jeudi 6 juin 2024

Hoàng Hải Vân - Tuyệt chiêu là vô chiêu

Có bạn hỏi vì sao tôi không viết gì về một người tu hành đi bộ khất thực từ Nam ra Bắc được rất nhiều người ngưỡng mộ và cũng gây nhiều tranh cãi, tôi trả lời hình như đây là xã hội không ai có tư cách bắt người khác phải viết gì hay không viết gì.

Mỗi người có thể tự do bày tỏ sự ngưỡng mộ hay không ngưỡng mộ với những người mình thích hoặc không thích, miễn là không bịa đặt biến có thành không biến không biến thành có vì những mục đích không thiện lành.

Nhưng khi thấy Công an cử ra một lực lượng đáng kể để duy trì trật tự khi có những đoàn người đông bất thường đi theo người tu hành này, Công an vừa bảo vệ người tu hành vừa bảo vệ đám đông để không xảy ra những sự cố bất an cho dân chúng, tôi thấy Công an đã làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ trị an và quán triệt sâu sắc chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Rất không giống như một số người coi hướng Phật trên đất nước này là "độc quyền" của một tổ chức.

Hồi đầu những năm 1980, tôi có đi theo chú Trần Nguyên, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam Đà nẵng phụ trách tôn giáo vận đến một ngôi chùa ở Hội An để thuyết phục một vị cao tăng tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc đó mới thành lập. Chú Trần Nguyên cung kính thuyết phục thầy. Nghe chú nói một hồi, thầy bảo “Phật giáo đâu có giống như hội đá banh” và không đồng ý tham gia.

Tôi về kể cho anh Phan Duy Nhân (Nguyễn Chính, sau này là người đứng đầu Ban Tôn giáo Chính phủ, lúc đó là cơ quan ngang Bộ) nghe. Anh Phan Duy Nhân cười bảo : “Ông ấy nói đúng”. Anh nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo hợp pháp được nhà nước công nhận, điều đó không có nghĩa là các tăng ni, Phật tử tu tập, hành đạo tại chùa, tại gia hoặc bằng những phương thức khác nhau không vi phạm pháp luật nhưng không tham gia Giáo hội này là không hợp pháp.

Anh Phan Duy Nhân từng là một văn nghệ sĩ, làm thơ và viết feuilleton cho các báo để kiếm sống ở Sài Gòn trước và đầu những năm 1960, là bạn thân của các nhà văn Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Phan Nhật Nam… Sau đó trở thành một nhà giáo (giáo sư Trần Văn Thọ từng có thời gian là học trò của anh thời học trung học), rồi tham gia phong trào yêu nước đòi hòa bình thống nhất, dân chủ, hòa hợp dân tộc, rồi thoát ly lên chiến khu tham gia kháng chiến.

Anh bị chính quyền Sài Gòn bắt đày ra Côn Đảo 6 năm, vào năm 1968, sau khi được trao trả (1973), về chiến đấu trên chiến trường khu 5, được Bí thư Khu ủy Võ Chí Công và Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh đặc biệt quý mến. Điều thú vị là, khi biết rõ anh là “Việt cộng” đang bị cầm tù, nhà văn Phan Nhật Nam lúc đó là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, khi in cuốn sách Ải trần gian (1970), đã ghi trên đầu sách : “Tặng Phan Duy Nhân, kẻ hào kiệt”. Bộ Thông tin chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa đã yêu cầu ông Nam đục bỏ dòng chữ đó trước khi in, nhưng ông nhất định không chịu.

Sau năm 1975, Phan Duy Nhân không bon chen danh lợi mà chỉ làm một cán bộ bình thường, các vị lãnh đạo hỏi gì thì anh tham mưu, không hỏi thì thôi. Nhưng ông Nguyễn Văn Linh, khi còn làm Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã có đôi mắt tinh đời, chỉ qua phát biểu của anh tại một hội nghị về tôn giáo, đã phát hiện và đưa anh ra trung ương làm một quan chức cấp cao của chế độ, làm đến Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định bổ nhiệm anh làm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, nhưng có một thư nặc danh tố cáo anh “cộng tác với địch” trước năm 1975, nên phải dừng lại để xác minh. Sau một năm rưỡi xác minh, kết quả là người bị tố cáo là một người khác, cũng tên Nguyễn Chính, chứ không phải anh. Nhưng lúc đó thì chức vụ Trưởng ban tôn giáo đã do người khác đảm nhiệm. Chuyện oan sai như vậy đối với anh nhẹ như lông hồng.

Anh có nhiều tham mưu cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải về cải thiện, “mềm hóa” các chính sách đối với tôn giáo khi đất nước chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Anh được hầu hết chức sắc các tôn giáo, cả các vị trong giáo hội chính thống và các vị “bất đồng chính kiến” nể trọng. Báo chí nước ngoài nhận định anh là người thiết lập “những bước đi chập chững” giữa Việt Nam và Vatican.

Chính anh dắt tôi đến gặp Hòa thượng Thích Trí Quang và thiền sư Lê Mạnh Thát. Anh định dắt tôi đến gặp thiền sư Thích Tuệ Sỹ nhưng nghe nói vị thiền sư này khó tánh nên tôi ngại không đi. Các vị cao tăng nói trên đều quý trọng anh và anh cũng quý trọng họ. Anh cũng có nhiều trao đổi với thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư này cũng rất nể trọng anh, ông được về nước hành đạo có tiền đề từ sự trao đổi và đóng góp ban đầu của anh.

HÀNH THIỀN

(Kính tặng tôn sư tôi, thiền sư Thích Trí Quang)

Tròn đầy mà rỗng lặng

Biển vô lượng thủy triều

Ôi thương đời vạn dặm

Vân du vượt suối đèo

Đường về tâm hết động

Tuyệt chiêu là vô chiêu !

Thôi hòa lòng với bụi

Thanh tịnh vầng trăng treo…

(Phan Duy Nhân)

Lần đầu tiên trên báo chí chính thống, có một bài thơ tôn kính Hòa thượng Thích Trí Quang, người viết từng là Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Cần biết, trong 3 vị cao tăng trong nước nói trên, chỉ có Thiền sư Lê Mạnh Thát tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Thích Tuệ Sỹ không tham gia. Hòa thượng Thích Trí Quang cũng không tham gia, nhưng không chỉ trích, không ngăn cản các đệ tử của mình tham gia Giáo hội này.

HOÀNG HẢI VÂN 06.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.