Kiểu truyền thông cố ý hoặc vô tình làm lợi cho phía này, gây hại cho phía khác, nếu đặt trong chiêu thức cạnh tranh, nó bị xem là truyền thông bất lương.
Nó triệt để khai thác “Kỹ thuật thổi phồng nỗi ám ảnh sợ hãi” (Narrative techniques of fear mongering) đã được Barry Glassner, nhà báo kỳ cựu trình bày chi tiết từ năm 2004 trong Tạp chí khoa học của Đại học John Hopkin (Hoa Kỳ).
Trong thực tế, EO là chất hóa học có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng: nước rửa chén, chất khử trùng bệnh viện, nước rửa sàn nhà. Khi bạn hút một điếu thuốc, khói sinh ra cũng chứa EO.
Hiểu cho đúng, nó là chất sát khuẩn, đương nhiên có hại cho sức khỏe. Nhưng trong trường hợp này, truyền thông trong nước gọi nó là "Thuốc trừ sâu", đặt bên cạnh bệnh "ung thư", biến thành từ khóa tạo nên ám ảnh sợ hãi cho người tiêu dùng. Khi đưa tin trung dung, khách quan, không kèm giải thích hay kết luận nào, truyền thông đã vô tình tạo nên sự lo lắng, e ngại bị đe dọa về sức khỏe, có thể dẫn đến hành vi tẩy chay một sản phẩm.
Chưa biết có thật sự nguy hiểm cho sức khỏe thật hay không, nhưng nếu là âm mưu, rất có thể nó sẽ giết chết tươi một doanh nghiệp với mặt hàng chiếm thị phần hàng đầu trong nước.
Doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng có lỗi, xuất phát từ việc thiếu quan tâm đến tâm lý và quyền lợi của người tiểu dùng. Để cả tuần lễ sau khi có thông báo thu hồi từ Ireland, rồi sau đó hệ thống Amazon của Anh và Đức phải phát thư thu hồi sản phẩm Hảo Hảo họ mới có giải thích chống chế.
Không chủ động ra thông cáo giải thích ngay từ đầu, tuyên bố cách thức giải quyết ngay từ đầu, doanh nghiệp đã bỏ qua khâu quản trị truyền thông quan trọng. Họ đã không có biện pháp cần thiết để kiểm soát và dự báo khủng hoảng đúng lúc. Để cho báo chí - truyền thông tự phát hiện, đăng tin khách quan nghĩa là họ đã để cho "ám ảnh sợ hãi" tự do lan truyền, khuyếch đại.
Khủng hoảng truyền thông kéo dài, tăng cấp độ thì e sẽ khó tránh dẫn đến khủng hoảng thực tế. Không cần âm mưu, không cần thủ phạm nào cả, doanh nghiệp cũng tự trở thành nạn nhân do xử lý khủng hoảng truyền thông kém, chậm và cẩu thả. Rất có thể là do họ đánh giá sai: thị trường Ireland quá bé nhỏ so với thị trường nội địa đang tiêu thụ phần lớn sản phẩm mì Hảo Hảo.
Cho dù Acecook đã tuyên bố sẽ điều tra, chấn chỉnh; cho dù Cục Quản lý An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã vào cuộc và sớm có kết luận, khủng hoảng truyền thông cũng đã xảy ra.
Chúng ta thận trọng, không muốn mắc bệnh tật, nhưng chắc cũng chẳng ai muốn tiếp tay bóp chết một doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhất là khi mọi thứ chưa rõ ràng và sản phẩm là một "mặt hàng thiết yếu", giá rẻ, quen thuộc với nhiều người, nhất là trong giai đoạn khó khăn, dịch dã. Vì thế, hãy thận trọng!
DƯƠNGPHONG 29.08.2021 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.