Trên tấm vải Nguyễn Văn Chưởng bí mật gửi ra cho bố, mẹ từ xà lim tử tù, trại tạm giam Trần Phú của công an Hải Phòng, anh Chưởng viết nghệch ngoặc dòng chữ: BỊ ÉP CUNG Ở BẮC GIANG.
Bị nhục hình ép cung? Tôi tin chuyện này có thật!
Ngoài các trường hợp tổ công an điều tra, phá án bằng hình thức nhục hình để bức cung nghi can, chúng ta đã nghe từ chính nạn nhân Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn kể trong phiên tòa minh oan tuyên vô tội, gây phẫn nộ trong xã hội. Tôi cũng đã nghe kể về các hành vi bức cung loại này trước đó nhiều năm, từ một nạn nhân khác.
Tháng 10/ 2009, chúng tôi (vụ án có 6 người) bị di lý từ trại tạm giam B.14 Bộ Công an về " gửi" tại trại tạm giam Trần Phú của công an Hải Phòng, chờ ngày tòa án Hải Phòng (địa điểm chúng tôi " gây án") xét xử. (Xin độc giả lưu ý những ngôn ngữ tôi để trong ngoặc kép là ngôn ngữ của luật pháp nhà nước dùng cho chúng tôi. Ví dụ "Địa điểm gây án" thực ra là "địa điểm lập chiến công").
Tôi bị giam chung trong xà lim cùng khoảng 80 nghi can hình sự. Khi biết tôi đã từng viết báo, viết văn, quan tâm đến đời sống xã hội, một nạn nhân của biện pháp tra tấn bức cung, vừa được công an Bắc Giang trả về cho công an Hải Phòng, đã kể các biện pháp tra tấn của công an Bắc Giang khá chi tiết.
Chuyện thì dài, nhiều chi tiết, nhưng xin được cô đọng như sau:
Công an hình sự Hải Phòng ký giao kèo (ma quỷ) với công an hình sự tỉnh Bắc Giang. Nghi can nào người Hải Phòng, gây án ở Hải Phòng mà cứng đầu, không chịu khai báo các hành vi khớp với tổ công an điều tra đã tưởng tượng ra và tin là "Phải như thế mới lô-gíc", liền bị chuyển từ trại tạm giam Trần Phú, Hải Phòng lên trại tạm giam Kế, của công an tỉnh Bắc Giang. Tại đây nghi can bị nhục hình, bức cung và nhóm công an thực hiện nhục hình, bức cung lại là ... công an Bắc Giang.
Tại sao phải vậy? Tại sao phải đưa nghi can từ Hải Phòng lên tận Bắc Giang để nhục hình, bức cung? Tại sao không bức cung tại Hải Phòng? Tại sao công an Hải Phòng lại "ủy quyền" cho công an Bắc Giang tra tấn đối tượng thuộc thẩm quyền điều tra của họ?
Câu trả lời là để tránh hậu họa.
Kinh nghiệm của cảnh sát hình sự cho biết đã xảy ra các trường hợp nghi phạm bị tra tấn bức cung sau khi hết án, ra tù đã tìm cách trả thù kẻ đã tra tấn mình. Thời gian điều tra kéo dài, tên, chức vụ điều tra viên phải được ghi trong bản cung. Hải Phòng rất nhỏ, đàn em ở bên ngoài đông đúc, chỉ đứng ở cổng trụ sở công an là nhận ra mặt, tìm vài tháng là ra nhà. Chục năm sau trả thù cũng chưa muộn...
Từ kinh nghiệm này mà công an Hải Phòng phải nhờ công an Bắc Giang dùng nhục hình nghi can vụ án họ đang thụ lý. Bắc Giang cách Hải Phòng hơn 100 km. Dù người bị nhục hình ra tù có còn nhớ tên, nhớ mặt đối tượng, có ý định trả thù cũng phải cất công hơn, gặp nhiều khó khăn hơn và có ít cơ hội hơn. Ở chiều ngược lại công an Bắc Giang cũng gửi nghi can của họ xuống Hải Phòng.
Tôi hỏi người kể câu cuối cùng: Giữa hai bên, công an Hải Phòng và công an Bắc Giang, bên nào nghĩ ra phương pháp "Gửi người?. Được anh trả lời: Phương pháp (có thể/không chắc chắn lắm) do công an Hải Phòng nghĩ ra. Sau này tôi nghĩ thêm: Chỉ có công an Hải Phòng mới thông minh như thế! Chỉ có công an Hải Phòng mới có đủ cả phó giám đốc và giám đốc công an như Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca phạm tội hình sự.
Quay lại với trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng.
Từ câu chuyện đã nghe trực tiếp tại trại giam Trần Phú, Hải Phòng, liên hệ đến hai vụ trọng án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Hàn Đức Long đều xảy ra ở Bắc Giang, do công an Bắc Giang thụ lý, lần này nghi can Nguyễn Văn Chưởng cũng bị "gửi" lên Bắc Giang, tôi tin dòng chữ "BỊ ÉP CUNG Ở BẮC GIANG" của Nguyễn Văn Chưởng là có thật!
NGUYỄN XUÂN NGHĨA 06.08.2023
Tái bút: Theo lời kể chi tiết của tù nhân tôi được tiếp xúc tại trại tạm giam Trần Phú (Hải Phòng), tháng 10/2009, công an Hải Phòng chuyển nghi can cứng đầu lên Bắc Giang, "nhờ" công an Bắc Giang khai thác. Công an Bắc Giang khai thác xong, chuyển can phạm - bây giờ từ Nghi can đã thành Can phạm - kèm bản cung của can phạm về cho Hải Phòng. Công an Hải Phòng chỉ việc chép lại bản cung của can phạm khai với công an Bắc Giang, điều tra viên Hải Phòng ký tên, can phạm ký tên lại. Sau đó các bản cung tại công an Bắc Giang bị hủy. Hồ sơ vụ án trình lên Viện Kiểm sát và Tòa án hoàn toàn được "lập tại công an Hải Phòng".
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.