mardi 20 mars 2012

Hội đồng Bảo an chuẩn bị dự thảo tuyên bố về Syria

Bài đăng : Thứ ba 20 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 20 Tháng Ba 2012 
 
Hôm nay 20/03/2012 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét một dự thảo tuyên bố, yêu cầu đề ra các « biện pháp bổ sung » nếu Syria không chấp nhận các đề nghị hòa giải của ông Kofi Annan. Trong khi đó giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng chính phủ và quân bỏ ngũ, kể cả tại Damas.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho rằng tình hình tại Syria là « không thể dung thứ và không thể chấp nhận được », và đã trở thành « một trong những vấn đề gây rối loạn đáng lo lắng nhất cho cộng đồng quốc tế ». Matxcơva, đồng minh tích cực của Damas cho biết sẵn sàng ủng hộ bản tuyên bố với điều kiện đây không phải là một « tối hậu thư ».

Nước Pháp đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an một bản tuyên bố, vốn có ít trọng lượng hơn là nghị quyết, vì Matxcơva và Bắc Kinh đã từng dùng quyền phủ quyết để bác bỏ tất cả nghị quyết lên án sự đàn áp của chế độ Al Assad. Theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, tuyên bố này nhằm « đạt được việc chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt, và việc ngừng bắn để có thể tiến hành các hoạt động nhân đạo, tiếp tục tiến trình chính trị, vì không thể triệt tiêu khát vọng dân chủ của người dân Syria ».

Nếu được thông qua, Hội đồng Bảo an cam kết « xem xét các biện pháp bổ sung » nếu các đề nghị hòa giải của ông Kofi Annan không được thực hiện trong vòng bảy ngày. Bản tuyên bố kêu gọi Tổng thống Bachar Al Assad và đối lập « áp dụng toàn bộ và ngay lập tức » kế hoạch sáu điểm do ông Annan đề nghị. Từ Genève, hôm nay ông Kofi Annan và Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập cùng lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới đoàn kết lại.

Matxcơva khuyến cáo chế độ Damas « chấp nhận ngay lập tức » việc ngừng bắn hàng ngày để có thể hỗ trợ nhân đạo cho thường dân, và nhấn mạnh sự cần thiết cho Hồng thập tự Quốc tế tiếp xúc với những người bị cầm tù do tham gia các hoạt động phản kháng. Ngoại giao Hoa Kỳ và Pháp ghi nhận một sự chuyển biến tích cực về phía Nga.

Tình hình chiến sự tại Syria hôm nay vẫn gay gắt, với các cuộc đụng độ và pháo kích diễn ra tại nhiều nơi như Homs, Alep, Deir Ezzor. Tiếng súng cũng nghe thấy ngay tại trung tâm thủ đô Damas.
Hôm qua tại Syria đã có 51 người chết, trong đó có 22 thường dân, 21 quân chính phủ và 8 quân nổi dậy, theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (ODSH).

Quân nổi dậy đã phải rời khỏi Daïr Az Zour, một thành phố lớn ở miền đông từ hai ngày qua bị quân chính phủ tấn công dữ dội. Hôm qua nhiều xe tăng của phe chính phủ đã tiến vào khu dân cư. Thông báo của Quân đội Syria Tự do (ASL) cho biết họ phải rút lui để tránh cho dân thường khỏi bị thảm sát.

Trong những tuần lễ gần đây, quân nổi dậy vốn chỉ có các loại vũ khí nhẹ, đã phải rút khỏi nhiều thành phố vì không chống chọi nổi với quân đội của ông Assad, được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng. Hôm nay phe nổi dậy đã trả tự do cho một tướng lĩnh của quân chính phủ bị bắt vào tuần qua, để đổi lấy nhiều tù nhân phe mình và 14 xác quân kháng chiến tử trận.

tags: Liên Hiệp Quốc - Quốc tế - Syria - Trung Cận Đông 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120320-hoi-dong-bao-an-chuan-bi-du-thao-tuyen-bo-ve-syria-bao-luc-van-tiep-dien
 

Bruxelles và Bắc Kinh cùng giám sát tính an toàn của sản phẩm nhập từ Trung Quốc

Bài đăng : Thứ ba 20 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 20 Tháng Ba 2012 

Tại Bắc Kinh hôm nay 20/03/2012, Liên hiệp châu Âu và Trung Quồc đã thỏa thuận việc tiến hành các hoạt động giám sát chung, để củng cố vấn đề an toàn đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất sang châu Âu, đặc biệt là thực phẩm. Hoạt động này nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường châu Âu và ngược lại.

Các hoạt động kiểm tra liên quan đến toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ việc làm ra sản phẩm cho đến khi tới tay người tiêu thụ. Ủy viên châu Âu về y tế, ông John Dalli cho biết như trên, trong cuộc họp báo chung với Chi Thụ Bình, người đứng đầu cơ quan quản lý chất lượng, thanh tra và cách ly kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ).

Bruxelles và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận năm 2008 để cải thiện tính an toàn của sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu qua châu Âu, sau khi đã xảy ra hàng loạt vấn đề liên quan đến các sản phẩm đồ chơi, đồ gỗ, giày dép, quần áo và dược phẩm của Trung Quốc.

Ông Dalli ghi nhận, trong lãnh vực hàng dệt may, các mặt hàng cho trẻ em và dụng cụ điện, các nỗ lực nhằm áp dụng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm nhặt nhất cho toàn bộ dây chuyền sản xuất, nay đã đạt được kết quả. Trong hai năm gần đây, số sản phẩm nguy hại có nguồn gốc từ Trung Quốc đã giảm xuống. Ngược lại theo ông John Dalli, các mặt hàng thực phẩm châu Âu khó thể đến tay người tiêu thụ Trung Quốc do « thủ tục giấy phép phức tạp ».

Theo một báo cáo được Ủy ban châu Âu công bố vào tháng 5/2011, ngày càng có nhiều sản phẩm nguy hại bị chặn lại trước khi đến được thị trường châu Âu. Báo cáo này cũng cho biết có đến 58% số sản phẩm nguy hiểm cho người tiêu dùng châu Âu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các sản phẩm được hai bên cùng giám sát chiếm hơn phân nửa lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu, và hơn một phần ba lượng hàng từ châu Âu xuất qua Trung Quốc. Hiện nay Liên hiệp châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bắc Kinh, và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của châu Âu, sau Hoa Kỳ.

tags: Châu Á - Kinh tế - Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120320-bruxelles-va-bac-kinh-cung-giam-sat-tinh-an-toan-cua-san-pham-nhap-khau-tu-trung-quo

dimanche 18 mars 2012

Sống sót trong địa ngục Bắc Triều Tiên

Trích dịch tác phẩm « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » của Eunsun Kim, kể lại những chuyện diễn ra từ tháng 12/1997, ngay sau các trận đói khủng khiếp năm 1995 và 1996 đã giết hại hai triệu người Bắc Triều Tiên, trong đó có cha của tác giả.

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ. 

Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau - chân dung « Chủ tịch vĩnh cửu » Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi (…)

Từ khi ba mất đi, cuộc sống của chúng tôi trở thành địa ngục, với viễn tượng duy nhất là cuộc đấu tranh để tồn tại. Ngay cả bệnh viện cũng không còn phương tiện để nuôi dưỡng các bệnh nhân, và không có ai còn nhận được thực phẩm. Chị tôi và tôi không đến trường nữa, chúng tôi không có bộ cánh nào ra hồn. Nhất là chúng tôi không còn thời gian, toàn bộ ngày trời phải dành cho việc tìm ra thứ gì đó ăn được. Mấy mẹ con tôi sống như tu sĩ ẩn cư trong căn hộ, tránh những ánh mắt nhìn.

Mỗi ngày chúng tôi bí mật lẩn vào các cánh đồng để hái trộm lúa và bắp, né tránh các toán quân tuần tra. Chúng tôi lén bứt những ôm lúa, sau đó đi lên núi để tước hạt mà không ai nhìn thấy. Mẹ con tôi cũng đào rễ củ, tìm kiếm các thứ nấm. Đôi khi chúng tôi còn chặt củi, vốn ngày càng hiếm hoi, để đem bán, dành tiền mua những khẩu phần nhỏ nhoi hàng ngày (…)

Tác giả Eunsun Kim
BỎ TRỐN SANG TRUNG QUỐC

Cùng với mẹ và chị gái, Eunsun cố sang bên kia biên giới bằng cách vượt qua con sông Đồ Môn.

Chính trong vài tuần lễ cuối mùa đông 1997-1998 mà số phận tôi đã thay đổi. Không còn cách nào kiếm sống, mẹ tôi đã dần đi đến một quyết định khó tưởng tượng nổi : vượt biên. Trốn khỏi Bắc Triều Tiên để đi đến một nơi chốn nào đó, để cứu sống các con gái (…)

Thế là chúng tôi đã quay lại trong đêm tối. Với những bước chân nhẹ nhàng, chúng tôi tiến gần bờ sông Đồ Môn. Cách dòng sông vài mét, tôi nằm phục trên cát. Từ chỗ này có thể ngầm quan sát những toán tuần tra của lính biên phòng qua lại bên bờ sông. Chúng tôi nằm bất động nhiều tiếng đồng hồ, trong im lặng. Mẹ tính toán thời gian tuần tiễu và các vòng đi tuần của biên phòng.

Vào khoảng nửa đêm, sau khi một toán tuần tra đi qua, bà ra hiệu cho hai chị em tôi và tiến bước trên mặt cát, mỗi tay bà nắm một đứa kéo đi. Bỗng dưng bàn chân tôi chạm vào mặt nước. Thật là lạnh giá ! 

Chúng tôi không biết bơi, nhưng mẹ nắm tay chúng tôi rất chặt. Nước nhanh chóng lên đến đầu gối tôi, đến bụng, rồi dâng lên đến cổ. Tôi cảm thấy mình sẽ bị chìm. Tôi sợ hãi. Keumsun và tôi cố kéo mẹ lại, tuy mẹ vẫn rất cương quyết. Cuối cùng bà cũng nhận ra là nước quá sâu, và lùi về phía các đụn cát. Tôi thở ra nhẹ nhõm !

Nhưng mẹ rất bướng bỉnh. Bà yêu cầu chúng tôi phải ở yên ngoan ngoãn chờ đợi, để một mình bà cố gắng tìm kiếm một lối thoát. Bóng dáng của mẹ từ từ chìm sâu vào dòng nước đen như mực, và ngày càng nhỏ dần.

Tôi run rẩy, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, trông thấy dáng mẹ tôi hòa lẫn vào bóng tối. Bà sẽ chết chìm. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa. Và nếu bà thành công trong việc sang được đến  bờ bên kia, thì chị Keumsun và tôi sẽ ra sao ? Mẹ tôi đã biến mất, tim tôi đập loạn cả lên.

Bỗng dưng sau những phút giây dài dằng dặc, hình thù mẹ lại hiện ra bên bờ sông, nước chảy ròng ròng trên người bà. Mẹ run lập cập, cố gắng lắm mới bước đi được. Tôi tự hỏi liệu mẹ sẽ ngất xỉu hay không, dòng nước lạnh như nước đá đã làm cho bà kiệt sức. Chỉ cách bờ bên kia có ba mét, lòng sông bỗng sụt xuống và bà bị hụt chân. Chỉ còn có ba mét nữa là bà đặt chân lên được đất Trung Quốc !

Tôi vô cùng hoảng hốt. Trong đêm đen, hai đứa bé gái đơn độc, cố gắng trợ giúp một người mẹ bệnh hoạn, run rẩy. Làm thế nào bây giờ ? « Đành thôi, mẹ con mình đành phải nộp mạng cho biên phòng vậy » - bà quyết định một cách nhẫn nhục (…)

(LND : Thụy My sẽ cố gắng lần lượt dịch thêm một số chương khác)

Eunsun Kim: Mười hai năm trong địa ngục Bắc Triều Tiên


Eunsun Kim
(Paris Match) Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match.

Paris Match : Cô có nghĩ rằng cuộc sống khốn khổ mà cô đã trải qua trong thập niên 90 đến nay vẫn còn kéo dài, và tại Bắc Triều Tiên người dân vẫn tiếp tục chết đói ?

Eunsun Kim : Không còn là các trận đói khủng khiếp đã sát hại nhiều trăm ngàn người trong đó có ba tôi, nhưng, vâng, tình trạng bần cùng vẫn kéo dài tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay có ít người chết đói hơn, vì những người yếu sức nhất đều đã chết hết cả rồi. Hơn nữa, việc cung ứng thực phẩm từ phía Trung Quốc đã được cải thiện.

Do chế độ không còn khả năng nuôi nổi dân chúng, nên mỗi người phải tự bươn chải, đặc biệt là ở chợ đen. Những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người sống rất thiếu thốn. Khủng hoảng không chỉ dẫn đến nạn đói kém, mà còn làm giảm đi các giá trị. Đó là việc mạnh ai nấy sống. Một người tị nạn vừa mới đến được Seoul cho tôi biết là một số thanh niên nay đã tìm đến với ma túy, hay là chọn đó làm nghề nghiệp, như là tương lai duy nhất. Khi biết được điều này tôi thực sự nản lòng.

Tại sao không có ai nổi dậy cả ?

Cần phải hiểu rằng chúng tôi đã bị tẩy não từ khi còn bé, các lãnh tụ họ Kim được giới thiệu như là các ân nhân của dân chúng. Lúc mới sinh ra thì không có ai ngu ngốc cả, nhưng do bị tuyên truyền dồn dập, người ta mới trở thành ngu, vì không được biết gì về thế giới bên ngoài ! Ở Bắc Triều Tiên, chúng tôi không hề biết được tự do nghĩa là gì, còn nhân quyền thì lại càng khó hình dung được. Đó là một cái vòng lẩn quẩn, vẫn tiếp tục diễn ra với thế hệ thứ ba của họ nhà Kim.

Sinh viên BTT tị nạn tại Hàn Quốc biểu tình ngày 21/2/12 đòi TQ không trả người tị nạn về nước. Các thanh niên biểu tình đều đeo khẩu trang để tránh bị nhận diện, liên lụy đến người thân còn sống tại BTT.
Người dân có thể truy cập internet không ?

Internet được dành riêng cho các cán bộ cấp cao của chế độ, những người này thì họ biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Điện thoại di động đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng bị hạn chế ở các cuộc gọi nội hạt. Tuy vậy nhờ phát triển nhanh chóng, một số người hy vọng một ngày nào đó điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ nổi dậy để làm lung lay chế độ. Nhưng đồng thời đây cũng lại là một phương tiện để kiểm soát, giúp công an nghe được các cuộc đàm thoại và định vị được người sử dụng. Với lại điện thoại di động vẫn luôn rất đắt tiền, đa số dân chúng không thể mua nổi.

Vận chuyển công cộng đang trong tình trạng thê thảm, và các phương tiện thông tin thì cứ như thuộc về thế kỷ trước. Cùng một tuyến đường nếu ở Hàn Quốc tôi đi tàu cao tốc mất hai giờ, thì bên kia biên giới phải mất đến hai ngày. Để liên lạc với nhau, người ta gởi thư, nhưng chắc ăn nhất là gởi ai đó đến đưa tin. Vì ngay cả một lá thư cũng phải đi một tháng mới đến nơi, nếu mà nó đến được !

Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong Un vừa lên thay cha hồi tháng 12, có sẽ hiện đại hóa đất nước ?

Tôi từng nuôi hy vọng mong manh là người kế vị này có thể mang lại những ý tưởng mới, nhờ trẻ tuổi và đã từng học tại Thụy Sĩ, nhưng tôi đã nhanh chóng thất vọng. Và tôi lại còn có cảm giác là chế độ ngày một tệ hại thêm. Vì thế mà những ai thành công trong việc trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên như tôi đều có trách nhiệm và cần phải đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ hóa tại đất nước này.

Nông thôn Bắc Triều Tiên
Có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thủ đô Bình Nhưỡng ?

Vâng, có một sự khác biệt hết sức lớn lao. Thủ đô là một đô thị với 2,5 triệu dân được ưu đãi, đó là gia đình có liên quan đến Đảng Lao động hay quân đội. Bình Nhưỡng là một thành phố sạch sẽ, với các tòa nhà chọc trời, được sử dụng như tủ kính mặt tiền mà các nhà độc tài muốn trưng ra trước khách nước ngoài.

Cũng có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai thế giới : người dân một tỉnh nghèo có thể chết vì đói trong khi dân Bình Nhưỡng không hề hay biết. Chế độ nuông chiều dân chúng thủ đô, vốn là lực lượng hỗ trợ chủ yếu của họ. Tiêu chuẩn thức ăn do chính quyền phân phối cao hơn nhiều và cũng thường xuyên hơn, so với phần còn lại của đất nước vốn thường bị mất tiêu chuẩn. Tại các vùng nông thôn, mỗi người đều học được cách tồn tại mà không trông cậy vào nhà nước.

Có những thành phố lớn phát triển tại Bắc Triều Tiên không ?

Ngoài Bình Nhưỡng còn có các thành phố lớn như Rajin, Sinuiju hay Hyesan, gần đây đã phát triển nhờ ở gần biên giới Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc tăng lên từ đầu những năm 2000 đã giúp các thành phố này giàu lên. Nhưng lợi tức từ thương mại lại lọt vào tay của Đảng, vì không có việc kinh doanh nào thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống.

Lính biên phòng BTT canh gác bên bờ sông Áp Lục.
Ngày nay rời khỏi Bắc Triều Tiên dễ hơn hay là khó hơn trước ?

Tôi thuộc về làn sóng tị nạn đầu tiên, sau các trận đói kinh hoàng cuối thập niên 90. Số người đào thoát không ngừng tăng lên, nhưng chế độ đã tăng cường kiểm soát biên giới vào đầu những năm 2000. Tôi nhận ra điều đó sau khi vượt biên lần thứ hai và bị công an Trung Quốc gởi trả về Bắc Triều Tiên. Kể từ năm ngoái và từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vượt thoát khỏi Bắc Triều Tiên lại càng khó khăn hơn.

Nhà độc tài mới muốn ngăn chận làn sóng vượt biên - một sự chối bỏ chế độ - bằng mọi giá. Ông ta đã ra lệnh cho biên phòng nổ súng vào tất cả những ai muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp. Vài ngày sau khi Kim Jong Un nhậm chức, nhiều người tị nạn đã bị bắn hạ trong lúc đang vượt qua con sông lạnh giá, là ranh giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay vùng biên giới đang bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.

samedi 17 mars 2012

Ấn Độ tăng thêm 40 tỉ đô la ngân sách quốc phòng

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 
 
Ấn Độ gia tăng 17% ngân sách thường niên dành cho quốc phòng, tức bổ sung thêm 40 tỉ đô la, nhằm đối phó với sự phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Quốc và đối thủ truyền thống là Pakistan.

Hãng tin AFP cho biết Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ hôm qua 16/03/2012 đã tuyên bố như trên. Phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee nói rằng khoản tiền này dựa trên cơ sở nhu cầu hiện tại, và tất cả các nhu cầu phát sinh cũng sẽ được đáp ứng, trong dịp đệ trình dự thảo ngân sách 2012-2013 bắt đầu từ ngày 1/4 tới.

Việc gia tăng ngân sách quốc phòng này diễn ra sau khi New Delhi đã tăng thêm 12% chi tiêu quốc phòng trong ngân sách dự trù năm ngoái. Ấn Độ đang lao vào mua sắm đủ loại thiết bị quân sự, từ phi cơ tiêm kích, pháo hạng nặng cho đến tiềm thủy đĩnh, khiến quốc gia này trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Về phía Trung Quốc trong tháng Ba đã loan báo việc gia tăng 11,2% chi tiêu quân sự cho năm 2012, lên 106,41 tỉ đô la. Tỉ lệ tăng chi ở mức hai con số này cao hơn cả tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc (9,2% trong năm 2011). Bắc Kinh quyết tâm theo sát Washington và Matxcơva về quân sự, làm tăng thêm mối quan ngại nơi các nước láng giềng.

Hai ngàn cây số đường biên giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn là nguồn gây căng thẳng thường xuyên giữa hai nước, cho dù đã có nhiều cuộc đối thoại song phương kể từ thập niên 80 để tìm kiếm thỏa thuận. Còn Pakistan vẫn là một mối lo cho Ấn Độ, vì Islamabad đã từng tiến hành ba cuộc chiến tranh chống lại New Delhi kể từ khi độc lập vào năm 1947, trong đó có hai cuộc chiến liên quan đến vùng Cachemire đang được đôi bên tranh chấp.

tags: Ấn Độ - Châu Á - Quốc phòng 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120317-an-do-tang-them-40-ti-do-la-ngan-sach-quoc-phong
 

Đào mộ chó để tìm kim cương

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Ba 2012 
 
Mộ của Tipsy, một chú chó lông xù màu đen thuộc giống caniche, chôn tại nghĩa địa dành cho chó ở Asnières-sur-Seine, ngoại ô Paris, đã bị đào trộm hồi đầu tháng 2/2012. Người ta đồn đại rằng trong ngôi mộ có một kho tàng, thế nên kẻ trộm đã đến viếng.

Trong đêm 04 rạng 05/02, những kẻ nào đó đã đào quan tài lên, vất xác chó Tipsy qua một bên. Được cảnh sát Pháp báo tin, chủ của chó Tipsy quá cố, là một phụ nữ Mỹ rất giàu, có cơ sở kinh doanh ở đại lộ Champs-Elysée sang trọng tại thủ đô Paris, đang đi du lịch ở Thụy Sĩ, đã suy sụp hẳn. Bà cho biết, khi chôn chú chó trung thành vào năm 2003, đã cho chôn theo một sợi dây chuyền kim cương trị giá 9.000 euro.

Thị trưởng thành phố là ông Sébastien Pietrasanta cho biết, ban đầu ai nấy đều nghĩ chỉ là lời đồn đại, như câu chuyện về sợi dây chuyền của hoàng hậu Marie-Antoinette trước đây. Ông cảnh báo : « Tôi xin nhấn mạnh là không có kho tàng trong tất cả mộ của chó mèo tại đây », đồng thời cũng thắc mắc : « Cũng đáng ngạc nhiên khi người chủ lại cho chôn theo chó một tài sản trị giá gần 10.000 euro, nhất là trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng này ».

Bà chủ của chó Tipsy đã đưa đưa kiện về « xâm phạm mồ mả » và « trộm cắp ». Còn chính quyền Asnières-sur-Seine cũng kiện về tội « xâm nhập bất hợp pháp » nghĩa trang. Nghĩa địa này sau đó đã phải đóng cửa vài ngày để phục vụ cho công tác điều tra, đồng thời để tân trang lại tấm bia mộ bằng cẩm thạch của Tipsy. Tấm bia này có thể nhận ra từ xa nhờ kích thước vĩ đại của nó, với trái tim màu đỏ ở giữa, trong đó có hình chó Tipsy.

Nghĩa trang dành cho chó ở Asnières được xem là nghĩa trang quy mô nhất thế giới cho súc vật. Được thành lập từ cuối thế kỷ 19, nghĩa trang này nhận chôn xác thú nuôi như chó, mèo, chim, kể cả những loại thú khác như thỏ, hamster, cá, ngựa, khỉ, và có cả một con sư tử của nhà báo nữ Marguerite Durand được an nghỉ tại đây. Một số thú cưng được chủ dành cho những lời âu yếm nhất khắc trên bia mộ.

Trên mộ của Lancelot, Mistigri hay Moumoute, có thể đọc được những dòng chữ : « Cho bé của tôi », « Thất vọng vì con người, nhưng không bao giờ thất vọng vì chó cưng của tôi », « Tình yêu của đời tôi », « Người đồng hành trung thành và là người bạn duy nhất của cuộc đời rong ruổi đầy buồn đau của tôi ».

An nghỉ ngàn thu tại đây còn có những chú chó tên tuổi như Rintintin, mà một trong những cháu chắt của chú chó này là Rintintin IV, diễn viên nổi tiếng trong một bộ phim truyền hình nhiều tập. Hoặc chó Barry, đã từng cứu sống 40 người khỏi bị tuyết vùi, nhưng theo truyền thuyết, thì đã bị người thứ 41 giết chết. Xác của chó Barry được lưu giữ trong viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở Thụy Sĩ, và bia tưởng niệm thì được dựng tại nghĩa trang Asnières. Ngoài ra còn có các chú chó cảnh sát tận tụy, như chó Top, nhiều lần được tặng thưởng huy chương, chó Léo, hy sinh trong lúc đang thi hành nhiệm vụ. Hay thú cưng của các văn nghệ sĩ như Alexandre Dumas chẳng hạn. Riêng chú chó thứ 40.000 được chôn ở đây lại là một chú chó vô chủ, đi lạc đến và qua đời ngay trước cổng nghĩa trang vào năm 1958, được ban giám đốc chôn cất tử tế và lập bia mộ riêng.

tags: Cuộc sống muôn màu 
 
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120311-dao-mo-cho-de-tim-kim-cuong
 

Mười sáu người Afghanistan bị sát hại : Án tử hình cho nghi phạm ?

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 

Ngày 17/03/2012 trung sĩ Robert Bales được xác định là người đã sát hại 16 thường dân Afghanistan, đã được đưa đến một căn cứ quân sự ở Kansas. Balesbị giam giữ tại đây chờ ngày ra tòa.

Một nguồn tin quân sự đã cho hãng tin Reuters biết : viên hạ sĩ quan 38 tuổi, có vợ và hai con, sẽ bị biệt giam tại căn cứ Fort Leavenworth. Robert Bales bị kết tội là đã ra khỏi căn cứ quân sự gần Kandahar ở miền nam Afghanistan để bắn hạ 16 dân làng Afghanistan, đa số là phụ nữ và trẻ em. Hành động này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Hoa Kỳ và Afghanistan.

Quân đội Mỹ miêu tả trung sĩ Robert Bales là một quân nhân luôn làm tròn phận sự, được huấn luyện để trở thành thiện xạ cũng như về y tế cấp cứu, trong chương trình mang tên là « combat life saver » (cứu người trong tình huống chiến đấu). Robert Bales nhiều lần được tặng thưởng huy chương vì chấp hành tốt và ý thức phục vụ trong quân ngũ. Bales từng phục vụ tại Irak 37 tháng và được điều đi Afghanistan vào cuối năm 2011. Theo một viên chức chính phủ được tờ New York Times dẫn ra hôm qua, thì vụ thảm sát ở Kandahar là một sự « tổng hợp của stress, rượu và chuyện gia đình, nên viên hạ sĩ quan này có vấn đề về tâm thần ».

Luật sư của Robert Bales là ông John Henry Browne, đã cực lực cải chính giả thiết sau cùng, khẳng định tình hình gia đình thân chủ ông luôn tốt đẹp. Luật sư Browne cho biết, ông sẽ biện hộ theo hướng nhấn mạnh đến tình trạng sức khỏe của Robert Bales, vốn bị chấn thương não sau khi xe thiết giáp của trung sĩ Bales bị lật tại Irak. Vị luật sư này đã có cuộc nói chuyện ngắn đầu tiên với thân chủ hôm thứ Sáu, cho kênh truyền hình CNN biết là Robert Bales có vẻ « hờ hững, như một con thỏ bị lóa mắt vì ánh đèn pha, nhưng không sao ».

Tuy nhiên theo các chuyên gia, thì lý lẽ về sang chấn tâm thần có vẻ khó thuyết phục được Tòa án Quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tuần này đã hàm ý cho biết viên trung sĩ có nguy cơ bị lãnh án tử hình, cho dù chưa có binh sĩ Mỹ nào bị xử tử kể từ năm 1961 đến nay. Quân nhân cuối cùng bị án tử là do đã hãm hiếp một bé gái.

Hiện nay tại Mỹ vẫn còn nhiều tử tù trong « hành lang tử thần », tức các phòng biệt giam chờ thi hành án. Thiếu tá Nidal Hasan, bị kết án là đã sát hại 13 quân nhân tại căn cứ Fort Hood ở Texas năm 2009 cũng có nguy cơ bị án tử.

Luật sư Neal Puckett từng biện hộ cho những người lính thủy quân lục chiến đã giết hại 24 thường dân Irak tại thành phố Haditha năm 2005 nhận định : « Áp lực chính trị mạnh mẽ cho đến nỗi chắc chắn là Robert Bales sẽ bị kêu án tử hình ».

tags: Afghanistan - Hoa Kỳ (Mỹ) - Quốc tế 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120317-an-tu-hinh-cho-nghi-pham-sat-hai-16-nguoi-afghanistan

Thêm một nhà sư tự thiêu tại vùng Tây Tạng ở Trung Quốc

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 
 
Ngày 16/03/2012, một nhà sư Tây Tạng trẻ tuổi toan tự thiêu trước tu viện Kirti ở huyện A Bá- Tứ Xuyên, nhưng đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc đánh đập và bắt đưa đi nơi nào không rõ.
 
Theo tổ chức phi chính phủ Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn, nhà sư này tên là Lobsang Tsultrim, 20 tuổi, khi châm lửa tự thiêu đã giơ cao nắm tay - một cử chỉ được người Tây Tạng sử dụng để đòi được tự do. 

Các nhân chứng được Radio Free Asia và Free Tibet nêu ra cho biết, lực lượng an ninh Trung Quốc đã đánh đập nhà sư này ngay trong lúc thân người ông đang bốc cháy. Sau đó họ mới dập lửa và đưa nhà sư, hãy còn sống, đi một nơi nào không rõ. Ban tuyên huấn huyện A Bá cũng như của tỉnh Tứ Xuyên đều không trả lời hãng tin Pháp về sự kiện trên.

Tỉnh Tứ Xuyên có nhiều người Tây Tạng sinh sống. Huyện A Bá vốn là nơi có phong trào phản kháng mạnh mẽ. Nhiều vụ tự thiêu trước đây đã diễn ra trước tu viện Kirti tại huyện này.

Kể từ tháng 3/2011 đến nay, đã có gần 30 người Tây Tạng, hầu hết là các nhà sư, đã tự thiêu để phản đối chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc. Người dân Tây Tạng bất mãn trước việc đàn áp tôn giáo, việc người Hán tộc đô hộ và muốn đồng hóa họ qua việc hạn chế duy trì ngôn ngữ, văn hóa truyền thống.

Tháng Ba là thời điểm nhạy cảm đối với người Tây Tạng. Lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 3/1959 đã phải chạy bộ qua dãy Himalaya sang Ấn Độ sống lưu vong, sau khi cuộc nổi dậy chống lại Trung Quốc bị thất bại. Đến tháng 3/2008 nhân kỷ niệm 49 cuộc nổi dậy trên đây, các cuộc biểu tình của các nhà sư tại thủ phủ Lhassa của Tây Tạng và phong trào đã lan sang các tỉnh lân cận. Đấy là những nơi có nhiều người Tây Tạng sinh sống. Làn sóng nổi dậy năm 2008 đã bị đàn áp trong biển máu.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120317-them-mot-nha-su-tu-thieu-tai-vung-tay-tang-trung-quoc
 

Mười ứng cử viên tranh chức Tổng thống Pháp 2012

Bài đăng : Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 17 Tháng Ba 2012 

Trừ trường hợp có bất ngờ vào phút cuối, mười ứng cử viên hợp lệ trong cuộc chạy đua vào điện Elysée năm nay. Tất cả đã trình đủ 500 chữ ký giới thiệu của các đại biểu dân cử cho Hội đồng Bảo hiến trước thời hạn chót là 18 giờ ngày 16/03/2012. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy hầu như là người đại diện duy nhất của cánh hữu và trung hữu trong cuộc bầu cử tống thống Pháp.

Danh sách chính thức sẽ được công bố vào thứ Hai tới. Chiến dịch tranh cử tổng thống sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 20/03/2012. Mỗi ứng cử viên sẽ được dành cho lượng thời gian như nhau trên các phương tiện truyền thông.

Với quy định phải hội đủ 500 chữ ký giới thiệu, lợi thế thuộc về các ứng cử viên của các đảng lớn và có chân rết tại nhiều địa phương, vì dễ nhận được sự hỗ trợ của 38.000 nghị sĩ, thị trưởng, đại biểu hội đồng vùng…Vì thế cuộc chạy đua tìm chữ ký không là vấn đề đối với hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và ứng viên đảng Xã hội François Hollande. Tương tự đối với ứng viên cánh trung François Bayrou, bà Eva Joly của đảng Xanh – Sinh thái châu Âu, Jean-Luc Mélanchon của Mặt trận cánh tả được đảng Cộng sản ủng hộ.

Cũng như trong kỳ bầu cử 2007 trước đây, ông Nicolas Sarkozy hầu như độc tôn trong việc đại diện cánh hữu và trung hữu, nhờ loại được những người cạnh tranh khác, hầu hết do thiếu số chữ ký bảo trợ. Cuộc chạy đua vào Dinh Tổng thống Pháp năm nay hứa hẹn nhiều căng thẳng, gần đây ông Nicolas Sarkozy đã vượt lên trong các cuộc thăm dò dư luận so với ông François Hollande.

tags: Chính trị Pháp 
 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120317-muoi-ung-cu-vien-tranh-chuc-tong-thong-phap-2012-0

Lòng mến mộ bà Aung San Suu Kyi giúp các sản phẩm liên quan bán chạy

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 
 
Chính quyền Miến Điện có thật sự quyết tâm cải cách hay không, chủ đề này vẫn là một câu hỏi lớn đối với các chuyên gia cũng như giới ngoại giao. Tuy nhiên đối với các nhà buôn nhỏ ở Rangoon, thì đất nước này đang trên đường tiến triển, với việc các món hàng mang hình ảnh lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi bán rất chạy.

Hãng tin Pháp AFP nêu ra trường hợp của Swe Yie, một nông dân 56 tuổi có vợ và hai con, nay đang làm công việc sản xuất và bán áo thun có in ảnh bà Aung San Suu Kyi và cờ của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ (LND), đảng của giải Nobel hòa bình. Ông hiện đang sản xuất không kịp bán, và đường phố đang tràn ngập hình ảnh của nhà đối lập biểu trưng cho dân chủ, cũng như cha của bà, tướng Aung San, người anh hùng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi, kẻ thù cũ của tập đoàn quân sự cầm quyền, đã phải trải qua 15 năm quản thúc, và chỉ được tự do kể từ tháng 11/2010. Nay chính quyền mới cho phép bà ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sẽ diễn ra vào ngày 1/4 tới. Và việc kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến lãnh tụ đối lập đã vượt quá hy vọng của các nhà sản xuất.

Ông Swe Yie cho biết : « Trước đây người dân còn không dám nhắc đến Bà, thậm chí không thể tưởng tượng nổi là có thể bán các sản phẩm có liên quan đến bà Aung San Suu Kyi. Nhưng nay thì các áo thun có in hình lãnh tụ đối lập bán chạy không ngờ ».

Chất lượng những chiếc áo này thuộc loại trung bình, được bán với giá khoảng 1,5 euro một cái. Với tốc độ in 3.000 chiếc áo thun một ngày, ông Swe Yie nhìn nhận, nay ông có thể mơ đến việc làm ăn lớn hơn.

Ông đang sống cách một đồn cảnh sát chỉ có vài mét, trong một đất nước mà lâu nay tất cả các hình thức ly khai chính trị đều bị đàn áp không thương tiếc. Và chỉ mới cách đây một năm thôi, việc nhắc tới Bà (từ chỉ bà Aung San Suu Kyi) ở Rangoon có thể gây ra rất nhiều rắc rối.

Trong một căn nhà cũ kỹ, dưới ánh sáng nhợt nhạt của hai bóng đèn néon, vợ ông Swe Yie làm việc với chiếc máy may duy nhất của gia đình. Bà sản xuất ra hàng loạt những lá cờ nhỏ của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, đảng phái mà giải Nobel hòa bình đã cống hiến trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của bà, kể từ bài diễn văn đầu tiên đọc vào năm 1988.

Bốn công nhân ngồi dưới đất, làm công việc in những hình ảnh nhiều màu lên áo thun. Một số áo được rao bán trên đường phố, số khác được bán cùng với hành trình chiến dịch tranh cử mà bà Aung San Suu Kyi tiến hành trên khắp các nẻo đường đất nước, tại 48 đơn vị bầu cử.

Nhiều khách hàng là người ngoại quốc. Họ ái mộ người phụ nữ 66 tuổi mảnh dẻ này, được phương Tây xem là biểu tượng không khuất phục trước vũ lực. Hình ảnh bà nay có mặt khắp nơi, từ cửa hàng, tiệm ăn cho đến các chợ. Lá cờ màu đỏ của Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, với hình một con công màu vàng, cổ vươn lên hướng về một ngôi sao trắng, được bày bán trên các vỉa hè, bên cạnh những móc khóa và các tấm lịch. Ảnh của « Bà » xuất hiện với đủ lứa tuổi, đủ các góc cạnh. Thậm chí các bản sao chép lậu của bộ phim « The Lady » nói về bà Aung San Suu Kyi vốn bị các tờ báo chính phủ chỉ trích kịch liệt, vẫn thấy được bày bán.

Đã hẳn là Swe Yie không quên được năm mươi năm độc tài với chính sách đàn áp cứng rắn của chính quyền Miến Điện trước đây. Ông cũng biết rằng các nhà lãnh đạo hiện nay tuy có chủ trương cải cách, nhưng họ vẫn là các cựu quân nhân, đã từng làm việc cho tập đoàn quân sự đã tự giải thể vào năm 2011.

Tuy nhiên nhà buôn này nhận thấy không gian đã dần được mở rộng, nỗi sợ nhạt bớt, báo chí đang vượt ra khỏi giới hạn lâu nay, còn các khách sạn thì đầy khách lưu trú. Theo ông thì còn phải cải cách thật nhiều nữa, nhưng ít nhất đây cũng là những bước đi đầu tiên. Và ông Swe Yie cảm thấy ngày càng dễ thở hơn với nghề kinh doanh hiện nay. Ông cho biết : « Tôi thấy lúc này dễ kiếm sống hơn, khi mọi thứ đều đang thay đổi. Cho dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng chúng tôi có cơ hội, và tôi có thể tự do buôn bán mà không sợ bị bắt ».

tags: Aung San Suu Kyi - Châu Á - Kinh tế - Miến Điện 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120316-long-men-mo-ba-aung-san-suu-kyi-giup-cac-san-pham-lien-quan-ban-chay
 

Một tờ báo Miến Điện bị chính phủ dọa kiện ra tòa vì tố cáo tham nhũng

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 
 
Nhật báo Myanma Alin của nhà nước Miến Điện hôm qua 15/03/2012 cho biết, chính phủ nước này dự định sẽ kiện ra tòa một tờ báo vì đã tố cáo nạn tham nhũng tại nhiều bộ.

Tuần báo Voice Weekly, một trong những tờ báo không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, hôm thứ Hai đã cho đăng một bài báo tố cáo tình trạng bất bình thường trong việc quản lý, nêu nghi vấn về nạn tham nhũng lên đến nhiều triệu kyat, tương đương vài trăm ngàn euro.

Bộ Quặng mỏ Miến Điện dự định tiến hành kiện tờ báo này ra tòa vì đã đưa những tin tức « làm hại đến hình ảnh » của bộ này, và làm ảnh hưởng đến « lòng tin của dư luận ».

Tổng biên tập tờ Voice Weekly là Kyaw Min Swe vẫn khẳng định những gì mà báo này đã đăng là có cơ sở, cho biết là đang có đầy đủ những bằng chứng.

Trong những tháng gần đây, việc kiểm duyệt báo chí ở Miến Điện đã được nới lỏng rất nhiều, trong khuôn khổ những cải cách chính trị của tân chính phủ « dân sự » được bầu ra từ tháng 3/2011, tuy đa số vẫn xuất thân từ quân đội. Chính quyền Miến Điện đang chuẩn bị đưa ra một đạo luật mới về truyền thông, nhằm giảm dần việc kiểm duyệt đối với các tuần báo.

tags: Báo chí - Châu Á - Dân chủ - Miến Điện - Tham nhũng - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120316-mot-to-bao-mien-dien-bi-chinh-phu-de-doa-kien-ra-toa-vi-to-cao-tham-nhung
 

iPad3 xuất hiện không rầm rộ như thường lệ

Bài đăng : Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 16 Tháng Ba 2012 
 
Những người ưa chuộng máy tính bảng ở châu Á và ở Úc là những khách hàng đầu tiên mua được phiên bản mới nhất iPad 3 vào hôm nay 16/03/2012. Việc tổ chức trình diện siêu phẩm này tuy được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng do thiếu những màn sáng tạo độc đáo, nên cơn sốt của người tiêu dùng không dâng cao như trước.

Phiên bản thứ ba sản phẩm bán chạy nhất của tập đoàn Apple chỉ sau iPhone, được ra đời ba năm sau mẫu iPad đầu tiên, được phân phối đợt đầu vào hôm nay tại 10 nước và vùng lãnh thổ : Úc, Nhật, Singapore, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Canada và Hồng Kông.

Tại Tokyo, có những người đã chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ để đón mua, nhưng sau khi phục vụ cho vài trăm khách hàng, thì Apple Store của khu phố sang trọng Ginza nhanh chóng vắng khách. Tại Hồng Kông, khách hàng không chen lấn nhau như lúc iPhone 4 được trình làng. Còn tại Sydney, tuy có những người đã chờ chực từ bốn ngày trước, nhưng số người tụ tập trước cửa hàng Apple chỉ đông lên vài tiếng đồng hồ trước khi iPad 3 được bán ra. Ở Francfort, cũng không có nhiều người đợi mua phiên bản mới này.

tags: Khoa học - Tin học - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/xa-hoi/20120316-ipad3-xuat-hien-khong-ram-ro-nhu-thuong-le
 

jeudi 15 mars 2012

Syria : 200 tổ chức phi chính phủ đòi Liên Hiệp Quốc và Nga hành động

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 
 
Trong một thông cáo chung được công bố hôm nay 15/03/2012, hai trăm tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Nga cần có hành động để chấm dứt tình trạng đàn áp đẫm máu ở Syria, sau một năm bắt đầu phong trào nổi dậy. Hàng ngàn người Syria đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vòng 24 giờ qua, Ankara tố cáo Damas đã cho đặt mìn ở biên giới để cản trở làn sóng tị nạn.

Thông cáo khẳng định: Liên minh tập hợp 200 tổ chức phi chính phủ từ 27 quốc gia yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nước Nga cần liên kết lại để thông qua một nghị quyết, kêu gọi chính quyền Syria chấm dứt pháo kích tùy tiện vào các khu dân cư, vi phạm luật lệ quốc tế, chấm dứt việc bắt bớ và tra tấn, đồng thời bảo đảm một hành lang khẩn cấp cho các tổ chức nhân đạo, các nhà báo và các quan sát viên nhân quyền.

Lời kêu gọi mang tên “Hãy tập hợp lại vì Syria: Chấm dứt một năm đổ máu” được nhiều nhà hoạt động trên thế giới ủng hộ, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng. Các tổ chức như Human Rights Watch (HRW), Christian Aid, CIVICUS, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) cũng đã ký vào bản kiến nghị này.

Một lãnh đạo của HRW nhấn mạnh: “Nga và Trung Quốc đã hai lần phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an, hành động hỗ trợ mạnh mẽ này được Bachar Al Assad xem là giấy phép để tiếp tục giết người. Matxcơva và Bắc Kinh phải chấm dứt việc bảo trợ về ngoại giao cho các vụ thảm sát ở Syria”.

Viên tướng thứ bảy trong quân đội Syria bỏ ngũ đi theo phe nổi dậy

Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, hàng ngàn người Syria đã chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cả một vị tướng. Đây là tướng lĩnh thứ bảy trong quân đội chính phủ Syria bỏ sang hàng ngũ quân nổi dậy. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay hôm nay tố cáo Damas đã cho gài mìn tại vùng biên giới, và cho quân đội can thiệp để ngăn cản làn sóng người tị nạn.

Số lượng người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ nay đã lên đến 14.700 người, chính quyền nước này bắt đầu xây dựng thêm một trại tị nạn mới có khả năng đón tiếp 20.000 người. Luồng người tị nạn gia tăng do chính quyền Syria tăng cường tấn công vào Idleb. Theo ước tính của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, số người sơ tán sắp tới có thể lên đến nửa triệu.

Về mặt ngoại giao, hôm qua Ả Rập Xê Út và Hà Lan đã chính thức đóng cửa đại sứ quán tại Damas.

tags: Nhân quyền - Quốc tế - Syria - Trung Cận Đông 
 
http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/imagecache/rfi_43_large/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/syrie%2015032012.jpg
 

Báo chí Anh Quốc tiết lộ nhiều thư điện tử về đời tư gia đình Assad

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 
 
Tổng thống Syria Bachar Al Assad đã nghe theo những khuyến cáo của Iran trong việc đàn áp đối lập, giả vờ hứa hẹn cải cách, trong khi vợ ông tiếp tục mua sắm nữ trang và nhiều loại hàng hiệu. Đó là nội dung của các thư điện tử lấy trộm được từ địa chỉ email cá nhân của ông Assad, được tờ báo Anh The Guardian công bố hôm qua 14/03/2012.

Một trong số 3.000 thư điện tử được một nhà đối lập vô danh của Syria chuyển đến tờ The Guardian, cho thấy con gái của một thủ lĩnh Hồi giáo Qatar đã khuyến khích ông Assad và gia đình rời khỏi Syria ngày 30/1 để đến tị nạn tại Doha.

Ấn bản của tờ The Guardian hôm qua đã đưa lên một loạt email phác họa ra chân dung một nhà lãnh đạo hoàn toàn xa rời thực tế. Tờ báo cho biết những email này là rất đáng tin cậy, vì đã xác minh được một số, tuy không thể nào kiểm tra được toàn bộ. Các thư điện tử trên đây được lấy trộm trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 đến đầu tháng 2/2012, là khoảng thời gian mà phong trào phản kháng đã hầu như trở thành một cuộc nội chiến.

Các bức thư cho thấy Bachar Al Assad dường như đã nhiều lần nhận được các khuyến cáo từ Iran. Trước khi đọc một bài diễn văn vào tháng 12, ông Assad đã nhận được một danh sách các chủ đề cần đề cập đến, và được tư vấn là bài phát biểu phải thật dữ dội vì người dân muốn có một Tổng thống đầy uy lực, và cho các quốc gia bạn bè thấy là được lắng nghe. Ngoài ra còn phải hé lộ về năng lực quân sự để thuyết phục dư luận là chế độ sẵn sàng cho các hoạt động vũ trang, làm nản lòng phe đối lập.

Trao đổi với vợ là bà Asma, ông Assad cũng tỏ thái độ diễu cợt với các lời hứa hẹn mở cửa chính trị. Trong khi đó phu nhân Tổng thống tiếp tục gởi các đơn đặt hàng mua nữ trang tại Paris, và nhiều vật dụng sang trọng khác ở Luân Đôn và Damas.

Các email này cũng chứng tỏ Tổng thống Syria đã được thông báo rất chi tiết về sự hiện diện “bất hợp pháp” của các phóng viên ngoại quốc tại khu phố Baba Amr ở thành phố nổi dậy Homs.

tags: Internet - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120315-the-guardian-tiet-lo-nhieu-thu-dien-tu-ve-doi-tu-gia-dinh-assad
 

Một nhà sư Tây Tạng tự thiêu nhân kỷ niệm bốn năm vụ nổi dậy Lhassa

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 
 
Tình hình tiếp tục căng thẳng tại các khu vực Tây Tạng ở Trung Quốc. Hôm qua 14/03/2012, một nhà sư tại tu viện Rongwo ở tỉnh Thanh Hải đã tự thiêu, nhân kỷ niệm bốn năm vụ nối dậy ở Lhassa. Cảnh sát chống bạo động được triển khai dày đặc tại các khu vực Tây Tạng ở Trung Quốc, trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cho biết “hết sức lo ngại” cho sức khỏe của ba người Tây Tạng đang tuyệt thực trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.
 
Theo tổ chức Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn, thì nhà sư trên đây tên là Jamyang Palden, đã tự thiêu vào sáng hôm qua, 14/03, nhưng dường như vẫn còn sống sót. Nhiều nhà sư khác đã tập hợp lại tại quảng trường thành phố Đồng Nhân (Tongren) thuộc tỉnh Quý Châu để bày tỏ sự ủng hộ vị tu sĩ tự thiêu.

Học sinh, sinh viên tại Đồng Nhân và các khu vực lân cận cũng biểu tình phản kháng, đòi hỏi bình đẳng cho người Tây Tạng. Hãng tin Pháp AFP đã liên lạc với công an và chính quyền Đồng Nhân nhưng không được trả lời. Học sinh nhiều trường học ở huyện Trạch Khổ (Zeku) tỉnh Thanh Hải cũng đã biểu tình trước trụ sở chính quyền địa phương, giơ cao các biểu ngữ yêu cầu được tự do sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng, và bình quyền.

Các sự kiện này diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm bốn năm vụ nổi dậy của người Tây Tạng tại thủ phủ Lhassa vào tháng 3/2008, sau đó đã lan rộng ra nhiều thành phố khác. Chính quyền Trung Quốc đã đàn áp đẫm máu. Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, đã có hơn 200 người chết, còn Bắc Kinh nói rằng chỉ có 21 người thiệt mạng. Tình hình tại các khu vực người Tây Tạng ở Trung Quốc hiện vẫn đang căng thẳng.

Kể từ một năm qua, đã có ít nhất 26 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc, hầu hết là các tu sĩ Phật giáo. Đa số các vụ tự thiêu đầy kịch tính này diễn ra tại huyện A Bá, gần tu viện Tây Tạng Kirti.
Các phóng viên của AFP đã vào được A Bá nhưng sau đó nhanh chóng bị trục xuất. Họ đã ghi nhận được hình ảnh hàng trăm cảnh sát chống bạo động tuần tra khắp các nẻo đường, với súng, dùi cui và thậm chí cả bình chữa lửa.

Sức khỏe ba người Tây Tạng đang tuyệt thực trước Liên Hiệp Quốc đáng lo ngại

Còn tại New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm qua cho biết “hết sức lo ngại” cho sức khỏe của ba người Tây Tạng đang tuyệt thực trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, đã bước sang tuần lễ thứ tư.
Martin Nesirky, phát ngôn viên của ông Ban Ki Moon tuyên bố: “Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng tất cả các dân tộc đều có quyền biểu tình một cách hòa bình. Nhưng dù vậy ông cũng rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của ba người tuyệt thực”.

Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ivan Simonovic hôm thứ Hai đã gặp gỡ một thành viên của Đại hội Thanh niên Tây Tạng, đại diện cho ba người tự thiêu trên đây, tại New York.

tags: Châu Á - Tây Tạng 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120315-mot-nha-su-tay-tang-tu-thieu-nhan-ky-niem-bon-nam-vu-noi-day-lhassa-tinh-hinh-tiep-t
 

Hàn Quốc chuẩn bị tập trận quy mô ở Hoàng Hải

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 

Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc thao diễn quân sự quy mô ở gần vùng biển tranh chấp Hoàng Hải vào cuối tháng này, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh về an toàn nguyên tử ở Seoul. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào hôm qua 14/03/2012, cuộc tập trận này huy động nhiều chiến hạm, phi cơ chiến đấu và các đơn vị thủy quân lục chiến.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc tập trận là một bộ phận trong loạt sự kiện nhằm kỷ niệm hai năm chiếc tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm. Một viên chức cho biết thêm, cuộc tập trận có thể bắt đầu vào khoảng 26/3, nhưng các chi tiết hiện vẫn chưa được ấn định.

Xin nhắc lại, Seoul tố cáo Bình Nhưỡng là đã dùng thủy lôi đánh đắm chiếc tàu Cheonan vào ngày 26/03/2010 làm cho 46 thủy thủ tử nạn. Bình Nhưỡng chối cãi trách nhiệm trong vụ này, nhưng tám tháng sau lại pháo kích vào một hòn đảo của Hàn Quốc làm cho bốn người thiệt mạng.

Còn theo một viên chức cao cấp khác, thì việc này nhằm biểu thị “quyết tâm sẵn sàng trừng phạt” mọi sự khiêu khích từ phía Bắc Triều Tiên. Binh lính Hàn Quốc sẽ tham gia diễn tập tại các căn cứ vào ngày 26/3, trong lúc hơn một chục vị nguyên thủ quốc gia trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh về an toàn nguyên tử tại Seoul.

Hội nghị sẽ tập trung cho các biện pháp bảo đảm an toàn về vật liệu nguyên tử trên toàn thế giới, và dự báo các hành động khủng bố hạt nhân. Bắc Triều Tiên cho rằng đây là một “trò hề ghê tởm” nhằm biện minh cho một vụ tấn công nguyên tử của Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên đã chấp nhận nhượng bộ về chương trình nguyên tử để đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ, nhưng vẫn giữ thái độ thù địch trước chính quyền Seoul, đứng đầu là Tổng thống Lee Myung Bak thuộc phe bảo thủ. Bình Nhưỡng nhiều lần đe dọa tiến hành “thánh chiến”, cho rằng Seoul đã sỉ nhục tân lãnh tụ Kim Jong Un và cố Chủ tịch Kim Jong Il.

Hôm qua hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, khoảng 130 viên chức Bắc Triều Tiên tuần rồi đã đến thăm vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm chia cắt hai nước Triều Tiên vốn luôn căng thẳng. Hôm 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Chun và Tổng tham mưu trưởng Ri Yong Ho của Bắc Triều Tiên cũng đã đến đây. Trước đó vào ngày 3/3, tân lãnh tụ Kim Jong Un cũng đã bất ngờ đến thị sát, đồng thời đặt các đơn vị quân đội ở Bàn Môn Điếm trong tình trạng báo động.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Quân sự 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120315-han-quoc-chuan-bi-tap-tran-quy-mo-o-hoang-hai

Đào mộ chó để tìm kim cương

Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Ba 2012 
 
Mộ của Tipsy, một chú chó lông xù màu đen thuộc giống caniche, chôn tại nghĩa địa dành cho chó ở Asnières-sur-Seine, ngoại ô Paris, đã bị đào trộm hồi đầu tháng 2/2012. Người ta đồn đại rằng trong ngôi mộ có một kho tàng, thế nên kẻ trộm đã đến viếng.

Trong đêm 04 rạng 05/02, những kẻ nào đó đã đào quan tài lên, vất xác chó Tipsy qua một bên. Được cảnh sát Pháp báo tin, chủ của chó Tipsy quá cố, là một phụ nữ Mỹ rất giàu, có cơ sở kinh doanh ở đại lộ Champs-Elysée sang trọng tại thủ đô Paris, đang đi du lịch ở Thụy Sĩ, đã suy sụp hẳn. Bà cho biết, khi chôn chú chó trung thành vào năm 2003, đã cho chôn theo một sợi dây chuyền kim cương trị giá 9.000 euro.

Thị trưởng thành phố là ông Sébastien Pietrasanta cho biết, ban đầu ai nấy đều nghĩ chỉ là lời đồn đại, như câu chuyện về sợi dây chuyền của hoàng hậu Marie-Antoinette trước đây. Ông cảnh báo : « Tôi xin nhấn mạnh là không có kho tàng trong tất cả mộ của chó mèo tại đây », đồng thời cũng thắc mắc : « Cũng đáng ngạc nhiên khi người chủ lại cho chôn theo chó một tài sản trị giá gần 10.000 euro, nhất là trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng này ».

Bà chủ của chó Tipsy đã đưa đưa kiện về « xâm phạm mồ mả » và « trộm cắp ». Còn chính quyền Asnières-sur-Seine cũng kiện về tội « xâm nhập bất hợp pháp » nghĩa trang. Nghĩa địa này sau đó đã phải đóng cửa vài ngày để phục vụ cho công tác điều tra, đồng thời để tân trang lại tấm bia mộ bằng cẩm thạch của Tipsy. Tấm bia này có thể nhận ra từ xa nhờ kích thước vĩ đại của nó, với trái tim màu đỏ ở giữa, trong đó có hình chó Tipsy.

Nghĩa trang dành cho chó ở Asnières được xem là nghĩa trang quy mô nhất thế giới cho súc vật. Được thành lập từ cuối thế kỷ 19, nghĩa trang này nhận chôn xác thú nuôi như chó, mèo, chim, kể cả những loại thú khác như thỏ, hamster, cá, ngựa, khỉ, và có cả một con sư tử của nhà báo nữ Marguerite Durand được an nghỉ tại đây. Một số thú cưng được chủ dành cho những lời âu yếm nhất khắc trên bia mộ.

Trên mộ của Lancelot, Mistigri hay Moumoute, có thể đọc được những dòng chữ : « Cho bé của tôi », « Thất vọng vì con người, nhưng không bao giờ thất vọng vì chó cưng của tôi », « Tình yêu của đời tôi », « Người đồng hành trung thành và là người bạn duy nhất của cuộc đời rong ruổi đầy buồn đau của tôi ».

An nghỉ ngàn thu tại đây còn có những chú chó tên tuổi như Rintintin, mà một trong những cháu chắt của chú chó này là Rintintin IV, diễn viên nổi tiếng trong một bộ phim truyền hình nhiều tập. Hoặc chó Barry, đã từng cứu sống 40 người khỏi bị tuyết vùi, nhưng theo truyền thuyết, thì đã bị người thứ 41 giết chết. Xác của chó Barry được lưu giữ trong viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên ở Thụy Sĩ, và bia tưởng niệm thì được dựng tại nghĩa trang Asnières. Ngoài ra còn có các chú chó cảnh sát tận tụy, như chó Top, nhiều lần được tặng thưởng huy chương, chó Léo, hy sinh trong lúc đang thi hành nhiệm vụ. Hay thú cưng của các văn nghệ sĩ như Alexandre Dumas chẳng hạn. Riêng chú chó thứ 40.000 được chôn ở đây lại là một chú chó vô chủ, đi lạc đến và qua đời ngay trước cổng nghĩa trang vào năm 1958, được ban giám đốc chôn cất tử tế và lập bia mộ riêng.

tags: Cuộc sống muôn màu 
 
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120311-dao-mo-cho-de-tim-kim-cuong
 

Đối lập Cuba chiếm đóng một nhà thờ để áp lực lên Đức Giáo Hoàng

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Ba 2012 
 
Các nhà đối lập Cuba từ hôm qua 14/03/2012 đã chiếm đóng một nhà thờ công giáo tại thủ đô La Habana. Họ hy vọng Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 sẽ đưa ra lời đề nghị chính quyền Cuba cải cách chính trị, nhân chuyến viếng thăm Cuba vào cuối tháng này.

Mười ba nhà ly khai gồm cả nam lẫn nữ, cho biết là thành viên của đảng Cộng hòa Cuba, một đảng bất hợp pháp, đã bắt đầu chiếm đóng nhà thờ Đức Mẹ Bác Ái ở trung tâm thủ đô La Habana từ hôm thứ Ba, và kiên quyết không rời nơi đây. Một số nhà thờ khác tại nhiều thành phố cũng bị chiếm đóng trong thời gian ngắn vào cùng ngày.

Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm Cuba từ 26 đến 28/3/2012 sẽ hội đàm với chủ tịch Raul Castro. Các nhà đối lập trên đây mong muốn Đức Giáo Hoàng ủng hộ các yêu sách của họ. Họ đã soạn sẵn một bức thư và đang chờ được trả lời.

Trong số các yêu sách này có việc đòi trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân chính trị, chấm dứt đàn áp đối lập.

tags: Cải cách - Công giáo - Cuba - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Đối lập 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120315-cac-nha-ly-khai-cuba-chiem-dong-mot-nha-tho-de-mong-duc-giao-hoang-keu-goi-cai-cach
 

mercredi 14 mars 2012

Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam

Thứ tư 14 Tháng Ba 2012 
 
"Cốt lõi của vấn đề vẫn là những quy định mập mờ của Luật đất đai. Người ta biết trước sau gì cái mảnh đất ấy cũng thuộc về người khác, người nông dân không có những yếu tố để gắn bó với đất đai của mình... Nông dân mà ra phố, khi họ về thì họ mang theo rất nhiều tật xấu ở phố, khiến cho sự thuần khiết về mặt truyền thống mất đi... Bộ máy công quyền ở địa phương thực sự rệu rã, thậm chí họ chả làm gì ngoài cái việc xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm"... 
 
Những gánh hàng rong
Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất
Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê
Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê
Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi


Đừng đuổi !
Xin đừng rượt đuổi !
Họ chỉ là nạn nhân
Đô thị mở rộng mất nơi cày cấy
Đô thị văn minh họ không chốn nương thân

63% dân Trung Quốc muốn thể chế dân chủ kiểu Tây phương

Bài đăng : Thứ ba 13 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 13 Tháng Ba 2012 
 
Bài phân tích của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, mang tựa đề « Trung Quốc : Dân chủ được đặt lên hàng đầu ». Theo cuộc thăm dò của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thì có đến 63% người dân Trung Quốc bày tỏ mong muốn áp dụng một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây ».

Libération nhận định, khát vọng dân chủ của người dân Trung Quốc ngày càng lệch pha với chính quyền cộng sản, theo như kết quả một cuộc thăm dò dư luận chưa từng có từ trước đến nay, được công bố hôm qua trên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo, tức Global Times, một nhánh của Nhân dân Nhật báo. Có đến hơn 63% người được hỏi muốn có một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây », theo cuộc điều tra được thực hiện với 1.010 đại diện cho nhiều tầng lớp trên toàn quốc. Đại đa số nghi ngờ rằng một hệ thống bầu cử tự do và tách biệt tam quyền như thế có thể trở thành hiện thực trong điều kiện hiện nay, nhưng 15,7% cho rằng mục tiêu này có thể áp dụng được ngay từ bây giờ.

Kết quả độc đáo của cuộc thăm dò, cũng như việc nó được công bố, theo Libération, là rất đáng ngạc nhiên, vì số 15,7% trên đây mong muốn chế độ độc tài, độc đảng hiện nay cần phải nhanh chóng biến mất, hoặc biến ngay lập tức. Hơn 49% người được hỏi cho biết đang chờ đợi một « cuộc cách mạng » mới, 15% trong số này nghĩ rằng Trung Quốc « chắc chắn đang ở bên bờ một cuộc cách mạng mới », và 34% cho rằng điều này là « có thể ».

Libération cho biết, cuộc thăm dò mang tính « nổi loạn » này chỉ được công bố bằng tiếng Anh. Bản tiếng Hoa của Global Times không có, và không có tờ báo chính thức nào đề cập đến. Sự táo bạo của các nhà báo Global Times - có thể bị Ban Tuyên huấn trừng phạt - dường như biểu hiện cuộc tranh cãi nội bộ giữa hai phe ủng hộ và chống đối một công cuộc cải cách chính trị thực sự.

Hôm thứ Bảy, ông Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Quốc hội hiện đang họp phiên thường niên, đã khẳng định là không có việc Trung Quốc dân chủ hóa theo kiểu phương Tây. Ông cam đoan là hệ thống « chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa » sẽ còn tồn tại rất lâu, và kêu gọi các đại biểu Quốc hội « bài trừ các tư tưởng và chủ thuyết sai lạc ». Ngô Bang Quốc nhấn mạnh là đảng Cộng sản duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ, với bộ máy lập pháp và tư pháp. Năm ngoái, nhân vật số hai vô cùng bảo thủ của đảng đã buộc các đại biểu phải long trọng tuyên bố « bác bỏ quan niệm đa đảng ». Ông ta nói : « Nếu chúng ta yếu đi, thì đất nước sẽ chìm vào vực thẳm của sự hỗn loạn ».

Càng sớm dân chủ hóa, Trung Quốc càng có lợi ?

Nhưng theo Tổng biên tập một tạp chí lịch sử ở Bắc Kinh, thì trong nội bộ đảng Cộng sản đang có một « cánh dân chủ ». Ông nhận định : « Nếu đảng Cộng sản tuân theo quy luật bầu cử dân chủ vào lúc này, thì rất có nhiều cơ hội duy trì quyền lực. Còn nếu để lâu hơn, thì sẽ càng phức tạp hơn ». 

Một nhà triết học kiêm sử gia của trường đại học Trung Sơn tại Quảng Đông bình luận : « Trung Quốc không thể kháng cự được lâu dài trước các nguyên tắc của nền văn minh hiện đại. Một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải chấp nhận dân chủ, cac nguyên tắc công lý và tự do. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian ». Ông nói : « Về mặt kinh tế, thì Bắc Kinh đã nhượng bộ khi chấp nhận các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng trên quan điểm chính trị, thì Trung Quốc đã đề kháng bằng cách khuếch trương một dạng chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình là xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, có quá ít nhân tố xã hội tại Trung Quốc, còn ít hơn cả các nước phát triển như Pháp chẳng hạn. Hơn nữa, phần lớn các đảng viên Trung Quốc chẳng còn tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa ». 

Trấn áp để tiếp tục chính sách độc đảng 

Libération nhận xét, dù vậy, đảng Cộng sản vẫn muốn là đảng cầm quyền duy nhất, bằng mọi giá. Ngân sách dành cho việc « duy trì ổn định » năm 2011 đã vượt qua ngân sách quốc phòng, và năm nay lại còn tăng lên 11%. Một phần lớn số tiền này được dùng để bóp chết từ trong trứng nước tất cả các vụ nổi dậy, hoặc để đàn áp khoảng 180.000 vụ xung đột diễn ra mỗi năm, giữa chính quyền và người dân phẫn nộ trước những bất công do các cán bộ đảng tham nhũng gây ra.

Tuy vậy, theo tờ báo cánh tả Pháp, thì cái giá phải trả là rất đắt. Theo báo cáo của China Human Rights (CHRD) được công bố vào tuần rồi, thì « Việc đàn áp chưa bao giờ mạnh mẽ như thế từ ít nhất mười năm qua. Trong năm 2011, gần bốn ngàn nhà hoạt động chính trị đã bị bắt giam », hầu hết trong những nhà tù không chính thức. Tố cáo các biện pháp giam giữ không thông qua xét xử, báo cáo cho biết cụ thể : « Có 159 tù chính trị bị tra tấn, và 20 người đã bị mất tích trong nhiều tuần lễ thậm chí nhiều tháng ». 

Hy vọng về một nhà lãnh đạo sáng suốt tiến hành cải cách tại Trung Quốc, trước đây vẫn ăn sâu, nay đã tàn úa, theo như thăm dò trên đây của Global Times : chỉ có 26% người được hỏi là còn tin. Đối với 69% số người được thăm dò, thì Bắc Kinh sẽ cải cách « dưới áp lực của các phương tiện truyền thông », « các điều kiện xã hội » hay « đòi hỏi của công chúng », và 62% cho rằng các trở lực chủ yếu cho cải cách là « những lợi lộc mà các nhóm lợi ích thu được ».

Tàu cao tốc Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos chú ý đến « Những thất vọng mới của tàu cao tốc Trung Quốc ». Theo tờ báo, tai nạn hai đoàn tàu đụng nhau hồi tháng Bảy năm ngoái đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống tín hiệu và quản lý khủng hoảng, nay đến lượt chất lượng cơ sở hạ tầng bị cáo giác.

Sau vụ Bộ trưởng Hỏa xa Trung Quốc bị cách chức vì tham nhũng và tai nạn kinh hoàng làm cho hơn 40 người chết vào năm ngoái, câu hỏi về vấn đề an toàn đường sắt lại được đặt ra từ hôm qua. Theo Tân Hoa Xã, mưa to đã làm sập một đoạn đường xe lửa cao tốc nối liền Vũ Hán với Nghi Xương. Nhưng mọi nỗ lực của báo chí nhằm liên hệ với đơn vị có trách nhiệm đề vô ích, làm dấy lên sự nghi ngờ. Còn trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, thì cổ phiếu của tất cả các công ty có liên quan đến chương trình tàu cao tốc Trung Quốc đều bị sụt giá.

Từ đầu tháng Ba, tuần báo Trung Quốc Time Weekly đã đặt ra nghi vấn về chất lượng của tuyến tàu cao tốc trên đây, dẫn một nguồn tin cho biết các nhà thầu đã dùng cát để thay thế đá dăm làm nền của một số đoạn đường tàu. Những nhà chuyên môn đều đưa ra câu hỏi : « Liệu người Trung Quốc có đi quá nhanh hay không ? ».

Khởi đầu từ năm 2007, chương trình tàu cao tốc đã cho phép Bắc Kinh xây dựng 8.000 km đường sắt tốc độ cao, dẫn đầu thế giới. Nhưng các nhà thầu lại không có kinh nghiệm, làm đến đâu biết đến đó, một số không áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Theo các chuyên gia, thì điều quan trọng không phải là xây dựng càng nhanh càng tốt mà vấn đề an toàn đường sắt phải là trung tâm. Bên cạnh đó là vấn nạn tham nhũng. Một tờ báo vào tháng rồi đã tố cáo, tất cả các trang thiết bị của các toa tàu, từ toa-lét, máy sấy khô tay, ghế ngồi cho đến màn hình ti-vi, đều được tính với giá gấp đôi, gấp ba giá thị trường, thậm chí công ty cung cấp cũng không phải là nhà sản xuất ra các mặt hàng đó.

Ngải Vị Vị, nghệ thuật dấn thân

Cũng về Trung Quốc, nhật báo cộng sản L’Humanité quan tâm đến « Ngải Vị Vị, nghệ sĩ và là người bộc lộ những vấn đề của một xã hội Trung Quốc đang tiến triển ». Cuộc triển lãm ảnh của ông đang diễn ra tại Paris cho thấy nhà nghệ sĩ đã trở thành phát ngôn viên cho các đồng bào của mình, và các hành động dấn thân của ông cũng được diễn đạt trong các tác phẩm.

Bị nhà cầm quyền trấn áp, bị bắt giam, blog bị kiểm duyệt, kết tội khiêu dâm, bị cơ quan thuế truy bức, bị quản thúc tại gia, Ngải Vị Vị tất nhiên không có mặt trong cuộc triển lãm khá quy mô các tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Nhưng các bức ảnh đã nói lên tất cả. Tấm ảnh người phụ nữ vén váy trước chân dung Mao Trạch Đông tố cáo sự thiếu minh bạch của chế độ, ngón tay trỏ vào quảng trường Thiên An Môn đầy khiêu khích, rồi đến một bình hoa đời Hán bị vỡ nát cho thấy lịch sử đang đè nặng, và tương lai cần được khẩn thiết viết lại.

Một dàn nhạc giao hưởng Nam - Bắc Triều Tiên ?

« Âm nhạc giúp hòa giải, theo Myung Whun Chung”, đó là tựa đề bài viết của nhật báo công giáo La Croix, nói về một buổi hòa nhạc độc đáo sẽ diễn ra ngày mai tại Paris, tập hợp các nhạc công đến từ Bắc Triều Tiên và Dàn nhạc giao hưởng của Radio France.

Là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Pháp quốc, ông Myung Whun Chung - có mẹ là người Bắc Triều Tiên - là người tổ chức đêm hòa nhạc với sự hiện diện của 70 nhạc công ở lứa tuổi đôi mươi đến từ Bình Nhưỡng. Dàn nhạc hỗn hợp này sẽ trình bày một số tác phẩm truyền thống của Triều Tiên và các nhạc phẩm giao hưởng kinh điển. Theo ông Chung, thì không có một người Triều Tiên nào không mong muốn hai miền Nam Bắc xích gần lại với nhau. Ông mơ đến cuối năm nay, sẽ vượt được mọi trở lực để tổ chức được một buổi trình diễn quy tụ các nhạc sĩ Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Syria : Vũ trang cho quân nổi dậy là thử thách nguy hiểm


Nhìn sang Syria, Le Figaro nhận định « Vũ trang cho quân nổi dậy Syria : Một thử thách nguy hiểm ». Chính quyền Hoa Kỳ nghi ngại các loại vũ khí hạng nặng có thể bị rơi vào tay những kẻ cực đoan, dẫn đến việc tạo thành một vòng cung nối liền Irak với Liban thông qua Homs và Hama ở Syria. Còn trên thực địa, việc các nhóm nổi dậy bị chia cắt làm phức tạp thêm việc tiếp liệu.

Sau khi phe nổi dậy, chỉ trang bị các khẩu Kalachnikov và đạn súng cối từ thời Liên Xô cũ, bị thất thủ tại Homs, vấn đề vũ trang cho phe phản kháng càng gây nhiều tranh cãi. Ả Rập Xê Út và Qatar ủng hộ, Hoa Kỳ, Israel và nhiều nước Ả Rập khác phản đối, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ do dự.

Bà Hillary Clinton đã từng đặt câu hỏi: « Liệu chúng ta có đang hỗ trợ cho Al Qaida ở Syria không ? ». Với sự hỗ trợ của tình báo Irak, CIA đã nhận diện được một số chiến binh Hồi giáo bị truy lùng ở Irak đang tham gia chiến đấu tại Syria. Bên cạnh đó, chế độ Damas nhiều khi vờ làm ngơ cho vũ khí nhập lậu vào, nhờ những nhân viên chìm trà trộn, rồi sau đó tịch thu. Và một trong những trở ngại lớn nhất, là quân nổi dậy không phải là một lực lượng được chỉ huy thống nhất, mà là nhiều toán nhỏ rời rạc.

Cuộc tranh cử Tổng thống : Tựa chính báo Pháp

Thời sự nước Pháp là mối quan tâm chính của các tờ báo xuất bản ở Paris hôm nay. Trước hết là cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đưa lên trang nhất kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Ifop, Paris Match và Europe 1 tổ chức, cho thấy « Sarkozy vượt qua Hollande ». Lần đầu tiên từ khi khởi động chiến dịch tranh cử cho đến nay, Tổng thống Nicolas Sarkozy sắp mãn nhiệm được 28,5% số người được thăm dò cho biết họ có ý định bỏ phiếu cho ông, trong khi đối thủ của ông thuộc đảng Xã hội là ông François Hollande chỉ được 27%.

Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa : « Hai mươi tuổi dưới thời Sarkozy », với các bài phóng sự điều tra để tìm hiểu xem giới trẻ Pháp ngày nay đang nghĩ gì. Theo tờ báo, tuy nước Pháp đang phá kỷ lục châu Âu về tỉ lệ sinh sản, nhưng tuổi trẻ Pháp lại hết sức vất vả để tìm được một chỗ đứng trong xã hội. L’Humanité bênh vực quan điểm của ứng viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon : « Một lối rẽ sang trái cho châu Âu », nhấn mạnh trong khi ông Sarkozy đe dọa ra khỏi không gian Schengen, thì Mặt trận cánh tả đặt ra vấn đề trưng cầu dân ý về một hiệp ước châu Âu mới.

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde băn khoăn: « Làm thế nào tái thúc đẩy tăng trưởng Pháp ? » phân tích tỉ mỉ chương trình hành động của các ứng viên. Nhật báo kinh tế Les Echos phỏng vấn người đứng đầu nghiệp đoàn giới chủ Pháp, bà Laurence Parisot : « Thuế, doanh nghiệp : Parisot nhận định về các ứng cử viên Tổng thống ». Nhìn rộng hơn, nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi: « Có nên nghiêng theo chủ nghĩa bảo hộ hay không ? »

tags: Châu Á - Dân chủ - Trung Quốc - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120313-63-nguoi-trung-quoc-muon-co-the-che-dan-chu-kieu-tay-phuong