1. Có nhiều loại virus
Ngay trước giờ đến Hà Nội của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp, với lý do tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccin Vero Cell của Trung Quốc để chống lại virus corona đến từ Vũ Hán.
Sự kiện này làm nẩy sinh nhiều vấn đề, trong đó có sự nhắc nhở, rằng cùng lúc Việt Nam bị xâm hại từ nhiều loại virus, chứ không chỉ riêng từ virus corona.
2. Việt Nam có thừa kênh truyền hình?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Việt Nam có 133 kênh truyền hình trung ương và cấp tỉnh (không tính cấp huyện) được nuôi dưỡng bằng nguồn kinh phí nhà nước. Trong đó (không tính1 kênh nhưng được duy trì ở 2 kênh - thường và HD):
VTV (17) , VTC (15), Các cơ quan trung ương (6), các tỉnh thành (95).
Đó là chưa tính 71 kênh trả tiền của: VTVcab (26), SCTV (27), HTVC (9), HanoiCab (5), K+(4). Và cũng chưa tính đến 18 kênh của AVG cộng tác với các đài truyền hình khác.
Mỗi tỉnh thành có ít nhất là 1 kênh. Có những tỉnh thành có rất nhiều kênh. Chẳng hạn Bình Dương (9), TP HCM (7), Vĩnh Long (4), Đồng Nai (4). Theo báo Thanh Niên thì Việt Nam là quốc gia có nhiều đài truyền hình nhất thế giới. Không thể không nghĩ đến đổi mới hệ thống truyền hình Việt Nam.
3. « Bội thực » vì phim Trung Quốc
Trừ các kênh truyền hình chuyên ngành tương tự như thể thao, còn lại tuyệt đại đa số các kênh truyền hình của Việt Nam đều chiếu phim Trung Quốc. Ngày nào cũng có phim Trung Quốc. Không kênh này thì kênh kia. Không thể thống kê cụ thể. Nhưng với hơn hai trăm kênh truyền hình nêu trên, ước tính hàng ngày có trên 50 kênh truyền hình của Việt Nam chiếu phim Trung Quốc. Có thể còn nhiều hơn nữa.
Có truyền hình nước nào trên thế giới chiếu phim Trung Quốc nhiều như Việt Nam?
Khán giả Việt Nam đang bội thực vì phim Trung Quốc.
4. Phim ảnh là một phương thức « xâm lược » mềm
Không tẩy chay bất kỳ ai. Nhưng có nhiều nước trên thế giới có phim, sao cứ mãi toàn chiếu phim Trung Quốc?
Nếu không có tiền mua phim thì chiếu phim Việt Nam hoặc thay bằng chương trình khác, hoặc cắt bớt chương trình, hoặc không phát. Thấy phim cho không mà chiếu, cũng không khác gì tiếc rẻ mà uống thuốc kháng sinh thừa.
Phim ảnh là một phương thức “xâm lược”.Trong phim ảnh có rất nhiều virus độc. Cho không cũng không chiếu. Vì bị “xâm lược”. Vì bị “ngộ độc”. “Xâm lược” và “ngộ độc” từ thơ bé cho đến già. “Xâm lược” và “ngộ độc” từ lúc nào không hay biết.
Đó là chưa nói đến những tiểu xảo cài cắm đường lưỡibò và chủ quyền biển đảo như trong các phim Everest - Người tuyết bé nhỏ hay Điệp vụ đỏ.
Các kênh truyền hình địa phương hãy nghĩ lại tình trạng đua nhau chiếu phim không mất tiền từ Trung Quốc. Bị “xâm lược” đã khó chống cự. Nhưng tự mình vô tình rước sự “xâm lược” thì còn khó cứu chữa hơn.
5. Không để bị áp đảo
Tự bỏ tiền ra làm truyền hình thì không dám bàn. Nhưng truyền hình được cấp từ kinh phí nhà nước là chuyện của toàn dân.
Truyền hình trung ương là của quốc gia. Trên truyền hình trung ương không nên để cho phim của một quốc gia nào thống soái, áp đảo - ngoài nước chủ nhà.
Lãnh đạo khác với người bị lãnh đạo ở tầm nhìn xa. Không thể không có những biện pháp thích hợp để thay đổi.
NGUYỄN NGỌC CHU 30.08.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.