Dư luận đang xôn xao về một trường hợp sắp bị thi hành hình phạt tử hình.
Mặc dù tử tội, gia đình và các luật sư bào chữa liên tục kêu oan và đưa ra nhiều dẫn chứng vi phạm quy trình tố tụng, nhưng chúng tôi không có bằng chứng khẳng định trường hợp này có oan sai hay không. Chúng tôi chỉ nêu những lý do nên bỏ hình phạt tử hình đối với mọi trường hợp.
Việc bãi bỏ hoàn toàn án tử hình là câu chuyện đang tranh cãi nhưng đang là xu hướng chung được sự đồng thuận trên toàn thế giới. Hiện tại, trong số 193 Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc, có tới 162 quốc gia đã không có vụ hành quyết nào trong ít nhất 10 năm, trong đó có 112 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật (tính đến năm 2019, theo Liên minh châu Âu). Như vậy là các nước còn duy trì án tử hình là rất ít trên phạm vi toàn thế giới. Trong số “rất ít” đó, có nước ta.
Những người ủng hộ bỏ án tử hình lập luận rằng, việc kéo dài chết chóc sau một vụ án là không cần thiết, rằng giết người không có tác dụng răn đe tội phạm, án chung thân cần được coi là sự cách ly cao nhất, rằng con người dù tàn ác tới đâu cũng cần được sống để có cơ hội hoàn lương. Đó là chưa kể những khiếm khuyết trong quá trình tố tụng có thể gây oan sai, hình phạt tử hình mà oan sai thì không thể sửa chữa được. Những lập luận đó được nhân loại văn minh chấp nhận. Liên hiệp quốc đã nhiều rất nhiều lần kêu gọi các quốc gia đình chỉ thi hành án tử, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn án tử hình khỏi luật pháp của tất cả các quốc gia.
Bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta, 1985, phải nói là mở đầu một giai đoạn của chính sách hình sự khắc nghiệt được luật hóa (trước đó tội hình sự dựa vào các các sắc lệnh hoặc pháp lệnh) với 4 lần sửa đổi, bổ sung vào những năm 1989, 1991, 1992, 1997, số tội danh có án tử hình tăng lên đến 44, chiếm chiếm 20,3% trên tổng số 216 điều luật về tội phạm.
Bắt đầu từ năm 1999, đánh dấu sự đảo ngược của chính sách hình sự theo hướng nhân đạo hóa. Là một phóng viên dự tất cả các cuộc thảo luận về Bộ Luật hình sự sửa đổi trong năm này, tôi không quên được hình ảnh Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thay mặt Ban soạn thảo tha thiết kêu gọi Quốc hội kế thừa tinh thần nhân văn của Bộ luật Hồng Đức nhằm giảm các tội danh có án tử hình, giảm nhẹ hình phạt đối với trẻ em và phi hình sự hóa một số tội (ví dụ : như phi hình sự hóa tội đầu cơ, quy định người thân không tố cáo nhau không có tội …).
Theo dõi các phiên thảo luận mới thấy, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng đồng thuận với chính sách hình sự giảm nhẹ, lạ lùng nhất là các đại biểu cầm bút (văn nhân) lại “sắc máu” hơn các đại biểu cầm súng (quân đội, công an). Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự được thông qua năm 1999 (có hiệu lực từ năm 2000) có một bước tiến rất lớn trong giảm nhẹ hình phạt. Riêng về tội tử hình, đã thu hẹp phạm vi áp dụng từ 44 tội danh xuống còn 29, chiếm 11% tổng số các điều luật về tội phạm, tức giảm gần một nửa so với trước.
Mười năm sau, Bộ luật hình sự 2009 tiếp tục bỏ khung hình phạt cao nhất có án tử hình xuống còn 22, chiếm 8% tổng số các điều luật.
Đến Bộ luật hình sự 2015 với lần sửa đổi năm 2017, số tội có án tử hình còn 18, chiếm 5,7 % và duy trì đến ngày nay. Như vậy là trong 30 năm, từ năm 1985 đến 2015, tội phạm có khung cao nhất là tử hình giảm 59 %. Đó là những nỗ lực rất lớn trong việc giảm nhẹ chính sách hình sự. Việc xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình đã được nhiều người đặt ra từ hàng chục năm nay, nhất là từ khi nước ta hội nhập với thế giới, nhưng chưa thấy có dấu hiệu là Việt Nam sẽ làm được trong tương lai gần.
Khó khăn lớn nhất trong việc loại bỏ hình phạt tử hình có lẽ xuất phát từ văn hóa và tập quán. Tâm lý “ơn đền oán trả”, “mạng đền mạng”, “nợ máu phải trả bằng máu” còn rất nặng nề trong dân chúng.
Tâm lý trên được nuôi dưỡng bởi những tác phẩm văn chương được phổ cập rộng rãi nhất như chuyện Tấm Cám, nhất là Truyện Kiều. Truyện Kiều, dù là một kiệt tác văn chương nhưng là một tác phẩm thiếu lòng khoan dung nhất (chuyện Tấm Cám xếp thứ nhì) trong kho tàng văn học Việt Nam ta.
Các văn nhân học giả của chúng ta đã ca ngợi Truyện Kiều lên tận mây xanh và đưa vào sách giáo khoa để dạy học trò nhiều thế hệ. Và nhiều thế hệ đó đã đồng thuận với cảnh “Máu rơi thịt nát tan tành/Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời”, chẳng có ai, chẳng có thầy giáo nào nghĩ rằng và nói với học trò rằng Tú Bà hay Sở Khanh tuy xấu xa độc ác nhưng tội không đáng chết, ngay cả đối chiếu với Bộ luật hình sự hà khắc nhất của nước ta thì tội của họ cũng không đến mức tử hình.
Tâm lý muốn giết chết những người xấu ăn sâu trong dân chúng đến mức dù Bộ luật hình sự 2015 quy định phạm tội nhận hối lộ (từ 1 tỉ đồng trở lên có khung hình phạt cao nhất là tử hình) nếu bị cáo sau khi bị kết án mà nộp lại ít nhất 3/4 tiền hối lộ đã nhận thì được miễn tử, nhưng dân chúng vẫn “gào thét” kêu gọi tử hình những kẻ nhận hối lộ số tiền lớn dù họ có nộp lại tiền theo đúng tỉ lệ hay không.
Có lẽ đó là sự cản trở lớn nhất khiến cho việc xóa bỏ hoàn toàn án tử hình khó trở thành một chương trình nghị sự, dù phần lớn các nước trên thế giới đã bỏ án tử hình.
Nguyên tắc của một xã hội nô lệ là “giết lầm hơn bỏ sót”, còn nguyên tắc của xã hội tự do là “thà bỏ sót hơn giết lầm”. Đối với những người yêu tự do, thà tha chết cho những người đáng chết còn hơn là giết lầm người vô tội. Bất cứ một vụ án nào, nếu có vi phạm quy trình tố tụng thì đều có khả năng dẫn đến oan sai, mà oan sai trong án tử hình sẽ không còn cơ hội sửa chữa. Đó là một trong những lý do nên bỏ án tử hình.
Và nguyên tắc của xã hội tự do còn cao hơn như thế nữa. Đối với luật hình của xã hội tự do, trừng phạt là tạo sự răn đe để ngăn chặn sự tiếp diễn của hành vi phạm tội, trong trường hợp đặc biệt nguy hiểm thì cách ly tội phạm ra khỏi cộng đồng để hắn ta không còn cơ hội tái phạm.
Với mục đích như vậy thì tù chung thân là sự cách ly cao nhất. Tử hình là không cần thiết đối với mục tiêu răn đe và cách ly. Nó chỉ thỏa mãn não trạng căm ghét đối với cái xấu chứ hoàn toàn không có tác dụng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, trong khi tước bỏ tất cả các cơ hội hoàn lương của của kẻ phạm tội.
HOÀNG HẢI VÂN 06.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.