(Nhân ngày nhà báo)
Đó là câu thành ngữ về sự đời. Khi đã ghét nhau, không ưa nhau, thì đến cái vết chân của đối tượng bị ghét cũng chả chấp nhận được, thấy ngứa mắt, phải xóa sạch, đào khoét nó đem đổ đi chỗ khác.
Kinh khiếp cho tình cảm của người đời, đối với nhau còn hơn cả quân thù quân hằn.
Yêu-ghét bản thân nó không có gì đặc biệt bởi tình cảm con người có yêu có ghét, yêu người này, ghét kẻ khác. Chỉ có điều yêu-ghét phải phân minh, chứ đừng cái kiểu “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Hãy như lão trượng phu Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu” (Lời mẹ dặn).
Xứ này không ít người có thói xấu “phù thịnh chứ không phù suy”, bất cần biết thịnh có thật là tốt không, suy có phải dở xấu không. Họ chỉ cắm mặt làm theo cây gậy chỉ đạo của kẻ có quyền, hữu ý hoặc vô tình đã “giết” biết bao nhiêu người tốt tử tế vốn đã hiếm hoi trong xã hội này. Những vụ đấu tố “Cải cách ruộng đất” và “Nhân văn giai phẩm” là rõ nhất, sau đó có khóc cũng chả làm mới lại được mình.
Gần tới ngày 21.6, cả cái gọi là “hệ thống chính trị” tung hô các nhà báo, ngày báo chí cách mạng, nhân tiện chỉ đạo, giáo dục nhà báo phải nọ kia. Năm nào cũng như năm nào. Cứ xong “ngày”, lại quên tiệt, sống chết mặc bay, rồi rơi vào quên lãng.
Hôm đầu tháng nhà báo và cũng là tháng thiếu nhi (nhà báo và thiếu nhi xứ này có khác gì nhau, đều non nớt, dễ bảo), 1.6, người ta bắt nhà báo Huy Đức. Khởi đầu tháng nhà báo là một vụ bắt bớ nhà báo nổi tiếng. Buồn cười nhất là công an và phần lớn báo chí quốc doanh đều gọi đương sự bằng cụm từ “bắt cựu nhà báo Huy Đức”. Rất buồn cười về mưu mẹo chơi chữ ở xứ này.
Người tử tế (chứ không tử tế thì không bàn) ai cũng hiểu làm báo, viết báo là một nghề. Trên đời chán vạn nghề, làm ruộng, may vá, dạy học, chữa bệnh, làm báo, đánh nhau… Người làm ruộng được gọi là nhà nông/nông dân, may vá là thợ may, chữa bệnh là thầy thuốc, làm báo là nhà báo, đánh nhau là lính/bộ đội. Tên gọi ấy để chỉ người làm nghề, chứ không phải chức danh, danh hiệu. Người ta có thể làm nghề trong thời gian nhất định nào đó, hoặc làm cả đời, chuyên hay không chuyên. Đã làm ruộng thì được gọi là nông dân/nhà nông.
Bác Nguyễn Huy Thiệp từng viết “Tôi sinh ra ở nông thôn. Bố mẹ tôi là nông dân”. Dù các cụ đã quy tiên nhưng bác Thiệp đâu có viết “bố mẹ tôi là cựu nông dân”. Nhà báo cũng vậy, nghề là viết báo, dù còn viết hay không cũng vẫn là nhà báo, bị bắt cũng là nhà báo. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo “cựu kiếc đếch gì, vớ vẩn”. Ông còn dẫn chứng ngay cả cụ Hồ cũng từng viết báo, được tôn là nhà báo chứ xưa nay có ai gọi là “cựu nhà báo bác Hồ” bao giờ.
Huy Đức (Trương Huy San, Osin) gần như cả đời làm báo, viết báo, lúc trong lề, khi ngoài lề, là nhà báo chuyên nghiệp, ngay cả khi không viết nữa vẫn là nhà báo. Có rất nhiều người viết báo/nhà báo, làm nghề báo ở xứ này, giờ đã chết cả rồi, như Hữu Thọ, Hoàng Tùng, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Trần Đình Vân, Sơn Tùng… có bao giờ bị gọi là “cựu nhà báo” đâu. Họ (công an, báo chí mậu dịch) đã cố tình phân biệt đối xử với nhà báo Huy Đức. Tôi nói thật, dù có gọi ông ấy là cựu, thậm chí là cố đi chăng nữa, thì Huy Đức vẫn là nhà báo nổi tiếng nhất, trước kia, hôm nay, và cả mai sau. Chức danh thì có thể mất, chứ tên gọi để chỉ nghề nghiệp thì tồn tại mãi mãi. Muốn “giết” Huy Đức bằng từ ngữ, chữ nghĩa, họ chỉ lộ rõ tâm địa xấu và dốt.
Có lẽ cần nói thêm, trong tiếng Việt, nhằm chỉ một ai đó mần chức trách, có chức danh (chứ không phải tên nghề), có những từ rất rõ ràng để phân biệt: đương, nguyên, cựu, cố. Đương là đang làm, đang là ai. Nguyên là từng làm, giữ chức gì đó, danh hiệu gì đó, nhưng đã chuyển làm việc khác, chức khác. Cựu là nghỉ rồi, nghỉ hẳn, không mần chi nữa. Cố chỉ dành cho người đã chết, mà chết thì hết chuyện, khỏi bàn.
Bộ đội đi đánh giặc thì gọi là lính/bộ đội, chứ làm gì có cựu bộ đội đánh giặc. Khi đặt ra danh hiệu “chiến binh” thì có cựu chiến binh.
Phi công (người lái máy bay) Nguyễn Văn Cốc bắn rơi máy bay Mỹ khi là phi công chứ không phải cựu phi công. Dù ông ấy sau đó về hưu, rồi sau này theo luật trời quy tiên, nhưng nói về ông ấy, người ta chỉ nói phi công Cốc chứ chả ai bảo cựu phi công Cốc bao giờ. Cầu thủ (người đá bóng) Pele ghi bàn thứ 1.000 lúc là cầu thủ, dù có chết rồi vẫn là cầu thủ, đ*o phải cựu cầu thủ (lão hàng xóm nhà tôi bảo vậy).
NGUYỄN THÔNG 17.06.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.