"Đại Nam thực lục" chép tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà Vua cho lập Công Chính Đường và treo trống Đăng Văn ngay trước cổng.
"Đăng Văn" nghĩa là tiếng trống được ghi nhận tức thời. Cũng có thể hiểu là tiếng trống đánh lên vua nghe thấu. Dân gian nói gọn, "Trống kêu oan".
Công Chính Đường quy định những ngày 6, 16 và 26 của tháng làm nhật kỳ được đánh trống, nộp đơn. Phàm thần dân, tại kinh thành cũng như các tỉnh đều có quyền sử dụng trống Đăng Văn, nhưng không đúng thực sẽ bị trị tội.
Tháng chạp năm Minh Mạng thứ 15 (1834), nhà Vua quy định mỗi ngày cử một thuộc quan Công Chính Đường trực cùng phái viên của Tam Pháp Ty Bộ Hình. Khi có người đánh trống Đăng Văn kêu oan và nộp đơn, Tam Pháp Ty sẽ nhận và xem xét. Đồng thời, thuộc quan Công Chính Đường sao lưu phó bản. Nếu Tam Pháp Ty giấu hay để chậm trễ không xét đơn thì thuộc quan Công Chính Đường sẽ "tham hặc", vạch tội.
Tháng tư năm Minh Mạng thứ 18 (1837), để biết thấu dân tình, trong chuyến tuần thú Quảng Nam, Vua Minh Mạng đã sai đặt ở trước các sở hành cung mỗi nơi một trống Đăng Văn, để người dân nào có điều oan khiên đều được đến đánh trống.
Đến tháng chạp năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà Vua lại sai thông dụ cho các trực tỉnh, từ nay phàm các án đã bị quan phủ nêu ra hặc tội, nếu oan uổng thực, cho được ủy người đến kinh thành đánh trống Đăng Văn, không ty sở địa phương nào được ngăn trở.
Tiếng trống kêu oan được truyền tụng nhiều lại do một phụ nữ gióng lên. Năm thứ nhất Vua Tự Đức (1848), bà Nguyễn Thị Tôn từ Vĩnh Long đi ghe bầu ra Phú Xuân kêu oan cho chồng, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Chuyện là Tri phủ Bùi Hữu Nghĩa đã bênh vực dân chài bị quan lại địa phương nhũng lạm, không cho khai thác thủy sản trên kênh rạch. Hành động nghĩa khí của ông bị các đồng liêu thù ghét.
Tổng đốc Vĩnh Long cáo buộc Bùi Hữu Nghĩa xúi dân làm loạn. Triều đình tin theo Tổng đốc Vĩnh Long, liền cách chức và bắt giải Bùi Hữu Nghĩa về Kinh chờ ngày thọ án tử hình. Chính tiếng trống Đăng Văn thấu tai vua đã cứu mạng và trả lại danh dự cho Tri phủ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. (Xem ảnh)
Sử thần nhà Nguyễn khi ghi chép thành tựu về luật pháp của nhà Vua, sau khi ngài băng hà, có đoạn: "Hoàng thượng đã lập Công Chính Đường để sự đau khổ của dân gian được đạt lên, đã treo trống Đăng Văn để tiếng kêu oan của kẻ dưới được nghe thấu".
VĨNH QUYỀN 06.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.