Đọc tin trên báo thấy ông hiệu trưởng một trường phổ thông bán trú ngoài Bắc tham nhũng trên cả những khẩu phần của những em học sinh người dân tộc thiểu số của trường.
Ăn chặn từng gói mì gói, quả trứng, bó rau, bữa ăn sáng của các em bé thuộc diện được Nhà nước bảo trợ !
Trưa nay, vợ chồng tôi ngồi ăn cơm. Vừa đưa đũa cơm trắng lên miệng, vợ tôi vừa nhắc : “Nhớ hồi xưa, mỗi lần nấu cơm là phải ngồi lựa ra cả đống bông cỏ với sỏi. Có mấy lon gạo mà có khi bông cỏ với sỏi lựa ra gần cả chén... Không biết vì sao mà hồi đó bông cỏ với sỏi có trong gạo nhiều quá!”.
Tôi đang nhai cơm mà phải bật cười vì sự ngây thơ của vợ tôi : “Thì tại người ta trộn bông cỏ với sỏi vô gạo để cho nó tăng cân rồi bán cho dân mà sao không nhiều được? Nó nhiều một cách bất thường, tới mức trở thành hiện tượng, thì chắc chắn có vấn đề”. Vợ tôi tròn mắt: “Thiệt hả? Ai trộn? Hèn gì...”
Câu hỏi của vợ tôi cũng là câu hỏi tôi đã hỏi bố tôi từ mấy chục năm trước, lúc tôi còn làm nhiệm vụ lựa bông cỏ và sỏi trong rổ gạo rồi đem vo cho cả nhà nấu cơm. Hồi đó, tôi và thằng em kế ngồi lựa bông cỏ không xuể (vì nhà tôi 13 nhân khẩu, một bữa cơm nấu cả 2 ký gạo). Phải đem gạo bỏ vô rổ, ngâm trong chậu nước rồi học cách của mẹ tôi ngồi đãi cho bông cỏ trôi bớt đi (bông cỏ nhẹ nên nổi lên trên gạo), hớt gạo bỏ vô nồi, chừa lại một ít dưới đáy...
Xong, hai thằng chia nhau ra lựa, thằng lựa sỏi trong số gạo dưới đáy rổ, thằng lựa bông cỏ còn trộn lẫn với gạo trong nồi. Cứ thế, bữa nào anh em chúng tôi cũng lựa ra cả chén vừa bông cỏ vừa sỏi. Vậy nhưng, những viên sỏi trắng vẫn cứ còn sót lại (do chúng tôi tiếc vài hạt gạo dưới đáy rổ) khiến răng cỏ của cả nhà tôi vừa bể vừa lung lay cả đám, còn bông cỏ thì làm cho bữa ăn vốn đã tồi tàn càng thêm tàn tệ!
Tôi hỏi bố tôi tại sao gạo có nhiều bông cỏ và sỏi khi ông đang chỉ tôi cách làm sạch rổ gạo. Ông trả lời: “Người ta trộn vào đấy con à!” Tôi lại hỏi: “Sao người ta trộn vào làm chi vậy bố? Cái này đâu có ăn được đâu?” “Để lấy bớt gạo ra bán... Chúng nó ác và tồi đến thế là cùng!” –Bố tôi mắt nhìn xa xăm.
Ngày ấy, tôi còn nhỏ nên không biết “chúng nó” là ai và cũng không cần biết. Chỉ biết “chúng nó rất ác”, đã làm khổ biết bao gia đình, làm khổ anh em tôi ngày nào cũng ngồi lựa gạo, biến mỗi chén cơm thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Giờ mà tìm một người có quyền trong bộ máy Nhà nước không tham nhũng, không sai phạm... e là quá khó!
HỮU PHÚ 18.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.