Eunsun Kim |
(Paris Match) Cha bị chết đói, Eunsun Kim cùng với mẹ và chị đã chịu đựng bao gian nan khốn đốn để trốn khỏi chế độ của Kim Jong Il. Trong cuốn sách « Bắc Triều Tiên, chín năm để trốn khỏi địa ngục » vừa được nhà xuất bản Pháp Michel Lafont phát hành tuần qua, cô gái 26 tuổi này đã kể lại cuộc sống ở Bắc Triều Tiên cũng như sau khi đào thoát. Sau đây là lược dịch bài trả lời phỏng vấn Eunsun Kim của tuần báo Paris Match.
Paris Match : Cô có nghĩ rằng cuộc sống khốn khổ mà cô đã trải qua trong thập niên 90 đến nay vẫn còn kéo dài, và tại Bắc Triều Tiên người dân vẫn tiếp tục chết đói ?
Eunsun Kim : Không còn là các trận đói khủng khiếp đã sát hại nhiều trăm ngàn người trong đó có ba tôi, nhưng, vâng, tình trạng bần cùng vẫn kéo dài tại Bắc Triều Tiên. Ngày nay có ít người chết đói hơn, vì những người yếu sức nhất đều đã chết hết cả rồi. Hơn nữa, việc cung ứng thực phẩm từ phía Trung Quốc đã được cải thiện.
Do chế độ không còn khả năng nuôi nổi dân chúng, nên mỗi người phải tự bươn chải, đặc biệt là ở chợ đen. Những khó khăn kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người sống rất thiếu thốn. Khủng hoảng không chỉ dẫn đến nạn đói kém, mà còn làm giảm đi các giá trị. Đó là việc mạnh ai nấy sống. Một người tị nạn vừa mới đến được Seoul cho tôi biết là một số thanh niên nay đã tìm đến với ma túy, hay là chọn đó làm nghề nghiệp, như là tương lai duy nhất. Khi biết được điều này tôi thực sự nản lòng.
Tại sao không có ai nổi dậy cả ?
Cần phải hiểu rằng chúng tôi đã bị tẩy não từ khi còn bé, các lãnh tụ họ Kim được giới thiệu như là các ân nhân của dân chúng. Lúc mới sinh ra thì không có ai ngu ngốc cả, nhưng do bị tuyên truyền dồn dập, người ta mới trở thành ngu, vì không được biết gì về thế giới bên ngoài ! Ở Bắc Triều Tiên, chúng tôi không hề biết được tự do nghĩa là gì, còn nhân quyền thì lại càng khó hình dung được. Đó là một cái vòng lẩn quẩn, vẫn tiếp tục diễn ra với thế hệ thứ ba của họ nhà Kim.
Người dân có thể truy cập internet không ?
Internet được dành riêng cho các cán bộ cấp cao của chế độ, những người này thì họ biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài. Điện thoại di động đã xuất hiện từ vài năm qua, nhưng bị hạn chế ở các cuộc gọi nội hạt. Tuy vậy nhờ phát triển nhanh chóng, một số người hy vọng một ngày nào đó điện thoại di động sẽ trở thành một công cụ nổi dậy để làm lung lay chế độ. Nhưng đồng thời đây cũng lại là một phương tiện để kiểm soát, giúp công an nghe được các cuộc đàm thoại và định vị được người sử dụng. Với lại điện thoại di động vẫn luôn rất đắt tiền, đa số dân chúng không thể mua nổi.
Vận chuyển công cộng đang trong tình trạng thê thảm, và các phương tiện thông tin thì cứ như thuộc về thế kỷ trước. Cùng một tuyến đường nếu ở Hàn Quốc tôi đi tàu cao tốc mất hai giờ, thì bên kia biên giới phải mất đến hai ngày. Để liên lạc với nhau, người ta gởi thư, nhưng chắc ăn nhất là gởi ai đó đến đưa tin. Vì ngay cả một lá thư cũng phải đi một tháng mới đến nơi, nếu mà nó đến được !
Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong Un vừa lên thay cha hồi tháng 12, có sẽ hiện đại hóa đất nước ?
Tôi từng nuôi hy vọng mong manh là người kế vị này có thể mang lại những ý tưởng mới, nhờ trẻ tuổi và đã từng học tại Thụy Sĩ, nhưng tôi đã nhanh chóng thất vọng. Và tôi lại còn có cảm giác là chế độ ngày một tệ hại thêm. Vì thế mà những ai thành công trong việc trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên như tôi đều có trách nhiệm và cần phải đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ hóa tại đất nước này.
Nông thôn Bắc Triều Tiên |
Có sự khác biệt lớn giữa nông thôn và thủ đô Bình Nhưỡng ?
Vâng, có một sự khác biệt hết sức lớn lao. Thủ đô là một đô thị với 2,5 triệu dân được ưu đãi, đó là gia đình có liên quan đến Đảng Lao động hay quân đội. Bình Nhưỡng là một thành phố sạch sẽ, với các tòa nhà chọc trời, được sử dụng như tủ kính mặt tiền mà các nhà độc tài muốn trưng ra trước khách nước ngoài.
Cũng có một sự ngăn cách rất lớn giữa hai thế giới : người dân một tỉnh nghèo có thể chết vì đói trong khi dân Bình Nhưỡng không hề hay biết. Chế độ nuông chiều dân chúng thủ đô, vốn là lực lượng hỗ trợ chủ yếu của họ. Tiêu chuẩn thức ăn do chính quyền phân phối cao hơn nhiều và cũng thường xuyên hơn, so với phần còn lại của đất nước vốn thường bị mất tiêu chuẩn. Tại các vùng nông thôn, mỗi người đều học được cách tồn tại mà không trông cậy vào nhà nước.
Có những thành phố lớn phát triển tại Bắc Triều Tiên không ?
Ngoài Bình Nhưỡng còn có các thành phố lớn như Rajin, Sinuiju hay Hyesan, gần đây đã phát triển nhờ ở gần biên giới Trung Quốc. Thương mại với Trung Quốc tăng lên từ đầu những năm 2000 đã giúp các thành phố này giàu lên. Nhưng lợi tức từ thương mại lại lọt vào tay của Đảng, vì không có việc kinh doanh nào thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống.
Lính biên phòng BTT canh gác bên bờ sông Áp Lục. |
Ngày nay rời khỏi Bắc Triều Tiên dễ hơn hay là khó hơn trước ?
Tôi thuộc về làn sóng tị nạn đầu tiên, sau các trận đói kinh hoàng cuối thập niên 90. Số người đào thoát không ngừng tăng lên, nhưng chế độ đã tăng cường kiểm soát biên giới vào đầu những năm 2000. Tôi nhận ra điều đó sau khi vượt biên lần thứ hai và bị công an Trung Quốc gởi trả về Bắc Triều Tiên. Kể từ năm ngoái và từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền, vượt thoát khỏi Bắc Triều Tiên lại càng khó khăn hơn.
Nhà độc tài mới muốn ngăn chận làn sóng vượt biên - một sự chối bỏ chế độ - bằng mọi giá. Ông ta đã ra lệnh cho biên phòng nổ súng vào tất cả những ai muốn vượt qua biên giới một cách bất hợp pháp. Vài ngày sau khi Kim Jong Un nhậm chức, nhiều người tị nạn đã bị bắn hạ trong lúc đang vượt qua con sông lạnh giá, là ranh giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Hiện nay vùng biên giới đang bị giám sát hết sức nghiêm ngặt.
Hơ moi hiaz! anh hitler gặp mấy anh họp kim kug phải vãi ra quần. Triều tiên no1
RépondreSupprimer