mercredi 25 décembre 2024

Lính Bắc Triều Tiên thương vong nhiều ở Ukraina, Kim Jong Un khó giấu dân

Đăng ngày:

Đến 3.000 lính Bắc Triều Tiên tử trận và bị thương ở Kursk?   

Tại các cánh đồng băng giá ở Kursk, gần hai tháng sau khi rời bán đảo, quân của Kim Jong Un đã nếm mùi thực tế đẫm máu. Một viên chức cao cấp Mỹ hôm 17/12 cho biết « hàng trăm lính Bắc Triều Tiên đã bị chết và bị thương trong những ngày gần đây trong các cuộc chiến ác liệt nhằm tái chiếm vùng đất Nga bị Ukraina trấn giữ từ tháng Tám ». Trước đó, Lầu Năm Góc xác nhận khoảng 11.000 lính Bắc Triều Tiên đã được gởi sang yểm trợ cho Putin. Theo bộ tổng tham mưu Hàn Quốc, trên 1.100 lính Bắc Triều Tiên đã bị loại ra khỏi vòng chiến, còn Reuters cho biết con số thương vong lên đến 3.000. Bình Nhưỡng đang chuẩn bị triển khai thêm quân và vũ khí.

Tình báo Ukraina khẳng định trong số 200 lính tử trận mặc quân phục Nga hôm 15 và 16/12 gần các làng Plekhovo, Vorobzha và Martynovka, có ít nhất 30 người Bắc Triều Tiên. Được đưa vào các đơn vị thủy quân lục chiến và nhảy dù, những người lính này tử thương vì drone tác chiến hay pháo của Ukraina. Các hình ảnh video cho thấy xác các binh lính nằm đầy trên tuyết. Trong khi đó Matxcơva và Bình Nhưỡng vẫn chưa chính thức xác nhận việc có lính Bắc Triều Tiên tăng viện. Tổng thống Volodymyr Zelensky còn tố cáo Nga « đốt cháy khuôn mặt lính tử trận » để che giấu tung tích, có cả video nhưng chưa được kiểm chứng.

Từ lâu vẫn bị cho là tổng thống Ukraina phóng đại, nay sự hiện diện của quân đội Bắc Triều Tiên trên trận địa đánh dấu một « sự mở rộng nguy hiểm », theo Washington. Tuy không thể thay đổi chiều hướng cuộc chiến, sự tăng viện diễn ra đúng lúc Nga đang rất thiếu quân, và đặt Bắc Triều Tiên ở vị trí tiền phương trong cuộc chiến trên đất châu Âu. Bị Hoa Kỳ cô lập, đang lấn cấn với láng giềng Trung Quốc, Kim Jong Un tỏ ra là người ủng hộ Vladimir Putin tích cực nhất, với hy vọng đổi lấy những lợi ích chiến lược, chẳng hạn như được chia sẻ công nghệ để hoàn chỉnh vũ khí nguyên tử, bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ. Kremlin đã chuyển cho Bình Nhưỡng các hệ thống phòng không.

Xác lính đưa về hàng loạt sẽ khó che giấu

Nhưng theo một chuyên gia về an ninh Đông Bắc Á, cuộc phiêu lưu này đầy nguy hiểm đối với một quân đội chưa từng tham gia một cuộc chiến quy mô từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), được vũ trang thô sơ, chưa kể khả năng bị Ukraina trả đũa. Tình báo Ukraina cho biết rào cản ngôn ngữ đang là trở ngại cho việc phối hợp, đã có những vụ bắn lầm. Theo một viên chức Mỹ, lính Bắc Triều Tiên bị thiệt hại nặng do chưa từng chiến đấu trước đó.

Trên lý thuyết thì Bình Nhưỡng có đến 1 triệu lính, nhưng theo chuyên gia trên, « cứ 10.000 lính gởi sang Ukraina thì có nghĩa 150.000 quân khác tại Bắc Triều Tiên bị vét hết vũ khí chiến đấu ». Trước đó Bình Nhưỡng đã chuyển giao cho Nga ít nhất 6 triệu quả đạn pháo, khoảng 100 hỏa tiễn đạn đạo. Nhà nghiên cứu Doo Jin Ho của Korea Institute of Defense Analyses (Kida) ở Seoul nhận xét trên Le Figaro « nếu Hàn Quốc khởi chiến thì Bắc Triều Tiên sẽ bị thiếu đạn dược ». Nhưng nay Seoul đang trong khủng hoảng chính trị.

Những thiệt hại đầu tiên báo trước thương vong sẽ rất lớn trong mùa đông. Ông Chad O’Carrol, người sáng lập think tank Korea Risk Group ở Séoul, nói : « Nếu xác lính tử trận được đưa về hàng loạt, sẽ khó che giấu người dân ». Theo trang chuyên Daily NK, gia đình binh sĩ Bắc Triều Tiên bị theo dõi và không biết con em mình bị đưa đi đâu.

Nhà nghiên cứu Kim Kwang Jin của Institute for National Security Strategy (INSS) cho rằng ảnh hưởng từ số thương vong chỉ hạn chế, vì việc sang Ukraina được binh sĩ Bắc Triều Tiên coi là cơ hội để vừa hưởng lương cao hơn vừa được tiếng, gia đình các « liệt sĩ » Ukraina còn có thể được tưởng thưởng và dùng làm công cụ tuyên truyền. Tuy nhiên, chuyên gia Chad O’Carrol nhấn mạnh, nạn đào ngũ hay sự trở về của những người lính - đã biết được chút ít về tự do qua Internet - sẽ là các nhân tố bất ổn trong bối cảnh kinh tế Bắc Triều Tiên hết sức khó khăn.


Ukraina : Nga oanh tạc, trẻ em Kharkiv phải học dưới lòng đất

Trong khi đó « Tại Kharkiv, việc học hành diễn ra dưới lòng đất ». Đặc phái viên của Les Echos ở thành phố lớn thứ nhì của Ukraina cho biết do Nga oanh tạc ồ ạt cơ sở hạ tầng dân sự, các trường học và cơ sở y tế phải tiếp tục hoạt động dưới hầm.

Phóng viên đến thăm một ngôi trường tưởng chừng hoang vắng, nhưng thực ra dưới độ sâu 6 mét là nơi trẻ em học tập. Cô hiệu trưởng Svitlana Voltchkova cho biết trong vòng bán kính ba, bốn trăm mét có năm cơ sở giáo dục, và cả những vườn trẻ dưới lòng đất. Trường học ở Kharkiv còn là nơi phân phát viện trợ nhân đạo như thực phẩm, quần áo. Trường của bà Voltchkova hiện có 1.100 học sinh và 70 nhân sự gồm cả thầy cô giáo, người quản lý và nhân viên bảo vệ, quét dọn.

Hồi tháng Năm, Les Echos đã đi thăm những phòng học được bố trí trong hành lang các trạm métro ở trung tâm thành phố. Lần này trong nhà trường nằm sâu dưới đất, người ta không nghe cả báo động phòng không lẫn tiếng nổ. Nhưng Ihor Terekhov, thị trưởng Kharkiv, cho biết sắp phải mở thêm nhiều trường học dưới hầm nữa vào năm 2025 vì bắt đầu quá tải. Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thống kê được 1.306 trường học bị thiệt hại, 294 trường hoàn toàn bị phá hủy kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina của Nga.


Syria và thách thức về công lý

Liên quan đến Trung Đông, xã luận của Le Monde nói về « thách thức công lý ở Syria ». Chính quyền mới ở Syria sẽ được đánh giá theo quyết tâm tôn trọng các quyền căn bản của những cộng đồng thiểu số và cả khả năng thực thi công lý đối với tội ác giết người hàng loạt của chế độ Bachar Al Assad đã bị bỏ quên quá lâu.

Sau khi Bachar Al Assad bị lật đổ, tình hình vẫn chưa ổn định. Tại vùng đông bắc, các đồng minh Syria của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn đánh đuổi người Kurdistan, lực lượng từng giúp phương Tây tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Ý định của lực lượng Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) đã đánh đuổi Assad, mà lãnh đạo là Ahmed Al-Charaa (bí danh Abou Mohammed Al-Joulani) đã nhanh chóng thay bộ quân phục bằng bộ đồ vét, cũng chưa rõ ràng.

Nhưng những ngày đầu tiên của Syria được giải phóng đã cho thấy sự man rợ của chế độ Assad. Những ngục tù, hố chôn người tập thể được phát hiện bắt đầu kể lại những câu chuyện khủng khiếp. Những gia đình không tin tức về người thân bị giam cầm có khi từ nhiều thập niên, lóe lên tia hy vọng sau khi bọn đao phủ bỏ chạy, nhận ra sự thật đau lòng : việc đàn áp phong trào phản kháng từ 2011 đã khiến mấy chục ngàn người Syria thiệt mạng. Hy vọng các tài liệu lưu trữ còn lại sẽ cho biết những gì đã xảy ra đối với các nạn nhân mất tích, để có thể quy trách nhiệm đối với những kẻ phục vụ chế độ độc tài đã tẩu thoát.

Nhiệm vụ lớn lao này là gia tài u ám mà gia tộc từng ngự trị hơn nửa thế kỷ để lại. Sự tìm kiếm công lý cần phải tránh được nạn tắm máu của thời Hafez và sau đó là Bachar Al-Assad. Nhiều thành viên phe Assad và tay chân trong bộ máy đàn áp đã nhanh chân chạy trốn sau khi cố vơ vét lần cuối. Những người này phải bị truy lùng gay gắt, trước hết là kẻ đứng đầu hiện đang được Nga cho tị nạn. Các tiến trình tư pháp tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp nhắm vào các quan chức Syria là những đột phá đầu tiên vào bức tường tưởng chừng bất khả xâm phạm của chế độ Damas. Bây giờ là lúc để người Syria, sau khi tự giải phóng, sẽ tự thực thi công lý.


Tân nội các Pháp với nhiều chính khách kỳ cựu

Chính phủ mới của thủ tướng François Bayrou trình diện với nhiều khuôn mặt kỳ cựu, đại diện ngoại giao các nước liên tục đến Syria, Đức giáo hoàng Phanxicô lo lắng cho số phận người Công giáo phương Đông là một số chủ đề đáng chú ý trên báo hôm nay. Nhật báo Công giáo La Croix dành chủ đề cho ngày Chúa giáng sinh, đã trở thành một ngày lễ mang tính toàn cầu. Tại Pháp hiện nay chỉ có 12 % người đi lễ Giáng sinh, và cây thông Noel đã mất đi tính chất tôn giáo ban đầu, Ông già Noel hiện diện tại tất cả châu lục.

Về chính phủ Pháp, Le Figaro cho rằng ông Bayrou cố gắng dựa vào kinh nghiệm của các thành viên để có thể kéo dài. Libération điểm qua những khuôn mặt vừa quay trở lại: Retailleau, Darmanin, Valls…một chính phủ thiên về phía hữu, dưới sự giám sát của cực hữu - theo tờ báo thiên tả. Có đến hai cựu thủ tướng trong nội các mới là bà Elisabeth Borne và ông Manuel Valls, đặc biệt là sự tái xuất hiện bất ngờ của Manuel Valls. Ông sẽ phụ trách các hồ sơ gai góc ở lãnh thổ hải ngoại như việc tái thiết đảo Mayotte sau trận bão Chido.

La Croix coi đây là sự thay đổi nhưng mang tính kế tục. Tương tự, Les Echos cho rằng ông François Bayrou tiếp tục với một chính phủ chưa gì đã tỏ ra mong manh, và đã lỡ hẹn với cánh tả. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng François Bayrou rút ra bài học về sự tồn tại ngắn ngủi của chính phủ Michel Barnier : Phải ra khỏi móng vuốt của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), nhưng mục tiêu này hiện không đạt được.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.