mardi 31 décembre 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Thu hút nhân tài cho Việt Nam

 

Ở bên trời Mỹ, chánh phủ Trump, qua phát ngôn của ông Elon Musk, đang lên kế sách thu hút nhân tài khoa học trên thế giới.

Ở bên Tàu, chánh phủ không bàn nhiều; họ lập hẳn một chương trình thu hút nhân tài có tên là "Thousand Talents Plan". Hơn 20 năm rồi.

Ở trời Nam, ông tổng bí thư cũng nói về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Ông tổng bí thư nói (và tôi trình bày lại cho dễ theo dõi) [1]:

1. Đến năm 2030 phải có 100 phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khoa học thế giới;

2. Đến năm 2030 phải có sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật chiếm lĩnh đỉnh cao;

3. Đến năm 2030 phải có ít nhất 3 tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và trên thế giới;

4. Đến năm 2045, đội ngũ trí thức Việt Nam đứng đầu khu vực, thuộc tốp đầu thế giới; có hàng trăm nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực.

Các mục tiêu rõ ràng, mà không ... rõ ràng. Những danh từ như "nghệ thuật chiếm lĩnh đỉnh cao", "đạt trình độ khu vực và trên thế giới", "giải thưởng quốc tế", v.v...rất khỏ hiểu và khó định nghĩa.

Vì khó định nghĩa nên rất dễ đạt được những mục tiêu trên vào năm 2030. Nhưng nếu muốn đánh giá "không đạt" thì cũng chẳng có gì khó khăn.

Có một điểm ông tổng bí thư nói mà tôi thấy gần với mình: "Có kế hoạch đào tạo các nhà khoa học hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng yếu hiện nay như: trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, lượng tử, y sinh học".

Thật ra, đó cũng chính là những gì tôi đang làm. Chẳng hạn như hai khoa học ở Cần Thơ (02/01 đến 06/01/2025) và Sài Gòn (11/01 đến 15/01/2025) đáp ứng nhu cầu đào tạo về y sinh học và trí thông minh nhân tạo.

Nói ngoài lề một chút ...

Người Việt nào cũng muốn cống hiến một phần cho sự phát triển của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ để có điều kiện và môi trường cống hiến thì ... khó lắm.

Đã từng có nhiều việc làm khoa học ở Việt Nam hơn 25 năm, tôi có thể nói mình là "chứng nhân" cho những khó khăn đó. Chỉ cần đi chứng thực giấy tờ thôi là tôi bảo đảm 100 % người Việt ở hải ngoại đều phải đầu hàng.

Khó khăn nhiều khi không hẳn chỉ đến từ nhà chức trách, mà chính là từ con người Việt Nam. Ở đây, niềm tin vào con người đã bị sứt mẻ trầm trọng. Ít ai tin ai lắm. Và, văn hóa Việt Nam. Vấn đề là thay đổi văn hóa để thích ứng với môi trường khoa học mới. Nhưng điều này cần vài thế hệ.

Và, cũng phải có chánh sách cụ thể, không thể nói chung chung mãi. Nếu có một điều nên bắt chước Tàu, tôi nghĩ đó là chương trình "Thousand Talents Plan" của China. Còn hiện nay thì tôi nghĩ đóng góp cho Mỹ hay cho Úc dễ hơn đóng góp cho quê hương Việt Nam.

Nói vậy thôi, chớ tôi vẫn thấy mình gắn bó và đóng góp cho quê hương. Trong cuốn hồi ức sắp in, tôi viết (và dịch sang tiếng Việt đại khái) như sau:

"Có hai miền đất tôi gọi là quê hương, và mỗi nơi mang một nét tinh thần cá biệt trong tôi. Úc, miền đất nhân ái đã mở rộng vòng tay chào đón những người vượt biển như tôi, mang đến nơi trú ẩn và hứa hẹn một cuộc sống mới. Đây là một món nợ mà tôi không bao giờ có thể trả hết. Tuy nhiên, Việt Nam, nơi tôi được sanh ra, mảnh đất và dòng sông đó đã bén rễ nhựa sống trong tôi, vẫn là phần cốt lõi trong con người tôi.

Dù lòng biết ơn của tôi đối với Úc (và Mỹ) vì sự hào phóng và những cơ hội mà họ đã mang lại cho tôi là vô bờ bến, nhưng một tình yêu sâu đậm và mãi mãi dành cho Việt Nam luôn vang vọng trong tôi. Đó là một tình thương được sanh ra từ lịch sử, văn hóa và những mối gắn kết dòng họ không thể tách rời. Đóng góp cho Úc là bổn phận của một người công dân, một cam kết mà tôi tôn vinh với niềm tự hào và tận tâm. Nhưng đóng góp cho Việt Nam là một nghĩa vụ hiếu thảo của một người con, nó sâu sắc hơn là công dân. Đóng góp vào sự phát triển của nơi mình sanh ra cũng là một cách để tôn vinh quá khứ và hy vọng cho tương lai của quê hương vậy."

Hình: Chương trình Ngàn Nhân Tài của China nhằm thu hút người tài khắp nơi trên thế giới, bất kể quốc tịch nào.

NGUYỄN VĂN TUẤN 31.12.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.