Lang thang ở thác Liêng Chi Nha, tiếng K’ho nghĩa là thác Bụi, gã gặp một chàng lỏng khỏng mặc áo quần đúng nghĩa bụi đang lụi cụi chăm sóc đám cây sầu riêng.
Tên: Phan Văn Tuấn. Quê: Đức Thọ Hà Tĩnh. Mạch đời: Bỏ quê nghèo vào Lâm Đồng tìm các chủ vườn thành đạt vừa làm thuê, cuốc mướn vừa học hỏi. Khi tích cóp được vài mảnh đất Tuấn cắm dùi khởi nghiệp quyết đổi đời.
Một lão chủ vườn sầu riêng nhỏ nhẻ tai gã: Thằng đó coi vậy chớ gớm lắm đó. Hiện nó là thằng nông dân chảnh nhất vùng này, vì dám mở miệng với đám thương lái sừng sỏ bao năm lũng đoạn giá cả sầu riêng: Giá vậy đấy, không mua thì thôi.
Chắc giá. Chủ động giá. Mấy ai?
Tuấn dẫn gã vào vườn sầu riêng tháng 10 mà kĩu kịt trái của mình. Tuấn bảo: Muốn làm giàu phải làm người đã. Thước đo một thằng tử tế là không dối mình, không dối đất, không dối cây, không dối người.
Khi làm thuê, Tuấn rút ra được bài học lớn nhất: Làm vườn mà mình phải cầu cạnh thương lái thì hèn người đi, hèn người thì không bao giờ giàu có được. Vậy muốn thương lái phải cầu cạnh mình chỉ có cách duy nhất: Trái sầu riêng của mình phải ngon nhất, sạch nhất, nhiều múi, dầy cơm nhất.
Tuấn rút ra công thức để có sản phẩm mà thương lái phải cầu cạnh và tranh mua với giá cao đó là: Đất tốt và sạch. Giống tốt cho chất lượng và sản lượng cao. Trồng thưa cho cây nhiều dinh dưỡng, nhiều nắng. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và kỹ thuật. Nắm chắc thời tiết, khí hậu và địa hình đưa ra quy trình thích hợp để điểm rơi thu hoạch là lúc thị trường khan hiếm.
Tuấn cho biết, trồng sầu riêng tại vùng Lâm Hà có điểm đặc biệt là do khí hậu lạnh và độ cao hơn các vùng phía Nam, nên chín khá trễ. Các nơi khác đã thu hoạch gần xong thì trái sầu riêng vẫn còn non, phải tới giữa tháng 10, đầu tháng 11, sầu riêng ở vùng đất này mới rộ. Khi đó, trên thị trường gần như không còn sầu riêng cạnh tranh.
Đất trồng sầu riêng ở đây chủ yếu là đất
đồi, có độ dốc thoải. Nên Tuấn giữ cho mặt đất luôn được phủ một lớp cỏ thấp, đảm
bảo đất không bị xói mòn và giữ ẩm, tạo hệ sinh thái đa dạng, giữ cho bộ rễ của
sầu riêng khỏe mạnh.
Tuấn chia sẻ: “Em trồng sầu riêng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật, năm thứ 2 tiến hành ép ngọn, cắt tán, cây không cao vượt lên và phát triển cành phụ tốt. Cây thấp, cành ngang nhiều sẽ cho năng suất cao và tránh gãy đổ vì gió. Sầu riêng khó trồng, rất dễ bị gió lay tróc gốc, nhất là khi cây còn non. Trồng sầu riêng xen trong vườn bơ, cây bơ đón gió, ổn định môi trường, giúp cây sầu riêng tránh gió, phát triển ổn định.“
Đồng thời, Tuấn không nôn nóng ép cây bói sớm mà dứt khoát thực hiện để cây sầu riêng đủ 5 năm mới cho trái bói. Ở lứa hoa năm sầu riêng 4 tuổi, Tuấn tiến hành vặt gọn, không để một vài trái như nhiều nông hộ cho phép. Theo Tuấn để cây 5 tuổi mới ra trái, cây sầu riêng khoẻ, sức sống tốt, độ thành thục cao, có lợi cho năng suất và chất lượng trái. Tuấn cười, như phụ nữ đó qua 20 tuổi bụng mang dạ chửa 9 tháng 10 ngày mới đẻ.
Gã ngơ ngẩn trước những cây sầu riêng 6 và 7 tuổi của Tuấn. Chỉ sau một vụ thu hoạch, giá mua tại vườn cao ngất ngưởng. Tuấn đã một phát lên ông chủ vườn giàu có. Hiện giá sầu riêng ngon nhất bán ở Sài Gòn là 100-120 ngàn đồng một ký, sầu riêng của Tuấn bán tại vườn là 70.000 đồng/ ký. Một trái sầu riêng của Tuấn trung bình nặng 3-4 ký. Một cây trung bình “lứa đẻ” thứ hai 80 trái, như vậy chỉ một cây sầu riêng của Tuấn đã đem về 20-25 triệu. Nếu vườn nhỏ 100 cây thì một năm Tuấn thu về 2-2,5 tỉ.
Ở đây gã xin bí mật thực sự chàng nông dân trẻ này đang có bao cây sầu riêng ra trái. Và đương nhiên khi cây trưởng thành hơn, lớn hơn, xum xuê cành hơn thì trung bình một cây sẽ nhiều trái hơn.
Hạnh phúc của một kẻ lang thang khám phá như gã là gặp được ai đó làm giàu chính đáng. Nhìn cơ ngơi, vườn cây trái và nụ cười của Tuấn mà gã rơn rơn sướng. Chẳng bù khi thấy biệt thự khủng của ai đó mà nghe: của quan tham đó, mà muốn nhổ nước bọt, khinh.
LƯU TRỌNG VĂN 07.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.