mardi 26 décembre 2023

Phạm Lưu Vũ - Vô phúc tử tôn...luận (2)

 

Tiến hay lùi về mặt tiến hóa trong luân hồi không ra ngoài nhân quả.

Quả báo gồm hai phần, nội quả là chính nhân vật được sinh ra, gọi là chánh báo, ngoại quả là cha mẹ, thời đại, xứ sở, bạn bè… gọi là y báo. Chánh báo do nghiệp quả đúc thành, y báo do nghiệp lực dắt đi.

Nghiệp lực lớn đến nỗi không ai có thể cưỡng, nhanh đến nỗi Phật cũng không đuổi kịp. Chỉ duy có các bậc thánh đạo mới có thể chọn chỗ mà sinh vì các ngài có đạo lực, trong trường hợp đạo lực thắng nghiệp lực. Bồ Tát thập địa trở lên thì ra vào luân hồi một cách tự tại mà không cần đạo lực, vì các Ngài có nguyện lực.

Bậc thánh vẫn có thể sinh ra ở những nơi quyền quý, cao sang. Nhưng là thiện gia, chứ không phải ác gia. Nhất định không sinh vào chốn vô đạo, hèn hạ, tiểu nhân, chuyên làm hại cộng nghiệp, nhân quần.

Cho nên nói cứ nhìn y báo (tức bố mẹ, bè cánh, thế lực…), thì biết con cháu những hạng quyền thế ngày nay là hạng như thế nào. Khó có thể trở thành người tử tế, bởi do ma lực dẫn vào, thì chỉ nhằm mục đích hưởng thụ và tiếp tục “sự nghiệp” tranh giành, để tham tàn và mọt nước, hại dân của đời trước mà thôi.

Bậc thánh hiền vẫn có thể sinh vào nhà vua chúa ở các đời đầu, nối được nghiệp đời trước, bởi đầu đời thì đức còn, triều đình vẫn còn thiện nhiều hơn ác.

Triều Lý đức được duy trì đến 8 đời mới cạn, triều Trần có Nhân tông là bậc thánh, triều Lê có Thánh tông là bậc minh quân, triều Mạc có Đăng Doanh là ông vua giỏi, ngay cả các đời chúa Trịnh, Nguyễn sau này cũng vậy. Trịnh Tùng con Trịnh Kiểm tài không kém Tào Tháo, Nguyễn Hoàng con Nguyễn Kim là bậc hiền nhân. Duy có nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ), vì âm nghiệp rất nặng nên đức mỏng, ngay đời sau (Cảnh Thịnh) đã cạn kiệt rồi.

Đức đã cạn thì khó có thể sinh con thánh, hầu hết đều do ma lực dẫn vào, nên sinh ra toàn những hạng chó lợn, dẫn đến sự sụp đổ của các triều đại là vì như thế.

Lịch sử lúc nào cũng rành rành ra đấy. Vậy mà các đời sau vẫn nhắm mắt làm ngơ, bất chấp lòng người, bất chấp dư luận… thì tại sao như thế?

Những người cộng sản không phải không biết đến dư luận. Thời Nhân văn giai phẩm, người ta còn xuất bản hẳn một cuốn sách, nhan đề: “Bọn Nhân văn giai phẩm trước TÒA ÁN DƯ LUẬN”, khiến bao người con ưu tú của đất nước bị điêu đứng. Nhưng thực ra là “dư luận” của cường quyền, do cường quyền tạo ra, chứ không phải dư luận của cộng đồng.

Vậy có tồn tại cái gọi là “Tòa án dư luận” hay không? Có. Nhưng kẻ nắm quyền thường lợi dụng để tranh giành quyền lực, để triệt hạ nhau, hơn là đếm xỉa. Bởi cái gọi là “Tòa án dư luận” thực ra là cộng nghiệp, do cộng nghiệp tạo ra, chứ không phải biệt nghiệp. Cộng nghiệp tạo ra tức là tòa án tâm linh, khác với tòa án quyền lực của chính quyền.

Tòa án quyền lực ra bản án trừng phạt ngay trong kiếp này, “Tòa án dư luận” chỉ tạo hiệu lực (quả báo) ở những kiếp sau, kiếp này không làm rụng một cọng lông. Chính vì thế người ta mới không thèm đếm xỉa, cứ mặt dày mà tham lam, giành giật chức quyền cho con cháu, bất chấp dư luận, bất chấp sự khinh bỉ của toàn xã hội.

PHẠM LƯU VŨ 24.12.2023

Phạm Lưu Vũ - Vô phúc tử tôn...luận (1)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.