vendredi 27 décembre 2024

Mai Bá Kiếm - « Chứng nhận độc thân », thủ tục hành dân !

Facebooker Dũng Hoàng viết trên trang cá nhân của mình có tựa là « Quy định », kể câu chuyện đại ý : Nghĩ mình lớn tuổi, nhà văn Nguyên Ngọc chuyển tiền của mình trong sổ tiết kiệm tại Vietinbank cho con gái Nguyễn Thị Hoài Phương.

Rồi Phương mất, ông Nguyên Ngọc cần tiền nhưng không thể rút từ Vietinbank được, nếu chưa chuyển sổ tiết kiệm từ tên con gái sang tên ông. Theo quy định, phải có giấy chứng nhận Hoài Phương độc thân thì ông Nguyên Ngọc mới trọn quyền hưởng di sản (sổ tiết kiệm).

Ông Nguyên Ngọc (93 tuổi, ngồi xe lăn) nhờ ông Phạm Xuân Nguyên đến phường Hàng Mã (nơi Phương có hộ khẩu thường trú), nhưng Phường trả lời: « Không ai chứng nhận cho người đã mất ».

Đọc tin này, tôi nhớ lại năm 1999, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra Dự thảo Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi (HN&GĐ) để lấy ý kiến toàn dân. Tôi đã viết loạt bài góp ý Dự thảo Luật HN&GĐ sửa đổi, trong đó có bài “Cần bãi bỏ giấy chứng nhận độc thân” có nội dung:

Khi đô hộ Việt Nam, Pháp coi Nam kỳ là thuộc địa, Trung kỳ tự trị, Bắc kỳ bảo hộ. Ngày 26/03/1884, Pháp ban hành bộ Dân luật Nam kỳ giản yếu theo tinh thần của bộ Dân luật Pháp (Code civil des Français). Theo đó, giấy tờ hộ tịch gốc của công dân là khai sinh được lưu trữ bằng sổ bộ, và cấp cho công dân bằng tờ « Trích lục khai sinh ». Sổ bộ khai sinh có cột Mutation (cuộc đổi thay) ở bên lề phải, để cập nhật việc thay đổi gia cảnh của công dân đó.

Thí dụ, anh A (20 tuổi) kết hôn với chị B (18 tuổi), thì Ủy ban Hành chánh xã (nơi cư trú của A hoặc của B) đã cấp giấy hôn thú cho hai người thì phải chuyển bản sao hôn thú đó về xã mà A và B đã khai sinh. Thủ tục này gọi là « Chuyển tá ».

Các ông chánh lục bộ (ủy viên tư pháp xã) sẽ ghi vào cột Mutation trên bộ khai sinh của A và B rằng:  “A và B kết hôn lần thứ nhứt theo giấy hôn thú do xã X cấp”. Giả dụ 10 năm sau, Tòa sơ thẩm tỉnh Y xử A và B ly dị, thì Tòa Y phải Chuyển tá bản sao án ly dị đến hai xã làm sổ bộ khai sinh cho A và B. Các chánh lục bộ xã phải cước chú vào cột Mutation rằng “A và B đã ly dị theo án lệnh của tòa Y”.

Thủ tục kết hôn chỉ yêu cầu hai người phối ngẫu nộp bản trích lục khai sanh mới nhất của họ, vì cảnh sát khu vực không thể nằm dưới giường của A và B để biết hai người đã từng kết hôn hay còn độc thân. Chuyển tá giấy hôn thú và án ly dị đến xã lập sổ bộ khai sinh để cước chú vào cột Mutation có từ năm 1884 đến năm 1954 (ở miền Bắc) và đến năm 1975 (ở miền Nam) thì bị bãi bỏ để thay bằng « nhân chứng sống » : « cảnh sát khu vực chứng nhận độc thân »!

Bài báo của tôi không được lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đại biểu Quốc hội nào thèm đọc. Luật HN&GĐ năm 2000 được thông qua và các nghị định hướng dẫn “Vũ Như Cẩn”.

Bây giờ thời đại số hóa - theo anh Bãi vịt quay khoe, thì xã cấp hôn thú và tòa ra án ly dị chỉ cần click forward hay ấn phím enter là thủ tục Chuyển tá xong trong vòng một nốt nhạc! Thậm chí, chỉ cần truy số định danh của Hoài Phương là biết chị chưa kết hôn lần nào trong nháy mắt, rồi bác Nguyên Ngọc chuyển tên sổ tiết kiệm từ tên con gái sang tên của mình quá dễ dàng.

Từ năm 1884 đến nay 2024, thủ tục xác nhận độc thân của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lạc hậu hơn thời Pháp thuộc đến 140 năm!

MAI BÁ KIẾM 27.12.2024

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.