ĂN TỐI
Thế là xong chuyện ăn vặt, giờ tính chuyện ăn tối. Người ta thường bảo: Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như hoàng đế và ăn tối như một kẻ ăn mày. Tui không nghĩ thế, có thể ăn tối nhẹ nhàng hơn một chút nhưng cũng nên chọn món ngon mà ăn chứ, tội gì ăn như hành khất nhỉ!
Mình lên đường đi ăn tối nhé! Buổi trưa ta đã ghé Bà Béo, giờ ta đến Cơm Tấm Bà Ròm cho nó đều nha.
Đây là quán cơm tấm bình dân, chỉ cần trong túi 50.000 đồng là có dĩa cơm đủ món sườn, bì chả lại thêm chén soup có thịt. Sang hơn một chút thì gọi thêm chén canh khổ qua dồn thịt cũng ngọt ngào.
Quán nằm đầu hẻm gần Cầu Kiệu, mở bán khoảng 15 giờ chiều, dẹp tiệm vào khoảng 21 giờ. Quán có mặt ở địa chỉ này đã 30 năm rồi, là nơi có nhiều khách quen vì hợp khẩu vị, lại được sự niềm nở chào hỏi của bà chủ quán. Vợ chồng chủ quán đều ròm như nhau.
Cứ chạy xe trên đường Phan Đình Phùng, thấy đầu hẻm 55 có một bếp than tỏa mùi thơm của thịt nướng, ghé vào sẽ thấy một xe trên đấy bày mấy món ăn nhìn đã thấy muốn ăn. Dù quán bên hẻm nhưng sạch sẽ, món nào ra món đấy nên thực khách khá đông. Ở đây có các món để làm nên một dĩa cơm tấm ngon đúng vị gồm sườn, bì, chả, lại thêm nhiều món thay đổi hàng ngày để khách chọn như gà sốt tiêu, ếch xào ngũ vị, xíu mại sốt cà, cá chiên sả, phá lấu, cà ri gà, mực dồn thịt...
Nhưng ngon nhất và được nhiều người chọn là sườn nướng. Sườn ở đây mềm, thịt ngọt thơm, dĩa cơm bưng tới đã thoảng mùi thơm của thịt nướng. Bà chủ bảo thịt được ướp ngoài những gia vị phải có của món sườn nướng, bà còn ướp thêm mật ong, do vậy miếng sườn khi nướng tới độ lửa sẽ không khô, không xảm, ăn vào có vị thơm đặc biệt. Chả ở đây cũng ngon, không nhão quá mà cũng không khô quá. Miếng chả vàng ươm trên mặt gợi cảm khiến dịch vị tiết ra. Chả ở quán được làm với thịt xay nhuyễn với 3 loại trứng, đó là trứng tươi, trứng vịt muối và trứng bắc thảo.
Bà Ròm bảo các món ăn ở đây đều do nhà chọn nguyên liệu và chế biến, bảo đảm tươi ngon và vệ sinh. Có lẽ nhờ ngon, rẻ và sạch cộng với cách tiếp khách niềm nở và thân thiện đã giúp cho xe cơm tấm của bà đã tồn tại suốt 30 năm nay và có số khách thân quen và đông đảo. À! Trà đá ở đây free nha, cứ tự nhiên gọi nhiêu cũng được.
Muốn ăn sang hãy đến nhà hàng Tuấn Tú ở Thái Văn Lung. Đây là nhà hàng bán món Bắc. Quán đẹp, sang, trang trí thanh nhã. Bạn nào muốn chụp hình đưa lên face là hợp đấy. Ngày trước mới mở quán cũng chảnh lắm. Hồi đó còn nằm bên Trần Cao Vân, muốn ăn phải hẹn trước, không hẹn không tiếp. Nhà hàng hồi đó là một căn nhà có cánh cổng bằng gỗ màu nâu luôn luôn khép lại, chỉ khi bạn bấm chuông mới có người ra mở cửa, giống như là chủ nhân chỉ chờ đợi những thực khách thật sự sành ăn và yêu thích món ăn mà thôi. Kiểu ấy không hợp với dân Sài Gòn nên khi dọn về Pasteur đã thay đổi buôn bán bình thường, cứ ai thích thì vào ăn. Thời gian sau chuyển qua địa chỉ này rộng rãi, khang trang hơn.
Quán có lắm món ngon xứ Bắc, nhưng có mấy món tui thường gọi khi đi với bạn bè là chả rươi, chả ốc, cá chép kho riềng mấy chục tiếng đồng hồ nên ăn chẳng bỏ gì kể cả vảy, cả xương cá. Tất cả đều mềm rục, rất ngon. Lại thêm món ếch om măng Lạng Sơn, canh sấu hay canh ngêu thì là ăn mát giữa trưa hè. Nếu muốn ăn thêm ở đây còn có mấy món Lẩu riêu cua ốc, ngan luộc xáo măng, gà nấu tắc, lươn om hoa chuối, cá dứa Vũng Tàu kho, thịt heo luộc mắm tôm, chả cá lăng, thịt heo nướng riềng mẻ...Ở Tuấn Tú còn có nhiều món ăn sáng cũng đặc biệt, mời đến thử một lần cho biết. Đi với bạn bè, người thân đến quán này là tiện, món ăn ngon và giá cũng không đắt lắm khi được ngồi và được phục vụ trong một quán ăn thanh lịch như thế này. Chút nữa quên, quán có mấy món uống cũng hay hay của miền Bắc.
Ai thích món Huế hãy ghé Ngự Bình. Quán mở cửa từ 3 giờ chiều, khoảng 6 giờ là bắt đầu hết món. Rằm, mồng một nghỉ. Đây là nơi bán mấy món ăn rặt Huế, kể cả cách trang trí quán cũng như hương vị món ăn. Chỉ có mấy món thôi, bánh bèo tôm chấy, chả Huế, bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh khoái, nem nướng, bún bò và chè đậu xanh đánh nấu kiểu Huế.
Có lẽ ngon nhất ở đây là nước chấm. Nước chấm ăn với bánh bèo là nước rất ngọt của tôm - khi hấp tôm trộn với chút nước mắm ngon nên ngọt thanh - ăn với bánh bèo là ngon hết biết. Những món khác chấm với tương xay trộn với gan nhuyễn, béo, đậm vị, ăn với bánh khoái, bánh ướt thịt nướng hay nem nướng thì thôi, ngon miệng mà nhức nách kkk. Đã từng chấm món tương này ở quán, tui tin là khó kiếm ở đâu có món tương ngon như ở đây.
Bún bò cũng ngon, nước trong, thanh chỉ có điều thịt hầm bở quá, hết độ dai của thịt bò nên nhiều khách không thích lắm. Lại thêm vì nấu kiểu thanh cảnh quá nên không nghe mùi ruốc, sả, hai thứ cần có ở tô bún bò Huế. Tô bún bò ở đây đúng chuẩn ở chỗ chỉ có giò heo với bò, không chả cua, không chả tôm, không chả lụa, không huyết heo.
Quán rất sạch sẽ, bàn lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận, từng cái chén, đôi đũa, cái muỗng đều được chăm chút chi li. Khách đến để thưởng thức món ăn, không xô bồ, chẳng ồn ào, ai cũng nói năng nhẹ nhàng tạo cho không khí của quán rất hay. Quán là căn nhà trong một cư xá nhưng trang trí giản dị mà thanh lịch, nhìn ra sân có những chậu bonsai xanh mướt và một hồ cá nhỏ rất mát mắt. Trong tủ mấy món đồ cổ men trắng vẽ xanh nhìn sang lắm. Phục vụ cũng tốt.
Tui khoái món chè đậu xanh ở đây, bởi nấu theo đúng kiểu của Mạ tui, cứ ăn đặc trong chén mới cảm thấy đúng chuẩn vị chè đậu xanh đánh của xứ Huế. Bỏ vào ly đá mà ăn theo kiểu Nam là mất chất Huế rồi. Đây là quán tui thường xuyên ghé ăn chiều từ hồi bà xã tui còn sống cho đến bây giờ, chắc cũng tròm trèn ba bốn chục năm.
Cũng là món miền Trung, đây là bánh canh cá lóc Quảng Trị. Quán nằm trong hẻm đường Phạm Văn Hai gần Nguyễn Trọng Tuyển. Người ta thường gọi là cháo bánh canh. Món ăn này gọi tên lạ thật vì nó gồm có đến ba thứ trong một tô. Vừa là cháo, vừa là bánh lại vừa là canh. Ngộ thật chứ.
Bánh canh ở đây làm bằng bột gạo, ở quê hương của nó người ta cán đến đâu nấu đến đó không như ở đây. Cá lóc lặt hết xương, ướp hành, tỏi, tiêu, nước mắm, bột nêm vừa ăn. Khi cần cho chút dầu vào chảo, xào sơ cho cá chín rồi cho vào tô bánh canh. Khi ăn, người ăn có thể nêm thêm ớt, nước mắm tuỳ khẩu vị. Hành ở đây được xắt nhỏ mịn, cho vào ăn rất thơm ngon. Nếu bạn muốn thêm chén hành, bạn phải trả thêm tiền đấy. Món ăn dân dã nhưng lạ miệng nên ăn không ngán. Buổi chiều tối ăn thế cũng vừa. Đây cũng có bán thêm bánh bột lọc, thích thì kêu một dĩa nhưng nên chấm với nước mắm mặn có ớt thì đúng điệu hơn.
Gần đấy là quán Chị Dậu. Vừa là quán nhậu nhưng cũng là quán ăn có nhiều món lạ. Đi khoảng 4 người, kêu một mâm heo tộc, bạn có thể thưởng thức 7 món chế biến từ heo. Heo tộc là heo mọi, heo cắp nách của người dân tộc. Nhỏ con nhưng chắc thịt, ít mỡ, thịt đậm. Khi gọi mâm này ta có heo luộc, heo nướng, lòng, rựa mận, giả cầy với bún, xáo măng, xôi nếp, cháo. Món nào ăn cũng vừa miệng. Quán cũng còn có nhiều món khác, cần cứ kêu sẽ được phục vụ tận răng.
Muốn ăn thịt dê hãy chạy qua Hoàng Văn Thụ cũng gần đấy. Đây là quán mới mở của diễn viên hài Trường Giang, có nhiều món từ hấp đến nướng, từ lẩu đến cà ri, từ luộc đến xào. Tất cả đều là từ dê. Giá từ 120.000 đến 935.000 đồng/món. Ta có thể gọi món dê tái chanh với vị thịt dê tươi ngọt, ngấm vị chanh hơi chua chua, ăn kèm các loại rau sống và ớt. Ngoài ra, quán dê của Trường Giang còn có dê tái riềng, gỏi dê đậu rồng, chả dê lá chanh, chả giò dê với mức giá 155.000 đồng/phần. Món dê hấp tía tô cũng ngon không kém khi chấm với chao. Mấy món dê nướng cũng cực kỳ hấp dẫn nhờ được tẩm ướp rất thấm và nướng đúng lửa.
Mấy món Dê nấu khổ qua, khoai sọ, chuối đậu hay các món hầm sả đu đủ, hầm đậu đen, đậu phụng cũng rất độc, nên thử qua cho biết. Ở đây cũng có mấy món dê xào như dê lúc lắc, dê xào lá lốt, lá cách, xào khế chua hoặc các món nầm dê áp chảo hay nướng mọi, nấu cà ri, xào lăn hay giả cầy. Món nào cũng được cho điểm khá cao. Nhìn chung giá cả có hơi cao hơn mấy quán dê bình dân nhưng được cái chế biến ngon, phục vụ tốt nên tuy đắt một chút nhưng được khách rất đông. Đi với bạn bè khoái ăn dê nên ghé đây là hợp cho một tối ngon, no và vui.
Không thích heo, không ưa dê, xin mời ra Thanh Đa ăn thịt vịt. Quán vịt Thanh Đa nổi tiếng lâu quá rồi, không cần giới thiệu ai cũng biết nên không vào chi tiết nữa. Hãy đến gọi một dĩa gỏi vịt, một tô cháo, muốn ăn thêm, gọi dĩa lòng, thế là đủ một buổi tối được nạp đầy năng lượng.
Giờ ta chạy vào Chợ Lớn nhé. Trong này thì nhiều lắm những món ăn, muốn gì cũng có. Tui chỉ giới thiệu với các bạn hai món thôi, kể cho đủ phải vài chục trang mới hết. Trước tiên là món hàu trứng chiên. Chỉ là quán vỉa hè xập xệ thôi, nhưng độc lắm à nghen. Hàu ở đây là con hàu bé tí người ta thường dùng để nấu canh, nấu cháo như con nghêu nhỏ vậy. Người Hoa ở quán này dùng nó chiên với trứng thành một món ăn độc lạ. Quán chỉ bán từ 7 giờ tối cho tới khuya.
Quán có mặt ở vỉa hè này từ trước 1975, chỉ toàn mấy người đàn ông đứng bếp và phục vụ. Hàu đựng trong tô, đập hai cái trứng gà, cho hành lá vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Khách gọi bắc chảo cho dầu nóng lên, cho bột rây vào chảo. Khi bột vừa giòn, đổ tô hàu trộn trứng vào thành một tảng. Mảng hàu trứng bột vừa vàng, trút ra dĩa, thêm chút rau xà lách, ngò cùng chén nước chấm chua ngọt. Hàu trứng giòn ngoài, mềm trong, cái béo ngọt chất hải sản của hàu cộng với mùi trứng chiên, thêm chút rau xanh thành một hương vị rất riêng. Tuy ngon lạ nhưng cũng khó mà ăn được quá hai dĩa vì cũng dễ ngán, dù chờ đợi khá lâu.
Bên kia đường, xuống một quãng gần Bưu điện Chợ Lớn có một xe bột chiên cũng nổi tiếng. Nó nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Món bột chiên ở đây khác với Đạt Thành ở chỗ chiên mềm, không giòn và ăn chung với xá bấu, một loại cải muối đặc biệt của người Hoa hoặc ăn với đu đủ bào. Bột chiên với mỡ chứ không chiên dầu nên miếng bột béo và thơm mùi mỡ. Trước đây người ta sợ ăn mỡ, tìm ăn dầu nhưng y học cho rằng ăn mỡ với lượng vừa có lợi cho sức khoẻ hơn ăn dầu. Hơn nữa các món hủ tiếu xào, mì xào dùng mỡ ăn ngon và thơm hơn dầu nhiều lắm. Miếng bột thơm, béo, thơm hành lá với chén nước chấm đặc trưng, thêm chút tương đỏ. Đúng điệu giang hồ Chợ Lớn rồi đấy.
Xong, ghé một trong những quán chè ở khu này làm một ly là đủ béo, mặn và ngọt. Ở quán không tên đường Trần Quý có món chè hột gà trứ danh. Hột gà nấu với vài vị thuốc Bắc, chút trà xanh với đường phèn nên vị ngọt thanh thơm vị thuốc. Hột gà bùi béo trộn lẫn mùi thuốc, mùi trà tạo thành một món chè vừa lạ vừa quen. Lạ hương vị và quen với quả trứng gà ta thường ăn.
Ngoài quán này cũng còn một số quán như chè Nhà Đèn (chè Cột Điện), chè Tường Phong, chè Hà Ký cũng bán món chè hột gà. Ở quán Hà Ký đầu đường Châu Văn Liêm, sát ngôi nhà cổ bỏ hoang đồn có ma có món chè khúc bạch nổi tiếng. Cũng nên ăn mấy món chè lạ như chè trái dâu nấu từ dâu tây tươi, ăn chua chua ngọt ngọt, mát rượi. Hay chè đậu phộng, đậu hũ hạnh nhân thơm mùi bọ xít đặc trưng, quy linh cao vị nhân nhẩn đắng, chè bạch quả, sâm bổ lượng. Đặc biệt món đu đủ tiềm nấm tuyết, táo tàu ở đây ngon và có lợi cho tiêu hóa. Chè Sâm bổ lượng Nhà đèn có tới hơn 10 món (củ năng, phổ tai, nhãn nhục, hạt sen, củ sen, bo bo…). Quán cũng có món chè hột gà nấu với bột báng rất độc đáo. Bột báng nấu chín và lúc còn nóng hổi, xổ vào một lòng đỏ trứng gà còn sống, trộn đều lên và ăn, không hề bị tanh mà còn bổ dưỡng.
Muốn ăn chè bo bo đậu hũ ky bạch quả, chè hạnh nhân cùng các loại chè thông dụng như hột sen, đậu đỏ, đậu xanh, nhãn nhục, mè đen thì ghé quán chè Lâm Thạnh lâu đời, cũng nằm trên đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, cách chè Nhà Đèn không xa. Cũng không quên món chè mè đen mà người Hoa gọi tên là Chí ma phù ở quán 49 Phùng Hưng, chè mè đen ở quán này vừa béo ngậy, lại không ngọt, không đặc quá, không loãng quá.
Chè người Hoa được nấu từ hầu như tất cả các loại nguyên liệu từ như các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen), củ (khoai lang, khoai sọ, củ năng), hạt (bo bo, hạt sen, ý dĩ...) quả (táo tàu, nhãn nhục, trái vải, đu đủ...) các vị thuốc (hoài sơn, kỷ tử, thục địa) cho tới những thứ mang nguồn gốc động vật (trứng gà, trứng cút, tuyết giáp, mai rùa...). Thích thứ gì chiều thứ đó. Ăn mệt thì nghỉ he he. Giá cũng rất bèo, không cần nhiều tiền vẫn ăn được vài món.
Thế là ta vừa xong buổi tối, cũng vừa hết một ngày. Nói thiệt, nếu ăn hết quán ở Sài Gòn, sợ đi hết 365 ngày cũng chưa trọn. Một người bạn rủ tui làm cuốn tự điển về quán ăn Sài Gòn, chỉ liệt kê sơ sơ thôi cũng lên đến hơn 5.000 quán, ăn chi cho nổi. Do vậy, những hàng quán tui kể trong bài này chỉ là số tượng trưng, những quán tui thường lui tới, có quán tui đã từng ăn cơm tháng ở đấy.
Chuyện ăn uống cũng còn tùy khẩu vị, thói quen của từng người. Có thể tui thấy ngon mà người khác cho rằng chẳng ngon. Ngon chỉ ở mức tương đối thôi. Cho nên quý bạn đọc xong bài này cũng không nên bảo là thiếu quán này, chẳng thấy tiệm kia, sức đâu mà kê cho hết. Đọc cho vui khi cơn đại dịch vừa đi qua, cũng là có vài địa chỉ có khi cần đến để vui cùng bè bạn. Cũng chỉ "Mua vui cũng được một vài trống canh" thôi mà.
Cám ơn các bạn đã chịu đọc một bài dài thiệt là dài, chỉ đánh chữ không đã thấy mỏi tay rồi. Ăn cho hết chắc cũng sái quai hàm và cũng hao lắm bạc dù tui tránh mấy quán sang, đắt tiền rồi đấy nhé. Chúc mọi người vui sau cơn đại dịch. Sau những bi thương, sau cơn bệnh nặng của Sài Gòn mà còn được khoẻ mạnh, còn được thưởng thức những món ăn bình dị của đất này cũng là điều hạnh phúc. Chúc vui khỏe.
ĐỖDUY NGỌC 17.10.2021
Đỗ Duy Ngọc - Ăn mà không chơi sau cơn đại dịch (1)
Đỗ Duy Ngọc - Ăn mà không chơi sau cơn đại dịch (2)
Đỗ Duy Ngọc - Ăn mà không chơi sau cơn đại dịch (3)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.