bạc Hy Lai gây chấn động chính trường Bắc Kinh và nay một người có quan hệ với các nhân vật nói trên lại trốn được đến Cam Bốt một thời gian trước khi bị bắt.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Pháp - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120619-cam-bot-bat-giu-kien-truc-su-phap-co-quan-he-voi-bac-hy-lai
 

Việt Nam: Bão Talim khiến nhiều ngư dân miền Trung gặp nạn trên Biển Đông

Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 
 
Theo báo chí trong nước, bão Talim tức bão số 2 đã làm cho một số tàu đánh cá Việt Nam ở miền Trung bị chìm hay hư hỏng. Đến hôm nay 19/06/2012 khoảng 40 ngư dân gặp nạn đã được cứu, còn 7 người đang bị mất liên lạc. Cảnh sát biển Việt Nam đã điều động tàu ra cứu ngư dân ở vùng quần đảo Hoàng Sa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết đến chiều nay theo giờ Việt Nam, tâm bão cách Hồng Kông hơn 300 km, bão mạnh cấp 9. Trận bão này khiến khu vực bắc Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa biển động rất mạnh, có gió mạnh cấp 7 và vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 đến 11. Bên cạnh đó do ảnh hưởng kết hợp của gió mùa tây nam nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông, trong đó có vùng quần đảo Trường Sa, có gió mạnh cấp 5-6.

Theo Bộ đội Biên phòng, trên 55.000 tàu đánh cá và lồng bè với 259.000 người đang hoạt động đã được thông báo về hướng di chuyển của bão để phòng tránh. Riêng tại khu vực Hoàng Sa có gần 400 tàu cá và gần 4.000 ngư dân Việt Nam. Tàu cảnh sát biển CSB9002 đã được điều ra vùng Hoàng Sa để cứu tàu cá QNa 91549 bị hỏng máy, trôi dạt trên biển từ hai ngày qua, và hôm nay đã cứu được 12 ngư dân trên tàu đang bị kiệt sức.

Hơn 40 ngư dân trên các tàu thuyền gặp nạn đã được cứu, còn 7 ngư dân tỉnh Quảng Bình đi trên tàu QN 92109 TS bị mất liên lạc từ ngày 16/6 đến nay. Nhiều tàu đánh cá vẫn đang còn trong vùng nguy hiểm, trong khi việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì sóng gió cấp 7,8. Có 8 tàu với 74 ngư dân Quảng Ngãi đã vào đảo Hải Nam của Trung Quốc tránh bão, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam gởi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết đến chiều nay theo giờ Việt Nam, tâm bão cách Hồng Kông hơn 300 km, bão mạnh cấp 9. Trận bão này khiến khu vực bắc Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa biển động rất mạnh, có gió mạnh cấp 7 và vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 đến 11. Bên cạnh đó do ảnh hưởng kết hợp của gió mùa tây nam nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông, trong đó có vùng quần đảo Trường Sa, có gió mạnh cấp 5-6.

Theo Bộ đội Biên phòng, trên 55.000 tàu đánh cá và lồng bè với 259.000 người đang hoạt động đã được thông báo về hướng di chuyển của bão để phòng tránh. Riêng tại khu vực Hoàng Sa có gần 400 tàu cá và gần 4.000 ngư dân Việt Nam. Tàu cảnh sát biển CSB9002 đã được điều ra vùng Hoàng Sa để cứu tàu cá QNa 91549 bị hỏng máy, trôi dạt trên biển từ hai ngày qua, và hôm nay đã cứu được 12 ngư dân trên tàu đang bị kiệt sức.

Hơn 40 ngư dân trên các tàu thuyền gặp nạn đã được cứu, còn 7 ngư dân tỉnh Quảng Bình đi trên tàu QN 92109 TS bị mất liên lạc từ ngày 16/6 đến nay. Nhiều tàu đánh cá vẫn đang còn trong vùng nguy hiểm, trong khi việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì sóng gió cấp 7,8. Có 8 tàu với 74 ngư dân Quảng Ngãi đã vào đảo Hải Nam của Trung Quốc tránh bão, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam gởi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc.

tags: Khí hậu - Thiên tai - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120619-viet-nam-bao-talim-khien-nhieu-ngu-dan-mien-trung-gap-nan-tren-bien-dong
 

Tại G20, IMF được quốc tế đóng góp nhiều hơn dự kiến

Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 
 
Nhân hội nghị thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, Mehico, khoảng 40 nước hôm qua 18/06/2012 đã hứa đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tiền lên đến 456 tỉ đô la, làm tăng gần như gấp đôi khả năng cho vay của định chế quốc tế này.
 
Được xem như bức tường vững chải nhất chống lại sự lây lan của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã thắng lớn trong hội nghị G20 lần này. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF phấn khởi cho biết, số tiền được hứa hẹn trên đây « làm tăng gần gấp đôi khả năng cho vay ». Bà nhấn mạnh, các nước lớn cũng như nhỏ đã đáp ứng lời kêu gọi hành động của IMF, và chúc mừng sự đóng góp cho chủ nghĩa đa phương.

Các nước khu vực đồng euro và 23 quốc gia thành viên khác đã cho biết sẽ đóng góp những số tiền cụ thể. Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ đến 43 tỉ đô la, Nga 10 tỉ đô la, còn nước chủ nhà Mehico trước đây đứng ngoài, nay cũng tham gia.

Nhưng chủ yếu vẫn là các nước khu vực đồng euro - kể cả những nước đang gặp khó khăn như Tây Ban Nha hay Chypre - đã khởi động phong trào từ tháng 12 năm ngoái khi cam kết đóng góp 150 tỉ euro. Ngược lại Hoa Kỳ, cổ đông lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì vẫn không hứa hẹn gì.

Theo dự thảo tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị hôm nay mà AFP có được, các nước G20 nhấn mạnh : « Số tiền này sẽ được dành cho tổng thể các thành viên IMF chứ không riêng cho một khu vực nào. Nỗ lực này cho thấy sự cam kết của cộng đồng quốc tế và của G20 nhằm tiến hành những biện pháp cần thiết để ổn định nền tài chính thế giới ».

Trong số 456 tỉ đô la trên, IMF có thể cho các quốc gia thành viên vay thêm 380 tỉ, số còn lại làm quỹ dự phòng. Tuy nhiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế không nhận được toàn bộ số tiền hỗ trợ này ngay lập tức. Tại một số nước, cần phải được Quốc hội thông qua.

Các nước khác như khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) thì ra điều kiện là IMF cần phải tiến hành các cải cách đã được thỏa thuận năm 2010, tăng thêm quyền bỏ phiếu cho các quốc gia mới trỗi dậy. Tuy nhiên tiến trình này phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn nên đã bị chậm trễ.
Số tiền hỗ trợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế nếu được sử dụng, thì các quốc gia thành viên cũng sẽ nhận được tiền lãi. Tuy nhiên việc cho IMF vay không phải nhằm kiếm lời mà mang tính chính trị : lãi suất hiện dao động ở mức 0,12%.

tags: IMF Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Kinh tế - Quốc tế 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120619-tai-g20-imf-duoc-quoc-te-dong-gop-nhieu-hon-du-kien
 

Bạo động miền tây Miến Điện: Hai người lãnh án tử hình

Bài đăng : Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 19 Tháng Sáu 2012 
 
Báo chí chính thức Miến Điện hôm nay 19/06/2012 cho biết, hai người đàn ông đã bị kết án tử hình vì hãm hiếp và sát hại một phụ nữ. Vụ việc này chính là nguyên nhân gây ra một loạt các vụ bạo động giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở miền tây.

Hai bị cáo đã bị kết án là có tội « bắt cóc, hãm hiếp và sát hại một phụ nữ ở làng Kyauknimaw » thuộc bang Rakhine. Tòa án quận Kyaukpyu đã tuyên án tử hình hai người này, còn một người thứ ba được xem là đồng phạm thì đã tự sát trong tù trước khi phiên tòa diễn ra.

Vụ này đã gây ra các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo tại bang Rakhine ở miền tây Miến Điện, nằm gần biên giới Bangladesh. Mười người Hồi giáo đã bị đám đông phẫn nộ giết hại để trả thù cho nạn nhân, vốn là một Phật tử, tiếp theo đó là một loạt các vụ bạo động để trả đũa.

Theo báo chí nhà nước Miến Điện, trên 30.000 người, gồm người thiểu số Rakhine theo Phật giáo và người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo, đã phải đi lánh nạn, vì nhà cửa bị đốt cháy hoặc phá hủy trong các cuộc bạo động. Cũng theo con số chính thức, trong vòng hai tuần đã có khoảng 50 người đã bị chết và 50 người bị thương. Chính quyền đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang này cách đây 10 ngày. Liên Hiệp Quốc lo ngại « các khó khăn chồng chất » đối với những người sơ tán vì đã vào đầu mùa mưa.

Tại Miến Điện, cộng đồng 800.000 người Rohingya sống cô lập ở miền bắc bang Rakhine không thuộc nhóm thiểu số được nhà nước công nhận, và nhiều người Miến Điện cũng tỏ ra thù nghịch với họ. Người Rohingya được Liên Hiệp Quốc coi là một trong những sắc dân bị áp bức nhiều nhất trên thế giới. Hàng trăm người Rohingya đã trốn chạy trước các cuộc bạo động bằng cách dùng thuyền sang Bangladesh, nhưng đều bị lực lượng tuần duyên của Bangladesh xua đuổi.

tags: Bạo động - Châu Á - Miến Điện - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120619-bao-dong-o-mien-tay-mien-dien-hai-nguoi-lanh-an-tu-hinh
 

Hàng dệt may và giày dép xuất sang châu Âu giảm: Cần một giải pháp vĩ mô

Bài đăng : Chủ nhật 17 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 17 Tháng Sáu 2012 
 
Đã ba tháng liên tiếp, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang châu Âu liên tục giảm, và tình hình này còn có thể kéo dài đến năm 2013. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng từ châu Âu đã giảm khoảng 20%, và hiện có khoảng nửa triệu công nhân ngành này hoặc bị mất việc, giảm lương, hoặc phải choàng gánh thêm việc khác. Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu các mặt hàng da giày lại càng ít sáng sủa, vì lệ thuộc nhiều vào thị trường châu Âu.

Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề này với ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Diệp Thành Kiệt - TP Hồ Chí Minh
 
17/06/2012
by Thụy My
 
 http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120617-hang-det-may-va-giay-dep-xuat-sang-chau-au-sut-giam-can-mot-giai-phap-vi-mo
tags: Châu Âu - Kinh tế - Phỏng vấn - Quốc tế - Việt Nam
 

jeudi 21 juin 2012

Việt Nam thông qua Luật Biển khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa. Trung Quốc cực lực phản đối

Bài đăng : Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 21 Tháng Sáu 2012 
 
Hôm nay 21/06/2012 Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức Trung Quốc đã lên tiếng kịch liệt phản đối. Theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành.

Đại biểu Quốc hội đồng thời là nhà sử học Dương Trung Quốc đã xác nhận với AFP việc Quốc hội Việt Nam hôm nay đã thông qua Luật Biển, trong đó có đoạn « khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ». Tuy nhiên, ông cho biết bộ luật này chưa được công bố trong nhiều ngày tới. Còn theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 99,2%.
Ông Dương Trung Quốc nói thêm : « Việc thông qua Luật Biển hôm nay là rất quan trọng đối với Việt Nam. Luật này sẽ củng cố việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ». Ông nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một bộ luật về Biển Đông.

Ngay lập tức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, ông Nguyễn Văn Thơ, lên để chính thức trao kháng nghị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo hôm nay tuyên bố, Trung Quốc cực lực phản đối và kiên quyết bác bỏ việc Việt Nam xem cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển bao quanh là lãnh thổ Việt Nam.

Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh : « Các hành động đơn phương của Việt Nam làm phức tạp và mở rộng thêm vấn đề, đi ngược lại với thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước (…) nhằm phục vụ cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành động sai trái, và cần sửa chữa ngay lập tức».

Chính quyền Bắc Kinh hôm nay cũng loan báo, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, thay cho Văn phòng quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam, và trụ sở chính quyền thành phố đặt tại đảo Vĩnh Hưng ở Tây Sa. Như vậy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được phía Trung Quốc nâng cấp về mặt hành chính, vì trước đây Hoàng Sa thuộc trấn Tây Sa, còn Trường Sa thuộc trấn Nam Sa. Thông tin này được đưa lên trang web của Bộ Dân chính Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu tài nguyên hải sản cũng như dầu khí, lại nằm trên một tuyến đường hàng hải quan trọng, lâu nay vẫn bị Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp. Trước đây vào năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Còn quần đảo Trường Sa hiện cũng đang bị các nước Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền một phần hay toàn bộ.

tags: Biển Đông - Châu Á - Chủ quyền - Trung Quốc - Tư pháp quốc tế - Việt Nam 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120621-viet-nam-thong-qua-luat-bien-khang-dinh-chu-quyen-o-hoang-sa-truong-sa-trung-quoc-cu
 

vendredi 15 juin 2012

Người Thiên Chúa giáo, trụ cột của xã hội công dân Trung Quốc

Trần Quang Thành và đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke, ngày 02/05/2012.
Bài đăng : Thứ sáu 15 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 15 Tháng Sáu 2012 
 
Theo thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, thì tuy chỉ chiếm có 5% dân số, nhưng cộng đồng Thiên Chúa giáo lại là những nhân tố rất tích cực trong việc hình thành xã hội công dân Trung Quốc. Trong một xã hội thiếu phương hướng, thiếu vắng những giá trị tinh thần, Thiên Chúa giáo đã thu hút được nhiều tín đồ cũng như trí thức, và được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Bài báo nhắc lại câu nói của Karl Marx, cho rằng tôn giáo là « thuốc phiện của nhân dân ». Nhưng triết gia người Đức còn viết thêm là : « Tôn giáo là tiếng thở dài của con người bị áp bức, linh hồn của một thế giới không tim, thần linh của những điều kiện xã hội ở nơi mà thần linh bị loại trừ ». Tư duy này được người Thiên Chúa giáo Trung Quốc lĩnh hội đúng từng câu từng chữ.

Ngày nay tại Trung Quốc, làm một người Thiên Chúa giáo không chỉ là vấn đề đức tin, mà ngày càng đòi hỏi phải dấn thân. Họ đang đứng ở tuyến đầu của xã hội công dân, đấu tranh cho một Nhà nước pháp quyền và tôn trọng con người.

mercredi 13 juin 2012

Trung Quốc có thể tài trợ cho dự án đường sắt Việt Nam – Cam Bốt

Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 

Theo tờ Phnom Penh Post hôm nay 13/06/2012, Cam Bốt đang thương lượng với chính phủ Trung Quốc về việc tài trợ cho một dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 250 km nối liền thủ đô Phnom Penh với Việt Nam, thay vì đi vay của Ngân hàng Phát triển Á châu.

Ông Va Sim Sorya, một quan chức của Bộ Giao thông Công chánh Cam Bốt nói rằng chính phủ có thể nhờ Trung Quốc tài trợ cho dự án trị giá 600 triệu đô la này, mà không phải nhờ đến tín dụng « phức tạp » của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB). Trong một cuộc hội thảo về cơ sở hạ tầng tổ chức hôm qua, viên chức này nói : « Trung Quốc không đặt ra nhiều điều kiện như ADB, nhưng các chuyên viên kỹ thuật của Trung Quốc cũng rất giỏi ».

Lãi suất bình quân tín dụng ưu đãi của ADB, theo như số liệu tổng hợp của Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ ở Cam Bốt năm ngoái, là khoảng 1,32% một năm, sau thời gian ân hạn. Còn lãi suất ưu đãi của Trung Quốc có cao hơn đôi chút, trung bình là 1,83% một năm.

Chính sách xã hội của Ngân hàng Phát triển Á châu có từ năm 2009 đã kê ra một loạt các yêu cầu về việc đền bù và khôi phục lại thu nhập cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án đường xe lửa. Còn nếu đi vay từ Trung Quốc thì không có những điều kiện này.

Ông Peter Brimble, phó giám đốc văn phòng ADB tại Cam Bốt cho biết, ADB luôn duy trì quan điểm là tín dụng luôn đi kèm với phát triển bền vững.

Dự án khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam của Cam Bốt, hầu hết do ADB tài trợ đã bị ngưng trệ do nhà thầu phụ Toll Royal lặng lẽ ngưng hoạt động, cho rằng dự án này quá kéo dài. Nay thì 300 km ở phía Bắc bị dang dở vì thiếu kinh phí sắp được hoàn thành. ADB lưu ý là việc tìm thêm các nguồn tài trợ mới là trách nhiệm của chính phủ.

Thông báo hôm qua của chính phủ về việc đi vay của Trung Quốc đã bị dân biểu Son Chhay của đảng Sam Raincy phản đối quyết liệt. Ông cho rằng các công ty Trung Quốc xây dựng đường sá và các cơ sở hạ tầng khác với chất lượng tệ hại, nhưng lãi suất lại cao. Dân biểu này tuyên bố : « Chúng tôi không phản đối lại nhu cầu tìm nguồn vốn phục vụ cho nền kinh tế quốc gia, nhưng phải thật minh bạch », và nói thêm là có thể cho đấu thầu các dự án như thế.

tags: Cam Bốt - Kinh tế - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120613-trung-quoc-co-the-tai-tro-cho-du-an-duong-sat-viet-nam-%E2%80%93-cam-bot

Trung Quốc tẩy chay một đại hội Phật giáo ở Hàn Quốc vì có đại biểu Tây Tạng

Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 
 
Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự một đại hội tôn giáo ở Hàn Quốc đã đột ngột bỏ về nước hôm nay, thứ Tư 13/06/2012, nhằm phản đối sự tham gia của Tây Tạng. Hàn Quốc đã cấp thị thực cho Samdhong Rinpoche, cựu Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong để đến tham dự đại hội này..

Phát ngôn viên của ủy ban tổ chức cho biết, mười bảy nhà sư và viên chức Trung Quốc là khách mời của Đại hội Phật giáo Thế giới (WFB) sẽ kết thúc vào thứ Sáu tới, đã rời Hàn Quốc sau khi phản đối sự hiện diện của các đại biểu Tây Tạng.

Hôm qua, thứ Ba, ba đại biểu của Tây Tạng đã buộc phải rời khỏi cuộc họp toàn thể, do các viên chức Trung Quốc đe dọa sẽ tẩy chay hội nghị. Phát ngôn viên trên nói rằng : « Tổng thư ký WFB đã chấp nhận yêu sách của Trung Quốc là các đại diện Tây Tạng phải rời hội trường, để cuộc họp được êm ả ». Ba đại biểu Tây Tạng sau đó đã tham gia các sự kiện khác trong đại hội kéo dài 5 ngày này, và đoàn Trung Quốc bèn trở về nước.

Khoảng 400 đại biểu từ 30 nước tham gia sự kiện được WFB tổ chức hai năm một lần, tại Yeosu, thành phố miền nam Hàn Quốc.

Chính quyền Seoul đã cấp thị thực cho Samdhong Rinpoche, cựu Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong để đến tham dự đại hội, đây là một cử chỉ hiếm hoi. Hàn Quốc đã nhiều lần từ chối cấp visa cho lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì sợ phải đối đầu với Bắc Kinh. Ban đầu các nhà tổ chức cũng dự định mời Đạt Lai Lạt Ma đến đại hội Yeosu năm nay, nhưng rốt cuộc phải từ bỏ ý định này.

Bắc Kinh luôn coi Đạt Lai Lạt Ma là một « nhà ly khai » - cho dù ngài chỉ kêu gọi được quyền tự trị chứ không đòi độc lập cho Tây Tạng - và không ngừng gây áp lực lên các nguyên thủ thế giới để không tiếp kiến ngài.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Phật giáo - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120613-trung-quoc-tay-chay-mot-dai-hoi-phat-giao-o-han-quoc-vi-co-dai-bieu-tay-tang
 

Hoa Kỳ có thể trở thành quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới

Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 
 
Sản lượng dầu khí của Hoa Kỳ đang tăng một cách ngoạn mục, có thể vượt qua Ả Rập Xê Út và Nga trong 10 năm tới. Hôm qua 12/06/2012 Một viên chức Mỹ đã phát biểu như trên tại Diễn đàn Kinh tế châu Mỹ tổ chức tại Montréal.

Daniel Sullivan, ủy viên của Bộ Tài nguyên tiểu bang Alaska giải thích, Hoa Kỳ đã sản xuất mỗi ngày 6 triệu thùng dầu quy ước và không quy ước, trong quý vừa rồi. Đây là điều chưa từng thấy kể từ 15 năm qua. Từ năm 2008, Hoa Kỳ sản xuất 1,6 triệu thùng dầu một ngày, và đến năm 2011 sản lượng dầu của Mỹ đã tăng cao hơn các nước ngoài tổ chức OPEP.

Để so sánh, sản lượng hàng ngày của Ả Rập Xê Út, nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEP, khoảng 9,923 triệu thùng ; còn Nga là 9,920 triệu thùng. Ông Sullivan khẳng định đến năm 2020, sản lượng dầu khí của Hoa Kỳ sẽ vượt qua hai nước trên.

Riêng tại Alaska, lượng dầu khai thác ngoài khơi lớn hơn những nước khác, ước tính đến 40 tỉ thùng. Tổng thống Barack Obama nói rằng nguồn dầu ngoài khơi có thể làm giảm bớt nguy cơ nguồn cung bị cắt đột ngột, và chính phủ Mỹ đã hoạch định chiến lược năng lượng giúp cân bằng lợi ích kinh tế và các quan ngại về môi trường, đặc biệt là tại Bắc cực.

Từ tháng 11 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã duyệt các dự án khai thác dầu khí mới tại vịnh Mehico ở ngoài khơi Alaska, và tại vùng Bắc cực. Nhưng hiện nay chưa thể khai thác tại các khu vực nhạy cảm về chính trị như duyên hải Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, bờ đông vịnh Mehico và dọc theo vùng duyên hải Florida. Nếu không có thay đổi vào giờ chót, tập đoàn Shell sẽ bắt đầu khoan khai thác ngoài khơi Alaska từ tháng 7 tới. Việc này sẽ mở ra con đường cho các nguồn dầu đến nay chưa được khai thác, trong một môi trường được bảo tồn.

Theo ông Daniel Sullivan, lợi ích của chính sách năng lượng mới này là rất lớn, đặc biệt là tạo thêm nhiều việc làm, trong một đất nước mà phân nửa số thâm hụt thương mại là từ nhập khẩu dầu. Trong hai năm 2010-2011, đã có thêm 600.000 công ăn việc làm trong kỹ nghệ dầu khí.

Tuy nhiên cũng tại Diễn đàn Kinh tế châu Mỹ, chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới (CME) đã vẽ ra một bức tranh u ám hơn. Ông Pierre Gadonneix, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Pháp EDF cho rằng, khủng hoảng kinh tế đã làm tiêu thụ năng lượng chậm lại, và giá dầu vẫn ở mức cao. Ông nói : « Tăng trưởng trong tương lai đang bị đe dọa bởi viễn cảnh thay đổi khí hậu và khai thác cạn kiệt tài nguyên ». Theo ông, chủ yếu cần cải thiện an ninh dự trữ năng lượng, tính cạnh tranh và cuộc đấu tranh chống « nghèo nàn về năng lượng ».

tags: Dầu khí - Hoa Kỳ - Kinh tế - Quốc tế 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120613-hoa-ky-co-the-tro-thanh-quoc-gia-san-xuat-dau-khi-hang-dau-the-gioi
 

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đến Miến Điện xem xét tình hình bạo động tôn giáo

Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 
 
Hôm nay 13/06/2012, một viên chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc đã đến Sittwe thuộc miền Tây Miến Điện. Đây là địa phương từ nhiều ngày qua đã xảy ra các vụ bạo động đẫm máu giữa cộng đồng người Phật giáo và Hồi giáo, tạo nên một thử thách cho chế độ Naypyidaw.

Hai ngày sau khi Liên Hiệp Quốc loan báo rút đi một bộ phận nhân viên vì lý do an ninh, ông Vijay Nambiar, cố vấn đặc biệt về Miến Điện của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã có mặt tại thủ phủ của bang Rakhine. Ashok Nigam, đại diện Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện cho biết : « Chúng tôi đến đây để quan sát và đánh giá có thể tiếp tục hỗ trợ như thế nào ».

Sau đó đặc sứ đã đi Maungdaw ở miền bắc bang này, nằm gần biên giới Bangladesh. Cùng đi với ông có Tướng Thein Htay, Bộ trưởng Biên giới, và 15 viên chức Hồi giáo từ Rangoon đến. Maungdaw là thành phố có đa số dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, đã xảy ra các cuộc bạo động thứ Sáu tuần trước.

Xin nhắc lại, bạo động giữa người Hồi giáo và Phật giáo đã bùng nổ sau khi đám đông người Phật giáo giết chết 10 người Hồi giáo để trả thù một vụ hãm hiếp. Các cuộc đụng độ sau đó lan đến Sittwe, làm cho tổng cộng 25 người chết và 41 người bị thương, theo chính phủ Miến Điện. Báo chí chính thức nói rằng có 1.600 căn nhà đã bị đốt cháy, hàng ngàn người đã phải sơ tán. Nhiều nguồn tin khác cho biết thiệt hại nặng nề hơn.

Cho dù chính phủ đã ra lệnh giới nghiêm và ban bố tình trạng khẩn cấp, tình hình vào đầu tuần vẫn tiếp tục lộn xộn. Liên Hiệp Quốc đã rút đi một số nhân viên tại các vùng có bạo động, Y sĩ Không biên giới thông báo tạm ngưng hoạt động.

Tổng thống Thein Sein, phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi lên nắm quyền vào tháng 3/2011, hôm Chủ nhật đã kêu gọi hòa hoãn. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đều bày tỏ sự quan ngại và kêu gọi các bên cần kìm chế.

Từ hôm thứ Hai, hàng trăm người Rohingya đã dùng thuyền để chạy sang Bangladesh, nhưng bị chính quyền nước này buộc phải trở về Miến Điện. Ngoại trưởng Bangladesh tuyên bố, người tị nạn từ Miến Điện sẽ gây tác động đến tình hình xã hội, luật pháp và môi trường của Bangladesh, trong khi đã có đến 300.000 người Rohingya sống tại đây.

Tại Miến Điện có khoảng 800.000 người Rohingya sống ở miền bắc bang Rakhine. Không mang quốc tịch một nước nào, họ không thuộc các dân tộc thiểu số được chính quyền Miến Điện công nhận, và đối với Liên Hiệp Quốc, người Rohingya được xem là một trong các dân tộc thiểu số bị áp bức nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài trường hợp hết sức phức tạp của người Rohingya, các cuộc bạo động hiện nay đã phơi bày ra ánh sáng tình trạng căng thẳng về tôn giáo, trong một đất nước có đến 89% người dân theo đạo Phật và chỉ có 4% là người Hồi giáo.

tags: Châu Á - Miến Điện 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120613-dac-su-lien-hiep-quoc-den-mien-dien-de-xem-xet-tinh-hinh-bao-dong-ton-giao
 

Nga bị kiện tại Tòa án Nhân quyền châu Âu vì đã trục xuất nhiều người Gruzia

Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Sáu 2012 

Hôm nay 13/06/2012, Gruzia đã kiện Nga ra trước Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) vì vào năm 2006 đã trục xuất một cách thô bạo nhiều ngàn người Gruzia đã định cư tại Nga từ lâu. Số người bị ép buộc phải về Gruzia từ tháng 10 đến tháng 11/2006 đã tăng gấp tám lần so với mức bình thường.

Tháng 9/2006, Gruzia đã câu lưu và trục xuất bốn viên chức Nga bị nghi là gián điệp, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Theo Tbilisi, thì Matxcơva đã phản ứng bằng cách trả đũa vào cộng đồng người Gruzia sinh sống trên đất Nga.

Trong một thời gian rất ngắn, hàng ngàn người đã bị câu lưu, tạm giam trong những điều kiện tồi tệ, sau đó bị trục xuất về Gruzia một cách thô bạo. Trước tòa án Strasbourg, bà Tina Burjaliani, đại diện của Gruzia nói rằng các hành động này của chính quyền Nga là « vi phạm nhân quyền hàng loạt ».

Những người bị đàn áp do có gốc Gruzia đã là nạn nhân của việc đối xử vô nhân đạo, và không thể phản đối việc bị trục xuất thông qua tòa án. Bốn chiếc máy bay đã được thuê riêng cho việc trục xuất, và số người bị ép buộc phải về Gruzia từ tháng 10 đến tháng 11/2006 đã tăng gấp tám lần.

Đại diện chính phủ Nga, Grigory Matiouckine đã phản bác lại, cho rằng không có các « chiến dịch chống người Gruzia », và Nga có « quyền kiểm soát di dân ». Ông khẳng định những người Gruzia bị trục xuất theo các thủ tục thông thường. Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ ra phán quyết về vụ này, nhưng thời hạn chưa được biết rõ.

tags: Gruzia - Nga - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120613-nga-bi-kien-tai-toa-an-nhan-quyen-chau-au-vi-da-truc-xuat-hang-loat-nguoi-gruzia

mardi 12 juin 2012

Một phần ba trẻ em Bắc Triều Tiên bị còi xương


Bài đăng : Thứ ba 12 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 12 Tháng Sáu 2012 
 
Một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm nay 12/06/2012 cho biết, hàng triệu người Bắc Triều Tiên hiện đang thiếu ăn, khiến cho một phần ba số trẻ em dưới 5 tuổi bị còi xương. Báo cáo nhấn mạnh là nền kinh tế nước này không hề có dấu hiệu được cải thiện.

Theo sáu tổ chức Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Bắc Triều Tiên, thì khoảng 16 triệu người, tức là hai phần ba dân số nước này bị lệ thuộc vào tiêu chuẩn lương thực do nhà nước phân phối, và bị thiếu ăn theo nhiều mức độ khác nhau.

Một phần ba các trẻ em dưới 5 tuổi bị còi xương vì suy dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng. Tỉ lệ bị tiêu chảy của các em rất cao vì thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh tồi tệ. Nhìn chung hệ thống y tế Bắc Triều Tiên « đang trong tình trạng thảm hại », bị cúp điện thường xuyên và chỉ có được chừng 30% số thuốc men căn bản.

Bản báo cáo đề ngày 29/5 khẳng định, Bắc Triều Tiên là quốc gia duy nhất ở châu Á – Thái Bình Dương không có khả năng đạt được các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ. Đó là giảm tỉ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe các bà mẹ, và giảm được nhiều loại bệnh.

Theo các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, thì các thiên tai như lụt lội, đất lở, cộng thêm nạn phá rừng đã gây nguy hiểm cho cuộc sống con người. Các cơ quan này nhấn mạnh, chỉ có phương cách thay đổi chính sách kinh tế mới giúp Bắc Triều Tiên chấm dứt được nạn thiếu lương thực. Bên cạnh đó, viện trợ nhân đạo cũng sẽ cứu sống được nhiều nhân mạng.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc cần 198 triệu đô la trong năm nay để có thể tiếp tục hoạt động tại Bắc Triều Tiên, nhưng cho đến tháng Năm chỉ mới nhận được 40% số tiền này.

 tags: Bắc Triều Tiên - Các vấn đề xã hội - Châu Á
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120612-mot-phan-ba-tre-em-bac-trieu-tien-bi-coi-xuong