mercredi 4 août 2021

Nguyễn Tập - Đêm giới nghiêm không nhà

 

Những ngày này, sau 18 giờ, Sài Gòn vắng tanh. Thành phố chìm trong im ắng, vắng lặng đến rợn người. Những con đường, hẻm nhỏ đèn tắt sớm. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe cứu thương chạy vụt qua cùng tiếng còi hụ đầy ám ảnh.

Chỉ còn đây đó dưới mái hiên, trên hành lang cầu, nơi giao lộ...là dáng ngồi, nằm co ro của những người vô gia cư.

***

Vòng lên quận 6, thấy anh Vy Minh Cường (39 tuổi, người gốc Hoa) đang nằm dưới hiên nhà trên đường Nguyễn Thị Nhỏ. Không mùng mền, chỉ có hai bao bố, một cái kê đầu, một cái để nhét chân vô nếu trời lạnh.


“Muỗi cắn không?”

“Muỗi nó quen mùi mình rồi, hổng cắn nữa”.

“Anh còn nhiêu?”

“Không còn một cắc, em nói dóc trời bắn luôn” nói rồi anh lộn hết túi trái, túi phải ra, không đồng nào.

“Lượm ve chai nhưng vựa không thâu nên cả tháng nay em vòng vòng ở đây người ta cho tiền, cho cơm. Tại cái dịch bệnh này nè, ai cũng hết tiền anh Cường thở dài.

Treo trên xe đạp là bao nilon đựng hai gói mì, một cái áo, mấy cái khẩu trang. Giấy tờ chỉ còn đúng tờ khai sanh. Tôi gởi anh chút tiền và hỏi dự định sắp tới. Anh Cường nài nỉ: “Giờ em chỉ cần có việc làm, nuôi ăn nuôi ở, lương có thì tốt, không thì thôi. Biểu em làm gì cũng được. Em thường ngủ chỗ này, có việc gì làm anh tới đây kêu em nha. Nhớ kêu nha!”

Nhìn ánh mắt của anh, tôi sợ. Đó là ánh mắt mong chờ tuyệt vọng, cầu cứu van lơn của những con vật (xin lỗi) sắp bị làm thịt -ánh mắt mà tôi đã gặp rất nhiều, rất nhiều trong đợt giãn cách này.


**

Càng về khuya muỗi càng nhiều, chị Nguyễn Thị Thành (41 tuổi, quê Tiền Giang) lồm cồm dậy, mò lấy chai kem chống muỗi đã cạn, đổ nước vào lắc lắc, xoa lên chân tay con gái.

Hai mẹ con chị trước trọ trên khu Chợ Lớn, hai tháng nay giãn cách, không kiếm ra tiền nên “người ta bóp ổ khóa lại, hai mẹ con ra đường ngủ”. Cha bỏ đi từ khi mới sinh ra, bé Nhàn (con chị Thành) 12 tuổi nhưng không biết chữ vì từ nhỏ đã mải miết theo mẹ kiếm sống.

“Giường” của hai mẹ con là chiếc xe đẩy được người ta cho mượn để đi lượm ve chai.

“Hồi Tết, hai mẹ con được người ta lì xì, gom lại mua được chiếc xe đẩy 1 triệu 2. Vừa rồi, em đi vô hẻm lượm, con bé ở ngoài nằm trên xe ngủ. Trời nóng nó xuống đất nằm nên bị ăn trộm kéo nguyên chiếc xe đi luôn, mang theo cả điện thoại, giấy chứng minh, giấy chứng sanh, và mấy trăm ngàn để dành. Giờ chỉ còn hai tờ giấy kiểm dịch (âm tính) hổm mấy ảnh mới bắt đi kiểm tra”, chị Thành kể.

“Ngày hôm nay chị ăn mấy bữa rồi?”

“Dạ có một bữa tối hà, nãy mới được từ thiện cho”.

“Chị còn nhiêu?”

“Hồi sáng còn 30 ngàn, mà mua đồ ăn cho con bé hết trơn rồi”. Không cần tôi nói, y như những người trước, chị tự động moi hết túi trước sau ra để chứng minh: “Đâu có nói dóc đâu”.

Có lẽ muỗi cắn quá, bé Nhàn đang ngủ chợt ngồi dậy gãi sột soạt.

Nhân tiện, tôi hỏi luôn: “Nhàn ơi, bây giờ con muốn gì?”

“Con muốn ở với mẹ”.

“Theo mẹ lượm ve chai thấy khổ không?”

“Dạ hông, đi với mẹ là vui hà. Con quen rồi, có khổ gì đâu”.

“Con muốn gì nhất?”, “Dạ, con muốn ăn gà”.

“Còn thèm gì nữa không?”

“Dạ hết rồi. Mà chú ơi, con buồn ngủ quá, con ngủ tiếp nha”, nói rồi con bé nằm xuống xe đẩy ngủ tiếp một cách ngon lành. Thỉnh thoảng, không biết nó mơ thấy gì mà cười rích rích...

Nè bé con, bữa sau chú sẽ mang cho con một con gà thiệt bự, thiệt ngon. Chú hứa!...


**

Nửa đêm, ngay ngã tư Lý Chính Thắng-Bà Huyện Thanh Quan, có ông già nằm ngủ cong queo, chân vắt lên tay lắc của chiếc xe lăn treo lủng lẳng mấy hộp cơm, bánh, khẩu trang... Ông già ngủ say, kêu mãi mới tỉnh. Thấy tôi, ông thoáng giật mình: “Hết hồn! Cậu làm tui tưởng công an. Nằm ở đây bị đuổi hoài hà”.

Từng có vợ và bốn con nhưng “thôi nhau lâu rồi, bây giờ mất hết liên lạc với gia đình”, ông Dương Thái Sơn (68 tuổi, quê Bình Định) vô Sài Gòn đã hơn 20 năm. Hồi mới vô ông đạp xích lô, sau bán vé số. Giãn cách, cấm vé số, mỗi ngày ông “lắc” xe lăn quanh khu Lý Chính Thắng, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế xin ăn.

Giọng nói ngọng nghịu, chân co quắp, liệt nửa người bên trái do bị tai biến mạch máu não, ông Sơn gần như gắn đời mình vào chiếc xe lăn. Do bị tê rút chân, đau nhức khớp thường xuyên nên cứ khoảng ba ngày ông lại tốn 100 ngàn “mua thuốc nhức khớp”.

Đang nói chuyện với tôi, ông chợt quơ tay ra bên hông xe lấy cái ly nhựa, khó nhọc kéo khóa quần rồi...tiểu vào đó: “Tui giờ vậy đó, đái thì vô ly, đi cầu thì lấy giấy báo lót vô bao nilon, đi vô đó xong rồi vất. Ăn, ngủ, *a, đái gần như tại chỗ”.

“Vậy chú tắm thế nào?”

“Mỗi tuần vào Chủ nhật, tui nhờ người đẩy xe tới vòi nước, bế tui xuống, hứng giùm xô nước, rồi tui tự tắm. Họ cũng giặt đồ giùm luôn. Mỗi lần như vậy, tui trả họ 100 ngàn”.

“Chú có số điện thoại không?”

“Tối ngủ bị ăn trộm lấy đồ hoài. Cứ năm, mười bữa là tụi nó ‘thăm’ tui một lần. Muốn tìm tui thì chỉ có cách đi vòng vòng khu này thôi”.

Ông Sơn kể, trước giờ cũng có nhiều người giúp đỡ. Người cho cơm, người cho tiền. Chiếc xe lắc lăn tay này cũng được người ta góp lại mua cho hồi năm ngoái.

“Bây giờ chú muốn điều gì?”

“Mong có người giúp cái thân già què này, gắn điện vô cái xe, chứ bây giờ tui yếu quá, mỗi lần lắc là muốn rụng rời cái tay. Mấy lần xuống dốc bị lật xe luôn, bà con phải mấy người mới đỡ lên giùm nổi, xe nặng lắm. Hổm cũng có người ghé thăm, hứa tặng cái xe lăn điện, rồi...đi luôn, chờ hoài hổng thấy”. 

***

Tôi rời đi và không hứa điều gì. Tôi không muốn lại gieo hy vọng vào ông già tội nghiệp này. Nhưng tôi biết và tin rằng, chúng ta có thể làm được điều gì đó cho ông già Sơn, cho hai mẹ con chị Thành, cho anh Cường, và cho những mảnh đời vô gia cư đang hụt hơi chìm dần trong cơn dịch bệnh này, có phải không?...

NGUYỄNTẬP 04.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.