mardi 11 juin 2024

Nguyễn Thanh Huy - Một ứng xử thuận tình, kịp thời

Không còn nghi ngờ gì nữa! Sau “hai lần ứng xử chưa hay” từ Giáo hội, thì lần này cơ quan chức năng đã có một ứng xử thỏa đáng. Dù vẫn có những lúc khiến những người kính trọng, yêu quý sư Minh Tuệ lo lắng.

Qua đây, thấy rằng tiếng nói đồng thanh, ôn hòa của nhân dân rất quan trọng trước những vấn đề lớn lao, hệ trọng. Đồng thời cách ứng xử của chính quyền - công bố những thông tin xác tín về sư Minh Tuệ - là rất đúng lúc, kịp thời, tránh để sự việc được dẫn dắt theo những chiều hướng tiêu cực của một số thành phần phá hoại mà họ luôn nhân danh dưới vỏ bọc yêu nước.

Sự phản biện là cần thiết cho một xã hội văn minh tiến bộ. Nhưng khi sự phản biện trở nên thái quá, cực đoan, khi ấy sẽ không còn là chính nó với bản chất tốt đẹp ban đầu. Khi những ý kiến phản biện trở nên cố chấp, bảo thủ là lúc nó đã nảy sinh một mầm mống độc hại khác, và có thể đến lúc trưởng thành, nó còn đáng sợ hơn chính cái mà nó đang phản biện.

Bỏ qua quá trình và tiểu tiết, nhìn vào kết quả tốt đẹp mà hoan hỉ cũng là một cách cởi trói, buông lỏng cho chính mình. Cứ xem như ta đang “tập học” theo sư Minh Tuệ vậy !

Điều chúng ta cần quan tâm lúc này là : Sư có được tiếp tục tu theo đúng pháp hành trì mà sở nguyện của ông mong muốn hay không? Hay các cơ quan chức năng sẽ có những hỗ trợ gì cho ông? Hay mọi người đã ý thức hơn về việc tụ tập đông người sẽ gây ra những hậu quả ra sao? Và cách đối đãi với những người tu hạnh đầu đà khác như thế nào?

Giải quyết được những vấn đề trên một cách thấu đáo thì chắc chắn đất nước ta sẽ nhận được nhiều ngợi ca từ bạn bè quốc tế, và Phật giáo Việt Nam cũng nhận được sự ngưỡng vọng của đại chúng, Phật tử trên thế giới. Tất nhiên, cần phân biệt rõ ràng khái niệm “Phật giáo Việt Nam” với khái niệm “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Hai khái niệm này không được dùng ý chí đánh đồng. Tuy nhiên, chúng có thể rất gần nhau trong những hoàn cảnh khách quan - khi mà một tổ chức cho thấy họ đang đại diện một cách mẫu mực trong việc duy trì và gìn giữ giá trị, bản sắc tốt đẹp của Phật giáo như những thời kì hoàng kim của đạo Phật trong lịch sử dân tộc.

Trở lại với hình ảnh sư Minh Tuệ, trong video, khi sư đi nhận căn cước, có một chi tiết rất đặc biệt mà có lẽ nhiều người xem sẽ bỏ qua. Đó là trong đoạn phỏng vấn ông:

   - Cảm xúc của ông thế nào khi nhận được căn cước công dân?

   - Dạ cảm xúc của con cũng như bao người công dân bình thường khác. Gọi là … nếu mà có nó để đảm bảo quyền lợi cho mình học tập, tu học được thì rất là tốt đẹp. Dạ, Adiđà Phật.

   - Ông có hài lòng không về cái việc cấp căn cước công dân và có gặp trở ngại gì không trong quá trình cấp căn cước công dân không ?

   - Dạ, cấp căn cước công dân đối với con nếu mà nó đem lại con đường đảm bảo tu hành cho mình được hay là cái gì đó; ở đây là cũng đều nói cái gì là mình vui vẻ hài lòng hay là không vui vẻ hài lòng đối với con, nó mà đem đến đảm bảo cho mình tu hành thiền định trí tuệ được đều tốt đẹp. Adiđà Phật!

Rõ ràng, cả hai câu hỏi, người phỏng vấn đều muốn sư nói về cảm giác, cảm xúc của mình. Ở câu 1, dùng từ “cảm xúc”… “như thế nào”; ở câu 2, dùng trực tiếp luôn từ “hài lòng” bằng câu hỏi có/ không.

Tuy nhiên ông đã trả lời rất trí tuệ, không nói cảm xúc của cá nhân mình như thế nào, mà đẩy về thành một đánh giá sự việc khách quan: “(nếu mà có) nó (để đảm bảo quyền lợi cho mình học tập, tu học được) thì rất là tốt đẹp”.

Hay, “Ở đây là cũng đều nói cái gì là mình vui vẻ hài lòng hay là không vui vẻ hài lòng đối với con, nó mà (đem đến đảm bảo cho mình tu hành thiền định trí tuệ được) đều tốt đẹp. “

Thực ra, không phải sư đang nói tránh mà đó chính là pháp tu ông đang thực hành. Ông đang chế ngự tâm trước hoàn cảnh, không để cảnh huống chi phối. Nói cách khác đó là đoạn trừ thức căn (ý thức) để diệt tham ái, tức không còn việc thích hay không thích, sướng hay không sướng, vui hay không vui nữa.

Điều này, tôi luôn quan sát ở ông qua những lúc phỏng vấn trước kia. Tất cả ông đều trả lời nhất quán. Người không hiểu sẽ cho rằng ông diễn đạt có vẻ dài dòng, nhưng hiểu được sẽ nhận ra được trạng thái tâm của ông đã đạt đến ngưỡng nào.

Sở dĩ ở trên tôi nói ông “trả lời rất trí tuệ”, vì những điều ông nói ra là kết quả của việc ông nghiêm trì giới luật và giữ gìn 6 căn (1) một cách rốt ráo. 

Nếu như ông nói mà tiền hậu bất nhất, thì có thể suy đoán rằng ông vẫn dùng ý thức để tư duy, nhưng khi tất thảy đều nhất quán thì đó chính là một trạng thái tâm thanh tịnh, tức tâm không động trước bất kỳ ngoại cảnh nào, và trí huệ đã khai mở.

Trạng thái tâm thanh tịnh đó được nhắc đến trong kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm / 心” (Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào), hay trong bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông cũng có nhắc đến: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền/ 禪” (Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền). (2)

Có lẽ, sư Minh Tuệ, đến lúc này, vẫn chưa đạt đến trí huệ viên mãn rốt ráo nhưng với tâm thái đó, chí ít ông cũng đã tiệm cận đến nó. Do vậy, ông cần thời gian và những điều kiện phù hợp để tiếp tục đại nguyện. Nếu tất cả thuận duyên, tôi tin ông sẽ sớm đắc đạo và nhập thế độ sinh, xiển dương Chánh pháp, mang lại nhiều lợi lạc to lớn, không thể bàn!

NGUYỄN THANH HUY 10.06.2024

Chú thích:

(1) 6 căn (lục căn): sáu giác quan (mắt, mũi, lưỡi, tai, thân, ý).

(2) Trích từ:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”

Nguyên tác:

Dịch thơ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói ăn mệt mỏi phải ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

(Nguyễn Thanh Huy dịch trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học 22/08/2021)

Nguyễn Thanh Huy - Đã hai lần ứng xử chưa hay…

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.