Mong ước của người dân Sài Gòn là được giải phóng mọi hàng rào, chốt chặn khắp thành phố để mọi người đi lại thoải mái. Mong ước ấy đã thành hiện thực vào sáng sớm ngày 1/10. Niềm vui giản đơn mà nhọc nhằn vỡ òa sau mấy tháng tù túng.
Thành phố đã cân nhắc, suy tính và cả đấu tranh quan điểm để đi đến quyết định cuối cùng. Cám ơn sự dũng cảm của lãnh đạo thành phố.
Sài Gòn bật dậy như lò xo nhưng vẫn dè dặt. Người Sài Gòn sợ “Chống dịch như chống giặc” theo nghĩa đen nhưng sợ dịch hơn sợ giặc. Không ít người lo lắng, hoài nghi quyết tâm mở cửa Sài Gòn. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phải đối mặt với đủ thứ khó khăn bước đầu hậu dịch với tam giác đều của 3 mục tiêu cùng lúc – Giảm lây nhiễm và tử vong - An sinh - Phục hồi kinh tế.
Thực tế chứng minh là sau gần tuần mở cửa, số ca nhiễm và tử vong Sài Gòn đều giảm. Có lẽ do người dân phấn khởi, thoát khỏi không gian bí rị nhà trọ, nhà phố; có thêm việc làm và thu nhập, bữa ăn được cải thiện phần nào nên sức đề kháng mạnh hơn? Cuộc chiến chống dịch của Sài Gòn sang trang nhưng vẫn bộc lộ nhiều lúng túng.
Người dân quá mệt mỏi với kiểu chống dịch bất nhất“Sáng nắng, chiều mưa”; “Đùng một cái”, “Nay nói thế này, mai nói thế khác”…. Các địa phương vận dụng theo chủ quan như các tiểu vương biệt lập. Cùng chủ trương, mỗi địa phương làm một cách. Chỉ có người dân, cấp phường xã thừa hành và lực lượng kiểm soát chốt chặn là tối mặt thực hiện với đủ thứ áp lực.
Nhiều cách làm khó hiểu, đến cán bộ cũng chưa thông nói chi người dân. Sài Gòn mở cửa từ 1/10 nhưng báo chí ngày 2/10 đưa tin “Quốc hội họp bàn việc từng bước mở cửa đưa cuộc sống về bình thường mới”. Sau khi mở cửa mới bàn thì bao giờ mới xong, có nghị quyết rồi nghị định, huớng dẫn thực hiện? Trách gì các địa phương không lúng túng. Có nơi phải mạo hiểm xé rào để cứu dân và chống dịch hiệu quả.
Sự lúng túng thể hiện rõ nhất trong việc xử lý các tình huống của phường xã. Từ việc khẳng định bánh mì không phải là thực phẩm (Khánh Hòa); tiền không phải là hàng cấp thiết (Ninh Thuận); khóa cửa 278 hộ gia đình (Thanh Hóa); phá khóa, còng tay, cưỡng chế nữ giáo viên yoga đang dạy online trước mặt các con nhỏ, áp giải đi xét nghiệm (Bình Dương)…
Những việc trên, cán bộ thừa hành đều làm nhiệt tình quá mức cần thiết, tưởng giúp chống dịch tốt hơn, không ngờ công thành tội, bị xử lý, thậm chí mất chức. Suy cho cùng, họ là những người tốt, đáng thương hơn đáng trách và không đáng bị mạng xã hội ném đá như vậy. Càng lúng túng càng cho thấy sư thiếu chuẩn bị của các cấp.
Chuyện Sài Gòn mở cửa làm tôi nhớ tập Cửa Mở của nhà thơ Việt Phương (1928 – 2017), thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1970, tập Cửa Mở hơn cả bom tấn nổ vào thành trì cực đoan, ngây thơ, ấu trĩ mà cứ tưởng là chân lý. Tác giả vạch trần sự phi lý vì cứ khăng khăng “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”. Nhà thơ không vui vì chiến thắng trên xác người “Bác (Chủ tịch Hồ Chí Minh) không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp. Con xóa chữ đẹp đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con”…
Cách đây khá lâu, tôi nhớ khoảng hơn 20 năm, báo Tuổi Trẻ Chủ nhật có cuộc phỏng ván thú vị về nhà thơ Cửa Mở. Phóng viên hỏi ông về những sóng gió của tập thơ và tác giả với nhiều câu cắc cớ. Đại ý là thái độ của ông về những đồng chí lên án kịch liệt với những lời lẽ nặng nề, đao to búa lớn, đòi ông phải bị kỷ luật thích đáng. Ông có oán trách họ không?...
Nhà thơ từ tốn và nhỏ nhẹ “Tôi không giận, trách ai cả. Những người tiên phong mở cửa luôn phải chịu đủ thứ gian nan thử thách. Suy cho cùng, họ là những người tốt. Họ tưởng làm như vậy là yêu nước, là thương đồng chí mình?” Ông cười buồn xa vắng “Đó là hệ quả của sự dốt nát chân thật”.
Tôi viết in hoa kết luận quá hay và quá đúng của ông – SỰ DỐT NÁT CHÂN THẬT để mọi người cùng suy nghĩ và chủ động hơn, không bị lúng túng trong chống dịch, an sinh và phục hồi kinh tế.
NGUYỄN VĂN MỸ 05.10.2021 (Tác giả gởi cho trang Thụy My)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.