mercredi 13 octobre 2021

Hà Quang Minh - Cám ơn ông Park Hang Seo

 

Vậy là đã tròn 4 năm ông Park Hang Seo trở thành huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Đó là 4 năm rất đẹp đối với người hâm mộ, những người đã đợi rất lâu rồi để được tận hưởng những tấm huy chương ở khu vực và châu lục.

Họ thần tượng ông, điều đó là tất nhiên. Thậm chí, họ gọi ông bằng “thầy Park”, cách gọi của những cầu thủ đội tuyển quốc gia dành cho ông. Và rất có thể ông Park sẽ còn gắn bó thêm với bóng đá Việt Nam vài năm nữa (ít nhất là vậy), đủ để trở thành vị HLV trưởng có “triều đại” kéo dài nhất lịch sử đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Trong các bình luận của tôi, ở cương vị một “chém gió viên bóng đá”, có một câu hỏi tôi thường được hỏi rất nhiều lần. Đó là “Theo anh, triết lý của bóng đá Việt Nam là gì?”. Trước những câu hỏi ấy, tôi chỉ cười (bằng một icon). Kể ra, nếu triết lý mà là một nụ cười, hoặc đem lại nụ cười, đó cũng là thứ triết lý đáng giá.

Thực chất, nếu muốn nói đến triết lý bóng đá, ta cần minh định đến hai loại triết lý khác nhau. Thứ nhất là triết lý chơi bóng, và thứ hai là triểt lý làm bóng đá.

Thường thì triết lý làm bóng đá mang tính phổ quát, và nó phục vụ cho triết lý chơi bóng đá. Tuy vậy, triết lý chơi bóng đá lại thường được đặt ra bởi chủ thể làm bóng đá, ví như chủ tịch một câu lạc bộ hay Chủ tịch một liên đoàn. Các chủ thể này muốn thứ bóng đá của đội bóng đại diện cho mình chơi theo cách nào, họ sẽ đặt hàng một HLV hoặc tìm kiếm HLV có triết lý tường đồng. Số ít vẫn có những chủ thể không định hình triểt lý chơi bóng và họ phó mặc toàn bộ cho HLV, miễn sao là hiệu quả.

Triết lý bóng đá của đội tuyển Việt Nam, qua ông Park Hang Seo, chúng ta đã rõ. Nó thể hiện ngay trong cách chúng ta chơi bóng ở cả sân chơi khu vực lẫn châu lục. Đó là chơi phòng ngự phản công, dựa trên sự chắc chắn của hàng phòng ngự và sự tinh tế, khôn ngoan của các tiền vệ. Gần như 100% người hâm mộ đều nhận ra diện mạo này. Nó được duy trì chắc chắn, bền bỉ, ổn định bởin ông Park cùng một thế hệ tuyển thủ trẻ trung suốt bốn năm rồi.

Còn triết lý làm bóng đá của Việt Nam là gì? Đây là câu hỏi không ai trả lời được hoặc nếu có trả lời được có khi họ cũng không nói. Những người làm nghề bình luận, phân tích bóng đá lâu năm cũng chỉ có thể đoán ra triết lý làm bóng đá ở VIệt Nam là gì thông qua tổng kết những sự việc, những hiện tượng mà họ nhìn thấy mà thôi. Họ không dám cả quyết. Đơn giản, giới bóng đá Việt Nam không có triết lý. Khi họ không tuyên ngôn về một triết lý thì càng đồng nghĩa rằng không có một triết lý nào được thừa nhận cả.

Cách đây 9 năm, trong một lần trò chuyện với HLV trưởng đội tuyển quốc gia Pháp, ông Didier Deschamps, tại trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Pháp, tôi có được ông chia sẻ một quan điểm dựa trên một sự kiện của làng bóng đá Pháp. Đại ý, ông nói rằng một tuyển thủ của ông không chỉ là một nhà thể thao chuyên nghiệp, chất lượng mà còn phải là một tấm gương cho thế hệ thanh niên Pháp cùng thời. Tôi nhận ra, đó chính là một dạng triết lý của những người làm bóng đá Pháp.

Và khi liên tưởng tới cái biệt danh “Black, Blanc & Beur” của họ, tôi càng nhận thấy triết lý của bóng đá Pháp rất rõ ràng. Black: Đen, ám chỉ những người gốc Phi. Blanc: Trắng, những người châu Âu bản địa. Beur: Màu bơ, ám chỉ những người gốc Bắc Phi từ các quốc gia thuộc địa cũ của nước Pháp. Họ cấu thành không chỉ đội tuyển quốc gia Pháp mà họ cấu thành cả một xã hội Pháp đương đại.

So sánh triết lý nền bóng đá Việt Nam với nền bóng đá Pháp là một so sánh trời ơi đất hỡi. Họ là người mang bóng đá sang Việt Nam. Họ có nền tảng kinh tế, xã hội khác hẳn Việt Nam. Văn hóa của họ khác hẳn với văn hóa của ta. Cái nào của họ hay thì ta học nhưng không có nghĩa “Tây cái gì cũng hay”. Và đòi hỏi theo kiểu “Anh, Pháp, Đức họ làm thế này thế kia, sao ta không làm theo” lại càng là đòi hỏi phi lý, và đôi khi, ngớ ngẩn.

Nhưng kể chuyện ấy ra cũng chỉ để muốn xác định một quan điểm. Đó là không chỉ bóng đá mà trong cả ngàn vạn ngành nghề khác, khi một triết lý được đặt ra, nó chính là phản chiếu rất chính xác của diện mạo xã hội ấy. Và nếu hệ thống lại những gì xảy ra trong làng bóng đá Việt Nam, chúng ta có thể dám nói rằng “không một triết lý nào được tuyên ngôn, nhưng trong cách làm của những người quản lý bóng đá hiện nay, có những triết lý rất rõ rệt đã được thể hiện và nó phóng chiếu chính những gì đang là tập quán của xã hội Việt đương đại”.

Thứ nhất là triết lý thời vụ, triết lý vị thành tích. Với những người làm bóng đá VIệt Nam, cái “quyết thắng” của một trận cầu, một giải đấu nó to hơn bất kỳ một mục tiêu lâu dài nào khác. Hãy thử nhìn vào danh thủ Nguyễn Quang Hải. Khi cậu đã là một trụ cột của đội tuyển quốc gia, cậu vẫn bị triệu tập cho U23 để phục vụ mục đích phải đoạt bằng được tấm huy chương vàng SEA Games. Và kết cục là Hải có một năm phải đá hơn 60 trận chính thức, một con số mà những danh thủ hàng đầu thế giới cũng hiếm khi đạt tới. Kết cục, đoạt huy chương vàng SEA Games xong rồi chúng ta được gì? Nền bóng đá Việt Nam có tiên tiến hơn các nền bóng đá Đông Nam Á nhờ vào tấm huy chương vàng ấy hay không?

Ở các nền bóng đá khác, cực kỳ hiếm trường hợp người ta đưa một cầu thủ trụ cột ở hệ đội tuyển quốc gia xuống đá phục vụ một giải U (giải trẻ), trừ phi đó là Olympic. Họ làm thế là vì hai việc. Đầu tiên, không vắt kiệt sức các cầu thủ trụ cột. Thứ hai, tạo không gian phát triển cho thế hệ kế cận. Chỉ khi nào cả quốc gia không kiếm đủ nhân lực dàn trải nhiều cấp độ đội tuyển thì mới có sự tận dụng (nhưng khéo léo) nhân sự ở đội tuyển chính cho tuyến dưới.

Còn ở Việt Nam, dù rằng tình hình đào tạo bóng đá trẻ vẫn khá èo uột, nhưng nhân sự cho các tuyến đội tuyển là không thiếu. Chính vì sự ám ảnh thành tích mà người ta coi việc có một lứa tuyển thủ tốt là cơ hội không thể không tận dụng. Từ đó, nảy sinh cách làm bóng đá theo “triết lý tận dụng, triết lý cơ hội, triết lý vị thành tích, triết lý thời vụ” đầy manh mún. Và ai dám tuyên ngôn về triết lý đây khi cách làm bóng đá của họ là như thế?

Và cách làm bóng đá vụn vặt này không chỉ rơi vào hệ đội tuyển mà còn cả ở cấp câu lạc bộ (CLB). Điển hình như chuyện gần đây, một trung tâm đào tạo trẻ của một nhà đầu tư lớn vốn dĩ được lập ra cùng ước nguyện “đưa bóng đá Việt Nam đi World Cup” đã được bán cho một nhà đầu tư khác. Nhà đầu tư mới tất nhiên sẽ có mục tiêu, ước nguyện riêng và khác của mình. Bản thân nhà đầu tư này, sau khi mua lại một CLB bóng đá chuyên nghiệp, cũng dấy lên kế hoạch định lấy tên một đội bóng đã từng có lịch sử và truyền thống của bóng đá Việt Nam để làm tên mới cho CLB của mình một cách đầy khiên cưỡng. Nói công bằng, nó chính là kế hoạch muốn đánh cắp lịch sử của người khác. Cách đi tắt này chẳng phải là thời vụ thì là gì? Còn cái ước nguyện “đi World Cup” kia thì đâu rồi?

Kiểu nhà đầu tư bóng đá như thế ở Việt Nam thì nhiều. Họ làm bóng đá cũng vì yêu bóng đá đấy nhưng vì lợi ích khác liên quan đến kinh doanh riêng nhiều hơn. Không thiếu ví dụ về chuyện đầu tư cho một CLB chỉ vì lãnh đạo địa phương ấy mê bóng đá nên nhà đầu tư mới dùng bóng đá để đánh đổi. Hết nhiệm kỳ, lãnh đạo mới mà chán bóng đá, chắc chắn nhà đầu tư cũng buông đội bóng ngay.

Quay lại nhìn mặt bằng chung xã hội, soi vào chính bản thân chúng ta, cái chủ nghĩa cơ hội, cái ám ảnh lợi ích ngắn hạn, cái bệnh thành tích ấy nó có phải là bệnh chung không? Đừng nhìn to tát quá, nhìn vào mỗi gia đình cũng đủ hiểu.”Con phải vào đại học cho gia đình nở mày nở mặt chứ” chính là một dạng bệnh thành tích nặng, thứ thành tích nhiều khi chỉ mang báo cáo trước bàn thờ.

Từ cái ám ảnh về thành tích, thành quả ngắn hạn ấy nó sinh ra nhiều hệ lụy. Đơn cử là chủ nghĩa công thần. Mới đây thôi, trên Facebook nhà văn Nguyễn Quang Thiều có đăng tải bài viết về ông Park Hang Seo, cho rằng ông là người có công duy nhất vực dậy nền bóng đá này. Rồi nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Thái cũng chia sẻ đại khái “ông Park có công như thế thì sai một chút cũng không sao?”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Thái là dân ngoại đạo với bóng đá, họ đến với bóng đá bằng tình yêu hâm mộ đơn thuần nên chúng ta cũng không cần mổ xẻ chuyện đúng-sai ở quan điểm của họ. Nhưng điều họ nói thể hiện đúng cái chất chung của xã hội Việt là thích “du di cho người có công”. Chính tư duy này làm gãy đổ mọi hành vi phản biện tích cực. Sai là sai, đúng là đúng, làm gì có chuyện vì có công nên có quyền sai.

Đội tuyển quốc gia như thuyền, nền bóng đá như nước. Nước lên thì thuyền lên chứ đâu ai lấy tay mà nâng thuyền mãi được. Và nền bóng đá cũng như thuyền, xã hội như nước. Mặt bằng chung trong xã hội ưa chuộng kiểu triết lý sống gì thì nền bóng đá sẽ mang y chang một triết lý như thế mà thôi.

Mới đây thôi, có một đồng nghiệp gửi cho tôi một tin nhắn đại ý “cùng ngày này 4 năm về trước, ông Park trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì Chipu trở thành ca sĩ”. Cô Chipu đi làm ca sĩ 4 năm, và cô định hình rất rõ mình là một nhân vật giải trí chứ không phải là một ca sĩ nghệ thuật. Đấy chính là triết lý riêng. Còn triết lý riêng của nền bóng đá Việt Nam là gì, sau 4 năm ông Park có mặt? Nó vẫn vậy thôi, y như thời chưa có ông Park, chưa có thành tích lớn. Xem ra, cái gì gắn tới lợi ích cụ thể của cá nhân, người ta xác định nhanh và rõ còn gắn với cái chung, họp mãi cũng không xác định xong.

Nói chung, phải cảm ơn ông Park vì bốn năm gắn bó ông mang lại quá nhiều điều tích cực cho bóng đá Việt. Nhưng nếu có thay ông Park bằng một HLV tinh hoa hơn, và sau đó mang lại nhiều thành tích dữ dội hơn đi nữa, thì vẫn phải nhìn nhận rằng triết  lý làm bóng đá Việt Nam cũng sẽ không khá khẩm hơn gì khi mặt bằng xã hội là như thế này. Và lần nữa phải cảm ơn ông Park vì ông đủ dũng cảm gắn bó với một nền bóng đá “nguy hiểm” như thế này cũng như việc gắn bó của ông đã giúp chúng ta cùng dấy lên câu hỏi hôm nay: “Triết lý làm bóng đá ở Việt Nam là gì?”…

HÀQUANG MINH 13.10.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.