"Mặc dù bản chất của con người là đối thoại và tương tác với nhau, thân thiện với nhau, nhưng lúc này không phải là lúc thể hiện những hành vi đó ... Đừng nói chuyện với ai ... "
"Có lẽ sẽ đến lúc ở một số địa điểm chúng ta phải đeo khẩu trang nhiều năm ... Ở một số nơi có nguy cơ cao, có thể bạn sẽ phải xuất trình chứng chỉ vaccine để được vào".
Thế nhưng trước đó cũng chính người này nói rằng khẩu trang không phải là thứ bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm.
Người nói những câu đó là ai? Đó là Kerry Chant, bác sĩ và có chức danh 'Chief Health Officer', tức là cố vấn y tế cho tiểu bang New South Wales (Úc).
Nếu chú ý các bạn thấy ở các nước trong khối Commonwealth như Anh, Úc, Canada, Tân Tây Lan, v.v. có chức danh 'Chief Health Officer' hay 'Chief Medical Officer' (CHO hay CMO). Trong đại dịch, những người với chức danh CHO/CMO xuất hiện khá thường xuyên bên cạnh các lãnh đạo chánh trị, và phát biểu về những vấn đề liên quan đến dịch.
Đa số họ đều phát biểu chừng mực, đưa ra những khuyến cáo mà có lẽ dân trong ngành y đều biết, nhưng dĩ nhiên họ nói với công chúng hơn là với đồng nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một số ít người có những phát biểu rất khó nghe, và tiêu biểu là những phát biểu tôi trích ở trên.
Vậy, các cố vấn y tế này là ai và họ có nhiệm vụ gì?
Hóa ra, chức vụ CHO/CMO có nguồn gốc từ thời thế kỷ 18-19 bên Anh. Thời đó, ở Anh có trận dịch tiêu chảy, và nhu cầu y tế công cộng được đặt ra. Chánh phủ thấy vai trò của cố vấn y tế rất quan trọng nên tạo ra chức danh CHO.
Còn ở Úc, chức vụ CHO này chỉ mới xuất hiện từ năm 1982. Lý do là ở Úc, người đứng đầu Bộ Y tế (Tổng giám đốc) và Bộ trưởng không nhứt thiết phải là bác sĩ hay người trong ngành y. Do đó, chánh phủ Úc thấy có nhu cầu cho một chức vụ chỉ dành cho người thuộc ngành y. Thoạt đầu họ gọi là CMO, sau này đa số đều dùng chức danh CHO. Mỗi chánh phủ - liên bang hay tiểu bang - đều có một CHO.
Họ là một loại công chức (public servant) cao cấp. Sếp của họ là Tổng giám đốc Bộ Y tế, cũng là một công chức cao cấp. Theo cách phân chia đẳng cấp ở Úc, CHO đóng vai trò cố vấn cho chánh phủ. Vì không do dân bầu, nên CHO không có quyền điều hành (executive). Nhiệm vụ chánh của họ là cố vấn các vấn đề về an toàn sinh học, tiêm chủng, và dịch tễ học. Họ còn là một 'cầu nối' giữa Bộ Y tế và các hiệp hội y khoa, đại học, và những đối tác về y tế.
Vì là công chức, bản chất của CHO là phục vụ cho và trung thành với những người thầy chánh trị (tức thủ tướng, thủ hiến). Do đó, thỉnh thoảng, vai trò của CHO cũng 'đong đưa' giữa chánh trị, y khoa và y tế công cộng.
Điều đó đặt ra câu hỏi là trong thời gian khủng hoảng như đại dịch, các CHO có thật sự trung lập đưa ra các khuyến cáo dựa vào hiểu biết chuyên môn, hay là chỉ nói theo và làm hài lòng các ông chủ chánh trị của họ.
Như đề cập trên, người giữ chức CHO phải là người trong ngành y tế, nhưng họ thường có chức danh khoa bảng cao hơn sếp của họ. Đa số đều có chức danh giáo sư tại các đại học. Chẳng hạn như CMO của chánh phủ liên bang là bác sĩ Paul Kelly, một chuyên gia dịch tễ học và Giáo sư danh dự của Trường Y, Đại học Quốc gia Úc. Ông còn đảm trách chức vụ biên tập học thuật cho tập san Frontiers in Public Health Policy. Ông hay xuất hiện bên cạnh Thủ tướng Morrison.
Ở mỗi tiểu bang các CHO cũng thường có chức danh giáo sư (như ở bang Victoria, Tasmania, Queensland, Nam Úc), nhưng cũng có ngưởi chỉ là bác sĩ (như bang New South Wales).
Riêng ở Anh, các CHO đều có chức danh giáo sư thực thụ. Có lẽ một trong những CHO nổi tiếng nhứt ở Anh là ông Jonathan Stafford Nguyen Van-Tam, Giáo sư y khoa thuộc Đại học Nottingham và chuyên gia dịch tễ học. Xin nói thêm rằng ông ấy là cháu nội của Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Tâm (người gốc Cai Lậy) và cháu gọi tướng Nguyễn Văn Hinh là chú.
Ở Mỹ tuy không có chức vụ CHO như các nước trong khối Liên hiệp Anh, nhưng có chức cố vấn tương đương và người đang giữ chức đó là Bs Anthony Fauci.
Theo tôi biết thì Việt Nam không có chức vụ như CHO hay cố vấn y tế? Trong đại dịch lần này, TPHCM có tổ chức thành các nhóm tư vấn, nhưng hình như cũng không có một CHO đúng nghĩa. Trong tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn ra trong tương lai nên chăng TPHCM tạo ra một chức vụ mới có chức năng tương đương với CHO bên Úc.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 28.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.