Bản đồ này là vào giai đoạn 50-54, giai đoạn mà chính phủ Quốc gia Việt Nam quản lý các đô thị Việt Nam, sách giáo khoa gọi là chính phủ Bảo Đại và thời gian này Hà Nội bị "địch tạm chiếm".
Chú ý mấy địa danh mà rất nhiều người hiểu sai lịch sử.
1. Dinh Toàn quyền đã chuyển thành Biệt điện Quốc trưởng (Bảo Đại). Người Pháp đã trả dinh này cho chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên ông Bảo Đại hiếm khi ở đây mà ở Đà Lạt là chính, ông và gia đình làm việc và sinh hoạt ở dinh 1, 2 bây giờ.
2. Dinh Thủ tướng (Quốc gia Việt Nam) ở vị trí bây giờ là sứ quán Trung Quốc. Tòa nhà khá đẹp kiểu Á đông lai Pháp. Hình như trước đây là nhà ông Hoàng Trọng Phu hay ai đó quan to cỡ đó, tự nhiên quên.
3. Chỗ Bộ Ngoại giao bây giờ (trụ sở cũ) là dinh Ủy viên Cộng hòa, tương đương Thống sứ Bắc Kỳ trước 45. Tức là người Pháp không dùng dinh cũ ở chỗ nhà khách chính phủ hiện tại, mà trả lại cho Quốc gia Việt Nam để làm dinh Thủ hiến Bắc Việt.
Trước đó tòa nhà dinh Thủ hiến này là Bắc Bộ phủ, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trước khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút lên Việt Bắc. Trước nữa, đó là chỗ làm việc của Khâm sai Bắc Bộ của Đế quốc Việt Nam (chính phủ Trần Trọng Kim) khi Cách mạng tháng Tám nổ ra.
Ba ý trên cho thấy là chính phủ Quốc gia Việt Nam đã giành lại để quản lý một số trụ sở đầu não trung ương. Ngoài ra, họ có đặt lại tên hai con đường, một là Nguyễn Tri Phương. Trước 45 đường này tên là Puginier, linh mục Pháp xây nhà thờ lớn Hà Nội, công to trong việc Pháp bình định Bắc Kỳ. Cái bùng binh nay là quảng trường Ba Đình cũng tên ông này, trong ảnh nó được đổi tên là Hồng Bàng
Đường thứ hai là Hoàng Diệu, cùng Nguyễn Tri Phương, là hai ông quan chống Pháp, đều tự vẫn khi không giữ được thành Hà Nội. Nhưng người Pháp chấp nhận. Hình như tên này do ông Trần Văn Lai thị trưởng Hà Nội thời Đế quốc Việt Nam đặt và Quốc gia Việt Nam không đổi lại.
Ở status của người khác, chỗ mình copy ảnh này (thực ra mình có bản đồ full mà lười chụp lại), có nói rằng cái vườn hoa be bé tên là Kính Thiên giờ biến thành cái vườn trước nhà bác Giáp!
Theo một tin đồn mà mình chưa thể kiểm chứng, thì nhà bác Giáp trước 45 từng là nhà của chánh mật thám Marty, ân nhân của tướng Giáp. Ai biết cụ thể về tòa nhà này xin giải đáp.
Đường Dân quyền, không hiểu sao lại bị chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi mất tên ! Chắc nhạy cảm phản động ?
Bên Hoàng thành trong bản đồ thấy vẫn còn nhiều nhà, bây giờ hầu như không còn gì, còn toàn nền nhà.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 22.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.