dimanche 29 décembre 2024

Cao Huy Thọ - Ô hô, I hi, Ai tai...bảo tàng

 

Thằng con tuy là dân vật lý, nhưng đi đến bất cứ thành phố nào trên thế giới thì đều tìm đến các bảo tàng để xem, vì nó cũng rất mê lịch sử, văn hóa, kiến trúc…

Nó vừa dẫn tôi đi một tuần ở Cambodia, và kết thúc là bằng một buổi tham quan bảo tàng quốc gia ở Phnom Penh. Về lại Sài Gòn, nó hỏi “con đã xem nhiều bảo tàng ở Việt Nam mình, nhưng thật thất vọng. Liệu ở Sài Gòn còn bảo tàng nào không?”

Kể một loạt tên thì nó bảo “Bảo tàng Mỹ thuật chưa đi”. Vậy là hai cha con cùng đi xem. Ô hô, vừa đi xem bảo tàng quốc gia Cambodia xong, về xem bảo tàng mỹ thuật ở TPHCM, đúng là từ trên cao té xuống cái rầm!

 

Ở đây không so sánh về giá trị. Ví dụ, xem cái tượng Vishnu ở thế kỷ 6 của thời Angkor rồi thì chỉ biết nói là bái phục, chả trách sao Angkor Wat của họ lọt vào danh sách 7 kỳ quan thế giới. Mà chỉ nói về cách làm.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM nằm trên đường Phó Đức Chính, vốn là ba căn biệt thự được xây theo kiến trúc Pháp của nhân vật Chú Hỏa – một trong ba đại phú người Hoa ở Chợ Lớn. Tòa biệt thự 1 là triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật thời cận và hiện đại cùng bảo vật quốc gia là bức tranh sơn mài Vườn Xuân Bắc Trung Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tòa biệt thự 2 là dùng để triễn lãm tác phẩm của các họa sĩ. Điều đáng nói là ở tòa biệt thự số 3. Đó là nơi mà bảng giới thiệu ghi là: Tòa nhà – Building 3/Mỹ thuật cổ-cận đại / Ancient- Contemporary Art. Nó háo hức là bởi cái từ Ancient – Cổ đại.

Nhưng.

I hi. Trong toàn bộ các món trưng bày ở tòa nhà số 3 này, xưa nhất chỉ là ở thế kỷ 13, còn lại đều là thế kỷ 19 và đa phần là thế kỷ 20. Và những món này, xài từ Medieval/Trung cổ là đã thái quá rồi, chứ đừng nói tới Ancient/Cổ đại! Ngay bảo tàng quốc gia Cambodia, dù trưng bày toàn những cổ vật từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10, 11 mà họ cũng chỉ xài từ Mediavel chứ không dám gọi là Ancient. Như thế này, khách đến chơi nhà sẽ bảo là mình “treo đầu dê bán thịt chó”!

Và nữa, đúng là Ai Tai, khi trong các tủ trưng bày thì ghi chú rất lung tung. Ví dụ có một chiếc tủ trưng 11 bức tượng , trong đó có một tờ giấy ghi chung chung kiểu: Tượng phán quan/Việt Nam thế kỷ XIX/Gỗ phủ sơn/1; Tượng Ca diếp/Việt Nam thế kỷ XIX/Gỗ phủ sơn/2….cho đến tượng thứ 11 là Tượng Võ quan/Việt Nam thế kỷ XIX.. 

Có điều, ở các bức tượng chả có đánh số cái nào là số 1, cái nào là số 2 thì bố ai biết được ai là Ca diếp, ai là Phán quan! Chưa kể, Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam dài hàng ngàn kilomet, biết cái tượng này ở vùng nào. Nhất là lịch sử của đất nước ta cũng khá là phong phú, như Bắc thì ắt khác Trung và Nam, nên ghi chung một xuất xứ Việt Nam thì còn gì giá trị lịch sử? 

Xin lấy ví dụ cái bức tượng đá tạc Thần Vishnu ở Bảo tàng quốc gia Cambodia, họ ghi chú rất rõ rằng bức tượng này ở thế kỷ thứ 6, xuất xứ là ở Phnom Da, Angkor Borei, Takeo. Chứ viết chung chung kiểu của mình, chẳng cung cấp cho người xem thông tin gì cả.

Chính vì có quá nhiều sạn như vậy, nên khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đa phần là giới trẻ. Với mục đích chỉ là để chụp ảnh với những chiếc cầu thang tuyệt đẹp trong ba tòa nhà này!

CAO HUY THỌ 26.12.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.