Tỉnh Bình Thuận tách ra từ năm 1992. Hơn 30 năm sau ngày tái lập, Bình Thuận qua 7 đời chủ tịch. Ngoài đương kim chủ tịch thì 6 người tiền nhiệm đều bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra còn có hai cựu bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật Đảng và hàng loạt phó chủ tịch tỉnh cùng nhiều cán bộ sở - ngành bị bắt hoặc bị kỷ luật.
Tại Bắc Giang, bí thư Tỉnh ủy mới trúng cử nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì bị bắt, chủ tịch tỉnh bị cảnh cáo.
Ở Quảng Ngãi, chủ tịch tỉnh bị bắt khi chưa hết nhiệm kỳ, chủ tịch tiền nhiệm xin nghỉ hưu sớm sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, chủ tịch nhiệm kỳ 2011 - 2016 mới bị bắt đầu năm nay về tội nhận hối lộ khi còn thực thi công vụ.
Ở Thanh Hóa, cựu bí thư và cựu chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cùng bị khởi tố, cựu bí thư tiền nhiệm bị kỷ luật cảnh cáo. Ở Đồng Nai, sau Đại hội Đảng của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 chưa bao lâu, cả bí thư lẫn chủ tịch đều bị bắt do trước đó nhận hối lộ.
Tương tự, ở Vĩnh Phúc, bí thư và chủ tịch tỉnh "sa lưới pháp luật" trong cùng vụ án. Mới đây nhất là Phú Thọ, có tới 3 cựu bí thư Tỉnh ủy bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nêu tên...
Những con người này được chọn lựa, đào tạo bài bản từ cấp cơ sở nhưng sao vẫn hóa « củi » kiểu truyền đời, truyền kiếp như vậy? Rõ ràng công tác nhân sự ở nơi này, nơi kia còn có vấn đề.
Bản chất các vi phạm đều giống nhau. Đó là lãnh đạo địa phương vô hiệu hóa bộ máy biến mình thành vua, hình thành các liên minh trong và ngoài bộ máy để xà xẻo tài sản quốc gia với số lượng đặc biệt lớn.
Bộ Công an đã áp dụng chính sách luân chuyển cấp giám đốc, không để người địa phương làm giám đốc. Từ đó mới phá vụ Mười Tường An Giang, Xăng giả Đồng Nai, Đường Nhuệ Thái Bình. Đây chính là chính sách hồi tị.
Luật Hồi tị phong kiến quy định: « Không được cai trị ở nguyên quán, trú quán, lấy vợ, kết hôn, làm thông gia nơi mình làm quan ». Theo từ điển Hán Việt, « Hồi » là trở về, «Tị » là lánh đi (như trong chữ « tị nạn »). Tức là nếu được bổ nhiệm về bản quán thì phải tránh đi. Đây là biện pháp để chống hiện tượng bè cánh, ưu ái người nhà, bà con của các quan lại thời xưa.
Luật Hồi tị được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông. Trong bộ « Quốc triều Hình luật » (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: « Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người làm thuê ».
Các vụ đại án ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi ...đều cho thấy sự cấu kết mang tính địa phương nguy hiểm như thế nào. Tôi đề nghị tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm luân chuyển các bí thư cấp tỉnh, không để người địa phương làm bí thư.
HOÀNG LINH 18.10.2024
(Bài viết có sử dụng nội dung từ Tuổi Trẻ)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.