Anh bạn Phúc Tiến dẫn đi một vòng Thủ Thiêm, và tôi có hứng chia sẻ vài nghĩ suy.
Thủ Thiêm đã trải qua một sự đổi thay ngoạn mục. Từ một vùng quê yên bình, nơi từng là chốn ẩn náu của những người nông dân và, nhiều thế kỷ trước, là nơi trú ngụ của hải tặc, giờ đây đã trở thành một quận hiện đại.
Có người ví nơi đây như là một … Dubai. Những tòa nhà cao tầng và thiết kế đô thị mang dáng dấp tương lai. Nó thể hiện một tham vọng của Việt Nam. Hiện đại quá nhanh làm cho tôi không còn nhận ra Thủ Thiêm của đầu thập niên 2000.
Nhưng ẩn sau vẻ hào nhoáng của sự hiện đại là một câu chuyện về sự mất mát, và cái giá đắt đỏ của phát triển.
Tôi đứng trước một nhà thờ Công giáo cổ kính và một đình thần đã tồn tại hàng ba thế kỷ, như những biểu tượng nhắc nhở về di sản lịch sử và tâm linh của Thủ Thiêm. Những công trình tôn giáo và tâm linh khiêm tốn này nằm lọt thỏm giữa những công trình bê tông và cửa kính đồ sộ và cao vút, như đe dọa sự tồn vong của những biểu tượng cổ xưa.
Nhà thờ và đình thần An Khánh nằm lạc lõng giữa các tòa nhà kính lấp lánh bao vây chung quanh, tạo nên một sự đối lập mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại. Sự hiện hữu của đình thần An Khánh và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá như thì thầm kể lại những câu chuyện của bao thế hệ từng gắn bó với mảnh đất này, sống một cuộc đời giản dị hòa quyện với dòng sông và phong cảnh xung quanh.
Trong nhiều thế kỷ, Thủ Thiêm được biết đến với vẻ đẹp nông thôn mộc mạc bên cạnh một Sài Gòn « phồn hoa đô thị », và những cộng đồng gắn kết, đậm chất truyền thống.
Tuy nhiên, vị trí đắc địa của Thủ Thiêm, ngay sát trung tâm thành phố nhộn nhịp, đã khiến nơi đây trở thành mục tiêu chánh cho các dự án phát triển đô thị. Nhân danh hiện đại hóa, toàn bộ các khu dân cư bị san bằng, và hàng ngàn gia đình phải di dời để nhường chỗ cho một đô thị mới.
Sự phát triển nhanh chóng của Thủ Thiêm đã được các nhà quy hoạch đô thị và nhà đầu tư ca ngợi như một hình mẫu của sự tiến bộ. Các trung tâm tài chánh, khu căn hộ cao cấp, và cơ sở hạ tầng được quy hoạch tỉ mỉ tại đây là biểu tượng cho tham vọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng đối với những người bị buộc phải rời đi, sự hiện đại hóa đã đến với một cái giá đắt đỏ. Nhiều cư dân bị di dời, trong đó có những người có gốc rễ nhiều thế hệ tại đây, đã gặp không ít khó khăn trong việc tái thiết cuộc sống ở nơi khác, thường với sự bồi thường không thỏa đáng và thiếu sự giúp đỡ.
Khi nhìn vào những tòa cao ốc đang được xây dựng, đặt cạnh ngôi nhà thờ kiên cường tồn tại qua thời gian, tôi không khỏi suy ngẫm về sự căng thẳng giữa bảo tồn và phát triển. Trong khi cảnh quan đô thị bóng bẩy mang lại hy vọng về một tương lai đầy hứa hẹn, thì việc xóa bỏ bản sắc văn hóa và cộng đồng của Thủ Thiêm lại đặt ra câu hỏi về cái giá thật sự của sự phát triển.
Sự chuyển mình của Thủ Thiêm là một bức tranh thu nhỏ của những thách thức mà các thành phố khác trên cả nước đang phải đối mặt. Làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu hiện đại hóa với việc bảo tồn di sản văn hóa và quyền lợi của các cộng đồng bản địa?
Ngôi đình thần An Khánh (300 năm tuổi) đã được phục dựng. Nhưng tôi thấy ngôi đình được phục dựng này giống giống những đình thần miền Bắc hơn là miền Nam.
Chiêm ngưỡng đường chân trời hiện đại của Thủ Thiêm, nhưng cũng đừng quên tôn vinh ký ức và tiếng nói của những người đi trước, để di sản của họ không bị lãng quên trong cuộc đua đến tương lai. Trong cuộc chạy đua để tiến về phía trước, liệu những giá trị cốt lõi làm nên sự độc đáo của một nơi chốn bị bỏ lại đằng sau? Với Thủ Thiêm, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
NGUYỄN VĂN TUẤN 28.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.