Dân tộc ta đi từ Bắc xuống Nam. Nhìn cái bản đồ ốm nhom xương xẩu, đến miền Nam mới phình bự ra. Nơi đây người dzô nhiêu là bị hốt bấy nhiêu. Chưa nghe ai vô Nam mà bỏ về Bắc cả.
Saigon. Tui nghĩ nó tự nhiên thành hình theo đúng kiềng ba chân: Thiên thời. Địa lợi. Nhân hòa. Ở đây không bao giờ bị bão lụt. Hồi năm nào trước 75 cũng có báo động có bão vô. Ai cũng lo lấy... quần áo phơi ở sào vô sớm. Chớ không sao hết.
Dạo này mưa là ngập. Cũng vì mấy cái ao hồ lấp hết để xây nhà. Đường thoát nước chính là khu đầm lầy Phú Mỹ Hưng bị bê tông chèn cứng ngắt, nhà cửa mọc san sát. Nước chảy đâu cho thoát. Cũng may còn... mùa nắng. Chớ mưa quanh năm là tiêu rồi.
Nhưng quan trọng nhất là thế đất. Cả nước Việt Nam ta hỏng có thành phố nào được như Saigon. Nằm sâu trong nội địa mà vẫn thông thương với biển cả dễ dàng qua con sông Đồng Nai. Còn sông ngòi chằng chịt ở nội địa thì khỏi nói. Từ Cà Mau đi ghe cũng đến được Saigon. Cứ thế mà Saigon phát triển từ bao trăm năm qua. Khỏi cần cao tốc hay đường xe lửa.
Điều này làm Hà Nội thèm muốn. Thế đất Hà Nội không phát triển kinh tế được. Không có cảng biển, không có vùng sản xuất. Nên những người kinh doanh phải lũ lượt vào Saigon nếu muốn làm giàu chân chính. Nông sản. Lâm sản. Hải sản đều tập trung chế biến rồi tỏa đi muôn phương. Cái xe tải ta đâu làm được, nhưng chiếc ghe bầu tải trọng bằng chục chiếc xe tải, ta lại đóng được. Mua cái máy chân vịt gắn vô là hàng hóa lưu thông dễ dàng. Ở đâu có thể suy thoái chớ Saigon không thể.
Nhân hòa thì cứ giải thích là dân Nam nó dễ thương. Ông Bắc nào dù có dzợ mà vô Nam cũng không tránh khỏi có thêm... bà nữa. Mà mấy bà Bắc thả ông nào vô là mất ông đó. Không tin bà con kiểm lại những người mình quen biết chung quanh xem tui nói đúng hôn?
Hôm qua gặp hai fan nữ. Một chị khá lớn tuổi nhưng còn... ngon lắm. Một chị cũng ngoài 60 mà cũng "ăm". Ngồi nghe hai chị kể chuyện đời. Cả hai đều dân Nam rặt.
Chị trẻ kể rằng chị làm dâu một gia đình người Bắc di cư năm 54. Gia đình này có nghề làm bánh cưới hỏi nổi tiếng. Con trai lấy vợ người Nam. Chị cũng ... run khi ở với gia đình họ. Nhưng chị nói rằng sao gia đình đối xử với dâu tốt thế. Không giống như lời đồn đãi.
Tui cười. Người ta xem truyện của mấy ông cộng sản xuyên tạc. Kiểu địa chủ cường hào mẹ chồng nàng dâu chống đối, chửi rủa nhau. Chớ người Việt ở đâu cũng tình cảm, chẳng kể bắc trung nam. Đâu cũng quý con người. Phim ảnh tiểu thuyết đều không nói lên sự thật, làm con người chia rẽ. Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ. Nhưng không phải là bản chất.
Chị "có tuổi" hơn thì kể rằng. Ông chồng cũng người Bắc vào Nam năm 75. Gặp chị hỏi đường đi. Mới đầu thấy... bộ đội thì cũng ngại. Nhưng nghe giọng lạ riết rồi cũng quen. Rồi quen nhau, thương nhau và lòi ra một nhóc. Lúc đó mới hay ảnh còn vợ với mấy con ngoài Bắc. Chị vợ thưa kiện. Cơ quan xử mà ai cũng... cười. Vui quá, chuyện này nhiều quá trời, xử gì nổi. Mà nếu chuyển công tác cho ổng về xứ thì ... ai làm việc. Cán bộ đang thiếu mà. Tình bắc duyên nam là vậy.
Ổng mất. Bên nội vô xin nhận cháu. Tài sản chia đều. Chị cũng có phần. Giờ hai bà là...bạn.
Người dân ta đâu cũng dễ thương. Xui xẻo sao lại bị cái...xã hội chủ nghĩa. Gây ra bao tang thương, mà Saigon còn nhức nhối. Một Thủ Thiêm tan tành, dâng đất cho tư bản mà xưa họ gọi là... kẻ thù. Các vùng đất ngon lành đều trong tay tư bản. Sao lạ vậy? Ai trả lời coi?
Tui đi ở đường Nguyễn Huệ hào nhoáng. Dân chỉ có thể đi bộ là may rồi. Các tòa nhà chung quanh, lợi tức đó bao nhiêu dân được hưởng? Tất cả là bí mật. Nhưng cũng may. Ngoài tất cả vật chất, Saigon còn tâm linh. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy luôn luôn hiện hữu. Tui chợt nhớ chuyện... lư hương của Đức Thánh.
JIMMY NGUYEN NGUYEN 18.12.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.