vendredi 4 novembre 2022

Nguyễn Gia Việt - Vài thắc mắc trong sự việc "KFC Thích Quảng Đức"

 

1. Những câu hỏi được dư luận đặt ra

Tại sao giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chỉ "phản đối" "KFC Thích Quảng Đức", mà nhũng cái khác liên quan tới tên những con đường cũng mang tên là sư, ni và nhiều danh nhân khác; cũng quán chiên, nướng, luộc nhưng im re?

Thí dụ như :

- Jollibee Vạn Hạnh

-  Lẩu cá kèo Sư Thiện Chiếu

- Vịt quay áp chảo Khuông Việt

- King BBQ Sư Vạn Hạnh. “Ăn cả thế giới” ở King BBQ Sư Vạn Hạnh chỉ từ 229k"

- KFC Lê Văn Sỹ, KFC Nguyễn Kiệm, KFC Vạn Hạnh Mall, KFC Nguyễn Tri Phương,

Bánh cuốn Tây Hồ, phở Hòa Pasteur, bún bò Huế Cống Quỳnh, Phở 24 Sư Vạn Hạnh, Galaxy Nguyễn Du ,mì khô xá xíu tôm mực Cô Giang, cơm tấm Trần Quý Cáp, cháo mực Phó Đức Chính, canh bún Võ Văn Tần, hủ tíu cá Calmette...

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, hình như chỉ có "Bồ tát" Thích Quảng Đức là trọng. Còn những nhân vật khác như Sư Vạn Hạnh, Sư Khuông Việt, Sư Thiện Chiếu, Ni sư Huỳnh Liên thì không đáng ra ...văn bản !

2. Dầu được một phe tôn vinh rằng : "Ngài Thích Quảng Đức là bậc chân tu Đại A la hán, hy sinh thân mình để bảo vệ và lưu truyền phật pháp tới tận ngày nay. Công đức này vô lượng vô biên, không sao nghĩ bàn", "Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam và của cư dân nước sở tại".

Nhưng thực tế không thể không thấy đây lại là một nhân vật còn là đề tài tranh luận của nhiều người Việt Nam. Tức là không phải ai cũng nghĩ như những người ca ngợi

Đề tài hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn được bàn luận, và vẫn đứng giữa lịch sử miền Nam Việt Nam như là một nhân vật còn gây tranh cãi.

Chuyện bị tranh cãi có lẽ là một điều đáng tiếc cho hòa thượng Thích Quảng Đức vì đã gần 60 năm trời rồi mà vẫn chưa xong.

3.Tỳ kheo Thích Quảng Đức là nhân vật tôn giáo, nhân vật lịch sử hay nhân vật chánh trị?

Người ta quen viết là hòa thượng Thích Quảng Đức, nhưng trong "Phật giáo tranh đấu", nhà xuất bản Tân Sanh, Sài Gòn, 1964 viết: "Báo New York Heral Tribune ngày 21/07/1963 viết Thượng tọa Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ Phật giáo đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một giàn lửa không phải là một người duy nhất có thể tự đốt mình”.

Nhiều bạn Phật tử nói ai mà viết "Thích Quảng Đức" mà không ghi "Ngài" hay "Hòa thượng" là hỗn hào. Tuy nhiên ông Trần Bạch Đằng viết trong cuốn "Mấy vấn đề về Phật giáo và tư tưởng Việt Nam", nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1986" thì kêu tên thẳng: “Đây là thời kỳ cái tinh túy của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận. Đó là hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, một kỳ công không bao giờ có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam tầm cỡ thế giới”.

Đã có hai quan điểm về nhân vật này:

Với những người thuộc phe Phật giáo và "chống" Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì ca ngợi "Bồ tát Thích Quảng Đức là bậc thánh xuất hiện giữa đời thường".

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm thơ ca ngợi:

"Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra ngồi nhập định về hướng Tây

Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ

Phật Pháp chẳng rời tay

Sáu ngã luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay

Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió

Người siêu thăng… giông bão lắng từ đây

Bóng người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề"

Ông là nhà sư, ông ở chùa thì là nhân vật tôn giáo rồi, quá logic. Nhưng những người nhìn về chánh trị thì không cho rằng cái "tự thiêu" của hòa thượng Thích Quảng Đức không thể không dính tới chánh trị.

Tại trước cửa đại sứ quán Cao Miên ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày 11.06.1963, nhà sư Thích Quảng Đức đã "tự thiêu", lý do thông dụng theo phe Phật giáo lúc đó là “nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chánh quyền Ngô Đình Diệm”.

Theo lá thơ ông viết và nhận mình là "tỳ kheo", lý do "tự thiêu" là "vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dưỡng chư Phật" "mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo".

Tức là gây sức ép bắt Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải làm theo bản tuyên cáo của phe ông đưa ra.

Không bàn về cách tự thiêu thế nào và có phù hợp với nhà Phật hay không.

Nhưng cách thức "tổ chức", tạo nghi binh đánh lừa cảnh sát, cho người nằm trước bánh xe cứu hỏa nhằm ngăn việc cứu người thì rõ ràng vụ "tự thiêu" này có tổ chức, kế hoạch từ trước, có lớp lang phân công trước.

Nói tự thiêu nhưng hòa thượng Thích Quảng Đức không tự một mình làm, mà là có rất nhiều người cùng tổ chức, tham gia giúp sức với một kế hoạch có từ trước.

Một nhà sư lấy vụ "tự thiêu" của mình để châm ngòi cho biến động chánh trị, "kêu gọi hàng triệu con người ở miền Nam, miền Trung "vùng lên bất chấp cường quyền, áp bức để cùng nhau xuống đường đấu tranh chống lại sự tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm", góp phần lật đổ một chánh thể chánh trị, thì không thể không có yếu tố chánh trị trong đó.

Dầu rất cẩn trọng, dù rất đề phòng, dù có thừa kinh nghiệm quản trị hành chánh, dù hiểu hết cái tâm tình tôn giáo của con người, ông Ngô Đình Diệm lại rơi vào cái bẫy. Yếu tố tôn giáo đã được khích đúng lúc, tạo nên một phong trào tranh đấu dữ dội, đi đến chỗ góp phần vào việc lật đổ chế độ.

Vụ "tự thiêu" có hơi hướm chánh trị rõ nét mà những người ca ngợi hòa thượng Thích Quảng Đức sau này không làm sao "bịt" được dư luận và lịch sử. Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tổ chức lễ truy điệu Hòa thượng Thích Quảng Đức, ông Nguyễn Hữu Thọ đọc điếu văn.

Cựu hoàng Bảo Đại,một người không thân thiện với Tổng Thống Ngô Đinh Diệm, trong cuốn "Le Dragon D'Annam" trang 348 viết thẳng: “Khi các sư sãi, do Mỹ và tay sai của Việt Cộng điều động, bắt đầu lao mình vào những cuộc biểu tình, thì nhà cầm quyền phải đối phó lại. Nhưng hai ông Diệm Nhu là người Công Giáo, vì vậy sự đối phó của nhà cầm quyền bị coi là mang màu sắc tôn giáo”.

- Phật giáo sau 1963 như một tấn trò đời

Học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong hồ ký có đoạn về Phật giáo sau năm 1963 tại chương XXIV : "Trong thời Ngô Đình Diệm, như tôi đã nói, Công giáo phát triển rất mau. Từ khi Diệm bị giết, Phật giáo phát triển còn mạnh hơn nhiều: chùa mọc lên như nấm (ngay trước nhà tôi, trong hẻm Kỳ Đồng, người ta dựng xong một ngôi chùa cây trong một đêm), cả những người không bao giờ bước chân tới chùa cũng tự xưng là Phật tử, các Thầy được kính như Phật sống; dĩ nhiên hạng chân tu rất hiếm.

Vị trụ trì một ngôi chùa nọ bảo tôi: "Có ở trong mền, mới thấy mền có rận. Không một nhà sư nào dưới sáu mươi tuổi mà không phạm giới; trong ngũ giới - sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngôn, uống rượu - họ chỉ tránh được giới cuối cùng".

Tôn giáo nào cũng vậy, nhất là Phật giáo rất tự do, không có quy chế chặt chẽ. Hễ phát mạnh quá thì chỉ có lợi cho giáo đường mà giáo lý phải suy, vì người ta phải theo những luật của các tổ chức kinh doanh, phải làm vừa lòng một số tín đồ, lập các đàn chay, hội hè, phải cúng sao, giải hạn... càng ngày càng xa đạo lý nguyên thủy.

Một số thượng tọa thời đó được chính quyền kính nể, vì có công lật đổ chế độ nhà Ngô, nên họ muốn gì được nấy; ai theo họ thì được họ ủng hộ để giành quyền hành. Trong dân gian đã có câu: "Nhất đ*, nhì Thầy, tam tướng, tứ?..." (tôi quên). Câu đó tóm được tình trạng xã hội sau năm 1963".

4. Cái tháp thờ duy nhứt giữa ngã tư đường mưa nắng, bụi trần

Một cái tháp biểu tượng tôn giáo đứng ở ngã tư đường là một chuyện rất kỳ lạ trong lịch sử Miền Nam. Nhiều bạn đi ngang ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu hỏi về cái tháp.

Người Việt Nam rất ngộ ! Ngoài đường có rất nhiều miếu cô hồn nhang khói cho người bị tai nạn giao thông bỏ mình. Tục này có từ lâu. Nhưng rồi có vị sư mất giữa ngã tư thì đệ tử, đồng sự của ông lại xây tháp ở chỗ đó.

Tháp là một dạng thờ tự của bên Phật giáo, tại sao một biểu tượng của tôn giáo không nằm trong khuôn viên tự viện mà lại đứng giữa ngã tư?

Tôn giáo chỉ có quyền xiển dương ở phạm vi bốn bức tường của tôn giáo mình mà thôi.

- Vì sao có tháp?

Cái tháp ở ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt được xây dựng năm 1965,tức sau khi đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963. Có lẽ ông tướng nào đó trong hội đồng quân nhân Việt Nam Cộng Hòa “làm ngơ” cho bên Phật giáo đem tháp ra đường nhằm làm vừa lòng, lấy lòng phe này.

5. Danh xưng “Bồ tát” Thích Quảng Đức do ai phong?

Ngài Thích Quảng Đức là vị Bồ tát không có trong kinh điển của Phật. Trong phong trào tự thiêu chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, có 31 người tự thiêu, nhưng chỉ duy nhứt nhà sư Thích Quảng Đức là có đặc ân làm "Bồ tát".

Đức Phật ngày xưa lại xiển dương sự bình đẳng giữa người và người. Trong Phật giáo thì người nào cũng có thể thành Bồ tát và thành Phật.Tuy nhiên xưa rày chưa có ai xưng và được tôn xưng là Bồ tát và Phật vì họ có đạo hạnh chưa bao giờ là hoàn hảo.

Chỉ vì "tự thiêu" mà thành Bồ tát mà không có công trình học thuật nào để lại thì quá đơn giản.

NGUYỄN GIA VIỆT 04.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.