Một bản tin nhỏ nhưng quan trọng trên báo Tuổi Trẻ: TPHCM làm 170.000 xét nghiệm nhanh và phát hiện 6.000 mẫu dương tính. Anh Phó giám đốc Sở Y tế nói rằng tỉ lệ này (3.5%) là ok vì 'vẫn thấp hơn tỉ lệ 5% của Tổ chức Y tế thế giới.'
Không phải đâu. Thấy vậy mà không phải vậy. Tôi nghĩ tỉ lệ đó đáng báo động.
Vấn đề là tỉ lệ nhiễm thật là bao nhiêu? Nhấn mạnh là 'thật', hay nói theo ngôn ngữ dịch tễ học là 'true prevalence'.
Nếu phương pháp xét nghiệm nhanh có độ chính xác 100% (tức 100 người bị nhiễm thì nó sẽ cho ra 100 ca dương tính, và 100 người không bị nhiễm nó sẽ cho ra 100 ca âm tính) thì tỉ lệ thật là 6.000 / 170.000 = 3.5%.
Nhưng phương pháp xét nghiệm nhanh có 2 sai sót: dương tính giả và âm tính giả. Theo nghiên cứu trong y văn [2], cứ 100 người bị nhiễm thì phương pháp nhanh sẽ phát hiện chừng 50 ca (tức tỉ lệ âm tính giả là 50%). Và, cứ 100 người không bị nhiễm thì phương pháp nhanh sẽ cho ra 99 ca âm tính (tức tỉ lệ dương tính giả là 1%). Do đó, con số chúng ta quan sát 3.5% ca dương tính KHÔNG có nghĩa là tỉ lệ nhiễm thật là 3.5%.
Vậy tỉ lệ nhiễm thật là bao nhiêu? Không biết chính xác. Nhưng có thể ước tính qua tỉ lệ dương tính (P = 0.035) và độ nhạy (Se = 0.50) và độ đặc hiệu (Sp = 0.99) như sau:
PREV = (P + Sp - 1) / (Se + Sp - 1) = (0.035 + 0.99 - 1) / (0.50 + 0.99 - 1) = 5.1%
Nói cách khác, tỉ lệ nhiễm thật trong cộng đồng là 5.1%, tức cao hơn mức độ của WHO (5%).
Câu chuyện không ngưng ở đó. Vấn đề là con số 3.5% dương tính đó là lấy từ một mẫu. Câu hỏi là nếu các giới chức tiếp tục lấy mẫu nhiều nhiều lần thì tỉ lệ nhiễm nhật (PREV) sẽ dao động ra sao? Nói cách khác, khoảng tin cậy 95% của PREV là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi này hơi khó, vì phải tính phương sai của PREV. Tuy nhiên, cũng có cách tính mà tôi không mô tả ở đây, nhưng các bạn có thể đọc qua ở đây [3]. Các bạn có thể viết mã R giải phương trình, và kết quả là từ 4.99% đến 5.34%, tức vẫn cao hơn cái tỉ lệ 5% của WHO khuyến cáo.
Tuy nhiên, cần nói thêm rằng đây là tỉ lệ ở những người có nguy cơ cao, vì cách lấy mẫu tập trung vào nhóm có nguy cơ cao. Do đó, tỉ lệ thật của toàn dân số thành phố có thể thấp hơn con số 5% này.
Ở Sydney, tỉ lệ dương tính ở người có nguy cơ trung bình và cao là chừng 0.5% [4]. Tỉ lệ ở Sài Gòn cao hơn Sydney gấp 10 lần. Do đó, khác với anh phó giám đốc Sở Y tế (cho rằng tỉ lệ này 'chấp nhận được'), tôi cho rằng tỉ lệ 5% đó đáng báo động.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN 26.08.2021
[1] TP.HCM test nhanh 170.000mẫu, 6.000 mẫu dương tính
[2] Handling and accuracy of four rapid antigen testsfor the diagnosis of SARS-CoV-2 compared to RT-qPCR
[3] Confidence curves and improved exact confidenceintervals for discrete distributions
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.