lundi 2 décembre 2024

Hoàng Tuấn Công - Chữ tác thành chữ tộ


Chương trình Vua Tiếng Việt Mùa 3 (22/08/2024) đưa ra câu “Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ/ Lời nói ngay trái lỗ tai người” làm ngữ liệu.

Văn bản hoàn toàn trùng khớp với lời đọc của Xuân Bắc. Tuy nhiên, có vẻ như khâu đánh máy có vấn đề. Chữ “thẳng” bị đánh nhầm thành “chẳng”, rồi Xuân Bắc cứ thế đọc theo chăng?

Nhưng không, sau khi truy tìm trên Google thì sự thực không phải vậy. Trang “Ngày ngày viết chữ” (ngayngayvietchu.com) có ghi nhận câu này.

Một ngày nào đó, câu “Nét mực thẳng hay đau lòng gỗ”, đã bị “Ngày ngày viết chữ” xuyên tạc thành “Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ”, rồi những người làm kịch bản của Vua Tiếng Việt đã copy cái sai này về, đem ra thử thách ngôi “Vua tiếng Việt” mà không cần biết nó đúng sai ra sao.

Dân gian có câu “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” (dị bản: Mực thẳng mất lòng cây gỗ cong; Cây vạy ghét mực tàu ngay). Theo đây, văn bản chính xác phải là “Nét [đúng ra là “Đường” - HTC] mực thẳng hay đau lòng gỗ/ Lời nói ngay trái lỗ tai người” (Chữ “hay” trong câu này có nghĩa là “thường”, “thường hay”) suy ra Đường mực thẳng thường đau lòng gỗ/ Lời nói thẳng thì trái lỗ tai người.

Trong phép sáng tác thành ngữ tục ngữ, để tăng thêm tính thuyết phục, dân gian nêu ra lẽ thường ở câu trước để làm cơ sở và từ đó khẳng định điều dễ hiểu, mang tính quy luật, tất yếu ở câu sau (Tương tự: Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng; Đau lòng súng súng nổ, đau lòng gỗ gỗ kêu; Báo tử lưu bì, nhân tử lưu danh; Trâu bò chết để da, người ta chết để tiếng…). Thế nhưng, với bản dĩ hư truyền hư “Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ” thì tri thức ngàn đời của cha ông đã bị Vua Tiếng Việt vô cớ sổ toẹt một cách thô bạo!

Dù vô tình hay hữu ý thì những lỗi sai liên tiếp, kéo dài của một chương trình luôn giương cao ngọn cờ “tôn vinh tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được sử dụng một cách chính xác hơn, phong phú hơn, trong sáng hơn và giàu đẹp hơn”, đều không thể chấp nhận.

HOÀNG TUẤN CÔNG 01.12.2024

Vài thông tin có liên quan.

Sau khi chúng tôi đăng tải “Thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm (Về những sai sót và bất ổn của chương trình Vua Tiếng Việt) (21/11/2024), thì ngày 23/11, Báo Dân Việt có bài “Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc có tiếp tục dẫn “Vua tiếng Việt” khi lên làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn?”.

Theo cái nhìn của Xuân Bắc thì những sai sót của Vua Tiếng Việt thuộc diện “không thể tránh được”, có vẻ như là những lỗi kỹ thuật “trong quá trình ghi hình”. Và đây vẫn là chương trình “tôn vinh tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được sử dụng một cách chính xác hơn, phong phú hơn, trong sáng hơn và giàu đẹp hơn”.  Cụ thể, bài báo có đoạn:

"Tham gia chương trình, chúng tôi gặp được các thành viên ban cố vấn, được gặp người chơi đến từ mọi vùng miền và tôi được mở mang thêm vốn tiếng Việt của mình. Tôi hay dùng cái từ gọi là kiện toàn thêm vốn từ cho mình. Trong quá trình ghi hình, sẽ không thể tránh được những sai sót và tôi mong nhận được ý kiến đóng góp một cách rất là nhiệt tình, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để làm sao chương trình ngày một hay hơn, ít xảy ra lỗi.

Mục đích và ý nghĩa của chương trình cũng như của chúng tôi là để tôn vinh tiếng Việt, để làm cho tiếng Việt của chúng ta được sử dụng một cách chính xác hơn, phong phú hơn, trong sáng hơn và giàu đẹp hơn”, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc bày tỏ”. Và “Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc tham gia "Vua tiếng Việt" vì muốn hoàn thiện vốn tiếng Việt”…

Thế nhưng, với những sai sót kéo dài của Vua Tiếng Việt, thì Xuân Bắc không chỉ là người tiếp tay truyền bá những cái sai mười mươi đến khán giả, mà chính bản thân ông cũng bị nhiễm độc bởi những thứ kiến thức bát nháo về tiếng Việt này.

Bài báo cũng cho biết “Chương trình “Vua Tiếng Việt” mùa 3 vẫn đang phát sóng vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần trên VTV3. Ban cố vấn của chương trình gồm: PGS.TS Phạm Văn Tình, Tiến sĩ Văn học Đỗ Thanh Nga, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ, nhà Thơ Hữu Việt, nhà thơ Lữ Mai và nhà văn Trương Quý”.

Kết luận: Những cái sai của Vua Tiếng Việt (phát sóng từ 2021 đến nay) mà chúng tôi đã chỉ ra cho thấy đây không phải là sai sót “không thể tránh được”, mà là sai triền miên, sai dai dẳng, sai có hệ thống. Thêm nữa, cả một ê kíp hùng hậu và không phải là phát trực tiếp – tức là đã có thời gian kiểm duyệt nội dung trước khi lên sóng, nhưng sai vẫn hoàn sai, và sai càng lúc càng như nhiều hơn. Thì điều đó phải viện đến ý thức trách nhiệm, viện đến năng lực đội ngũ, viện đến “lỗi hệ thống”, chứ không thể nói rằng do sơ suất mà dẫn đến “sai sót” được. Đáng báo động hơn nữa, những cái sai “lì lợm” này của Vua Tiếng Việt đã được chỉ ra, được góp ý, được tư vấn... cũng bền bỉ không kém, nhưng sai vẫn hoàn sai, thì càng không thể biện minh, không thể chấp nhận, không thể tha thứ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.