Nếu bạn là người Sài Gòn, những hình ảnh sau đây vẫn luôn chờ sẽ thêm một lần nở hoa trong lòng bạn.
1/ Ngày trước, đường Lê Thánh Tôn đoạn nằm giữa hai ngã tư Pasteur và Công Lý luôn là nơi mua bán các mặt hàng kính mát, giày da, túi xách và nhiều loại hàng accessories (Gọi theo kiểu bây giờ là “hàng phụ kiện”) rất đông khách qua lại. Kỷ niệm của chúng ta là với hiệu giày Trần Rắc, hiệu giày Đức Minh hay hiệu bán túi xách - mắt kính Mỹ Sinh, vào mùa solde hay mùa Tết, người ta bày hàng la liệt ra vỉa hè, khách tha hồ mua và trả giá...
Trong hai ảnh đầu bài này là hiệu Mỹ Sinh, số 85 Lê Thánh Tôn, với một ảnh là chiếc xích-lô đạp từ hướng Tòa Đô chính chạy tới, sắp băng qua ngã tư Pasteur ; và ảnh kia là hai cô gái trẻ đang bước qua cửa hiệu. Hai ảnh này ra đời trước sau khá lâu, ảnh sau chắc vào cuối những năm 1960 vì thấy có dựng chiếc Suzuki nam 50 và chiếc Mobylette trên hè.
2/ Rạp Lê Lợi, năm 1972. Những ai từng quen với không gian rộng lớn của Rex, của Vistarama Quốc Tế, của Đại Nam, Việt Long hay Eden chắc đã bỡ ngỡ với lối đi vào rạp khá quanh co, âm u và cầu thang chật của rạp hát chào đời về sau này. Lê Lợi không phải dạng rạp mini, như Mini Rex, hay Mini Capitol, nhưng dẫu là rạp chính, nó vẫn phảng phất bóng hình một rạp hát nhỏ khá dễ thương, pha trộn nhiều nét của hai người anh em cùng sinh đôi nào đó.
Rạp nhỏ, ghế nhỏ, màn chiếu phim cũng nho nhỏ nên không thể là nơi sẽ cho trình chiếu được những phim 70 ly. Phim chưởng, phim Tây, phim Mỹ hay Ý đều có cả. Nhưng không hiểu sao rạp không cho chúng ta cảm giác choáng ngợp vì những siêu phẩm, mà là gần gũi, nhẹ nhàng như một câu chuyện kể trong một buổi chiều dịu dàng.
Năm 1974, tôi đã xem một phim Pháp rất dễ thương ở đây, Un Peu, Beaucoup, Passionnément (Một Chút, Nhiều Nhiều, Đắm Đuối). Rạp hát chắc là dành cho những người trẻ yêu nhau, trong đó có cả tôi.
3/ Ngày trước, như đã nói, mỗi lần cận Tết, là vỉa hè đường Lê Thánh Tôn lại như tự biến thành một khu chợ trời đích thực. Ở đây là một phần của khu như thế nằm suốt tứ giác Lê Thánh Tôn - Công Lý - Lê Lợi - Pasteur lúc nào cũng sầm uất sáng đêm. Và hàng hóa ở đây, khi "xuống đường" đã rẻ hơn trong cửa tiệm, dù chính những thứ hàng hóa ấy là lấy từ trong tiệm lấy ra.
Ai đã từng mua giày trong tiệm Trần Rắc chắc cũng nhớ rõ, chất lượng và giá cả của từng đôi thế nào. Nhưng cũng chính đôi giày ấy, mới tinh và bày bên ngoài, sẽ giảm giá đáng kể. Chỉ có tinh thần thoải mái của người mua, lúc ấy túi tiền cũng căng, là không thấy thay đổi bao giờ!
4/ Tiệm An Thành nằm trên đường Lê Thánh Tôn, trước 1975, là nơi chuyên bán và làm huy chương các loại hồi ấy với số lượng lớn. Có nhiều mẫu mã đa dạng, bền đẹp, khắc theo yêu cầu của khách trên các chất liệu acrylic, mica và cả kim loại. Hồi ấy, một phần các huy chương dùng trong ngành thể thao là đến từ đây. Vỉa hè đường Lê Thánh Tôn chưa bao giờ ngừng tấp nập. Ở đây, nhìn về phía xa là ngã tư Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực.
5/ Đây là ngã ba Lê Thánh Tôn - Thủ Khoa Huân, khu vực nằm ngay trước cửa Bắc chợ Sài Gòn. Xa hơn một chút nơi tòa nhà cao tầng màu trắng là ngã tư đường Thủ Khoa Huân - Gia Long. Xa hơn nữa là đường Nguyễn Du, chạy sát Vườn Tao Đàn. Con đường song song với Thủ Khoa Huân là Trương Công Định cũ, khi vắt qua vườn này, sang khu vực quận 3, thì có tên là đường Đoàn Thị Điểm khi cắt ngang các ngã tư Trần Quý Cáp, Phan Đình Phùng, Ngô Thời Nhiệm, Phan Thanh Giản, Tú Xương và Hiền Vương ngày trước.
6/ Một tiệm tạp hóa nằm ngay góc đường Lê Thánh Tôn - Công Lý ngày xưa, lưu ý, trên bảng hiệu có chữ “Épicerie” tức là dấu văn hóa thời Tây vẫn còn.
7/ Nhà hàng La Pagode, tay máy William S. Fabianic đứng từ phía bên công viên Chi Lăng nhìn sang. Nhà hàng cà-phê này được xem là điểm hẹn quen thuộc của nhiều cây bút trong giới văn chương báo chí tại Sài Gòn trước 1975 và cũng của nhiều tên tuổi nghệ sĩ trong các môn nghệ thuật khác. Người ta hay gọi nó bằng cái tên thân mật hơn, dân dã hơn, Cà-Phê Cái Chùa.
Thức ăn và thức uống tại đây không thực sự đứng hàng đầu bảng nhưng người ta vẫn nghiện cái không gian khó quên nơi góc phố êm đềm và cả ở vị trí tuyệt đẹp của nó. Những buổi sáng hay buổi chiều, khách ngồi trong ô kính cửa, nhìn ra ngoài thấy xe cộ lao nhanh qua ngã tư Tự Do - Lê Thánh Tôn mà không nghe vọng tiếng ồn nào vào bên trong, nhìn nắng vàng bên phía công viên hay nhìn cả thành phố lên đèn khi ngày đã tắt, thật tuyệt.
La Pagode còn góp mặt nhiều năm sau 1975 nữa, cho đến khi một tập đoàn kinh tế rất lớn từ Hà Nội vào đã nuốt chửng cả block nhà. Biến mất cả rạp Eden, cả hiệu sách Xuân Thu và hàng chục công trình quen tên làm nên một phần vẻ đẹp trăm năm của Sài Gòn. Ngay cả công viên Chi Lăng cũng không còn!
TRỊNH ĐÌNH SĨ 25.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.