Tôi đã từng rất lo sợ mình sẽ không dạy nổi một đứa trẻ, khi chứng kiến thế hệ tiếp theo trưởng thành trước mắt mình với những thứ dang dở mà xã hội để dấu ấn lên chúng.
Không ít những đứa trẻ xung quanh tôi từng rất ngoan, từng được tạo mọi điều kiện, từng được ăn học tử tế…Thế rồi khi thành người lớn, chúng thành một phiên bản khác đến ngỡ ngàng.
Có lần tâm sự với một phụ huynh của chúng, tôi nghe đầy tai những than phiền và đổ lỗi. Thậm chí đổ lỗi cho công nghệ, cho mạng xã hội. Tôi bực mình: “Chị cũng lên phây, cũng chửi nhau ầm ầm trên đó; cũng khen một người nào đó một cách quá lố trên đó; cũng làm màu làm mè trên đó. Vậy lấy điều này ra đổ lỗi cho sự khác biệt của con mình, có công bằng với chúng không?”
Dĩ nhiên, sau đó mối quan hệ của chúng tôi lạnh nhạt. Chị vẫn thế, không đổi. Con chị vẫn thế, vẫn là một thanh niên ham chơi, vô tâm và không ít sự ích kỷ.
Cũng giây phút đó, tôi mới giật mình: Vấn đề nằm ở chúng tôi, chứ không phải lũ trẻ.
********
Chúng tôi đã lựa chọn để đứa trẻ ôm khư khư cái máy điện thoại, bấm bấm tìm tìm, chơi game cả ngày không biết chán.
Chúng tôi đã lựa chọn để mặc chúng bơi giữa một biển thông tin; học theo cách yêu và thậm chí cách bạo lực trên mạng, hay một số bộ phim Hàn.
Chúng tôi đã lựa chọn việc thả, rằng trẻ con thời nay nó khác, rằng chúng phải được sung sướng và tự do hơn chúng tôi trong quá khứ, thì đó mới là phúc phần.
Chúng tôi đã sai.
Thời đại khác, cơ sở vật chất khác, hướng tiếp cận thông tin có thể khác. Nhưng cảm xúc, ý thức, trách nhiệm, và mẫu số chung về sự tử tế, chẳng thời nào khác thời nào.
Lũ trẻ đã bị bỏ bê về mặt cảm xúc thực tế, chạy theo thứ cảm xúc bù đắp quá khứ của cha mẹ chúng. Lũ trẻ đã tự sống với cảm xúc của chúng trong những gì chúng thấy trên thế giới phẳng, hoàn toàn tách rời khỏi những sẻ chia, bầu bạn với người lớn một cách chân thành.
Cảm xúc không có sự kết nối, thì ý thức cũng cứ thế mà đơn độc hình thành trong tâm hồn con trẻ. Không kết nối, làm sao mà tiểm điểm tựa cho trách nhiệm? Thân ai nấy lo, thế giới ai nấy tiếp cận, hỏi sao không ích kỷ?
Rồi sự tử tế cũng giảm dần đi trong tiến độ trưởng thành của con người.
********
Chị rất bận, anh rất bận, chị còn phải kiếm tiền, anh còn phải abcd, là câu nói thường trực. Nó là một chuỗi câu nói trong hành trình đổ lỗi. Con người ta ít khi nhìn vấn đề thực sự bắt đầu từ mình mà ra để mà giải quyết, thay vì cứ đi đổ lỗi như thể mình đứng ngoài các vấn đề, hoặc mình là nạn nhân.
Con trẻ không kết nối với cha mẹ. Cha mẹ không đủ văn hóa để tạo phông văn hóa cho con. Cha mẹ không đủ tử tế để con cái nhìn vào mà tử tế. Cha mẹ không đủ trách nhiệm để nhìn nhận vấn đề từ phía mình.
Và nữa, cha mẹ mặc cảm cho là mình đã lỗi thời với môi trường văn minh mà con cái đang tiếp nhận ngoài kia, nhất là những cha mẹ ở nông thôn và những thị dân trung trung. Đây là điều nguy hiểm nhất. Nó chẳng khác gì sự đầu hàng vô điều kiện.
********
Như tôi đã nói, thế hệ có khác, công nghệ có khác, thậm chí văn minh có khác nhưng cảm xúc, ý thức, trách nhiệm và sự tử tế, chẳng có thời nào khác cả. Thời nào bạn cũng phải yêu, cũng phải rung cảm trước cái đẹp, cũng phải làm những điều tử tế để cuộc sống đẹp lên.
Khi có đủ những điều trên, tôi chẳng lo việc mình không thể dạy được con trẻ.
Ít nhất thì, con trẻ sẽ không chọc phá, chửi cô giáo, ném dép vào cô, nói tục với người lớn, mất lễ mất nghĩa khi mới học lớp 7 và có thể có những hành xử kinh hãi khác khi tuổi một lớn hơn, nếu bạn không nhận ra vấn đề từ phía bạn.
Có những thứ mãi trường tồn, như chữ “lễ” của cha ông. Chúng ta đã để mất, thì dễ gì con cái chúng ta nó có lại?
HOÀNG NGUYÊN VŨ 06.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.