Mục Sự Kiện Bình Luận trên Báo Lao Động có tựa bài bằng từ ngữ rất tượng thanh và thô thiển trong văn hóa ẩm thực của dân thủ đô ngàn năm văn hiến: “Thực khách Hà Nội xì xụp bát phở, dân Sài Gòn … “thèm”.
“Xì xụp” là trạng từ - mô phỏng tiếng như tiếng húp mạnh liên tiếp, bổ nghĩa cho động từ “húp”. Nhưng tác giả dùng nó như động từ, khiến người đọc hình dung “thực khách Hà Nội húp nước phở rột rột, dân Sài Gòn nghe chảy nước miếng"!
Tác giả có lẽ thỏa mãn với cách “chơi chữ” của mình nên bỏ ba dấu chấm trước chữ ... "thèm" - nằm trong ngoặc kép. Không ngờ, tác giả bị chữ chơi lại, tựa bài trở thành phép “quy đồng sở thích ăn phở” của người Hà Nội cho dân Sài Gòn. Nói theo nhà báo Cù Mai Công “Mang món vùng này nhấn vô miệng miền khác là 'dzô dziên'".
Sau khi bị mạng xã hội chửi, báo Lao Động sửa lại tựa có tính “áp đặt ước mơ” và “cưỡng chế ăn uống” đối với dân Sài Gòn: “Người Sài Gòn mong được ăn phở tại quán như người Hà Nội”, trong khi tác giả không trích lời của một người Sài Gòn nào!
Sau đó, VTCNews bắt chước Lao Động viết bài có tựa “Bún – phở “tới công chuyện” với hội mê ăn ở Hà Nội, anh em Sài Gòn chỉ biết ước!”. Tại sao hai nhà báo này đều giỏi chơi chữ và bỏ dấu như vậy?
Bún và phở mắc mớ gì xài gạch nối? “Tới công chuyện” nằm trong ngoặc kép để hàm ý gì? “Tới công chuyện" hiểu nôm na là “có việc gì tới thì mình phải làm thôi”. Nhưng, với cộng đồng mạng, "tới công chuyện" ám chỉ: "sắp có biến", "không ổn rồi", "có chuyện không ổn tới nơi rồi". Tựa phải hiểu là: “Sắp có chuyện với hội mê ăn ở Hà Nội, anh em Sài Gòn chỉ biết ước”.
Ban tuyên giáo đã suy nghĩ giùm mọi chuyện cho người dân, “báo lố” lại “cưỡng chế ước mơ, mà không đền bù” cho dân Sài Gòn là sao?
Rồi, VTC tả chân: “Suốt mấy tháng vừa rồi, hẳn bạn đã thèm lắm một bát phở bò nóng hổi với quẩy giòn tan, thêm quả trứng chần húp cái rột. Có thể nói, phở là phải ăn nóng ngay tại bàn, mua mang về thì nguội mà tự nấu thì cứ thiếu thiếu đi cái gì đó”.
Hóa ra, báo Lao Động và VTC muốn nói chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không cho các quán phở bán ăn tại chỗ như Hà Nội, mà bán mang về thì nó nguội không húp cái rột đã miệng!
Hai bài báo đều dùng “phở” đại diện cho tất cả món ăn Hà Nội. Giống như nói “Honda ôm” là nói thay cho tất cả nhãn hiệu xe máy chở khách!
Báo chí đang làm tăm tối tiếng Việt!
MAI BÁKIẾM 15.10.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.