Sáng nay (02/12/2024) qua một bình luận của độc giả trong bài “Rực dỡ’’), chúng tôi mới được biết, nửa đêm qua (tầm 1 giờ sáng) VTV3 đã âm thầm đăng lời xin lỗi về “lỗi đồ họa”, “lỗi nạp dữ liệu” trong chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng ngày 29/11/2024.
Nguyên văn lời xin lỗi như sau:
“Kính gửi Quý khán giả.
Chúng tôi thành thật xin lỗi về lỗi đồ họa xảy ra trong chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng vào thứ Sáu ngày 29/11/2024.
Trong câu hỏi số 1 khi ghi hình tại trường quay, chúng tôi có hiện câu hỏi như sau:
Có bao nhiêu lỗi chính tả trong câu: "Mặt trời chiếu rực dỡ dải sông, một buổi chiều êm ả và bao la. Dờ khắc thật rất hợp cho những lời tình tứ, nhưng trong đám người, tôi và Hậu chỉ nghồi lặng, thỉnh thoảng nhìn nhau".
Đáp án của người chơi là 3 lỗi sai chính tả. Đây là một đáp án đúng, với các lỗi sai: Dỡ, dờ, nghồi.
Người chơi nhận được điểm ở câu này.
Tuy nhiên khi hậu kỳ, do lỗi nạp dữ liệu, câu hỏi đã bị hiện sai khi phát sóng. Đây hoàn toàn là sai sót từ phía ban biên tập và không ảnh hưởng tới kết quả của người chơi.
Chúng tôi chân thành xin lỗi quý khán giả và người chơi của chương trình vì sai sót nêu trên.
Chúng tôi sẽ tiến hành chỉnh sửa ngay trên các hệ thống số và trong số phát lại của chương trình, đồng thời có kế hoạch điều chỉnh lại nội dung chương trình nhằm tăng cường sự hứng thú với trò chơi tiếng Việt và mang đến cho Quý khán giả những trải nghiệm tốt hơn.
Ban Biên tập rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp và phản hồi của Quý vị để chương trình ngày càng hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn Quý khán giả đã và đang yêu mến chương trình.”
Lời xin lỗi vào lúc “nửa đêm giờ Tí canh Ba” của VTV3 có gì đáng chú ý?
Trước tiên, chúng tôi hoan nghênh động thái này. Có thể nói, đây là lần đầu tiên những người chịu trách nhiệm của VTV3 chịu công khai lên tiếng nhận sai sót và xin lỗi khán giả. Điều này hoàn toàn mới so với thời gian gần hai năm qua, dù những sai sót nghiêm trọng của Vua Tiếng Việt liên tiếp được chúng tôi chỉ ra, nhưng VTV3 chưa một lần mở lời xin lỗi, đính chính hay phản hồi.
Tuy nhiên, đọc những lời xin lỗi trên đây, chúng tôi thấy có một số điểm khó chấp nhận và cần trao đổi lại:
1- Lập lờ đánh lận con đen
Người phát hiện ra lỗi chính tả “rực dỡ” và có bài viết phản biện là khán giả. Bởi vậy, nếu không nêu cụ thể tên của “tay gì Khuyến nông” thì ít ra những người chịu trách nhiệm ở VTV3 cũng phải viết: “Sau khi chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng vào thứ Sáu ngày 29/11/2024, khán giả đã phát hiện ra sai sót trong câu hỏi […] …Chúng tôi xin được tiếp thu và thành thật xin lỗi, đính chính…”.
Thế nhưng với cách viết lập lờ của VTV3 thì với những người chưa đọc được bài phản biện của chúng tôi, hẳn ai nấy đều nghĩ sau khi phát sóng thì chính VTV3 đã phát hiện thấy sai sót và chủ động đưa ra lời xin lỗi, trong khi thực tế hoàn toàn không phải vậy. Việc phát hiện ra sai sót và chủ động xin lỗi, đính chính, với chuyện bị khán giả phát hiện và trước sức ép của dư luận mới miễn cưỡng lên tiếng là hai ứng xử hoàn toàn khác nhau.
2- “Thâu lương hoán trụ”?
Lý giải về sai sót, VTV3 cho rằng: “…khi hậu kỳ, do lỗi nạp dữ liệu, câu hỏi đã bị hiện sai khi phát sóng. Đây hoàn toàn là sai sót từ phía ban biên tập và không ảnh hưởng tới kết quả của người chơi”.
Theo cách lý giải này thì tại trường quay, “rực dỡ” là lỗi chính tả được Vua Tiếng Việt đưa ra để yêu cầu người chơi phát hiện, và không có lỗi “rải sông". Thế nhưng khi làm “hậu kỳ”, thì “thằng đánh máy” lại tạo ra lỗi “rải sông” và yêu cầu người chơi sửa lỗi này, trong khi lỗi “rực dỡ” vẫn giữ nguyên và không được đánh dấu chữ trắng trong đáp án, khiến tổng số lỗi tăng lên 4, thay vì 3 lỗi như đáp án đưa ra, còn người biên tập đã không phát hiện ra lỗi “dải” đánh thành “rải”(!).
Tuy nhiên, cái kế “Thâu lương hoán trụ”, lén lút tráo đổi sự vật này của VTV3 chỉ đánh lừa được trẻ con và những người không biết, vì theo chúng tôi:
- Đối với các chương trình truyền hình, dù trực tiếp hay không, thì bộ câu hỏi và đáp án đều đã được chuẩn bị sẵn qua phần mềm vi tính (không phải bằng cách dùng phấn viết lên bảng). Sau đó, hoạt động trong trường quay diễn ra tới đâu thì người phụ trách kỹ thuật sẽ điểu khiển để các dòng chữ tương ứng xuất hiện cho khớp, và người chơi sẽ nhìn trên bảng điện tử này để thấy câu hỏi và đáp án. Khi trở về làm hậu kỳ, công việc tiếp theo chỉ là cắt cúp, ráp nối, hoặc đúp hình đã quay. Không ai một lần nữa ngồi đánh máy và nhập lại toàn bộ dữ liệu đã sử dụng trong trường quay (trừ trường hợp phát hiện lỗi sai).
- Nếu trong trường quay xảy ra lỗi, đạo diễn sẽ cho dừng để diễn lại, sửa lại cho đúng. Sau đó, khi về làm hậu kỳ, người biên tập còn rà lại toàn bộ nội dung một lần nữa để phát hiện, cắt bỏ, chỉnh sửa những chỗ sai.
Như vậy, trong thực tế chỉ có thể diễn ra trường hợp: Ở trường quay thì sai nhưng khi phát sóng thì đúng. Không thể có chuyện ngược đời: Ở trường quay thì đúng, còn khi phát sóng lại thành sai, như VTV3 lí giải.
Không có lẽ mắc cái lỗi “rải sông” nó danh giá hơn “rực dỡ”?
- Sự quanh co, thiếu trung thực của VTV3 đem đến cho khán giả một sự thông cảm: Vua Tiếng Việt đã làm đúng trong trường quay, nhưng sau đó về làm “hậu kỳ” thì nó mới thành sai. Tuy nhiên, giả sử (lưu ý: chỉ là giả sử nhé) có chuyện đó thì việc đúng ở trường quay là đúng với một nhóm người có mặt tại đó, trong khi cái sai khi phát lên sóng là cái sai ảnh hưởng đến hàng triệu khán giả. Bởi thế, dù lý giải thế nào, nguyên nhân do “tiền kỳ” hay “hậu kỳ” cũng không thể chấp nhận được. Sai là sai, làm gì có thứ lỗi nào gọi là “lỗi nạp dữ liệu, câu hỏi đã bị hiện sai khi phát sóng”, tựa như do máy móc gây nên vậy?
Chúng tôi mong được ông Nguyễn Thanh Lâm – Tổng Giám đốc Đài THVN giải thích vì sao lại có hiện tượng kỳ quặc này.
3- Xin lỗi nhưng không đính chính
VTV3 viết: “Chúng tôi chân thành xin lỗi quý khán giả và người chơi của chương trình vì sai sót nêu trên. Chúng tôi sẽ tiến hành chỉnh sửa ngay trên các hệ thống số và trong số phát lại của chương trình…”.
Tuy nhiên, Vua Tiếng Việt đã để xảy ra “sai sót” ra sao, giờ “tiến hành chỉnh sửa” lại thế nào, thì không thấy nói cụ thể. Hơn nữa, trang của VTV3 trên facebook có gần 5 triệu người theo dõi, tại sao không nhân lúc này mà nêu rõ lỗi sai và đính chính ngay trong bài viết? Còn nữa, Vua Tiếng Việt phát sóng vào “giờ vàng” (20 giờ 30 tối thứ 6 hàng tuần), thì việc xin lỗi, đính chính cũng phải được đưa ra vào đúng khung giờ này, trên đúng chương trình đó. Tại sao VTV3 lại chọn đúng khung giờ mà thiên hạ đã say giấc nồng để đăng lời xin lỗi? Phải chăng, VTV3 vẫn không dám đối diện với khán giả, không dám nhắc tới cái lỗi “rực dỡ” của mình?
4- Đánh tráo khái niệm
VTV3 hứa hẹn sẽ “có kế hoạch điều chỉnh lại nội dung chương trình nhằm tăng cường sự hứng thú với trò chơi tiếng Việt và mang đến cho Quý khán giả những trải nghiệm tốt hơn”.
Tuy nhiên, chúng tôi và đông đảo khán giả đã trường kỳ và bền bỉ phản ánh đối với những sai sót, bất ổn kéo dài của Vua Tiếng Việt và đề nghị phải thay đổi triệt để chấm dứt nó. Chứ đâu có chê chương trình nhạt, hay kém hấp dẫn mà các vị hứa hẹn đưa ra phương thuốc “tăng cường sự hứng thú”?
Điều cuối cùng, với chương trình Vua Tiếng Việt phát sóng ngày 29/11/2024, Vua Tiếng Việt lên tiếng xin lỗi vì sai sót, nhưng còn các lỗi sai thô bạo suốt mấy năm qua, đặc biệt là hai lỗi sai không thể chấp nhận mà chúng tôi mới chỉ ra: 1- “Đường mực thẳng hay đau lòng gỗ”, bị sai thành “Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ”; 2- Sử dụng ngữ liệu không chính xác và giảng sai câu tục ngữ “Già lừa mắc dưa thối”, thì sao?
Tóm lại, niềm vui – vì thấy lần đầu tiên VTV3 hạ cố lên tiếng xin lỗi sau suốt 2 năm chúng tôi ròng rã góp ý – chưa kịp bén vào lòng, thì đã thất vọng ngay bởi chính lời xin lỗi ấy. Một lời xin lỗi không trung thực, xin lỗi một cách bề trên, chiếu cố; xin lỗi chỉ là cái cớ để đưa ra một lý giải nhằm ngụy biện, lấp liếm, tráo đổi bản chất vấn đề.
Thái độ và hành động không liêm chính ấy, có thể lừa được những người nhẹ dạ hoặc dễ dãi. Nhưng đồng thời cũng chính là minh chứng để biết rằng VTV sẽ tiếp tục cung cách làm việc cẩu thả và không ngừng sản xuất những cái sai như đang và đã từng. Trước một lời xin lỗi như thế, ai có đủ dũng khí để tin rằng VTV sẽ chân thành sửa sai?
HOÀNG TUẤN CÔNG 02.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.