Mình cũng từng làm thầy giáo, đứng trên bục giảng hẳn hoi chứ không phải là chỉ là “thầy” danh nghĩa mà nhân viên hay gọi đâu nhé.
Khoảng đầu những năm 1990, mình ở Nga về, đi học thêm tiếng Anh buổi tối ở trung tâm của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mở. Trung tâm tên gì quên mất rồi, chỉ nhớ là ở Trưởng trung học Tây Sơn, nằm trên phố Trần Nhân Tông đoạn giao với phố Quang Trung, đối diện công viên Lênin (Hà Nội).
Mấy anh bạn mình tốt nghiệp tiếng Anh ra, đang dạy thêm ở đây nên giới thiệu mình đến học. Giáo trình Streamline, tuần ba buổi, học 6 tháng bằng A thì lên B, 6 tháng nữa thì lên C.
Mình mới đi học được hơn một tuần, khoảng 5 buổi thì anh bạn đang dạy bằng B ở đó đến lớp và bảo mình: Căng quá, mai anh có việc phải về quê làm giỗ mà éo tìm được ông nào dạy thay cả… (hồi đó tiếng Anh bắt đầu hot nên các thầy chạy sô ở trung tâm hết công suất). Chú xem có đứng lớp liều hộ anh phát không?
Thế này thì căng thật, không phải căng cho anh mà là căng cho mình: Anh dạy bằng B, mình mới bập bẹ đi học được 5 buổi bằng A mà lại phải “dạy” người học gần một năm ư? Nhưng anh động viên: Chú có khiếu bỏ mẹ đi được, học mấy buổi mà nói chuyện với anh cũng thấy ngon mẹ nó rồi nên anh mới nhờ. Phát âm thế là chuẩn cmn rồi, chỉ cần đọc kỹ giáo án là chạy được thôi, cố giúp anh phát… Mình cũng thấy bùi tai và quả là thấy tiếng tiếng Anh cũng dễ thật nên nhận lời. Tối đó về “cày” giáo án thật kỹ để hôm sau đứng lớp.
Buổi lên lớp rất suôn sẻ. Trục trặc chỉ đến khi anh bạn kia đi dạy lại thì có một số học viên kiến nghị, muốn “thầy Nguyên” dạy tiếp vì “thầy” giảng dể hiểu, lấy ví dụ hay và phát âm “dễ nghe”… Giám đốc trung tâm gọi mình đến và đề nghị mình đứng lớp đó, còn anh bạn thì đẩy lên dạy trình độ C cao hơn. Từ chối thế nào cũng không được. giám đốc nghĩ mình đang bận dạy nơi khác nên chơi trò tăng thù lao lên 20 % để kéo mình về dạy. Thế mới oái oăm chứ !
Thế là, cứ thứ 2-4-6 thì mình đi học bằng A, rồi thứ 3-5-7 lại đi dạy bằng B… Được độ hai tháng như thế thì giám đốc Trung tâm lại gọi mình lên và bảo: Lớp B “thầy” dạy cũng sắp xong khóa rồi, mà lại có một lớp 2-4-6 bằng C thầy giáo đi Mỹ công tác nên bỏ dở chưa có người thay. Hay là thầy bỏ hẳn bên kia đi, về “ôm” nốt lớp C này cho tôi ? (Ông ấy vẫn nghĩ mình đang đi dạy đâu đó buổi 2-4-6 chứ không biết mình vẫn đang học bằng A ở chính trung tâm của ông ấy. Kkk).
Nghĩ đi nghĩ lại, tiếng Anh thì cũng như tiếng Nga, có gì khó đâu, chỉ tập trung một chút là nhớ ngay, và mình cũng dạy bằng B suốt hai tháng qua có sao đâu ! Nên nhận lời dạy C, cũng là một dịp thử thách bản thân. Thế là mình về đọc cấp tốc hết sách của bằng A rồi bỏ học luôn để đi dạy C.
Cứ thế cho đến lúc cái lớp B kia kết thúc thì mình cảm thấy tiếng Anh của mình cũng khá ngon lành, nhờ việc nỗ lực đọc thêm rất nhiều sách vở liên quan. Nên giao tiếp và dịch cũng thành thục chứ không phải chỉ quanh quẩn trong giáo trình nữa. Nên khi giám đốc trung tâm đề nghị dạy trên C (luyện Nghe-Nói nâng cao) thì mình chẳng thấy hãi hùng gì mà rất tự tin nhận lời. Tức là mình thực sự đi học chỉ vẻn vẹn 3 tháng mà nay dạy người đã học 2 năm. Mọi chuyện cứ “êm đềm” trôi qua, mình thấy phương pháp “học” bằng “dạy” này quả thực là hiệu nghiệm và “độc nhất vô nhị” vì nó luôn đòi hỏi một sự nỗ lực không ngừng nghỉ từng ngày.
Nhưng đời không như mơ, mình đột ngột bị “mất dạy”. Tối hôm đó, mình dạy được vài phút thì có hai “học sinh” mới vào lớp. Mình cũng không để ý lắm nhưng một trong hai người lại là cô giáo cũ tiếng Nga của mình. Cô cũng rất ấn tượng với tiếng Nga của mình hồi còn đi học nên nhớ rất rõ và còn theo dõi biết mình mới ở Nga về. Và cô cũng quá ngạc nhiên khi thấy mình đứng lớp. Dù trong giờ thì cô vẫn gọi mình bằng thầy xưng em, nhưng đến giờ nghỉ thì cô lên gặp giám đốc trung tâm và hỏi về mình, xem mình đã kịp học tiếng Anh ở đâu, bằng cấp gì mà lại đi dạy trên C !
Cuối giờ, giám đốc gọi mình lên và bảo: Hình như “thầy” không học tiếng Anh hay sao nhỉ? Thấy cô giáo cũ của thầy bảo thầy vừa ở Nga về mà sao lại đi dạy Anh được? Thế này thì chết tôi rồi… thanh tra Bộ mà biết thì họ dẹp trung tâm của tôi mất… Sao thầy lại dám lừa tôi thế ?
- Ô hay, em có lừa gì thầy đâu? Tự nhiên thầy cứ bảo em dạy hết lớp này đến lớp khác đấy chứ? Mà em dạy thì học viên họ ok chứ có ý kiến nào bảo trình độ kém hay lừa đảo gì đâu ! Em cũng chỉ thấy đi dạy thế này thì tự nhiên mình học nhanh hẳn lên thì nhận thôi, chứ không biết là vi phạm quy định gây rắc rối cho thầy thế.
Thầy bảo mình tạm nghỉ dạy vài hôm để thầy tính. Sau đó ghi danh cho mình vào một lớp Văn bằng 2 của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ sắp đến kỳ thi tốt nghiệp. Bảo mình trong hai tuần phải thi trả nợ hết những môn lớp kia đã thi, để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Mình nhanh chóng vượt qua mấy chục môn thi một cách dễ dàng, thậm chí điểm còn cao hơn rất nhiều bạn học chính quy bốn năm (văn bằng 2 nên chỉ thi các môn tiếng Anh chứ không phải học đại cương Mác Lê gì gì đó. Chứ nếu phải thi mấy môn đó thì chắc mình lại bị đuổi ra như hồi ở bên Nga).
Và may mắn thế nào đó, lớp Văn bằng 2 đó lại là lớp thí điểm đầu tiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Sư phạm mở ra, nên chưa có quy định cụ thể của Bộ về việc cấp bằng. Vậy là họ cấp cho cả lớp mình bằng “Chính quy” như các em học Văn bằng 1. Hồi đó thấy may chứ nghĩ lại thì chả khác gì, vì mình cũng chưa bao giờ phải trưng cái “bằng Chính quy” đó cho bất cứ đơn vị tuyển dụng nào.
Vì khi Tây phỏng vấn bằng tiếng Anh thì họ đều tin chắc mình học tiếng Anh ở Mỹ gì đó rồi, nên họ chỉ tập trung vào hỏi chuyên môn mà không cần kiểm tra bằng cấp tiếng Anh làm gì nữa. Nó chỉ là một công cụ thôi mà. Còn sau này, khi làm sếp rồi thì chả ai dám hỏi mình về bằng ngoại ngữ nữa cả. Mình chỉ “tiết kiệm” được khá nhiều tiền cho Công ty/ Tập đoàn bởi không phải thuê phiên dịch bất cứ thứ tiếng nào cả. Đi công tác, họp hành với đối tác nước ngoài rất chủ động và nhanh gọn vì không mất gấp đôi gấp ba thời gian chờ dịch.
Cuối cùng, thông điệp của mình nhân ngày nhà giáo là gì? Nhà giáo, tức là phải truyền đạt được kiến thức một cách dễ hiểu đến cho học trò. Và không quan trọng anh học cao đến đâu, miễn là anh có tâm truyền đạt kiến thức đúng cho học trò và được học trò chấp nhận, hiểu và làm được điều anh truyền đạt.
Và nữa, cần phân biệt tri thức và công cụ để tiếp nhận tri thức. Ngoại ngữ cũng chỉ là một công cụ, nên đừng coi nó là tri thức mà hãy cố gắng trang bị cho mình càng nhiều công cụ để tiếp nhận tri thức càng tốt. Đừng coi việc có cái bằng ngoại ngữ là mình đã có tri thức, đã là trí thức. Mà cần phải biết cách sử dụng cái công cụ ngoại ngữ đó để tiếp cận tri thức của nhân loại thế nào mới là quan trọng.
NGUYÊN TỐNG 20.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.