Ngày mai bước sang tháng Chạp, là tháng "củ mật". Tại sao gọi củ mật?
Củ là củ soát, mật là nghiêm mật. Tháng củ mật là tháng phải kiểm soát nghiêm mật. Tháng Chạp là tháng nhiều cúng giỗ, lắm kẻ trộm, cho nên phải... "củ mật".
Quê tôi xưa tháng Chạp còn gọi là tháng ăn vạ. Là tháng các chủ nợ đi đòi tiền con nợ, nếu không trả thì cho người đến nằm lì, ăn vạ để đòi cho kỳ được. Con nợ phải hầu hạ ngày ba bữa, cơm bưng nước rót... Con nợ biết điều, thì phải đối xử đàng hoàng với bọn đến ăn vạ. Chớ có tìm cách đối phó.
Nghề ăn vạ hàng năm chỉ hành nghề vào tháng Chạp.
Ăn vạ cũng y hệt hầu hết các căn bệnh nan y. Đó là do "nghiệp" nó ăn vạ. Vì thế chỉ nên "đối xử" với nghiệp bệnh, mà chớ nên "đối phó". Đối xử tốt, có khi nghiệp nó tha cho, thế là thoát nghiệp. Đối phó với nó theo kiểu động dao, động kéo hay xạ trị, hóa trị... thì nó sẽ chạy đi chỗ khác (y học gọi là di căn...). Thế là hết cách chữa.
Nghề ăn vạ cũng có tổ, có tông đàng hoàng, sách xưa gọi là "Địa tạng nhân hành xứ". Nay xin đưa lại bài Văn tế để khấn Ngài:
VĂN TẾ TỔ ĂN VẠ
Khấn rằng:
“Cõi quần sinh mê làm, giác chứng
Giữa cuộc đời kẻ hứng người tung
Vẫn mơ làm kiếp anh hùng
Trong cơn đại mộng muôn trùng bể dâu
Người lắm của mặc dầu vung vãi
Kẻ khốn cùng lần mãi chẳng ra
Của người nhưng lại phúc ta
Vô thiên, vô pháp mới là… thánh nhân
Tiết tháng Chạp muôn phần trong trẻo
Kìa những ai leo lẻo luân thường
Có hay trong chốn thương trường
Nợ vay mấy cũng có đường tiến lui.
Giống căn bệnh không mùi, không lạ
Chờ lối vào ăn vạ người ta
Mới hay trong cõi Ta Bà
Mất là trả nợ, cướp là… đi vay
Giữa Trời, Đất loay hoay con Tạo
Càng ngu si càng bạo vì tiền
Chữ rằng đắc thực vi tiên
Mấy lời thô kệch xin phiền Tổ Sư.
Thượng hưởng!”
PHẠM LƯU VŨ 28.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.