Bạn nơi xa inbox hỏi “Chị ơi, chị ổn không, Sài Gòn ổn không? Sáu ngày không thấy chị viết gì, em lo…”.
Trả lời, chị chưa sao giữa một Sài Gòn vẫn chưa ổn. Đúng hơn, Sài Gòn đau thương. Không thể dùng từ nào khác. Sự nghiệt ngã, sinh tử không còn chỉ là “nghe nói”, mà đang xảy ra đây đó, xảy ra quanh ta, trong các gia đình.
Các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế vất vả, nhiều áp lực. Người bệnh chết tại nhà, gọi xe cấp cứu trong vô vọng. Người chết chậm được mang đi, người thân chết không tiền mai táng, không có người thân ở nhà để lo hậu sự…không còn là chuyện đẩu đâu, gây ngạc nhiên nữa.
Có những gia đình tan tác.
- Anh bạn tôi có con trai bị nhiễm Covid, về nhà lây cho cha mẹ. Người con trai F0 được đưa đi cách ly hôm trước, hôm sau ông bố (suy thận) trở bệnh nặng. Gọi xe cấp cứu nửa ngày không được, chiều anh mất. Y tế đến nhà đưa anh đi thiêu, hôm sau đến lượt chị vợ được đưa đi bệnh viện dã chiến.
- Bạn đồng nghiệp của chồng tôi, đưa mẹ vô bệnh viện cấp cứu, test nhanh ra anh và mẹ dương tính, anh được đưa đi bệnh viện dã chiến. Từ bệnh viện vài ngày sau, anh nhận tin mẹ anh và đứa em trai cùng nhà đã mất vì Covid. Họ không còn gặp nhau nữa.
Những người tử vong vì Covid giờ không chỉ là người cao tuổi, bệnh nền, mà còn là những người trẻ, hoàn toàn khỏe mạnh. Như chồng của bạn tôi, tử vong vì Covid hôm qua ở tuổi 42, một cái chết “trở nhanh” đến độ vợ cậu sững sờ “không thể tin được”. Và hôm nay, tin hai em nhỏ côi cút rời bệnh viện dã chiến về nhà ngoại ở sau khi ba mẹ em và ông nội đã tử vong vì covid, đã làm bao người rơi lệ…
Sài Gòn đau thương. Nhưng vẫn còn một Sài Gòn thương nhau, san sẻ tràn đầy. Tình thương, sự chia sẻ như một dòng sông, vẫn chảy không ngừng. Những chuyến xe yêu thương vẫn tiếp tục chở lương thực thực phẩm tiếp tế cho bà con khó khăn, khu phong tỏa, vật tư y tế cho các bệnh viện. Những trạm ATM oxy, những chuyến xe xuyên đêm giới nghiêm đưa bình oxy tiếp cứu người bệnh trong cơn hiểm nghèo đây đó. Thành phố hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng đối với bệnh nhân tử vong do Covid-19, quân đội tiếp nhận, giao tro cốt người mất vì Covid đến tận nhà…
Nhiều trung tâm hồi sức tích cực được khẩn trương thành lập, nhiều đoàn y bác sĩ từ các tỉnh thành đã đến giúp Sài Gòn …Số liệu bao nhiêu ca nhiễm mới dường như cũng không còn nhiều ý nghĩa/chuẩn xác, khi mà việc xét nghiệm đại trà không còn thực hiện. Khi mà nhiều ca F0 đã tự điều trị tại nhà, nhiều người dân tự xét nghiệm Covid…được quan tâm nhiều hơn là bao nhiêu ca tử vong vì Covid mỗi ngày.
Những ngày này, đội ngũ y tế đáng được quan tâm nhiều nhất. Nhiều hội nhóm đã “tiếp tế” vật tư y tế cho các bệnh viện, những bữa ăn, nước uống cho các y bác sĩ. Họ cũng có cha mẹ, con cái, nhiều người một, hai tháng rồi chưa được về nhà. Họ, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh. Họ, suốt ngày phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức, bất tiện, tiếp xúc trực tiếp với các F0…mà vẫn ngần ngại/tiếc giá khẩu trang 3M N95 (được hỗ trợ) đắt quá (vài chục ngàn/chiếc), một bộ đồ bảo hộ an toàn level 4 giá 200.000/bộ mặc chỉ 8 tiếng là bỏ.
“Thay vì các chị hỗ trợ bệnh viện em khẩu trang N95, thì cho tụi em vài chục bộ bảo hộ được không, level 3 được rồi chị ạ”- cô bác sĩ bệnh viện G rụt rè nói với tôi. Vâng, giờ tôi mới hiểu level của đồ bảo hộ y tế. Level 4 tốt nhất, cũng đồng nghĩa đắt nhất. “Level 3 được rồi” … họ cần sự an toàn cao nhất, nhưng đành lựa chọn như một phần hy sinh vì hoàn cảnh khó khăn.
Tôi chạy xe qua chung cư bạn, cách nhà tôi 300 mét để cho cô ấy một ít trái cây rau củ. Vài tháng rồi chúng tôi ko gặp nhau. Tôi đặt túi rau sang bên kia rào dây giăng. Chúng tôi cách nhau 4m nói vài câu thăm hỏi. Bạn bảo “Hết dịch rồi, em ôm chị một cái nhé!”, cả hai cùng cười mà mắt cay. Không thể nghĩ được, một cái ôm hay khoác vai thân mật bạn bè có ngày phải hẹn. Hai ngày trước, em chồng bạn, một bác sĩ vừa qua đời vì Covid.
Hôm nay, tôi nói với chồng trong bữa cơm chiều: “Chúng ta phải sống đã, phải đi qua đại dịch này. Những việc khác không còn quan trọng nữa!”.
ĐỖ NGỌC 11.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.